Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 25 đến 31-3-2019)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
15:58, ngày 03-04-2019

TCCSĐT - Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019, cầu trong nước vẫn khá ổn định, tiêu dùng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.


Phát hiện nhiều sai phạm tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam

Thanh tra Bộ Tài chính vừa có kết luận chính thức về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV).

Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh, việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại tổng công ty này. ACV hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 01-4-2016 với các ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, bao gồm đầu tư, quản lý vốn đầu tư, trực tiếp sản xuất, kinh doanh tại các Cảng hàng không sân bay; đầu tư khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị Cảng hàng không, cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không, an toàn hàng không; cung ứng các dịch vụ bảo dưỡng tàu bay; xây dựng tư vấn sửa chữa bảo trì, lắp đặt các công trình xây dụng, các trang thiết bị...

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của ACV cho thấy, vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31-12-2017 là hơn 27.384 tỷ đồng; tổng nợ phải trả lên tới 21.778 tỷ đồng; doanh thu và thu nhập là 15.236 tỷ đồng; tổng chi phí là 9.892 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế là 5.343 tỷ đồng.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết sau khi đã tiến hành thanh tra tại Công ty mẹ-Tổng công ty và 4 doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp có vốn đầu tư từ Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam gồm: Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP; Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất; Công ty Cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam; Công ty Cổ phần Dịch vụ mặt đất Sài Gòn cho thấy quản lý công nợ còn nhiều vấn đề.

Tại 5 doanh nghiệp được thanh tra, nợ phải thu tại thời điểm 31-12-2017 là 8.020 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả thanh tra cho thấy có 4/5 doanh nghiệp được thanh tra chưa thực hiện đối chiếu, xác nhận đầy đủ nợ phải thu với số tiền 943 tỷ đồng, chiếm 11,8% tổng nợ phải thu.

Thanh tra Bộ Tài chính cho biết nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị đã gửi bản xác nhận nợ nhưng đến thời điểm 31-12-2017 các khách nợ chưa gửi lại cho các đơn vị.

Một số khách hàng chủ yếu là các hãng hàng không nước ngoài đã gửi biên bản xác nhận nợ nhưng các hãng này không gửi lại hoặc không thể liên hệ được với khách hàng do đã thay đổi địa chỉ đăng ký kinh doanh...

Thanh tra Bộ Tài chính cũng chỉ ra Công ty mẹ-Tổng công ty chưa kịp thời xử lý để thu hồi 16 tỷ đồng là khoản tiền đã ứng và thanh toán cho các nhà thầu của một số hạng mục đã dừng thi công.

Dù đến tháng 7-2017, ACV đã đôn đốc, đối chiếu xác nhận công nợ, lập hồ sơ quyết toán, nhưng một số nhà thầu đã không còn hoạt động tại địa chỉ làm việc, do đó khoản công nợ này khó có khả năng thu hồi.

Bên cạnh đó, về việc quản lý tài sản cố định, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính cũng chỉ ra có 2/5 doanh nghiệp được thanh tra hạch toán tăng chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 với số tiền 6 tỷ đồng.

Trong số đó, tại Công ty mẹ-Tổng công ty ACV số tiền hơn 5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Nguyên nhân được Thanh tra Bộ đưa ra là do Công ty mẹ-Tổng công ty xác định thời gian khấu hao tài sản cố định của nhà ga VIP, máy móc thiết bị..., không nằm trong khung khấu hao theo quy định.

Thanh tra về phần chi phí khấu hao tài sản cố định, Bộ Tài chính cũng cho hay, ACV đã trích chi phí khấu hao tăng không đúng dẫn đến xác định thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2017 là 1 tỷ đồng.

Trước hàng loạt sai phạm, Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị định ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng; trong đó, chênh lệch thu - chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Một số công ty còn kê khai thiếu số phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 297,8 tỷ đồng; trong đó, thuế giá trị gia tăng là 3,8 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 2,2 tỷ đồng; tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 291,7 tỷ đồng.

Đồng thời, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ACV; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty được thanh tra tổ chức thực hiện các kiến nghị và các biên bản thanh tra, gửi báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Tài chính trước ngày 31-3.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 của Quốc hội và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng, nợ xấu đã bán cho Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu năm 2019.

Cụ thể, yêu cầu các tổ chức tín dụng triển khai quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 01 ngày 08-01-2019 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 và Chỉ thị số 05 ngày 17-9-2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng nghiêm túc thực hiện kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro khi bán nợ cho VAMC.

Cùng với đó, văn bản cũng đề nghị các tổ chức tín dụng thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật để phản ánh đúng kết quả hoạt động kinh doanh; thường xuyên rà soát tình hình thực tế của các khoản nợ đang dự thu lãi, đặc biệt các khoản lãi có dự thu lớn để kịp thời thoái lãi thu đối với các trường hợp khó có khả năng thu hồi...

Thống đốc yêu cầu định kỳ rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 chi tiết cho năm 2019 và 2020; tích cực triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch tại phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt/chấp nhận.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn (bao gồm các khoản nợ xấu đã hạch toán ngoại bảng), tài sản bảo đảm cho các khoản nợ này, khả năng thu hồi nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã đã bán cho VAMC.

Tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; tăng cường tính minh bạch, công khai trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là hoạt động cấp tín dụng. Khẩn trương xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vi phạm giới hạn về tỷ lệ sở hữu. Ngăn chặn, xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cổ đông/nhóm cổ đông lớn chi phối trong các tổ chức tín dụng.

Triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt là tại các chi nhánh của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng cũng phải đẩy mạnh công tác truyền thông; phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong xử lý nợ xấu.

Bảo đảm việc xử lý nợ xấu khách quan, minh bạch và không để xảy ra tiêu cực, sai phạm. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong quá trình bán nợ xấu theo giá thị trường, thu hồi tối đa giá trị tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu, giảm tổn thất về tài sản cho ngân hàng, đảm bảo tối đa lợi ích hợp pháp của các cổ đông.

Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42 cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định.

Kinh tế vẫn giữ được ổn định, chưa phải điều chỉnh các giải pháp

Chiều 28-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đánh giá tăng trưởng quý I năm 2019, xác định những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng trong những tháng còn lại; đồng thời, xác định những vướng mắc trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh, đề xuất giải pháp tháo gỡ.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, 3 tháng đầu năm 2019, cầu trong nước vẫn khá ổn định, tiêu dùng và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn giữ được mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ.

Vốn FDI đăng ký và đăng tăng thêm tăng 82,6%, vốn FDI thực hiện tăng 6,2% so với cùng kỳ 2018. Tuy nhiên, xuất khẩu tăng chậm lại đáng kể (theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đến 15-3 chỉ tăng 5,4% so với cùng kỳ 2018, trong khi mức tăng của cùng kỳ năm 2018 là 26,5%); nền kinh tế xuất siêu 500 triệu USD.

Xuất khẩu tăng thấp tập trung ở nhóm hàng nông sản (gạo, tiêu, điều...), thủy sản, công nghiệp khai khoáng, điện thoại-điện tử-máy tính- linh kiện… ảnh hưởng đến tăng trưởng sản xuất công nghiệp.

Theo ước tính của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng GDP quý I năm 2019 có thể khoảng 6,3-6,5%, mặc dù thấp hơn mức tăng đột biến 7,45% của quý I năm 2018 nhưng vẫn cao hơn mức tăng trưởng quý I kể từ năm 2009.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới kém thuận lợi đối với tăng trưởng kinh tế trong nước và diễn biến lạm phát cần được theo dõi sát sao, Ngân hàng Nhà nước đã bám sát các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng như diễn biến thị trường để điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất nhập khẩu tăng trưởng thấp hơn mức kỳ vọng, ước 3 tháng tăng 4,7% trong khi mức kỳ vọng là 9%. Tuy thấp hơn dự báo nhưng là sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp cũng như của cả nền kinh tế, trong bối cảnh đa số các nước xung quanh đều giảm hoặc tăng rất thấp.

Nhìn về cuối năm, Bộ Công Thương tin tưởng vẫn đảm bảo được chỉ tiêu Quốc hội đề ra là sản xuất công nghiệp tăng trưởng 9-10%, xuất khẩu tăng từ 8-10% do còn dư địa trong một số ngành như thép, ôtô, nhiệt điện, da giày, dệt may, nông-lâm-thủy sản…

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng đánh giá kinh tế trong nước vẫn giữ được ổn định, chưa phải điều chỉnh các giải pháp đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước.

Về các chính sách kinh tế vĩ mô, các thành viên cho rằng các bộ, ngành điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác nhằm giữ ổn định lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Giá trị đồng tiền và lãi suất liên ngân hàng ổn định, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018 góp phần kiểm soát lạm phát. Tỷ giá ổn định, thu ngân sách nhà nước khả quan ở các lĩnh vực, tăng 12,3% so với cùng kỳ, bằng hơn 1/4 kế hoạch thu của cả năm.

Công tác khắc phục, xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh, giảm mạnh so với thời điểm cuối năm 2016. Nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia cũng trên đà giảm. Các thành viên Hội đồng đề nghị kiên trì thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết số 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ (về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021), nhưng trên tinh thần nắm bắt kịp thời các diễn biến ở trong nước và thế giới để cập nhật các giải pháp điều hành.

Để bảo đảm tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tháo gỡ các vướng mắc trong Luật Quy hoạch, sớm hoàn thiện chính sửa Luật Đầu tư công, xây dựng mô hình Quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ đạo các địa phương bố trí vốn cho Quỹ này ở địa phương.

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình lớn, trọng điểm ở các cấp; đẩy mạnh việc đầu tư của tư nhân bằng giải pháp các địa phương lập danh mục các dự án để tập trung thúc đẩy đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác.

Cho rằng cuộc họp này có ý nghĩa quan trọng, các thành viên Hội đồng gồm các chuyên gia hàng đầu về kinh tế đã tham vấn cho Chính phủ nhiều nội dung quan trọng trong điều hành kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới đầu năm 2019 có nhiều biến động, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tiếp thu các ý kiến góp ý, cho biết Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp phù hợp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, đảm bảo các chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội đã đề ra.

Giá dầu thế giới ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong một thập niên

Tuần qua, thị trường dầu mỏ thế giới biến động nhẹ, song tính chung cả quý, giá mặt hàng này ghi nhận quý tăng mạnh nhất trong một thập niên do lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Venezuela cùng với chương trình cắt giảm sản lượng của các nhà sản xuất.

Trong phiên đầu tuần (25-3), giá dầu giảm nhẹ khi những lo ngại về đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, trong đó có Nga, cắt giảm sản lượng khai thác dầu cũng vẫn góp phần hỗ trợ giá dầu trong phiên này. Saudi Arabia đang nỗ lực thúc đẩy giá dầu Brent tăng vượt mức 70 USD/ thùng.

Sang phiên giao dịch ngày 26-3, giá dầu đi lên giữa lúc thị trường hướng sự chú ý tới các yếu tố địa chính trị, đặc biệt các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm giảm mạnh lượng xuất khẩu dầu của Venezuela, cũng như lượng dầu dự trữ ngày càng giảm sút của Mỹ. Đến phiên ngày 27-3, giá dầu quay đầu giảm sau số liệu cho thấy lượng dầu dự trữ tại các kho ở Mỹ trong tuần trước tăng nhiều hơn dự kiến, do sự cố tràn hóa chất ở Texas đã làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã tăng khoảng 2,8 triệu thùng/ngày, trái ngược với dự đoán giảm 1,2 triệu thùng/ngày của các nhà phân tích. Cũng theo EIA, xuất khẩu dầu thô đã giảm 506.000 thùng/ngày. Tuy vậy, việc hoạt động xuất khẩu của Venezuela bị gián đoạn cũng đã giúp hạn chế phần nào sự sụt giảm của giá dầu.

Giá dầu gần như "đi ngang" trong phiên giao dịch ngày 28-3, sau khi có thời điểm giảm xuống giữa bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC tăng sản lượng dầu thô để hạ giá "vàng đen". Trong phiên cuối tuần (29-3), giá dầu tăng khoảng 1% và khép lại quý I-2019 với mức tăng cao nhất kể từ quý II-2009. Chốt phiên này, giá dầu Brent giao tháng Năm tăng 57 xu (0,8%) lên 68,39 USD/thùng, ghi dấu mức tăng trong quý 27%; còn hợp đồng giao tháng Sáu tăng 48 xu lên 67,58 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 84 xu (1,42%) lên 60,14 USD/thùng, ghi nhận mức tăng 32% trong quý I-2019.

Giá dầu đã tăng hơn 25% trong năm nay, trong đó cả giá dầu ngọt nhẹ Mỹ và giá dầu Brent đều đang hướng đến quý tăng mạnh nhất kể từ năm 2009, chủ yếu là nhờ các biện pháp cắt giảm sản lượng của OPEC và các nước đồng minh như Nga. Tuy nhiên, Saudi Arabia đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục Nga duy trì thỏa thuận này lâu hơn. Về phía mình, các nguồn tin thân cận với vấn đề này cho biết Moskva có thể sẽ chỉ đồng ý gia hạn thêm ba tháng nữa. Bên cạnh đó, các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran đã hạn chế hoạt động xuất khẩu dầu của các nước này và đẩy giá dầu trong năm nay.

Washington đã yêu cầu các công ty lọc dầu và trung tâm giao dịch "vàng đen" trên toàn thế giới cắt giảm hơn nữa các giao dịch với Venezuela để tránh phải đối mặt với lệnh trừng phạt. Tuần này, Mỹ cũng gia tăng sức ép đối với Iran, khi tiến hành xem xét hoạt động xuất khẩu của nước này cũng như những chiến lược được Tehran áp dụng để tránh trừng phạt.

Ngân hàng Barclays dự báo giá dầu sẽ vẫn ở mức cao trong quý II-2019, với giá dầu Brent ở mức 73 USD/thùng, còn giá dầu WTI là 65 USD/thùng. Ngân hàng này cho rằng giá dầu sẽ giữ ở mức 70 USD/thùng trong năm nay. Trong khi đó, theo một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành, các nhà kinh tế dự báo giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 67,12 USD/thùng trong năm 2019, tăng 1% so với dự báo trong cuộc khảo sát trước (66,44 USD/thùng).

7 quốc gia EU bị liệt vào danh sách đen 'thiên đường thuế'

Ủy ban chuyên trách về chống trốn thuế của Nghị viện châu Âu (EP) vừa ra báo cáo mới nhất cho thấy có tới 7 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) bị liệt vào danh sách “thiên đường thuế”.

Các quốc gia này gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Cyprus, Hungary, Ireland và Malta.

Bên cạnh việc yêu cầu các nước nêu trên phải có biện pháp ngặn chặn hoạt động trốn thuế, báo cáo cũng yêu cầu loại bỏ các thị thực “vàng” (tình trạng mua bán thị thực nhập cảnh vào châu Âu với giá cao).

Tất cả các đề đề xuất trên đã được EP thông qua tại phiên họp toàn thể vào ngày 26-3, với 505 phiếu thuận, 63 phiếu chống và 87 phiếu trắng.

Trước đó ngày 12-3, EU đã nhất trí bổ sung 10 cái tên mới vào danh sách các "thiên đường thuế", trong đó có các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và một số vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Anh và Hà Lan.

Danh sách các quốc gia bị liệt vào "danh sách đen" này bao gồm đảo Aruba của Hà Lan, Barbados, Belize, vùng lãnh thổ hải ngoại Bermuda của Anh, Fiji, quần đảo Marshall, Oman, UAE, Vanuatu và Dominica.

Bản danh sách hiện tại chỉ bao gồm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Samoa, Trinidad and Tobago cùng với ba vùng lãnh thổ của Mỹ là Samoa, Guam, và quần đảo Virgin.

Danh sách các "thiên đường thuế" bao gồm những quốc gia thể hiện năng lực yếu kém trong nỗ lực chống nạn rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Ý tưởng lập danh sách này của EU được khởi xướng từ tháng 4-2016 sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," trong đó Hiệp hội các nhà báo điều tra quốc tế phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới.

Đến tháng 12-2017, 28 nước thành viên EU đã lập danh sách đen các thiên đường trốn thuế này. Những quốc gia cam kết thay đổi các quy định thuế trước một thời hạn chót được EU đặt ra sẽ được đưa ra khỏi danh sách này./.