Huyện Thạnh Phú khắc phục hạn chế, giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn
TCCSĐT - Là huyện thuần nông, đất đai thường xuyên bị xâm nhập mặn gây ảnh hưởng xấu đến trồng trọt, nên huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) rất chủ động chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp. Nghị quyết số 26-NQ/TW, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết) đã tiếp thêm động lực mạnh mẽ phát triển nông nghiệp. Sau 10 năm triển khai Nghị quyết, huyện bước đầu đã tạo được diện mạo mới dù còn nhiều hạn chế. Thời gian tới, Thạnh Phú đề ra nhiều giải pháp triển khai Nghị quyết có hiệu quả hơn nữa.
Triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết sâu rộng
Cụ thể hóa Nghị quyết và Chương trình hành động số 25-CTr/TU của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, ngày 24-10-2008, Huyện ủy Thạnh Phú xây dựng Chương trình hành động số 38-CTr/HU và ngày 15-6-2009 Ủy ban nhân dân huyện xây dựng Kế hoạch số 40/KH-UBND để triển khai tại huyện. Theo đó, các chi, đảng bộ cũng cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế của ngành, địa phương mình; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện lồng ghép các chương trình, chủ trương đến từng ấp, tổ nhân dân tự quản và được đa số nhân dân đón nhận đồng tình; Hội nông dân huyện, xã xây dựng kế hoạch hoạt động, tổ chức triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Phát động nông dân đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; xây dựng mô hình làm lu và sản xuất bàn ghế xi măng, bó chổi cọng dừa, trồng rau sạch, sản xuất lúa sạch, xoài tứ quý, nuôi bò, dê sinh sản, các mô hình trồng xen, nuôi xen,... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập của người dân, hình thành nếp sống văn hóa, đoàn kết cộng đồng dân cư, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp hơn.
Thực tế cho thấy, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, lương thực, thực phẩm gia tăng do thâm canh tăng vụ, người dân biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp theo hướng tích cực, từng bước hình thành các phương thức sản xuất hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thực hiện theo chuỗi giá trị, cùng với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư nên diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thành tựu đạt được dù chưa đạt như mong muốn, song đã tạo được bước chuyển đáng ghi nhận, đó là:
Quá trình thực hiện tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại được triển khai rộng rãi. Trong trồng trọt, đất trồng lúa giảm do hiệu quả kinh tế mang lại thấp (tổng diện tích gieo trồng lúa năm 2017 chỉ còn 8.883 héc-ta, giảm 4.317 héc-ta so với năm 2007) đã được dịch chuyển sang trồng dừa, cây màu các loại và nuôi thủy sản; số đất giữ trồng lúa, tập trung sản xuất theo chất lượng “lúa hữu cơ” hình thành thương hiệu lúa sạch, đạt chuẩn châu Âu - Mỹ, có giá trị kinh tế cao. Các mô hình nuôi tôm càng xanh xen trong ruộng lúa, vườn dừa được nông dân áp dụng đã góp phần nâng cao giá trị thu nhập. Chăn nuôi phát triển theo hướng tập trung, quy mô, cơ cấu đàn vật nuôi chuyển dịch đúng hướng, mang lại lợi nhuận cao. Số lượng tổng đàn không ngừng được nâng lên (đàn bò có khoảng 40.682 con, tăng 70,21%; lợn 21.350 con, tăng 42,89%; gia cầm 487.000 con, tăng 85,88% và dê, cừu 24.196 con, tăng 427,15%...). Đặc biệt, nuôi tôm được mở rộng trên cả ba vùng nước mặn, lợ, ngọt (tổng diện tích nuôi 17.800 ha, tăng 3,62%; trong đó diện tích nuôi thâm canh khoảng 3.079 ha, tăng 286,61%). Các mô hình nuôi tôm - lúa, tôm - rừng tiếp tục phát triển. Huyện đầu tư thích đáng cho khai thác thủy sản, có 514 phương tiện được đăng kiểm thường xuyên tham gia đánh bắt, sản lượng khai thác đạt đến 12.800 tấn, tăng 132,73%.
Nông thôn mới đã được xây dựng tại 3 xã Đại Điền, Quới Điền và An Nhơn. Huyện hiện đang tiếp tục tập trung lãnh đạo triển khai xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 - 2020 tại các xã Thới Thạnh, Phú Khánh, Giao Thạnh và Tân Phong; các xã còn lại dự kiến sẽ đạt từ 6 đến 9 tiêu chí, với tốc độ tăng bình quân 2 tiêu chí/năm.
Thực hiện giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Huyện luôn giữ tốc độ giảm nghèo bình quân trên 2%/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều năm 2017 chỉ còn 11,86%, cận nghèo còn 5,06%, tỷ lệ tái nghèo dưới 1%/năm. Huyện tập trung nhiều cho chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống các loại dịch bệnh có hiệu quả không có dịch xảy ra trên diện rộng; chất lượng việc khám, chẩn đoán, điều trị bệnh được nâng cao. Quy mô giáo dục, mạng lưới trường lớp được quan tâm đầu tư, toàn huyện có 14/55 trường đạt chuẩn quốc gia, đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục đạt kết quả khá tốt, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%, tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 100%, tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 99,88%, tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên đạt 87,84%.
Và những hạn chế
Thứ nhất, phát triển nông nghiệp chưa thật sự mang tính bền vững. Sản phẩm hàng hóa chưa nhiều, quy mô nhỏ; chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa gắn với thị trường tiêu thụ; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp xanh, hữu cơ chưa nhiều. Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa được nhân rộng nhiều. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng đáp ứng sản xuất công nghệ cao, nước sạch, vệ sinh môi trường, phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Và một số địa phương chưa tập trung cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, chưa có giải pháp hiệu quả cho phát triển nông nghiệp.
Thứ hai, xây dựng nông thôn mới còn nhiều bất cập, đồ án quy hoạch chất lượng còn thấp chưa phát huy hiệu quả lợi thế phát triển nông nghiệp của từng địa phương, công tác quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch còn lúng túng. Cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch chậm, công nghiệp, thương mại, dịch vụ nông thôn chiếm tỷ trọng thấp; các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ ở nông thôn hoạt động hiệu quả chưa cao. Kinh tế hộ gia đình vẫn là chủ yếu, mang nặng tính tự cung, tự cấp, khó tiếp cận với các chính sách hiện hành. Thu hút cán bộ giỏi về nông thôn gặp nhiều khó khăn, do chính sách chưa đủ mạnh.
Thứ ba, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn chưa được cải thiện như mong muốn. Đời sống của người nông dân nhìn chung vẫn còn ở mức thấp, thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, giá trị gia tăng thấp. Một bộ phận nông dân vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước đầu tư nên chậm thích nghi với cơ chế thị trường. Chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm còn nhiều bất cập chưa gắn chặt với giải quyết việc làm và nhu cầu thị trường. Vai trò chủ thể của nông dân ở một số nơi chưa phát huy tốt; bản thân người nông dân còn thiếu tự tin, nhất là trong làm kinh tế.
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân. Về khách quan, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp; Giá cả đầu vào cho sản xuất liên tục tăng cao, trong khi giá nông sản thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định. Về chủ quan, nhận thức về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của một số cấp ủy, người đứng đầu một số nơi chưa thật sự đầy đủ nên chỉ đạo thiếu tập trung, thiếu kiên quyết trong triển khai Nghị quyết; Sự phối hợp giữa các ngành, các đoàn thể, các xã trong công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ, chưa kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc; Tính liên kết, hợp tác của nông dân trong sản xuất còn hạn chế, gây ảnh hưởng đến khả năng phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
Bài học kinh nghiệm
1- Quá trình triển khai Nghị quyết, mà cụ thể là đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải sâu rộng, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể.
2- Thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động của tỉnh, huyện, các địa phương cần linh hoạt đổi mới phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới gắn với đặc điểm, thực tiễn của địa phương, song vẫn bám sát quan điểm, mục tiêu Nghị quyết. Trong chỉ đạo, điều hành thực hiện Nghị quyết phải có trọng tâm, trọng điểm và hướng đến lợi ích của nông dân.
