Gặp mặt, chúc mừng nguyên lãnh đạo ngành giáo dục; các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam
TCCS - Ngày 19-11-2019, tại Hà Nội, các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã tới thăm và chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987); GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS.VS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1987-1990); gặp mặt các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.
* Tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức buổi gặp mặt đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2019). Tham dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.
Cùng dự buổi gặp mặt có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung... cùng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.
Chúc mừng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình khẳng định, người thày, cô, những người trong ngành giáo dục luôn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, được trân trọng theo truyền thống và văn hóa đất nước. Những người thày, cô không chỉ truyền dạy kiến thức, văn hóa, mà còn là tấm gương, là người dạy làm người, nên người cho bao thế hệ công dân.
“Hơn thế, những đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo còn phải cùng chịu trách nhiệm về nền giáo dục nước nhà, về nguồn nhân lực của đất nước, vì chính chúng ta góp phần vào hình thành luật pháp, chính sách của lĩnh vực giáo dục; chính chúng ta giám sát, khảo sát và góp phần quyết định những chỉ tiêu quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Trách nhiệm càng nặng nề hơn, thì ngày nhà giáo càng có ý nghĩa hơn. Đây cũng là dịp chúng ta nhìn lại và cảm nhận sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, những đại biểu Quốc hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình chia sẻ.
Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vui mừng được gặp các vị đại biểu Quốc hội là nhà giáo, cán bộ quản lý đã và đang công tác trong ngành giáo dục do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội gửi tới toàn thể các vị đại biểu, các thày giáo, cô giáo và cán bộ quản lý những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong những năm qua, nhất là năm 2019 - năm cuối thực hiện “Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020” - sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước ta đã có sự chuyển mình tích cực, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Trước hết, phải kể đến việc hai dự án luật quan trọng là Luật Giáo dục (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc đổi mới căn bản, toàn diện và đưa giáo dục - đào tạo phát triển đúng định hướng là “quốc sách hàng đầu”, đóng góp tích cực cho sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể cùng 27 chương trình chi tiết các môn học theo hướng phát triển năng lực của người học đã được xây dựng cùng với việc chuẩn bị tích cực các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện vào năm học mới. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm chăm lo, đầu tư, tăng cường về số lượng, tiếp tục chuẩn hóa, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng hơn; chất lượng giáo dục phổ thông được nâng cao; kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đã được kịp thời rút kinh nghiệm để tổ chức an toàn, nghiêm túc…
“Có được những kết quả như vậy là nhờ sự quan tâm sâu sát của cả hệ thống chính trị cũng như sự động viên, khích lệ của toàn xã hội và với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành, trong đó có sự đóng góp lớn của các vị đại biểu Quốc hội là các thày giáo, cô giáo, cán bộ quản lý có mặt tại cuộc gặp mặt hôm nay”, Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu của ngành giáo dục - đào tạo, đồng thời biểu dương những đóng góp rất đáng trân trọng của các thày giáo, cô giáo đối với sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo nước nhà.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, việc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục mới chỉ đạt được những kết quả bước đầu, rất nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đang tiếp tục đặt ra; đồng thời tin tưởng sâu sắc rằng, với truyền thống quý báu của dân tộc: “hiếu học”, “tôn sư trọng đạo”…, với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu không mệt mỏi, đặc biệt là các thày giáo, cô giáo, toàn ngành giáo dục - đào tạo sẽ vượt qua mọi khó khăn để từng bước đưa nền giáo dục nước nhà phát triển sánh ngang với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước trong giai đoạn mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh nào, các thế hệ Nhà giáo Việt Nam vẫn hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả của mình với tinh thần: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo” như lời Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói.
Kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động trong ngành giáo dục - đào tạo; chúc sự nghiệp giáo dục và đào tạo nước nhà ngày càng phát triển; chúc các thày giáo, cô giáo ngày càng gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.
** Cùng ngày, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã đến thăm, chúc mừng đồng chí Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987); GS, TS. Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; GS, VS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1987-1990). Cùng đi có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Võ Văn Thưởng gửi lời chúc sức khỏe, tri ân đến đồng chí Nguyễn Thị Bình, đồng chí Nguyễn Thị Doan và đồng chí Phạm Minh Hạc - những thế hệ đi trước có nhiều công lao đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Nhấn mạnh Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến giáo dục - lĩnh vực rất quan trọng đối với sự phát triển của đất nước - đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về vấn đề giáo dục, gần đây nhất là Nghị quyết số 29-NQ/TW, về "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Toàn ngành giáo dục đã đạt nhiều thành tựu to lớn, tuy nhiên so với quá trình phát triển của đất nước còn rất nhiều vấn đề cần cố gắng và phải có lộ trình thực hiện.
Trân trọng nhắc tới công lao đóng góp của các đồng chí cho nền giáo dục nước nhà, đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, lâu nay, chúng ta biết đến đồng chí Nguyễn Thị Bình trên các cương vị là nhà ngoại giao giỏi, là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và cũng không quên những đóng góp của đồng chí trên cương vị nguyên là Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987). GS, TS. Nguyễn Thị Doan là người luôn gắn bó với sự nghiệp giáo dục nước nhà, từng là Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, trải qua nhiều cương vị công tác, dù được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chính sách theo quy định vẫn tiếp tục có những cống hiến, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục khi làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, những đóng góp của GS, VS. Nhà giáo Nhân dân Phạm Minh Hạc cho ngành giáo dục suốt nhiều năm qua là rất to lớn. Hiện nay, dù đã nghỉ hưu nhưng Giáo sư vẫn luôn dành tâm huyết, trí tuệ của mình cho sự nghiệp phát triển giáo dục của nước nhà. “Đến chúc mừng các đồng chí và các thày, cô cũng là dịp để học hỏi và tiếp thu nhiều ý kiến quý báu góp ý cho công tác lãnh đạo, quản lý giáo dục - đào tạo trong thời gian tới”, đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định.
Đồng chí Võ Văn Thưởng mong muốn, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từng giữ những chức vụ quan trọng trong ngành giáo dục luôn khỏe mạnh để tiếp tục đóng góp những kinh nghiệm quý báu của mình cho sự nghiệp phát triển của nền giáo dục nước nhà.
Cảm ơn những lời chúc tốt đẹp từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như từ đồng chí Võ Văn Thưởng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thị Bình, đồng chí Nguyễn Thị Doan, đồng chí Phạm Minh Hạc tin tưởng, ngành giáo dục sẽ tiếp tục có những bước tiến mới trong tương lai; mong muốn và kiến nghị Đảng, Nhà nước quan tâm hơn nữa đến đời sống của giáo viên; nâng cao chất lượng dạy và học trong các bậc giáo dục…/.
Tâm Anh (tổng hợp)
Ấm áp niềm vui Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên mọi miền Tổ quốc  (18/11/2019)
Muốn phát triển bền vững và bao trùm cần tạo đột phá về quy mô, chất lượng giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam  (17/11/2019)
Vốn tín dụng chính sách - một trụ cột trong thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững tại Thái Bình  (13/11/2019)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay