Vốn cho nông nghiệp công nghệ cao thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
TCCS - Trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), việc phát triển nông nghiệp ở Việt Nam theo hướng công nghệ cao là tất yếu và cần thiết. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, Việt Nam phải giải nhiều “bài toán” không dễ, trong đó có “bài toán” về vốn. Và kênh tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao là một trong những “lời giải” cho “bài toán” về vốn hiện nay.
1- Trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 để phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, ngoài các điều kiện tự nhiên, như khí hậu, đất đai,... còn cần có các yếu tố: Một là, trình độ công nghệ, tức là có dây chuyền công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp, trong quản lý, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp... Trình độ công nghệ này có thể là sản phẩm sáng tạo trong nước hay nhập khẩu và có mô hình quản lý nông nghiệp tiên tiến theo chuỗi giá trị. Hai là, trình độ chung của nông dân để có thể sáng tạo hay tiếp thu những công nghệ tiên tiến. Ba là, các chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bốn là, vốn. Đây là yếu tố đầu vào không thể thiếu của nền nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng.
Do các yếu tố trên, vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao có những đặc điểm riêng:
Thứ nhất, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao cần nhiều vốn hơn so với nông nghiệp truyền thống (ví dụ hệ thống tưới tiêu, bón phân tự động, công nghệ phân tích được chất lượng đất, môi trường, độ ẩm; công nghệ bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp...).
Thứ hai, đầu tư vốn cho nông nghiệp công nghệ cao rủi ro cao hơn các ngành khác. Vì bản thân sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, thiên nhiên, tính mùa vụ, vào sự thành bại trong việc ứng dụng các công nghệ này.
Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi hút được nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện có một số kênh tạo vốn sau:
- Kênh vốn đầu tư của bản thân nông dân. Kênh vốn này thường nhỏ lẻ, dễ mất trắng trong tình trạng “được mùa mất giá” hiện nay.
- Kênh đầu tư từ ngân sách nhà nước. Kênh này chủ yếu là tạo môi trường cho phát triển nông nghiệp, như các công trình điện, nước, thủy lợi, xúc tiến đầu tư...
- Kênh vốn nước ngoài, như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Tuy nhiên, kênh này chỉ vào nước ta khi có những lợi ích thấy rõ của việc đầu tư, như lợi nhuận hoặc nhận được sản phẩm giá rẻ.
- Kênh thị trường chứng khoán. Kênh đầu tư này rất ít nông dân có được quy mô doanh nghiệp (DN) để giao dịch trên thị trường chứng khoán. Kiến thức và kinh nghiệm về thị trường chứng khoán của người nông dân còn rất hạn chế, do thị trường chứng khoán ở Việt Nam chưa phát triển.
- Kênh vay ngân hàng. Kênh này thường gặp khó khăn do phần đông nông dân còn nghèo, chỉ có đất nông nghiệp, không có vốn, không có công nghệ, không có tài sản thế chấp; các ngân hàng cũng chưa cho thế chấp bằng tài sản hình thành trong tương lai; thủ tục vay vốn phức tạp. Tuy nhiên, đây là kênh được trông chờ nhiều nhất của nông dân và các DN nông nghiệp.
- Kênh quỹ tín dụng nhân dân. Kênh này chủ yếu mang tính hỗ trợ lẫn nhau, do đó không có phạm vi và quy mô rộng lớn như tín dụng ngân hàng.
- Kênh xóa đói, giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Kênh này chỉ được thực hiện với các nông dân là hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra còn có một số kênh khác, như kênh các tổ chức tài chính vi mô, kênh “tín dụng đen”, kênh đầu tư vốn của các DN trong chuỗi giá trị - một kênh mới cần được khơi thông trong kinh tế thị trường hiện nay.
Trong các kênh trên cần đặc biệt quan tâm đến kênh tín dụng ngân hàng và kênh đầu tư vốn của các DN trong chuỗi giá trị.
Về đầu tư tín dụng, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng trưởng đều qua các năm, với tốc độ tăng trưởng bình quân 10 năm trở lại đây đạt gần 20% và luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế, trong đó năm 2017 và 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng nông nghiệp, nông thôn đạt mức 25,5% và 21,4%, cao hơn nhiều so với tốc độ 18,24% và 13,88% của tín dụng chung toàn nền kinh tế. Tháng 12-2018, dư nợ tín dụng cho lĩnh vực này đạt 1.786.353 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 25% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, mức cho vay tối đa đối với cá nhân, hộ gia đình không có tài sản bảo đảm đã được nâng lên đến 200 triệu đồng. Đến nay đã có khoảng 70 ngân hàng thương mại, hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Để phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần áp dụng các công nghệ tiên tiến và phải có quy mô tương đối lớn, không manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, vai trò của DN trong giải quyết vấn đề vốn cho nông nghiệp công nghệ cao là rất quan trọng. DN nông nghiệp kinh doanh nhiều hoặc toàn bộ các khâu trong chuỗi giá trị nông nghiệp: sản xuất - thu mua - chế biến - phân phối... Nếu tính tất cả các DN tham gia trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp thì đến thời điểm tháng 9-2018 cả nước có 49.600 DN, chiếm 8% tổng DN cả nước, trong đó có hơn 8.600 DN trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Dù tăng mạnh, nhưng hiện nay tổng số DN hoạt động trực tiếp trong ngành nông nghiệp vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ, khoảng 1% tổng số DN cả nước. Bên cạnh đó, số DN quy mô siêu nhỏ trong nông nghiệp lên tới hơn 95%, trong khi năng suất lao động lại chỉ bằng 38% năng suất lao động chung của cả nước. Chính điều này cũng gây cản trở tới nguồn vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực này.
