Kết nối du lịch với nông nghiệp và nguồn lực cộng đồng: Góc nhìn từ đồng bằng sông Cửu Long

Hoàng Tuyên(*), Nguyễn Sơn(**) (*) Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp – BSA (**) Tạp chí Cộng sản
23:45, ngày 04-07-2018

TCCSĐT - Là quốc gia có nguồn tài nguyên nông nghiệp nhiệt đới dồi dào, có nền văn minh nông nghiệp lâu đời, giàu sắc thái văn hóa, có nhiều món ngon trong dân gian nhưng nhiều năm qua, giữa nông nghiệp và du lịch nước ta chưa có nhiều ý tưởng kết nối, tương tác, cộng hưởng nguồn lực để cùng phát triển. Thực tế cho thấy, chỉ khi nào ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng “thuận thiên” mới có thể trở thành “đối tác chiến lược” bền vững với ngành du lịch và từ đó cùng nhau phát triển bền vững.

Năm 2017, với lưu lượng xấp xỉ 13 triệu lượt khách quốc tế, chưa kể 73,2 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch của ngành du lịch Việt Nam đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, tăng 25% so với năm 2016. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã đóng góp 7% vào GDP của đất nước. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) xếp Việt Nam đứng hàng thứ 6 trong 10 nước có mức tăng trưởng du lịch mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á về tốc độ phát triển du lịch. Năm 2018, ngành du lịch Việt Nam đề ra chỉ tiêu đón từ 15 - 17 triệu lượt khách quốc tế, nguồn thu mong đợi khoảng 620.000 tỷ đồng.

Những con số đưa ra khá lạc quan nhưng chưa nói lên được những giá trị có tính cốt lõi, dẫn dắt, bền vững một khi chưa đề cập đến những chuyển đổi của ngành du lịch gắn với sự chuyển đổi của ngành nông nghiệp vốn đang ngày càng có sức thu hút du khách trong và ngoài nước. Có thể nhận diện những điểm nhấn trong các loại hình chuyển đổi và tạo nhịp cầu xúc tiến, tương tác giữa những mối liên kết du lịch và nông nghiệp sinh thái ở một số địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước - trong thời gian gần đây

Vài góc nhìn về du lịch bền vững:

Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu 800 - 900 triệu USD thuốc bảo vệ thực vật. Nỗi ám ảnh dư lượng thuốc hóa học khiến không chỉ nông sản mà người làm ra nông sản cũng bị nghi ngờ. Thực trạng này làm cho ngành nông nghiệp khó có thể trở thành “đối tác chiến lược” với ngành du lịch để cùng nhau tạo ra sự phát triển bền vững.

Năm 1987, Ủy ban thế giới về môi trường và phát triển (Ủy ban Brussell) định nghĩa phát triển bền vững là “phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của hiện tại mà không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu cho thế hệ tương lai”. Theo định nghĩa này, ở những vùng sản xuất nông nghiệp “nghiện hóa chất”, hàng hóa không rõ ràng về chỉ dẫn địa lý, không thể truy xuất nguồn gốc, không ai chịu trách nhiệm về sản phẩm và dịch vụ sẽ khó phát triển du lịch. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này, cần có những góc nhìn mới trong phát triển du lịch.

Góc nhìn khai thác điều kiện có sẵn

Năm 2017, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đón hơn 22,4 triệu lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch hơn 11.310 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, qua phân tích thực tế, The Boston Consulting Group (BCG) - một công ty tư vấn chiến lược của Mỹ - nhận thấy chi tiêu bình quân của một du khách khi đến ĐBSCL vào khoảng 22 USD/ngày (chỉ bằng 75% mức bình quân chung của cả nước). Theo BCG, nếu có sự chuẩn bị cơ sở hạ tầng đủ tốt, lên chương trình tour chu đáo và điểm đến có nhiều câu chuyện thú vị, sâu lắng thì du khách có thể tăng mức chi tiêu bình quân lên 90 - 100 USD/khách/ngày.

Nhiều chuyên gia cùng chung nhận định: Vấn đề cốt lõi trong phát triển du lịch vùng ĐBSCL là phát triển du lịch phải đạt sự cân bằng về tài nguyên hiện có của vùng và kêu gọi sự tham gia của cộng đồng, vì chính cộng đồng là nguồn lực thực thi chiến lược du lịch. Sau đó mới nói tới kỹ năng, nghiệp vụ, hệ thống nhận diện, biểu tượng về du lịch - xem đây là đòn bẩy đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch trong và ngoài nước.

Góc nhìn cùng tạo dựng cái mới

Du lịch gắn với nông nghiệp bền vững được hiểu là cách cùng tạo dựng một hệ thống canh tác, nuôi trồng cân bằng tính ổn định của môi trường, tính phù hợp xã hội, tính khả thi về kinh tế, bảo đảm phát huy các nguồn lực từ thiên nhiên, bảo vệ giá trị truyền thống, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người địa phương và du khách… Những ý tưởng về phát triển du lịch phải có tính sáng tạo, tinh tế, nhân văn và chiến lược bài bản.

Du lịch bền vững bao gồm 3 trụ cột chính:

Thứ nhất, cam kết tăng cường sự phát triển ổn định và thịnh vượng của địa phương.

Thứ hai, khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế theo hướng bền vững lâu dài, tạo nên sự cân bằng về lợi ích kinh tế - xã hội cho các bên liên quan.

Thứ ba, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, tôn trọng các giá trị văn hóa xã hội, nguồn lực cộng đồng sở tại, bảo tồn các di sản văn hóa và giá trị truyền thống…

Những hướng đi mới

Thu hút du khách từ sinh cảnh và giá trị có sẵn

Cách đây ba năm, Dự án Farmtrip ở tỉnh An Giang được sự tài trợ, giúp đỡ của Tổ chức Nông dân Hà Lan (Agriterra) và Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam. Nhờ đó, An Giang tổ chức các điểm du lịch nông nghiệp ở xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên; giúp làng nghề thổ cẩm ở Srây Skốth, nghề làm cà ràng ở huyện Tri Tôn và nhiều làng nghề của đồng bào Khmer, món đặc sản “tung lò mò” của đồng bào Chăm ở Châu Giang sống lại; giúp làng bánh phồng, dưa xoài ở Chợ Mới, thương hiệu nếp Phú Tân trở thành sản phẩm tiềm năng cho Chương trình OCOP (mỗi làng xã một sản phẩm);...

Lần đầu tiên triển khai loại hình du lịch nông nghiệp, những “rào cản” dần hiện rõ do cơ sở hạ tầng không thuận tiện; nhiều nhà đầu tư có tiền nhưng thiếu kiến thức về sinh thái; những công trình bê tông phá vỡ sinh cảnh khiến cho việc bảo vệ môi trường khó khăn hơn. Cảnh những chiếc cầu vệ sinh trên ao, phơi sản phẩm trên nghĩa địa, mạnh ai nấy mở điểm đón du khách,… cũng khiến việc triển khai các mô hình gặp khó khăn. Thêm vào đó, chương trình khuyến nông gắn với hóa chất ra đời từ nhiều thập niên trước đã hằn sâu trong đầu khiến không ít người dân nông thôn còn mơ hồ, thậm chí nghi ngờ về nông nghiệp sinh thái. Các cơ quan xúc tiến du lịch, các phòng kinh tế hạ tầng cấp huyện cũng thiếu cách hướng dẫn cộng đồng làm du lịch, chưa chuẩn hóa các cơ sở dịch vụ có sẵn để hoạt động du lịch trở thành sinh hoạt mang tính thanh lịch, tử tế hơn.

Cơ quan điều phối dự án phải gỡ từng “nút thắt” bằng cách giải thích, thuyết phục bộ máy chính quyền. Các tổ chức của Hà Lan đã tài trợ các lớp huấn luyện sau khi người điều hành tổ chức mạng lưới điểm đón du khách thành một tổ chức có tên “Cộng đồng cùng mục tiêu”. Tổ chức này hướng dẫn cách định hình lại sản xuất theo hướng an toàn, chế biến hợp vệ sinh, sửa sang lại nhà cửa, giúp họ làm lại nhà vệ sinh, dạy cách tiếp khách, bày biện bàn ăn, chỗ nghỉ… Cuộc sàng lọc đó đã giúp giữ được 20 điểm đến.

Từ đó, dự án phát triển du lịch nông nghiệp do Hà Lan tài trợ đã đưa du khách tới cộng đồng theo tour Farmtrip, gắn du khách với sinh hoạt gia đình của nông dân (homestay). Với cách làm này, hầu hết du khách rất thích khi cùng đi chợ, cùng nấu nướng, cùng ăn, cùng ở và trò chuyện với gia chủ. Khác với kiểu du lịch tiện nghi, du lịch gắn với nông nghiệp sinh thái cho thấy những nhà nông làm du lịch biết cách điều chỉnh từ nhận thức tới hành vi để cải thiện sinh kế; tăng thu nhập phi chính quy từ giá trị cốt lõi là sự khác biệt, độc đáo, sáng tạo, an toàn ngay chính trên mảnh đất nông nghiệp của mình. Khi cộng đồng cùng có ý thức khôi phục những giá trị văn hóa đang mai một thì nhiều làng nghề truyền thống, thuần phong mỹ tục trong dân gian,… cũng sống lại.

Phải mất một thời gian dài để nâng cao tính chuyên nghiệp, nhưng cách tổ chức “Cộng đồng cùng mục tiêu” là cách đưa kiến thức đương đại, hữu ích vào làng quê thuận lợi, trôi chảy hơn. Cách làm này càng có ý nghĩa hơn khi có thể lồng ghép với quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để tạo ra OCOP (mỗi làng xã một sản phẩm) và trở thành một nguồn lực cho sự phát triển nông thôn bền vững. Đây cũng là một phương thức hữu hiệu để chính quyền và người dân địa phương thực thi các cam kết thiên niên kỷ liên quan tới giảm nghèo, bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc trong cộng đồng khi dự án này kết thúc.

Trang trại và những giá trị mới

Nền tảng liên kết ở Cần Thơ Farm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) phát triển từ ý tưởng xây dựng trang trại thủy canh, địa canh và tương lai ứng dụng khí canh theo nông nghiệp thẳng đứng. Nhiều người quan tâm tới mô hình này khi tìm kiếm nguồn thực phẩm an toàn. Điều đó đã kích hoạt chủ trang trại Nguyễn Văn Phong ý tưởng phát triển dịch vụ mới.

Với diện tích 6.000m2, trang trại Cần Thơ Farm của Nguyễn Văn Phong trồng rau an toàn, dưa lưới, tạo sinh cảnh sen “Vua”… Trong trang trại đó còn có nhiều lô đất nhỏ (mỗi lô có diện tích 1,5m x 6m) dành cho những gia đình từ nội ô đến thuê đất tập cho con em mình trồng rau, trồng hoa. Trang trại hỗ trợ hạt giống, phân bón hữu cơ và hướng dẫn kỹ thuật. Cách làm nông nghiệp gắn kết với du lịch độc đáo này được nhiều người hoan nghênh. Không chỉ có thế, chủ trang trại còn biết cách hợp tác với những người giỏi chế biến món ngon tại Cồn Sơn (một cù lao trên sông Hậu thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ) để làm nhiều món ngon từ nguyên liệu an toàn, thu hút nhiều du khách.

Tại Cồn Sơn, một số nông hộ thu nhập thấp nhưng giỏi nấu món ngon đã tham gia Câu lạc bộ “Bếp ngon Phương Nam”. Thành viên câu lạc bộ chủ yếu là nhóm người cao tuổi làm du lịch. Họ đón du khách thích sinh cảnh nông thôn trên một cù lao xanh giữa sông Hậu. Họ làm du lịch trên cơ sở định vị thương hiệu gắn với món sở trường của từng nhà rồi liên kết trong thực đơn để cung cấp món ngon theo yêu cầu của du khách. Cụ thể, khách tới một điểm có thể gọi nhiều món ăn. Các thành viên trong câu lạc bộ sẽ làm những món ngon không đụng hàng và hoàn thành bữa tiệc theo ý khách với giá rẻ hơn các nhà hàng bên đất liền. Không chỉ có thế, trong khi gia chủ cùng đàn ca vọng cổ cùng với khách thì trẻ em đi theo được cư dân địa phương chỉ cách làm bánh ăn tại chỗ.

Cần Thơ Farm là thành viên của Câu lạc bộ “Bếp ngon Phương Nam”, nơi chia sẻ kiến thức của 15 thành viên là chủ nhà hàng, nhà báo, nghệ sĩ, giới nghiên cứu ẩm thực,… Điều khác biệt của nhóm cộng đồng làm du lịch gắn kết với nông nghiệp này là vừa làm món ngon ở Cần Thơ Farm để tạo giá trị tăng thêm, vừa cùng các phụ huynh trao đổi và dạy cách làm bếp cho lớp trẻ về nữ công gia chánh. Chủ trang trại Cần Thơ Farm đã đầu tư 2 tỷ đồng làm khu nhà lưới, khu sản xuất thủy canh, địa canh và không gian cho những nghệ nhân từ Cồn Sơn sang đây mở các lớp dạy tuổi teen làm bánh hay thực hành kỹ năng bếp núc. Các nghệ nhân sau các lễ hội bánh dân gian, các cuộc trình diễn món ngon từ làng quê Nam Bộ có thể tham gia hoạt động ở các điểm đến này. Họ cùng nhau truyền dạy về nữ công gia chánh, tạo cơ hội trò chuyện, chia sẻ, cùng làm, cùng thưởng thức món ngon do chính mình làm ra… Một cơ hội hiếm có đối với những gia đình thời công nghiệp hóa.

Sự cộng hưởng giữa nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0 và nông nghiệp sinh thái có ý nghĩa khi liên kết được các nguồn lực để góp phần chỉnh sửa thực trạng phân tán, manh mún, nhàm chán của du lịch ĐBSCL nhiều năm qua. Nhóm cộng đồng đã xây dựng Fanpage trên mạng xã hội Facebook để quảng bá nội dung, hình ảnh và đó cũng là cách tương tác, tiếp nhận phản hồi nhanh nhất từ khách hàng. Việc liên kết với các nghệ nhân giỏi chế biến món ăn giúp cho trang trại Cần Thơ Farm có thêm dịch vụ, giữ khách vui chơi suốt ngày cuối tuần. Các điểm đến tại Cồn Sơn cũng ngày một đông hơn khi cả hai có được sự cộng hưởng thương hiệu.

Tại Cần Thơ Farm, việc liên kết thành công nhờ biết khai thác nguồn lực từ người giỏi chế biến món ngon thay vì chỉ làm nông nghiệp sạch; biết hợp tác và cộng hưởng thương hiệu từ việc ứng dụng tài nguyên internet và hiện đang ứng dụng IoT (internet kết nối vạn vật). Đặc biệt, Cần Thơ Farm còn là điểm tiếp xúc thương hiệu, sẵn sàng liên kết với cư dân Cồn Sơn và nhiều câu lạc bộ đặc sản để quảng bá đặc sản của các tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL cho du khách mua về làm quà.

Vài năm gần đây, tại các quận, huyện: Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng (thành phố Cần Thơ), mô hình “Cộng đồng cùng mục tiêu”, loại hình nhà vườn làm du lịch có trách nhiệm (tiếp cận quy chuẩn EU) đã tạo ra những điểm đến đáng tin cậy vì món ăn dễ truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm, không nói thách, không “chém chặt” du khách,... Từ những điểm đến ở Phong Điền, Cái Răng cho tới điểm đến Cồn Sơn ở giữa sông Hậu hay Cần Thơ Farm ở Bình Thủy… cho thấy mối quan tâm của du khách không chỉ hướng về làng quê để mãn nhãn, no bụng. Hơn thế, họ luôn có nhu cầu tìm hiểu canh tác nông nghiệp, mùa màng và đời sống “thuận thiên”, tìm kiếm nông sản ngon - lành. Ở đó, các phụ huynh là người đô thị có thể dạy con em mình biết thế nào là các loại trái cây, đời sống cây trồng, tập quán sinh hoạt ở nông thôn Tây Nam Bộ, văn minh nông nghiệp, văn minh miệt vườn,…

Từ khi đường bay Cần Thơ - Hà Nội tăng tần suất các chuyến bay, ngày càng có nhiều gia đình từ các tỉnh, thành phía Bắc vào Cần Thơ chơi, mua hàng hóa là trái cây, quà bánh ở các điểm du lịch này mang về. Đó là nơi bù đắp giá trị sống khi cơm, áo, gạo, tiền khiến nhiều gia đình ở thành phố lớn ít khi có bữa cơm chung. Còn những nông dân nghèo, những nghệ nhân bao năm ở những làng quê nghèo, tưởng như khó có gìn giữ nghề truyền thống, giờ đây cũng có thể tự tin nhập cuộc thông qua các điểm đến này. Đây cũng chính là nơi để thành thị gặp nông thôn, để các nền văn hóa gặp nhau theo các tua, tuyến lữ hành.

Những điều đọng lại

Phát triển cộng đồng, nâng cao trách nhiệm

Các điểm du lịch nêu trên, từ những cấp độ phát triển tổ chức như: cộng đồng cùng mục tiêu, cộng đồng có trách nhiệm đã tạo ra những hiệu ứng kinh tế - xã hội:

Thứ nhất, tăng thu nhập cho chính mình và láng giềng theo tác nhân tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị kết nối giữa du lịch với nông nghiệp, văn hóa.

Thứ hai, cải thiện sinh kế của người dân từ nguồn nguyên liệu bản địa, tri thức bản địa, những sản phẩm tinh túy, gia truyền.

Thứ ba, kích hoạt nhiều ý tưởng bảo vệ môi trường tự nhiên và giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, của vùng.

Gần đây, nhiều chủ trang trại, chủ nông hộ ở các địa phương vùng ĐBSCL tự đầu tư phát triển du lịch đã được huấn luyện. Nhờ đó, họ biết cách đánh giá, phân tích bài toán chi phí và lợi ích, biết mặt mạnh và mặt yếu, biết thách thức và cơ hội, biết việc phải làm và không nên làm,… Đặc biệt, nhiều điểm đến đã tuân thủ nguyên tắc không sao chép và luôn coi trọng ý tưởng sáng tạo để tạo sức cuốn hút riêng. Nhiều khách sạn, homestay ở quận nội ô Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, xem các điểm đến miệt vườn, các khu vườn sinh thái là điểm kết nối tour cho các nhóm du khách đồng sở thích. Nhiều tour rất thành công khi các điểm đến có những sinh cảnh tự nhiên, món ngon khác biệt và cách ứng xử của chủ trang trại, chủ hộ thân thiện, chất phác như trong nhà có người thân đến chơi. Dấu ấn chủ vườn, món ngon tự nhiên và cách truyền miệng của du khách đã hỗ trợ cho việc phát huy thương hiệu của nhiều điểm đến. Có thể xem đó là tố chất cho sự tăng trưởng từ những giá trị cộng sinh thông qua cách tiếp cận du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp bền vững…mà nhiều điểm đến ở ĐBSCL đang hướng tới.

Tác động tích cực

Giá trị cốt lõi của các điểm đến có trách nhiệm là coi trọng sáng tạo, không sao chép, không bắt chước, không lấn lướt; sẵn sàng liên kết, bù đắp khiếm khuyết của từng cá thể, tạo ra nguồn lực cung cấp dịch vụ tốt hơn từ cộng đồng. Thực tế từ các điểm đến trong Dự án Farmtrip (tỉnh An Giang); ở Cần Thơ Farm, Cồn Sơn, các điểm du lịch có trách nhiệm ở Phong Điền, Bình Thủy, Cái Răng (thành phố Cần Thơ), cho thấy: Khi các nhóm cộng đồng khôi phục sản phẩm làng nghề, món ngon dân gian gắn với việc khai thác tài nguyên bản địa, tạo thêm việc làm, phát triển thành hệ thống liên kết chuỗi hành động, cuộc sống được cải thiện thì mọi người trong cộng đồng có ý thức gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn. Theo đó, các giá trị phi vật thể được bảo vệ tốt hơn, các giá trị truyền thống được duy trì góp phần tăng thêm sự hiểu biết và tôn trọng đối với các nền văn hóa khác. Ý thức được việc cân bằng quyền lợi, bảo đảm lợi ích kinh tế thiết thực và lâu dài thúc đẩy các tác nhân tham gia tốt hơn, có trách nhiệm hơn trong cung ứng các dịch vụ du lịch.

Du lịch gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, nông thôn sinh thái an nhiên… còn có những tác động tích cực tới sự bền vững. Đó là:

- Du lịch nâng cao nội dung đối thoại có tính cộng đồng đối với những vấn đề phát triển “thuận thiên”. Cách liên kết, cách tự điều chỉnh hành vi cho cả cư dân địa phương lẫn du khách rất nhẹ nhàng.

- Du lịch gắn với nông nghiệp giúp các nhóm tìm sinh kế phi chính quy trở thành cộng đồng cùng mục tiêu và có trách nhiệm hơn trước những vấn đề bảo vệ môi trường, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống,...

- Du lịch có thể tạo doanh thu từ khai thác và phát triển các tài nguyên bản địa, các khu vực đa dạng sinh học, khu bảo tồn, nông trại, nông hộ canh tác theo hướng thực dưỡng, sức khỏe, trị bệnh nhờ nguồn nguyên liệu giàu dược tính.

- Du lịch tạo việc làm trực tiếp và là chất xúc tác giúp người dân nông thôn tham gia khôi phục các làng nghề truyền thống, các sản phẩm có nguy cơ mai một, thu hút lao động vào những ngành nghề mới để gia tăng lợi tức.

- Du lịch giúp thay đổi chuỗi liên kết hành động khi thu nhập được cải thiện từ việc tiêu dùng những sản phẩm an toàn hơn, tạo ra nguồn hàng có giá trị kinh tế cao, tạo ý thức phát huy thương hiệu… Đó là triển vọng thu hút nguồn lực đầu tư khơi dậy tiềm lực kinh tế nông thôn trong tương lai.

- Du lịch dựa vào tài nguyên thiên nhiên có thể thu hút nhiều chất xám, về lý thuyết có thể ứng dụng công nghệ 4.0 để kiểm soát cơ hội, giảm thiểu rủi ro khi khởi nghiệp từ du lịch nông nghiệp.

Chú trọng nguồn lực cộng đồng

Du lịch bền vững - bao gồm 03 trụ cột chính: công bằng xã hội, phát triển kinh tế và bảo toàn môi trường - chỉ trở thành hiện thực một khi phúc lợi cộng đồng được quan tâm. Du lịch có trách nhiệm nhắc nhở kiến tạo sự bền vững từ những công cụ, nguồn lực để đạt được phúc lợi cộng đồng và duy trì hệ sinh thái cho hiện tại và tương lai.

Phúc lợi cộng đồng được hiểu là những gì quan trọng với cộng đồng trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống và du lịch là cách giúp cộng đồng đạt được điều này. Hiện nay, ở nhiều địa phương, việc định hướng mục tiêu, phát triển ý tưởng, xác lập nguồn lực kết nối hoạt động du lịch với những mục tiêu có thể lồng ghép như OCOP sẽ giúp cho cộng đồng đi nhanh và đi xa hơn.

Du lịch nông nghiệp ở ĐBSCL khó bì kịp với du lịch khám phá nét hoang sơ, chiêm ngưỡng sinh cảnh thỏa mãn thị giác từ những kỳ quan,... ở nhiều nơi khác, nhất là khi nông nghiệp cổ điển và nông nghiệp đương đại có những điểm khác xa nhau. Mọi việc chỉ có thể được hóa giải khi có một lớp con em nông dân được học hành đến nơi đến chốn, trở về quê để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp, nhận ra cơ hội tiếp cận giữa du lịch và nông nghiệp bền vững. Những hạt nhân này sẽ là nguồn lực mới thay đổi nông thôn.

Tóm lại, ý tưởng sáng tạo, bài toán chi phí và lợi ích, nghiệp vụ và tinh thần coi trọng cảm xúc của du khách, ý thức tạo dựng giá trị thương hiệu và sự hài lòng của mọi tác nhâm gia chuỗi liên kết hành động là động lực thúc đẩy phát triển du lịch bền vững. Sự phát triển của ngành du lịch khi kết nối với nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm của người dân, của những người hoạch định hệ sinh thái khởi nghiệp từ nông nghiệp. Du lịch cộng hưởng với nông nghiệp theo hướng cộng sinh sẽ tạo ra sự cân bằng, cùng chia sẻ lợi ích theo hướng đầu tư nâng chất, nâng cao giá trị để sinh kế bền vững cho tất cả tác nhân tham gia chuỗi liên kết./.