Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 02 đến 08-4-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
21:13, ngày 11-04-2018

TCCSĐT - Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu giới chức thương mại nước này gia tăng áp lực thuế quan với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 06-4 cảnh báo sẽ đáp trả “bằng mọi giá” với những biện pháp mới để bảo vệ lợi ích của nước này nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại của mình.

Khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị trả về

Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị 09/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tình trạng các lô hàng thủy sản Việt Nam bị nước ngoài cảnh báo, trả về. Ngành thủy sản của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong 20 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đã tăng trưởng nhanh với mức tăng bình quân gần 15%/năm, từ mức thấp 550 triệu USD năm 1995 lên 8,3 tỷ USD năm 2017. Tăng trưởng xuất khẩu thủy sản đã góp phần vào quá trình tăng trưởng của ngành nông nghiệp nói riêng và nền kinh tế của cả nước nói chung.

Thời gian qua, tình hình các lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm tại các thị trường nhập khẩu mặc dù đã giảm những vẫn ở mức cao, ảnh hưởng không tốt đến hình ảnh, uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, làm giảm hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản và tác động tiêu cực đến đời sống của ngư dân và người nuôi trồng thủy sản.

Để xử lý dứt điểm vấn đề các lô hàng thủy sản bị cảnh báo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm đặc biệt là tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt mức quy định tại các thị trường nhập khẩu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các thị trường xuất khẩu.

Đồng thời, Bộ quản lý chặt chẽ việc cấp phép lưu hành thuốc thú ý, chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản; thường xuyên tổ chức rà soát, loại bỏ các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn ra khỏi Danh mục các sản phẩm được phép lưu hành; chỉ đạo đẩy mạnh nghiên cứu, cải tiến công nghệ sản xuất giống thủy sản để chủ động nguồn giống bảo đảm chất lượng; vận động, hướng dẫn người nuôi, doanh nghiệp áp dụng biện pháp nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững.

Bộ tổ chức phổ biến các quy định pháp luật của Việt Nam và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương cập nhật quy định của thị trường nhập khẩu; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở nuôi, sơ chế, chế biến thủy sản áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến; tổ chức giám sát tồn dư hóa chất độc hại trong thủy sản nuôi để kịp thời phát hiện, cảnh báo, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở vi phạm.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Công Thương tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu để sử dụng trong y tế, công nghiệp nhưng bị lạm dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc tổ chức điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, mua bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường, thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo tăng cường thanh tra, kiểm tra (đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi cơ sở có dấu hiệu vi phạm) trong sản xuất, lưu thông, mua bán, sử dụng thuốc thú y, chất xử lý, cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và việc lạm dụng kháng sinh trong quá trình bảo quản thủy sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công an tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong công nghiệp nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc tích cực đẩy mạnh hoạt động đàm phán song phương, đa phương, ký kết các hiệp định, thỏa thuận hợp tác, công nhận lẫn nhau với nước nhập khẩu, tạo cơ chế xử lý kịp thời vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu thủy sản.

Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an tổ chức kiểm soát chặt chẽ hóa chất, kháng sinh nhập khẩu sử dụng trong y tế nhưng bị cấm sử dụng trong sản xuất kinh doanh thủy sản; rà soát, cập nhật quy định về mức giới hạn tối đa cho phép tồn dư thuốc thú y, hóa chất trong thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm phù hợp với hướng dẫn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế Codex.

Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị liên quan từ Trung ương đến địa phương tích cực phối hợp với các đơn vị thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong việc điều tra, thu thập thông tin, triệt phá dứt điểm các đường dây nhập lậu, tàng trữ, lưu thông, buôn bán chất cấm, chất xử lý, cải tạo môi trường và thuốc thú y ngoài danh mục được phép lưu hành.

Thủ tướng Chính phủ giao Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương cập nhật thông tin, thông báo cho doanh nghiệp về thay đổi trong chính sách nhập khẩu, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, yêu cầu kiểm dịch, điều kiện nhập khẩu của các nước đối với hàng thủy sản.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất kinh doanh thủy sản; hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở nuôi, cơ sở thu gom, sơ chế thủy sản áp dụng quy trình sản xuất, chương trình quản lý chất lượng tiên tiến để đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản kết nối, xây dựng các vùng nguyên liệu thủy sản đảm bảo yêu cầu của thị trường nhập khẩu và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

Các tỉnh, thành phố giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên thủy sản nuôi để kịp thời khuyến nghị người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả, sử dụng thuốc thú y thủy sản theo đúng quy định và không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu để phòng trị bệnh.

Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Hạ Long

Thủ tướng Chính phủ đồng ý Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Hạ Long và trình thẩm định theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị. Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố Hạ Long theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị.

Trước đó, để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng đã thống nhất chủ trương điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Hạ Long.

Theo Bộ Xây dựng, do quy hoạch phân khu Hạ Long Xanh thuộc ranh giới hành chính thành phố Hạ Long (đô thị loại I), chưa phù hợp với đồ án quy hoạch chung thành phố Hạ Long (năm 2013) về đất xây dựng đô thị, quy mô dân số, các khu chức năng đô thị…

Vì vậy, để có cơ sở pháp lý phê duyệt quy hoạch phân khu Hạ Long Xanh tại thành phố Hạ Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung thành phố Hạ Long theo quy định pháp luật về quy hoạch đô thị.

Bộ Tài chính tính toán cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh

Sau khi rà soát điều kiện đầu tư, kinh doanh của 21 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, lãnh đạo bộ này tính toán sẽ cắt giảm, đơn giản hóa 188 điều kiện. Đây là nội dung vừa được đại diện Bộ Tài chính cho biết trong buổi làm việc với Tổng công tác của Chính phủ chiều 06-4.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Tài chính, từ năm 2016 đến nay, phía Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát cắt giảm 174 thủ tục hành chính và đơn giản hóa 898 thủ tục. Tính tổng, trong thời gian trên, lĩnh vực tài chính đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.072 thủ tục hành chính, còn lại 960 thủ tục.

Tuy nhiên, căn cứ quy định của Luật Đầu tư, hiện tại, Bộ Tài chính đã tiếp tục tiến hành rà soát và đánh giá chi tiết toàn bộ các điều kiện đầu tư, kinh doanh của 21 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính.

Theo rà soát, trên tổng số 377 điều kiện kinh doanh ban đầu, phía Bộ Tài chính đề nghị bãi bỏ 99 điều kiện và đơn giản hóa 89 điều kiện. Tổng số điều kiện cắt giảm và đơn giản hóa như vậy là 188 điều kiện, tương đương tỷ lệ 50,8%.

Trên cơ sở các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản điều kiện kinh doanh, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng đề xuất, kiến nghị sửa đổi 5 luật và 11 nghị định, bao gồm: Luật Giá, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Quản lý thuế, Luật chứng khoán và các Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực kế toán-kiểm toán, tài chính ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.

Đối với các phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, phía Bộ Tài chính cho biết sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (qua Bộ Tư pháp) để trình Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật theo quy định trước 30-6.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu giới chức thương mại nước này gia tăng áp lực thuế quan với các mặt hàng nhập từ Trung Quốc, Bắc Kinh ngày 06-4 cảnh báo sẽ đáp trả “bằng mọi giá” với những biện pháp mới để bảo vệ lợi ích của nước này nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp bảo hộ thương mại của mình.

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang với các hành động được xem là "ăn miếng trả miếng" liên tiếp giữa hai cường quốc kinh tế.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 05-4 tuyên bố sẽ yêu cầu Bộ Thương mại nước này xem xét khoản thuế bổ sung đối với hàng hóa có trị giá lên tới 100 tỷ USD của Trung Quốc.

Trước đó ngày 03-4 Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 50 tỷ USD từ Trung Quốc có thể bị áp thuế bổ sung với lý do Trung Quốc có "các hoạt động thương mại không công bằng.

Trung Quốc sau đó đã có biện pháp đáp trả với việc công bố danh sách các sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ tổng trị giá khoảng 50 tỷ USD sẽ chịu mức thuế cao hơn, trong đó có đậu tương, xe ôtô và hóa chất.

Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 06-4 tuyên bố sẵn sàng đáp trả bằng mọi giá và sẽ áp dụng những biện pháp toàn diện mới để bảo vệ các lợi ích quốc gia nếu Mỹ trung thành với hành động bảo hộ thương mại. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp đặt thêm khoản thuế quan trị giá 100 tỷ USD đối với những hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong tuyên bố được đăng tải trên trang web riêng, Bộ này nhấn mạnh: "Nếu phía Mỹ xem thường phản đối của Trung Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế và kiên quyết tiến hành hoạt động bảo hộ thương mại và chính sách đơn phương thì phía Trung Quốc sẽ đáp trả đến cùng bằng bất kỳ giá nào".

Bên cạnh đó, Bộ này cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại nhưng sẽ không sợ một nước nào, đồng thời cho rằng cuộc tranh cãi thương mại này là do Mỹ kích động.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 08-4 đã kêu gọi các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại Mỹ chống lại kế hoạch của Tổng thống Donald Trump xem xét áp thuế bổ sung trị giá 100 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc, gấp đôi so với mức dự kiến trước đó.

Trong một bài viết, tờ Nhân dân Nhật báo khẳng định Bắc Kinh "kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp quốc tế, trong đó có giới công nghiệp và thương mại Mỹ, đưa ra các biện pháp tức thì và hiệu quả cũng như hối thúc Chính phủ Mỹ sửa chữa những sai lầm". Theo báo trên, các doanh nghiệp và ngành nghề Trung Quốc sẽ chung tay ủng hộ bất cứ hành động nào của chính phủ nhằm đối phó đợt áp thuế bổ sung này của Washington.

Nhật Bản sẵn sàng đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên G20

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này đã sẵn sàng cho lần đầu tiên tiếp quản ghế Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong năm 2019, lên kế hoạch cụ thể về mốc thời gian và địa điểm diễn ra các sự kiện quan trọng của nhóm trong năm sau.

Phát biểu với báo giới ngày 02-4, ông Suga cho biết Hội nghị thượng đỉnh G20 sẽ diễn ra tại Osaka vào ngày 28 và 29-6-2019.

Hiện, chính phủ cũng đã quyết định địa điểm tổ chức các hội nghị G20 cấp bộ trưởng sau khi cân nhắc các yếu tố như phương tiện, địa điểm và an ninh, cũng như tính tới các sự kiện nổi bật trong nước và quốc tế khác.

Cụ thể, thành phố Fukuoka, Tây Nam Nhật Bản, đã được lựa chọn là nơi sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, tỉnh Aichi là nơi tổ chức Hội nghị Ngoại trưởng, và Matsuyama, thủ phủ của tỉnh Ehime, là nơi tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Lao động.

Các Bộ trưởng Du lịch G20 sẽ nhóm họp tại Hokkaido, trong khi các Bộ trưởng Nông nghiệp G20 sẽ nhóm họp tại thành phố Niigata. Còn 3 hội nghị bộ trưởng khác cũng sẽ được tổ chức tại Nhật Bản vào năm tới.

Nhóm G20 gồm Argentina, Australia, Brazil, Anh, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Italy, Nhật Bản, Mexico, Nga, Saudi Arabia, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Trong năm 2019, Nhật Bản cũng sẽ đăng cai tổ chức Giải Vô địch Bóng bầu dục quốc tế 2019, từ tháng 9 đến tháng 11. Cũng trong năm 2019, Nhật Hoàng Akihito sẽ thoái vị vào ngày 30-01, và Thái tử Naruhito sẽ lên kế nhiệm vào ngày 01-5. Ngoài ra, Nhật Bản sẽ tổ chức các cuộc bầu cử địa phương vào tháng Tư và bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy./.