3- Làm tốt công tác vận động nhân dân, nêu cao vai trò của nhân dân trong mọi lĩnh vực, để người dân thật sự trở thành chủ thể và quyết định những công việc của mình, nhất là trong xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Tiếp tục triển khai Nghị quyết có hiệu quả hơn nữa
Phát huy những thành tựu đạt được, quyết tâm khắc phục những hạn chế, Đảng bộ, chính quyền Thạnh Phú quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực trước mắt và lâu dài; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, tạo sự chuyển biến nhanh ở các địa phương còn nhiều khó khăn; xây dựng nông thôn mới với kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 sẽ có tốc độ tăng trưởng nông - lâm - thủy sản đạt từ 3,5 đến 4%/năm; duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia. Phát triển nông nghiệp kết hợp với phát triển công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn trên 2,5 lần so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị quyết tâm triển khai các giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng; nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước; đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; hiệp hội nghề nghiệp. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp ủy để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn. Tiếp tục thực hiện tốt công tác cải cách hành chính; tăng cường đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã; đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn; tạo cơ chế và điều kiện thuận lợi cho nông dân tiếp cận các chương trình, dự án phục vụ sản xuất và nâng cao đời sống của cư dân nông thôn.
Hai là, đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Đẩy nhanh tiến độ quy hoạch sản xuất nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và lợi thế từng vùng, sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, duy trì diện tích đất lúa đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trước mắt và lâu dài. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, gắn sản xuất với chế biến và thị trường. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản.
Ba là, xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị hóa. Quy hoạch, bố trí lại dân cư nông thôn gắn với quy hoạch xây dựng công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở các vùng. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng, chú ý các xã còn nhiều khó khăn, bãi ngang, ven biển. Phát triển mạng lưới đô thị theo quy hoạch; tiếp tục thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xóa nhà tạm, dột nát, thực hiện chương trình nhà ở cho nhân dân; xắp xếp, bố trí lại dân cư ra khỏi vùng sạt lở ven sông, ven biển.
Bốn là, đổi mới cơ chế, chính sách và tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển nông thôn gắn với xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Rà soát, điều chỉnh cơ cấu đầu tư ngân sách, tăng đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Quản lý và sử dụng có hiệu quả đất đai theo quy hoạch, kế hoạch. Điều tiết, phân bổ ngân sách hợp lý cho các địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp và địa phương thuần nông, nhất là chuyên trồng lúa; tăng cường hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản hàng hóa; tiếp tục ưu tiên nguồn vốn tín dụng và khuyến khích các ngân hàng cho vay ưu đãi đối với nông nghiệp, nông thôn. Có chính sách ưu đãi đủ mạnh nhằm khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trước mắt cần có chính sách trong tiêu thụ sản phẩm để giúp huyện thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Năm là, đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Đổi mới và xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Có chính sách khuyến khích phát triển các mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm, để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hóa lớn. Phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác phù hợp với cơ chế thị trường; hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý, lao động trong phát triển kinh tế tập thể; tiếp cận các nguồn vốn, trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường, xúc tiến thương mại và các dự án phát triển nông thôn; hợp tác xã phải làm tốt các dịch vụ đầu vào, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tạo môi trường thuận lợi để phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, sử dụng nguyên liệu và thu hút lao động tại chỗ, tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản cho nông dân.
Sáu là, chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phát triển nông sản chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, hướng tới xuất khẩu để mở rộng thị trường để hội nhập. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân; đồng thời, tập trung đào tạo nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ cơ sở, cán bộ làm công tác khuyến nông. Phát triển các chương trình về đào tạo nghề, nguồn nhân lực cho lao động nông thôn. /.
Trao tặng 238 xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh  (28/11/2018)
Trao tặng 238 xe lăn cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh  (28/11/2018)
EVNNPC: Khai mạc Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi năm 2018 - Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động  (28/11/2018)
EVNNPC: Khai mạc Hội thi An toàn vệ sinh viên giỏi năm 2018 - Hãy nghĩ về an toàn trước khi hành động  (28/11/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển