Gắn phát triển kinh tế cửa khẩu với phát triển du lịch ở tỉnh Lào Cai
TCCS - Lào Cai là vùng địa đầu biên cương của Tổ quốc có nhiều lợi thế so sánh trong phát triển du lịch và kinh tế cửa khẩu. Chính vì vậy, Đại hội Đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XV nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển du lịch là đột phá trong phát triển kinh tế của tỉnh, từ đó ban hành nhiều chính sách, chương trình, tập trung các nguồn lực để phát triển hai lĩnh vực kinh tế quan trọng này, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
1- Ngay từ buổi bình minh dựng nước, Lào Cai đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa quan trọng ở vùng thượng lưu sông Hồng với lịch sử hào hùng, gắn bó mật thiết với sự hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam. Lào Cai được biết đến với khu kinh tế cửa khẩu được đánh giá là một trong những khu kinh tế cửa khẩu phát triển năng động nhất trong các tỉnh phía Bắc. Không chỉ thế, vùng đất biên cương này còn nổi tiếng với các địa điểm du lịch, như đỉnh Phan Xi Păng - “nóc nhà Đông Dương”, núi Hàm Rồng, thác Tình yêu, cao nguyên trắng Bắc Hà, đền Thượng, rừng già Y Tý, cột cờ Lũng Pô...
Thời gian qua, sự gắn kết phát triển kinh tế cửa khẩu với phát triển du lịch đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Lào Cai có những bước phát triển đáng ghi nhận. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) đạt 10,15%, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 7.518 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và hợp lý, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 43,2%, du lịch 42,56%, nông nghiệp chiếm 14,24%. Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển, quốc phòng - an ninh được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện. Tổng giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua địa bàn tỉnh năm 2017 đạt gần 2,6 tỷ USD, tăng 27,7% so với năm 2016. Tổng số thu thuế xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh đạt 1.768 tỷ đồng, tăng 63 % so với năm 2016 (1.084 tỷ). Năm 2017, khách du lịch đến Lào Cai đạt trên 3,5 triệu lượt; tổng doanh thu từ lĩnh vực du lịch đạt 9.443 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2016.
Những con số ấn tượng này là kết quả của cả quá trình mà tỉnh Lào Cai đã đánh giá đúng, mở hướng đầu tư và khai thác trúng những tiềm năng, thế mạnh của địa phương về phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch. Đặc biệt, việc Chính phủ hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác tuyến đường bộ cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ cuối năm 2014 cũng là yếu tố quan trọng, giúp cho kinh tế cửa khẩu và du lịch Lào Cai phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mở rộng phạm vi Khu Kinh tế cửa khẩu Lào Cai với diện tích gần 16 nghìn héc-ta (rộng gấp đôi so với trước đây), phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sa Pa, tỉnh Lào Cai đến năm 2030 và công nhận Sa Pa là khu du lịch quốc gia. Đây là cơ sở quan trọng để tỉnh Lào Cai tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của cửa khẩu quốc tế Lào Cai trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là “cầu nối”, “cửa ngõ” của Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường tỉnh Vân Nam và vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc, đồng thời là trung tâm của hành lang Bắc - Nam trong hợp tác các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).
2- Phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển du lịch là yêu cầu khách quan trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với phát triển các sản phẩm, dịch vụ, kết cấu hạ tầng phục vụ cho du lịch. Với định hướng trên, tỉnh Lào Cai đang khẩn trương xây dựng Đồ án Quy hoạch tổng thể chung khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hình thành một không gian kinh tế tổng hợp có vai trò là hạt nhân kinh tế thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai, vùng trung du và miền núi phía Bắc. Một phần không thể thiếu trong Quy hoạch tổng thể chung đó là xây dựng không gian kiến trúc và quy hoạch sử dụng đất khu chức năng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ nhằm phát triển du lịch.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai trải dài gần 200km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) trên địa phận của 4 huyện là Bát Xát, Bảo Thắng, Mường Khương, Si Ma Cai và thành phố Lào Cai, có nhiều điều kiện để phát triển du lịch. Nằm trong khu kinh tế cửa khẩu, dọc theo sông Hồng có hệ thống di tích, như đền Thượng, đền Mẫu, đền Cấm, chùa Tân Bảo, đây là điểm đến của nhiều du khách thập phương du lịch gắn với tâm linh. Cùng với đó là các di sản văn hóa ruộng bậc thang, rừng già Y Tý, núi Lảo Thẩn, cột cờ Lũng Pô, các sản phẩm du lịch lễ hội theo mùa, các chợ phiên vùng cao phục vụ khách du lịch. Tỉnh Lào Cai đã quy hoạch khu phức hợp dịch vụ - du lịch rộng 332ha trong khu Kim Thành - Bản Vược gần với cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành và đang kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào khu vực này; đặc biệt là dự án sân golf 18 lỗ mang tầm cỡ khu vực; hoàn thiện thêm về kết cấu hạ tầng để phục vụ cho việc phát triển kinh tế cửa khẩu đồng thời phục vụ cho phát triển du lịch, mở rộng dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa; xây dựng “Đề án phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; xây dựng các cầu vượt qua sông Hồng, như cầu Giang Đông, cầu đường bộ qua biên giới tại huyện Bát Xát (Việt Nam) và Bá Sái (Trung Quốc), kết nối các tuyến đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) và ga Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam - Trung Quốc); phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng Cảng hàng không Lào Cai giai đoạn đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, nhằm tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong khu kinh tế cửa khẩu, đồng thời khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch trong nước và quốc tế vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Việc phát triển các dịch vụ ngân hàng, bưu chính viễn thông, nghỉ dưỡng, ăn uống, hướng dẫn viên, dịch thuật... trong khu kinh tế cửa khẩu đang ngày càng mở rộng và nâng cao chất lượng đã hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch. Bên cạnh đó, Lào Cai đẩy mạnh hợp tác với tỉnh Vân Nam trên lĩnh vực thương mại, đầu tư, giao thông - vận tải, quản lý cửa khẩu, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới và du lịch.
Thứ hai, phát triển các loại hình, dịch vụ du lịch góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cửa khẩu. Cửa khẩu quốc tế Lào Cai là cửa khẩu duy nhất ở phía Bắc Việt Nam nằm trên địa phận một thành phố trực thuộc tỉnh, cặp cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu là cặp cửa khẩu duy nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc hội tụ đủ các loại hình vận tải, như đường sắt, đường bộ, đường thủy và tương lai là đường hàng không. Với một lượng khách quốc tế lớn từ miền Tây rộng lớn của Trung Quốc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế và lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây sẽ ngày một tăng, thúc đẩy việc phát triển kinh tế cửa khẩu và loại hình du lịch cửa khẩu của Lào Cai. Bên cạnh đó Lào Cai còn có nhiều trung tâm thương mại lớn, hàng hóa với mẫu mã đa dạng, những di tích lịch sử, hệ thống đền chùa, thuận lợi phát triển loại hình tham quan du lịch gắn với mua sắm, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, việc Lào Cai tổ chức thành công “Năm Du lịch quốc gia 2017 - Lào Cai - Tây Bắc” đã tiếp tục khẳng định tiềm năng phát triển du lịch mạnh mẽ của tỉnh. Thành công trong phát triển du lịch đã góp phần thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược, tạo sự đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải, cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi, giải trí chất lượng cao... Nhiều gia đình đã thoát nghèo từ việc tham gia hoạt động du lịch. Công tác bảo vệ cảnh quan môi trường, an toàn, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, biến di sản thành sản phẩm du lịch ngày càng được chú trọng.
3- Để tập trung phát triển khu kinh tế cửa khẩu, thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa Việt Nam, các nước ASEAN với thị trường khu vực Tây Nam của Trung Quốc và phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với các sản phẩm du lịch nghỉ mát, văn hóa dân tộc, lễ hội truyền thống, sinh thái... chất lượng cao, tỉnh Lào Cai xác định một số giải pháp trọng tâm sau:
Một là, giải pháp về chính sách.
Tiến hành rà soát các hiệp định đã ký với Trung Quốc để đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung không còn phù hợp, như Hiệp định về cửa khẩu biên giới đất liền, Hiệp định về vận tải hành khách và hàng hóa; các hiệp định chưa triển khai thực hiện như Hiệp định về bảo đảm chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và công nhận lẫn nhau.
Ưu tiên các nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, các công trình dịch vụ tiện ích công cộng của khu kinh tế cửa khẩu. Xây dựng chính sách khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực du lịch, kêu gọi các nhà đầu tư lớn, có uy tín, có năng lực, bảo đảm hiệu quả xã hội, trong đó người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch phải được hưởng lợi nhiều nhất gắn với vấn đề tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo...
Hai là, giải pháp về cải cách hành chính và bộ máy theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện và giám sát việc thực hiện bộ thủ tục hành chính áp dụng cấp huyện, xã; tăng cường chỉ đạo, điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch. Cải cách hành chính trong thực hiện xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, đầu tư... tại khu kinh tế cửa khẩu theo hướng đơn giản, hiện đại, có sự phối hợp và liên kết bằng công nghệ viễn thông giữa cơ quan quản lý tương ứng của Việt Nam và Trung Quốc.
Ba là, giải pháp về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất.
Bố trí nguồn lực thích hợp từ ngân sách địa phương, lồng ghép các nguồn vốn vay, chương trình mục tiêu và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao khả năng kết nối giữa các khu, điểm du lịch, trọng tâm là Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, thành phố Lào Cai; đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hệ thống bãi đỗ xe, các trạm dừng nghỉ, nghiên cứu thúc đẩy mở tuyến vận tải hành khách, hàng hóa đường bộ quốc tế từ Côn Minh - Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án đường sắt khổ tiêu chuẩn Ga Lào Cai (Việt Nam) đến Ga Hà Khẩu (Trung Quốc); đầu tư phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030.
Bốn là, giải pháp về tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ đầu tư xây dựng trường, trung tâm dạy nghề đào tạo nguồn lao động, hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm ở vùng thu hồi đất để phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch. Xây dựng đội ngũ cán bộ biết ngoại ngữ, trong đó có tiếng Trung Quốc, giỏi nghiệp vụ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thành lập bộ phận nghiên cứu thị trường để nắm bắt kịp thời và có những thay đổi phù hợp về chính sách quản lý xuất nhập khẩu. Chú trọng công tác đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh đạt chuẩn có trình độ nhận thức, hiểu biết rộng, chu đáo, thân thiện. Phát huy vai trò của Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch trong công tác quản lý, điều tiết các chuyến, tuyến trong và ngoài tỉnh, kết nối với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Năm là, giải pháp về bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Khi tiến hành đầu tư xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu cần phải kết hợp đồng thời với bảo vệ môi trường trong và ngoài Khu kinh tế cửa khẩu. Các hướng chính của bảo vệ môi trường của Khu kinh tế cửa khẩu là bảo vệ chất lượng nước, không khí, đất; bảo vệ đa dạng sinh học; bảo vệ môi trường đô thị. Tăng cường thanh tra, giám sát các nguồn thải của các cơ sở sản xuất công nghiệp, du lịch, thực hiện kiểm toán môi trường đối với các dự án đã hoạt động để đánh giá hiệu quả công nghệ sản xuất, hiệu quả của hệ thống xử lý chất thải. Đẩy mạnh việc giáo dục cộng đồng về bảo vệ môi trường, áp dụng thu phí ô nhiễm và các biện pháp hành chính khác đối với các nhà máy thải ra môi trường khối lượng lớn khí thải, nước thải.
Với tiềm năng, lợi thế và sức hấp dẫn của Lào Cai, sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự tích cực chuẩn bị của Lào Cai, việc phát triển kinh tế cửa khẩu và du lịch sẽ chắc chắn trở thành khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới./.
Về vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa  (22/06/2018)
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2017  (21/06/2018)
Nâng cao trách nhiệm cấp ủy trong thực hiện quy chế dân chủ cơ sở  (21/06/2018)
Luật An ninh mạng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân  (21/06/2018)
Liên minh hợp tác xã có sứ mệnh rất quan trọng trong quá trình hội nhập  (21/06/2018)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển