Tổng quan tình hình kinh tế nước ta năm 2018
Cải thiện chất lượng tăng trưởng
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV năm 2018 ước tính tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước. GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012-2018, khẳng định xu thế chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, mặt khác giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường xuất khẩu được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất của khu vực này. Trong đó, ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, là mức tăng cao nhất của giai đoạn 2012-2018, đóng góp 0,36 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%, đóng góp 0,22 điểm phần trăm; ngành lâm nghiệp tăng 6,01% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,05 điểm phần trăm.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2018 duy trì mức tăng trưởng khá với 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực này và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng cao 12,98%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm. Ngành công nghiệp khai khoáng vẫn tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế nhưng mức giảm đã được thu hẹp đáng kể so với mức giảm 7,1% của năm trước. Ngành xây dựng năm nay duy trì được mức tăng trưởng khá với tốc độ 9,16%, đóng góp 0,65 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ tăng 7,03%, tuy thấp hơn mức tăng 7,44% của năm trước nhưng cao hơn so với các năm 2012-2016. Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm năm 2018 như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước, là ngành có tốc độ tăng cao nhất trong khu vực dịch vụ, cũng là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế (0,92 điểm phần trăm); hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,21%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 6,78%, đóng góp 0,29 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,85%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,33%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm.
Quy mô nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017. Về cơ cấu nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,57% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 34,28%; khu vực dịch vụ chiếm 41,17%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,98% (cơ cấu tương ứng của năm 2017 là: 15,34%; 33,40%; 41,26%; 10,0%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2018, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,17% so với năm 2017; tích lũy tài sản tăng 8,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 14,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 12,81%.
Năm 2018, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP đạt 43,50%, bình quân 3 năm 2016-2018 đạt 43,29%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015. Năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD/lao động, tăng 346 USD so với năm 2017); năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, cao hơn nhiều mức tăng 5,29% của năm 2016 và xấp xỉ mức tăng 6,02% của năm 2017 do lực lượng lao động được bổ sung và số lao động có việc làm năm 2018 tăng cao.
Hiệu quả đầu tư được cải thiện với nhiều năng lực sản xuất mới bổ sung cho nền kinh tế. Chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) giảm từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017 và 5,97 năm 2018, bình quân giai đoạn 2016-2018 hệ số ICOR ở mức 6,17, thấp hơn so với hệ số 6,25 của giai đoạn 2011-2015.
Tình hình đầu tư, hoạt động của doanh nghiệp
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 1.856,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2% so với năm trước (quý IV đạt 606,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,5%), bằng 33,5% GDP, bao gồm: Vốn khu vực Nhà nước đạt 619,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,3% tổng vốn và tăng 3,9% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 43,3% và tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 434,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,4% và tăng 9,6%.
Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện năm 2018 ước tính đạt 324,9 nghìn tỷ đồng, bằng 92,3% kế hoạch năm và tăng 12,5% so với năm trước (năm 2017 bằng 93,9% và tăng 6,6%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, bằng 89,9% kế hoạch năm và giảm 6,1% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 265,6 nghìn tỷ đồng, bằng 92,8% kế hoạch năm và tăng 17,7%.
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20-12-2018 thu hút 3.046 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 17.976,2 triệu USD, tăng 17,6% về số dự án và giảm 15,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, có 1.169 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 7.596,7 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong năm 2018 đạt 25.572,9 triệu USD, giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2018 ước tính đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017. Trong năm 2018 còn có 6.496 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,89 tỷ USD, tăng 59,8% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có 1.113 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 4,25 tỷ USD và 5.383 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 5,64 tỷ USD.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2018 có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 376,2 triệu USD; 35 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 56 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) năm 2018 đạt 432,2 triệu USD, trong đó lĩnh vực tài chính, ngân hàng đạt 105,8 triệu USD, chiếm 24,5% tổng vốn đầu tư; lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 82,9 triệu USD, chiếm 19,2%; lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 52,3 triệu USD, chiếm 12,1%; lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 52,1 triệu USD, chiếm 12%. Trong năm nay có 38 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào 81,5 triệu USD, chiếm 18,9% tổng vốn đầu tư; Ô-xtrây-li-a 55,5 triệu USD, chiếm 12,8%; Hoa Kỳ 53 triệu USD, chiếm 12,3%.