Trong thực tế, có 4 hình thức DN bỏ vốn đầu tư cho nông nghiệp phân theo mối quan hệ với nông dân. Một là, DN tự đầu tư dưới hình thức tự bỏ tiền vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm trang trại lớn. Tuy nhiên, hình thức này sẽ nảy sinh vấn đề nông dân bán đất và chuyển đổi nghề nghiệp. Hai là, DN góp vốn, nông dân góp đất, góp công. Hình thức này vẫn duy trì việc làm cho nông dân trên đất của họ. Ba là, khuyến khích nông dân thành lập DN. Bốn là, DN hỗ trợ công nghệ, phân bón, giống,... cho nông dân.
Có thể nói, kênh đầu tư vốn cho nông nghiệp công nghệ cao của DN có ưu thế hơn vốn hoàn toàn do nông dân tự bỏ. Bởi, vốn của DN có thể từ vốn cổ phần do nhiều người góp lại nên lớn hơn vốn nhỏ lẻ của nông dân; các dự án của DN hay dự án liên kết với nông dân được xây dựng chuyên nghiệp, có quy mô và tính khả thi cao, dễ được ngân hàng chấp nhận khi cho vay vốn hay dễ thu hút được vốn từ những nhà đầu tư trong xã hội; các DN có vốn đối ứng tốt, thương hiệu mạnh, uy tín cao, có khả năng vay tín dụng ưu đãi, cũng như thu hút vốn nước ngoài tốt hơn. Về phía mình, ngân hàng sẽ yên tâm hơn khi cho DN vay, các ngân hàng thực hiện chính sách cho vay ưu đãi với nông nghiệp công nghệ cao tin tưởng các DN hơn về việc sử dụng tiền đúng mục đích vay.
2- Nhà nước ta xác định, nông nghiệp công nghệ cao là một lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Ở góc độ cơ quan quản lý ngành nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP, ngày 7-3-2017, của Chính phủ, về Việc triển khai gói tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 738, ngày 14-3-2017, quy định tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, danh mục công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp. Ngày 24-4-2017, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Ngân hàng Nhà nước công bố vào đầu năm 2017 nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía các ngân hàng thương mại. Từ gói tín dụng cam kết 100.000 tỷ đồng, hiện có 8 ngân hàng tham gia chương trình với tổng số vốn cho vay hỗ trợ lên đến 135.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng số vốn Agribank dự kiến dành cho gói tín dụng này là 50.000 tỷ đồng. Vietcombank, VietinBank và HDBank mỗi ngân hàng đăng ký gói tài trợ 10.000 tỷ đồng. Các ngân hàng còn lại, như Bắc Á, Sacombank, ACB,... đăng ký 55.000 tỷ đồng.
Với 73,6% tổng dư nợ đầu tư cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn, các dòng vốn từ Agribank đã trở thành nguồn lực quan trọng đối với việc phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp sạch, trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với tín dụng nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, doanh số cho vay đạt 21.390 tỷ đồng (trong gói tín dụng tối thiểu 50.000 tỷ đồng mà Ngân hàng dành cho nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao bắt đầu triển khai từ ngày 1-11-2016). Tuy nhiên, thực hiện chương trình này, “nút thắt” để được phê duyệt, giải ngân vốn nằm ở 2 khía cạnh: Thứ nhất, phía đi vay phải có chứng nhận là DN ứng dụng công nghệ cao. Thứ hai, phần lớn các yêu cầu phê duyệt từ phía cho vay đều đặt điều kiện DN phải có tài sản thế chấp, bảo đảm khoản vay. Song, “nút thắt” này từng bước được tháo gỡ khi Quyết định số 19/2018/QĐ-TTg, của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, quy định tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Kế tiếp, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung DN chưa được cấp giấy chứng nhận DN nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án.../.
Quan điểm của Ph. Ăng-ghen về tư duy lý luận và ý nghĩa đối với việc đổi mới tư duy về phát triển kinh tế thị trường hiện đại ở Việt Nam hiện nay  (19/01/2020)
Yêu cầu đổi mới quản lý nhà nước đối với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay  (12/01/2020)
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước  (29/12/2019)
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước  (29/12/2019)
Hàn Quốc - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN  (28/11/2019)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên