Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 26-3 đến 01-4-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN)
22:04, ngày 04-04-2018

TCCSĐT - Theo một sắc lệnh của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được đăng tải ngày 31-3, Liên bang Nga đã phân bổ khoản ngân sách trị giá khoảng 3,04 tỷ ruble (tương đương 53 triệu USD) để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Chính phủ ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định nêu rõ: đối tượng được Quỹ bảo lãnh tín dụng cấp bảo lãnh tín dụng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và các văn bản hướng dẫn, có tiềm năng phát triển nhưng chưa đủ điều kiện tiếp cận tín dụng ngân hàng ở các lĩnh vực được ưu tiên cấp tín dụng theo quy định tại Nghị định này.

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành Danh mục cụ thể các ngành, nghề, lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương trong từng thời kỳ được Quỹ ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh tín dụng theo quy định.

Các đối tượng được bảo lãnh tín dụng chỉ được Quỹ bảo lãnh tín dụng xem xét cấp bảo lãnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: có dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng hoàn trả vốn vay; dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh được Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định và quyết định bảo lãnh theo quy định; có phương án về vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tham gia dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh tại thời điểm Quỹ bảo lãnh tín dụng thẩm định để xem xét cấp bảo lãnh; tại thời điểm đề nghị bảo lãnh, doanh nghiệp không có các khoản nợ thuế từ một năm trở lên theo Luật quản lý thuế và nợ xấu tại các tổ chức tín dụng.

Trường hợp nợ thuế do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp phải có xác nhận của cơ quan quản lý thuế trực tiếp; có biện pháp bảo đảm cho bảo lãnh vay vốn theo quy định.

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có chi phí sinh hoạt rẻ nhất cả nước

Ngày 29-3, Tổng cục Thống kê công bố Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong cả nước.

Theo SCOLI năm 2017, so với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng đồng bằng sông Cửu Long có chi phí sinh hoạt rẻ nhất, trong khi vùng Đông Nam Bộ lại là nơi đắt đỏ nhất.

Trong năm, Thành phố Hồ Chí Minh có mức giá cao nhất cả nước, vị trí thứ hai thuộc về Hà Nội, song giá bình quân các nhóm hàng của Thành phố Hồ Chí Minh tương đương với Hà Nội. Cụ thể, nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng của Thành phố Hồ Chí Minh có mức giá cao hơn Hà Nội 104,74%, nhóm giáo dục cao hơn 102,67%.

Kế đến, thành phố có chi phí sinh hoạt đắt đỏ đứng thứ 3 trong cả nước thuộc về Đà Nẵng, bằng 99,68% so với Hà Nội, khi hầu hết các nhóm hàng thấp hơn. Tuy nhiên, một số nhóm hàng vẫn có mức giá cao hơn Hà Nội từ 2% đến 18% là nhà ở thuê và vật liệu xây dựng, khách sạn, nhà trọ, giao thông công cộng.

Năm 2017, Lào Cai có sự chuyển mình đáng ghi nhận. Tỉnh này đã chuyển từ vị trí có mức giá đắt đỏ thứ hai cả nước (năm 2016) xuống đứng thứ 5 (năm 2017), theo đó giá bình quân nhóm y tế và giáo dục của Lào Cai thấp hơn so với Hà Nội tương ứng là 92% và 88%.

Trong bảng xếp hạng, Hậu Giang vẫn là vùng đất “đáng sống” với chỉ số giá sinh hoạt thấp nhất cả nước. Chỉ số SCOLI của Hậu Giang bằng 89,38% so với Hà Nội. Mặc dù trong năm, giá dịch vụ y tế tại Hậu Giang tăng 67,05%, song mức giá bình quân các nhóm hàng khác so với Hà Nội thấp hơn khoảng từ 4% đến 25%.

Kế đến là Trà Vinh có mức giá thấp thứ hai, với chỉ số SCOLI chỉ bằng 98,45% so với Hà Nội. Mức giá bình quân của các nhóm hàng của Trà Vinh ở mức 73,5% đến 97,16% so với mức giá chung của Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Bám sát kịch bản tăng CPI ở mức 3,55%

“Nếu làm tốt thì mục tiêu đặt ra là vừa ổn định vĩ mô, vừa giải quyết giá dịch vụ sự nghiệp công, kiểm soát được lạm phát trong mức chỉ tiêu Quốc hội giao là trong tầm tay của Chính phủ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá (Ban chỉ đạo) khẳng định tại phiên họp sáng 27-3.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, mặt bằng giá cả thị trường trong quý I năm 2018 biến động theo hướng tăng tương đối cao trong hai tháng đầu năm và giảm trong tháng tiếp theo, phản ánh đúng quy luật tiêu dùng hàng năm giá thường tăng cao vào tháng Tết và giảm trở lại sau Tết.

Theo Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 3 không tăng như 2 tháng đầu năm mà dự kiến giảm 0,28% so với tháng trước đó. Còn so với cùng kỳ năm 2017 thì CPI tháng 3 tăng 2,65%. Như vậy, tổng hợp số liệu 3 tháng đầu năm, CPI bình quân tăng 2,82% so với cùng kỳ năm 2017.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI quý I năm 2018 là do biến động cung cầu trên thị trường (trong đó có yếu tố các thương lái thu gom lúa gạo cho hợp đồng xuất khẩu gạo sang Indonesia và Philippines làm cho giá lương thực tăng) và do việc điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu như dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt…

Giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế được điều chỉnh tăng theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT tại một số địa phương chưa điều chỉnh, chỉ số giá dịch vụ y tế 3 tháng đầu năm 2018 tăng 34,19% so với cùng kỳ năm 2017 góp phần làm tăng CPI chung khoảng 1,32%. Ở chiều ngược lại, trong 3 tháng đầu năm cũng có nhiều nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI là giá thịt lợn, giá rau tươi, viễn thông, giá khí giảm so với đầu năm trước.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ và thực hiện đồng bộ các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, chuẩn bị tốt nguồn hàng.

Công tác điều hành tỷ giá trung tâm được thực hiện linh hoạt, giúp ổn định thị trường ngoại tệ, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ với các chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác nhằm ổn định giá trị đồng tiền, ổn định lạm phát cơ bản...

Đối với công tác điều hành giá xăng dầu, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện linh hoạt, phù hợp với diễn biến giá thế giới và sử dụng linh hoạt quỹ bình ổn giá xăng dầu để hạn chế mức tăng giá xăng dầu trong nước.

Trên cơ sở phân tích tình hình trong nước và thế giới, dự báo các yếu tố tác động đến mặt bằng giá cả, các thành viên Ban Chỉ đạo đã bàn và đề xuất các giải pháp căn cơ trong quản lý điều hành giá những tháng cuối năm.

Nhiều ý kiến đánh giá về cơ bản việc thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 vẫn có nhiều khả năng sẽ đạt được, tuy nhiên công tác quản lý, điều hành vẫn cần thận trọng với các yếu tố bất thường có thể tác động mạnh đến CPI bình quân năm 2018 và gây khó khăn cho công tác quản lý, điều hành giá năm 2019 nếu chỉ số CPI tháng 12-2018 so với tháng 12-2017 ở mức cao.

Từ nay tới cuối năm cũng xuất hiện một số yếu tố gây sức ép lên mặt bằng giá đó là 8 địa phương sẽ điều chỉnh giá khám chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế (dự kiến tác động CPI khoảng 0,07%), dự kiến điều chỉnh chi phí quản lý vào giá dịch vụ y tế, lương cơ sở cơ cấu vào giá dịch vụ khám chữa bệnh (tác động 0,42%), điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục (tác động 0,3%), giá các dịch vụ chuyển từ phí sang giá theo Luật, xu hướng biến động của giá xăng dầu, điều chỉnh tiền lương trong khối doanh nghiệp và khu vực công, rủi ro về thiên tai và thời tiết bất lợi…

Từ tính toán trên, Nhóm giúp việc của Ban Chỉ đạo xây dựng 3 kịch bản cho điều hành giá, dựa trên các kịch bản điều chỉnh giá các mặt hàng. Theo đó, dự báo CPI bình quân cả năm 2018 sẽ tăng ở mức từ 3,41-3,55% và 3,9%, dưới chỉ tiêu Quốc hội giao lạm phát ở mức 4% cho năm 2018.

Hội nghị Bộ trưởng G7 đạt được nhất trí quan trọng cho tương lai

Chiều 28-3, Hội nghị Bộ trưởng về việc làm và đổi mới của Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) đã chính thức khép lại sau 2 ngày thảo luận tại thành phố Montreal của Canada với việc nhấn mạnh đến vai trò của sáng tạo, đổi mới công nghệ và cách thức giúp người lao động thích ứng với một nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng. Trong 2 ngày thảo luận, khoảng 200 đại biểu đến từ 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới đã tiến hành hơn 10 phiên thảo luận nhóm và thảo luận chung về tác động của sáng tạo và đổi mới công nghệ đối với thị trường việc làm, kỹ năng của người lao động và phát triển kinh tế trong tương lai.

Các đại biểu nhất trí cho rằng sự ra đời của các công nghệ mới - nhất là trí tuệ nhân tạo(AI) - sẽ làm thay đổi bản chất việc làm và tạo ra những tác động mạnh đối với thị trường lao động, xu hướng đầu tư cũng như phát triển kinh tế trong tương lai.

Thực tế này đặt ra cơ hội cho các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động, đòi hỏi các bên phải tăng cường phối hợp và chủ động tận dụng tiềm năng do phát triển công nghệ đem lại.

Mục tiêu quan trọng nhất là phải bảo đảm phát triển công nghệ sẽ giúp thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng kinh tế và mang lại lợi ích cho phần lớn những người lao động trong xã hội, nhất là tầng lớp trung lưu.

Bên cạnh những cơ hội, đổi mới công nghệ và biến động thị trường lao động cũng sẽ đặt ra rất nhiều thách thức cho những lĩnh vực truyền thống và các ngành nghề mới nổi. Tăng cường sự tham gia của phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ, khuyến khích các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của thị trường lao động và thúc đẩy hợp tác công-tư sẽ là chìa khóa giúp các chính phủ, doanh nghiệp và người lao động vượt qua thách thức và thích ứng với những thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đạt được 6 nhất trí quan trọng về vai trò lãnh đạo của các chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp, ra tuyên bố về AI, tổ chức hội nghị AI tại Canada vào cuối năm 2018, thành lập Nhóm chuyên trách về việc làm G7, thành lập Diễn đàn tương lai việc làm G7, và thúc đẩy các biện pháp ngăn chặn bạo lực và quấy rối trong môi trường lao động thông qua xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế đặt dưới sự lãnh đạo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Bộ trưởng Gia đình, Trẻ em và Phát triển Xã hội Jean-Yves Duclos nhấn mạnh: “Các chính phủ có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị cho công việc của tương lai. Bằng cách tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, bằng việc dự đoán những cơ hội và nhu cầu đang phát triển, các quốc gia G7 sẽ bảo đảm mọi người đều có thể hưởng lợi từ công nghệ đổi mới”.

Nhật Bản thông qua dự luật thúc đẩy phê chuẩn Hiệp định CPTPP

Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 27-3 đã thông qua các dự luật nhằm tiến tới việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ quyết định rút khỏi văn kiện này.

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Bộ trưởng phụ trách CPTPP của Nhật Bản Toshimitsu Motegi khẳng định CPTPP là một kết quả bước ngoặt trong quan điểm thúc đẩy thương mại tự do.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình các dự luật này lên phiên họp của Quốc hội hiện nay, kéo dài đến ngày 20-6 tới. Tokyo hy vọng động thái này sẽ dẫn dắt các tiến trình cần thiết trong nước cũng như tạo động lực phê chuẩn CPTPP tại các nước thành viên khác. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi có ít nhất 6 nước thành viên hoàn thành các thủ tục trong nước.

Để CPTPP có hiệu lực tại Nhật Bản, nước này cần sửa đổi tổng cộng 10 đạo luật, trong đó bổ sung các quy định và biện pháp mới đối với những thay đổi từ hiệp định thương mại tự do này. Tuy nhiên, trên thực tế, những thay đổi này không lớn như việc ấn định thời điểm thực thi hoặc thay đổi tên của hiệp định.

Khi CPTPP đi vào thực thi, bản quyền và thương hiệu sẽ được bảo vệ trong 70 năm sau khi các chủ sở hữu thương hiệu không còn tồn tại, lâu hơn 20 năm so với quy định hiện nay tại Nhật Bản.

Chính phủ cũng sẽ tìm cách giúp đỡ những người chăn nuôi gia súc trong nước khi họ phải chịu thiệt hại do giá sản phẩm nhập khẩu rẻ hơn từ các nhà cạnh tranh nước ngoài.

Nga đầu tư 53 triệu USD cho phát triển nền kinh tế số

Theo một sắc lệnh của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được đăng tải ngày 31-3, Liên bang Nga đã phân bổ khoản ngân sách trị giá khoảng 3,04 tỷ ruble (tương đương 53 triệu USD) để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số.

Khoản ngân quỹ trên sẽ được sử dụng để tài trợ cho xây dựng kết cấu hạ tầng trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và các trung tâm nghiên cứu công nghệ tại Nga và tăng cường an ninh trong ngành công nghệ thông tin.

Chương trình quốc gia "Kinh tế Số" của Nga, được phê duyệt vào tháng 7-2017, bao gồm năm lĩnh vực là giáo dục và nguồn lực, các luật lệ quy định, an ninh mạng, nghiên cứu và kết cấu hạ tầng IT.

Hiện nền kinh tế Nga đang dựa chủ yếu vào xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bán vũ khí. Moskva đang nỗ lực tìm kiếm phương thức cải thiện cấu trúc của nền kinh tế.

Trong một cuộc họp Chính phủ Nga hồi năm ngoái, Thủ tướng Medvedev đã nhấn mạnh: "Sự chuyển hướng nền kinh tế sang kỹ thuật số là vấn đề đảm bảo khả năng cạnh tranh trên toàn cầu và an ninh quốc gia của đất nước chúng ta... Chúng ta cần phải có một môi trường kỹ thuật số đầy đủ"./.