Về hoạt động của doanh nghiệp, năm 2018, cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 11,3 tỷ đồng, tăng 10,2%. Nếu tính cả 2.408,8 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong năm 2018 là 3.886,9 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 34.010 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 28,6% so với năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm nay lên gần 165,3 nghìn doanh nghiệp. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới năm 2018 là 1.107,1 nghìn người, giảm 4,7% so với năm trước.
Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 là 90.651 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với năm trước, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 25,1% và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, tăng 63,4%. Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong năm 2018 là 16.314 doanh nghiệp, tăng 34,7% so với năm trước, trong đó 14.880 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 91,2% và tăng 34,2%.
Xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp ngày càng cải thiện. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV-2018 cho thấy: Có 44,7% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV-2018 tốt hơn quý trước; 16,9% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 38,4% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Dự kiến quý I-2019 so với quý IV-2018, có 47,3% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên; 14,9% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 37,8% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.
Xuất, nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ
Tính chung cả năm 2018, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 244,72 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 69,20 tỷ USD, tăng 15,9%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 175,52 tỷ USD, tăng 12,9%, chiếm 71,7% (giảm 0,6 điểm phần trăm so với năm 2017). Loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 tăng 12,7% so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD (Điện thoại và linh kiện đạt 50 tỷ USD, tăng 10,5%; hàng dệt may đạt 30,4 tỷ USD, tăng 16,6%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 29,4 tỷ USD, tăng 13,4%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,5 tỷ USD, tăng 28%; giày dép đạt 16,3 tỷ USD, tăng 11%). Nhìn chung, tỷ trọng xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực chủ yếu vẫn thuộc về khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó: Điện thoại và linh kiện chiếm 99,7%; điện tử, máy tính và linh kiện 95,6%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng 89,1%; hàng dệt may 59,9%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng nông sản, thủy sản trong năm 2018 cũng tăng khá: Thủy sản đạt 8,8 tỷ USD, tăng 6,3%; rau quả đạt 3,8 tỷ USD, tăng 9,2%; cà phê đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,2% (lượng tăng 20,1%); gạo đạt 3,1 tỷ USD, tăng 16% (lượng tăng 4,6%). Một số mặt hàng nông sản tuy lượng xuất khẩu tăng nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm nên kim ngạch giảm so với năm trước: Hạt điều đạt 3,4 tỷ USD, giảm 3,9% (lượng tăng 6,2%); cao su đạt 2,1 tỷ USD, giảm 6,1% (lượng tăng 14,5%); hạt tiêu đạt 757 triệu USD, giảm 32,2% (lượng tăng 8,1%). Dầu thô tính chung cả năm 2018 tiếp tục giảm mạnh về cả lượng và kim ngạch xuất khẩu so với năm trước: Kim ngạch xuất khẩu dầu thô đạt 2,3 tỷ USD, giảm 21,2% (lượng giảm 39,5%).
Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu cả năm 2018 ước tính đạt 237,51 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước (quý IV đạt 64,37 tỷ USD, tăng 11,2%), trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 94,80 tỷ USD, tăng 11,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 142,71 tỷ USD, tăng 11,6%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu cả năm tăng 9,5% so với năm 2017.
Trong năm 2018 có 36 mặt hàng ước tính kim ngạch nhập khẩu đạt trên 1 tỷ USD, chiếm 90,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó có 4 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Nhiều mặt hàng phục vụ sản xuất, gia công, lắp ráp trong nước có kim ngạch tăng so với năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 42,5 tỷ USD, tăng 12,5%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 33,7 tỷ USD, giảm 0,5%; điện thoại và linh kiện đạt 16 tỷ USD, giảm 2,6%; vải đạt 12,9 tỷ USD, tăng 13,5%; sắt thép đạt 9,9 tỷ USD, tăng 9%; chất dẻo đạt 9,1 tỷ USD, tăng 20%; xăng dầu đạt 7,6 tỷ USD, tăng 7,8%; kim loại thường đạt 7,3 tỷ USD, tăng 24,9%; sản phẩm chất dẻo đạt 5,9 tỷ USD, tăng 8,1%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép đạt 5,7 tỷ USD, tăng 5,7%; hóa chất đạt 5,2 tỷ USD, tăng 25,2%.
Cán cân thương mại cả năm 2018 tiếp tục xuất siêu 7,2 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 32,8 tỷ USD. Năm 2018, khu vực kinh tế trong nước chuyển biến tích cực khi đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng lên so với năm 2017.
Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ năm 2018 ước tính đạt 14,8 tỷ USD, tăng 13,2% so với năm 2017 (quý IV đạt 3,7 tỷ USD, tăng 9,3%), trong đó dịch vụ du lịch đạt 10,1 tỷ USD (chiếm 68,1% tổng kim ngạch), tăng 13,4%; dịch vụ vận tải đạt 2,9 tỷ USD (chiếm 19,5%), tăng 14,6%. Kim ngạch nhập khẩu dịch vụ năm 2018 ước tính đạt 18,5 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm trước (quý IV 4,6 tỷ USD, tăng 5,7%), trong đó dịch vụ vận tải đạt 8,8 tỷ USD (chiếm 47,8% tổng kim ngạch), tăng 7,5%; dịch vụ du lịch đạt 5,7 tỷ USD (chiếm 31%), tăng 13,7%. Nhập siêu dịch vụ trong năm 2018 là 3,7 tỷ USD, bằng 24,9% kim ngạch xuất khẩu dịch vụ.
Một số lĩnh vực dịch vụ khác
Trong lĩnh vực dịch vụ tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2018 ước tính đạt 4.395,7 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (năm 2017 tăng 9,3%), trong đó quý IV-2018 đạt 1.161,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với quý trước và tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 ước tính đạt 3.306,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức và tăng 12,4% so với năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,3% và tăng 9,1%; doanh thu du lịch lữ hành ước tính đạt 41 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% và tăng 14,1% so với năm trước; doanh thu dịch vụ khác ước tính đạt 509,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,6% và tăng 9,8%.
Tính chung cả năm 2018, vận tải hành khách đạt 4.641,5 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với năm trước và 207,1 tỷ lượt khách.km, tăng 10,9%; vận tải hàng hóa đạt 1.634,7 triệu tấn, tăng 10% và 306,4 tỷ tấn.km, tăng 7,6%.
Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2018 đạt 395,8 nghìn tỷ đồng, tăng 7,3%. Tính đến cuối năm 2018, tổng số thuê bao điện thoại ước tính đạt 129,9 triệu thuê bao, tăng 2,3% so với năm trước, trong đó số thuê bao di động đạt 125,6 triệu thuê bao, tăng 3,8%; số thuê bao Internet băng rộng cố định ước tính đạt gần 13 triệu thuê bao, tăng 19,2% so với năm 2017.
Khách quốc tế đến nước ta năm 2018 ước tính đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 19,9% so với năm trước (tăng 2,6 triệu lượt khách); trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 12,5 triệu lượt người, tăng 14,4%; đến bằng đường bộ đạt 2,8 triệu lượt người, tăng 59,6%; đến bằng đường biển đạt 215,3 nghìn lượt người, giảm 16,8%. Khách từ châu Á đạt 12.075,5 nghìn lượt người, tăng 23,7% so với năm trước; khách đến từ châu Âu đạt 2.037,9 nghìn lượt người, tăng 8,1%; khách đến từ châu Mỹ đạt 903,8 nghìn lượt người, tăng 10,6% so với năm 2017; khách đến từ châu Úc đạt 437,8 nghìn lượt người, tăng 4%; khách đến từ châu Phi đạt 42,8 nghìn lượt người, tăng 19,2%./.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà chính trị, quân sự xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam  (28/12/2018)
Lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh gặp mặt cán bộ cao cấp Quân đội nghỉ hưu  (28/12/2018)
Tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng được chỉ đạo, triển khai quyết liệt  (28/12/2018)
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam  (28/12/2018)
Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy làm tăng sức mạnh chiến đấu của quân đội  (28/12/2018)
Họp Chính phủ thường kỳ tháng 12: GDP năm 2018 tăng kỷ lục ở mức 7,08%  (28/12/2018)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay