TCCSĐT - Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh (1908 - 1932), người sáng lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; một trong những người sáng lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở trong nước; một trong những người sáng lập Đông Dương Cộng sản Đảng; đại biểu chính thức của Đông Dương Cộng sản Đảng dự Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.


Tư tưởng về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh

Tuy không có nhiều điều kiện học tập nhưng đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã tiếp thu khá toàn diện chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đặc biệt là hệ thống các quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, về vai trò, vị trí và sức mạnh của giai cấp công nhân.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Mục tiêu cao cả này chính là động lực lớn để đồng chí đấu tranh và có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động nói chung và đề cao sức mạnh của giai cấp công nhân nói riêng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Khơi dậy sức mạnh của giai cấp công nhân để thúc đẩy phong trào cách mạng.

Được đánh giá là nhà hoạt động chuyên nghiệp trong phong trào công nhân và Công hội Đỏ từ thời kỳ trước và sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí cũng là người luôn nêu cao tinh thần khơi dậy sức mạnh của giai cấp công nhân hướng tới mục tiêu thay đổi xã hội.

Thời kỳ học tại Trường Thành Chung Nam Định, bên cạnh việc được chứng kiến sự bất công giữa những kẻ giàu và người nghèo (cả trong xã hội và ngay trong ngôi trường theo học), thì đồng chí cũng được tiếp xúc với các tác phẩm “Luận về nguồn gốc và nguyên nhân của sự không bình đẳng giữa người với người” của Rút-xô, đặc biệt là khi được tiếp xúc với báo Người cùng khổ và những bài viết nổi tiếng của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, từ đó, những tư tưởng tiến bộ và dân chủ đã được định hình rõ nét. Đồng chí nhận thức rằng, giai cấp công nhân chính là lực lượng quan trọng, có khả năng vươn tới là một giai cấp tiên tiến trong xã hội Việt Nam.

Từ nhận thức về sức mạnh của giai cấp công nhân, đồng chí liên hệ và cho rằng phải giải quyết mối quan hệ giữa mục tiêu đấu tranh của cách mạng Việt Nam với vai trò của giai cấp công nhân và tư tưởng về vấn đề dân tộc, vấn đề giai cấp luôn đi liền nhau không thể tách rời đã hình thành. Muốn chống chủ nghĩa thực dân phải tiến hành cách mạng vô sản. Từ đó, đồng chí đã có những gắn bó mật thiết với giai cấp công nhân, và trong những ngày đầu đầy khó khăn của cách mạng Việt Nam, đồng chí chính là người lãnh đạo trực tiếp phong trào công nhân.

Đồng chí đã dành thời gian tìm hiểu, cùng sống, cùng tham gia đấu tranh với những người công nhân thợ thuyền. Xóm thợ Mỹ Trọng, khu Năng Tĩnh là một trong những nơi đồng chí đã gắn bó, dạy học cho con em thợ thuyền, giúp họ viết đơn kiện những kẻ ức hiếp dân lành… Trực tiếp chứng kiến cuộc sống vất vả của những người thợ dệt, trong đồng chí nhen nhóm tư tưởng hình thành một hội tương trợ thợ thuyền để giúp đỡ nhau lúc khó khăn và cùng nhau đấu tranh. Năm 1925, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân phát triển mạnh mẽ thành các phong trào và trong nhiều cuộc đấu tranh trong cả nước, công nhân đã đóng vai trò là lực lượng xung kích. Ngay tại Nam Định, ngày 30-4-1925, hơn 2.500 công nhân Nhà máy Sợi đã bãi công đòi tăng lương, đòi bỏ đánh đập công nhân, bỏ đuổi thợ, giãn thợ. Năm 1926, các tầng lớp nhân dân Nam Định mà công nhân và học sinh là lực lượng chính đã đấu tranh mạnh mẽ đòi tổ chức lễ truy điệu cho Cụ Phan Chu Trinh. Công nhân thì bãi công, học sinh thì bãi khóa. Nguyễn Đức Cảnh lúc ấy đang học Trường Thành Chung cùng một số thanh niên khác nằm trong Ban Tổ chức bãi khóa. Cuộc đấu tranh đã thắng lợi khi thực dân Pháp phải chấp nhận để hàng ngàn người đeo băng tang, mang hương đến nghĩa trang Bắc Tế dự lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Tuy nhiên, sau đó, nhà cầm quyền Pháp đã thông báo các học sinh trường Thành Chung tham gia bãi khóa đều bị đuổi, nếu muốn ở lại học phải lưu ban. Cho rằng chấp nhận lưu ban là đầu hàng, Nguyễn Đức Cảnh đã rời khỏi Trường Thành Chung, từ đó đồng chí bắt đầu đi vào con đường thợ thuyền, cùng sống, lao động và tranh đấu với những người công nhân. Trong quá trình dạy học ở Trường tư thục Công Ích, đồng chí thường giáo dục học trò về lòng nhân ái, tình thương yêu con người, quê hương, đất nước. Với mong muốn trở thành người công nhân, đồng chí đã vào làm việc tại Xưởng in Lê Văn Tân, vốn là một trong những xưởng in có tiếng ở Hà Nội lúc ấy. Bản thân phải làm việc đẩy xe chở giấy, sách, thợ phụ đứng máy in, có lúc cả ghi chép sổ sách, thống kê, tuy vất vả nhưng đồng chí lại có niềm vui là được đọc những bản thảo mới viết về cuộc sống, con người,… Chứng kiến cảnh người công nhân bị chủ bóc lột sức lao động, có khi bắt làm việc tới 12, 13 tiếng mỗi ngày mà không trả thêm công (mặc dù lúc đó đã có quy định về giờ làm việcc của công nhân) đồng chí rất đau lòng và luôn ủng hộ, đứng về phía người công nhân, phản đối giới chủ, đòi hỏi quyền lợi cho người công nhân lao động.

Thời kỳ ấy, ngoài công việc ở xưởng in, đồng chí vẫn đến đọc sách tại Nam đồng Thư xã (vốn là một quán sách nhỏ do một nhóm thanh niên Hà Nội tổ chức ra, trong đó có Phạm Tuấn Tài, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính…). Khi Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ tìm đến Nam Đồng Thư xã để thuyết phục tổ chức này đi theo con đường chính trị của mình, đó là “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng thế giới”, tức là trước làm cách mạng giải phóng dân tộc, sau làm cách mạng XHCN(1). Trước khi đi đến quyết định, Nam đồng Thư xã đã cử Nguyễn Đức Cảnh và Lý Hồng Nhật đi Quảng Châu (Trung Quốc) để gặp Tổng bộ Thanh niên. Tuy không được gặp Nguyễn Ái Quốc nhưng đồng chí đã được dự một lớp huấn luyện chính trị, được tiếp thu lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, được tiếp cận với cuốn Đường Kách mệnh, từ đó đồng chí hiểu hơn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, hiểu thấu rằng muốn cách mạng thành công phải lấy lực lượng công - nông làm nòng cốt, do giai cấp công nhân mà đội tiên phong là Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tổ chức công đoàn là sợi dây liên hệ giữa Đảng Cộng sản và những người công nhân

Cũng ngay từ những ngày đầu tiên này, Nguyễn Đức Cảnh đã rất chú ý đến tổ chức Công hội - tổ chức của giai cấp công nhân, qua nghiên cứu kỹ về phương pháp tổ chức Công hội mà Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đồng chí hiểu rằng phải thống nhất được đội ngũ này mới tạo ra sức mạnh không chỉ cho chính giai cấp công nhân mà còn cho cả phong trào cách mạng. Và một những nguyên tắc tổ chức quan trọng mà đồng chí rút ra là Công hội phải được tổ chức chặt chẽ, hoạt động theo nguyên tắc “dân chủ tập trung” và khi vẫn còn hoạt động bất hợp pháp thì phải bảo đảm nguyên tắc “phải tuyệt đối giữ bí mật, phải cảnh giác, không để cho kẻ địch chui vào phá hoại”(2). Đồng chí cũng nhận ra mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản và Công hội và những người công nhân; nhận thức được vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng vô sản và cách mạng giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, đồng chí đã quyết định đi theo con đường của chủ nghĩa Mác - Lê-nin do Nguyễn Ái Quốc truyền bá. Việc đồng chí đoạn tuyệt với chủ nghĩa Tam dân, thoát ly Nam đồng Thư xã, gia nhập Thanh niên Cách mạng đồng chí hội là bước chuyển mang tính quyết định đối với cuộc đời hoạt động của đồng chí, đây cũng là khởi đầu của giai đoạn Nguyễn Đức Cảnh chính thức dấn thân vào cuộc đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Ngay từ buổi đầu tham gia Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã dành sự ưu tiên cho các hoạt động của những người công nhân, như in tài liệu nhằm giác ngộ công nhân, đặt một đường dây liên hệ với tổ chức Công hội của Thanh niên, và cũng theo nguyện vọng của đồng chí, Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ đã cử đồng chí xuống hoạt động tại Hải Phòng từ tháng 02-1928. Khi ấy, phong trào yêu nước ở Hải Phòng đã hình thành, đội ngũ công nhân cũng có sự phát triển mạnh mẽ về số lượng, được tiếp thu thông tin từ phong trào công nhân các nước (do các thủy thủ tàu nước ngoài thông tin tới). Vốn có tình cảm đặc biệt với những người công nhân, đồng chí đã lăn lộn, vào từng xóm thợ, từng nhà máy để xây dựng tổ chức. Đến năm 1928, đồng chí được cử trực tiếp phụ trách tỉnh bộ Hải Phòng, thời kỳ này đồng chí thường xuyên gắn bó với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lương Khánh Thiện, Hạ Bá Cang (Hoàng Quốc Việt)… Các hoạt động của đồng chí chủ yếu là tích cực xây dựng tổ chức Thanh niên và tổ chức Công hội trong công nhân, đặc biệt khi làm công nhân khuân vác ở Cảng, Đồng chí đã củng cố và duy trì đường giao thông, thông tin quốc tế. Trong cuộc họp ngày 28-9-1928 của Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, đồng chí đã phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thâm nhập vào phong trào công nhân, khẳng định: “chỉ có đi vào giai cấp công nhân, người cách mạng mới tìm ra chủ trương và phương pháp đấu tranh đúng”(3). Chính những phân tích sâu sắc của đồng chí đã góp phần quan trọng để Hội nghị ra Nghị quyết khẳng định chủ trương “trong công tác phát triển cơ sở cách mạng phải lấy lực lượng công nhân làm nòng cốt. Phải tăng cường hơn nữa công tác vận động công nhân. Phải đưa cán bộ trong Thanh niên đi “vô sản hóa”, cụ thể là vào làm công nhân lao động tại các hầm mỏ, nhà máy, đồn điền”. Chủ trương “vô sản hóa” cũng chính thức được thực hiện. Nguyễn Đức Cảnh được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Kỳ bộ, được phân công đặc trách công tác vận động công nhân. Từ đó, mỗi lần đưa cán bộ đi “vô sản hóa”, đồng chí thường căn dặn “chỉ có cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng tranh đấu với họ (công nhân) mới có thể tuyên truyền giác ngộ họ và xây dựng được tổ chức cách mạng”; “vào công nhân phải thận trọng, mỗi người một tính, một nết. Liệu lời mà nói, đón việc mà làm. Muốn tuyên truyền giác ngộ được quần chúng, phải gây được cảm tình với quần chúng. Họ mến thì họ nghe. Họ nghe thì họ theo”(4). Nhận thấy công nhân tuy nhiệt tình nhưng trình độ chưa cao, đồng chí đã chủ động mở lớp huấn luyện để nâng cao trình độ chính trị cho công nhân. Phong trào công nhân ngày càng lớn mạnh, Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí nhận thấy cần phải thành lập một chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, từ đó tư tưởng muốn có đảng cộng sản ngày càng thôi thúc. Đến cuối tháng 3-1929, 8 người trong đó có Nguyễn Đức Cảnh đã bí mật họp tại nhà 5D phố Hàm Long và tuyên bố thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên. Sau khi nghe các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự báo cáo tình hình công nhân, phân tích tình hình, bối cảnh chung, cuộc họp đã thống nhất “Vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân, công nông, liên hiệp và Đảng Cộng sản là Đảng của giai cấp công nhân”. Sau đó, Đông Dương Cộng sản Đảng cũng được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, được phân công phụ trách công tác vận động công nhân. Ngay sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập, đồng chí cùng anh em tích cực chuẩn bị và ngày 28-7-1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất đã khai mạc và quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Hoàng Văn Đoài và Trần Văn Sửu. Sau đó, Tổng Công hội Đỏ ở Nam kỳ và Trung kỳ được thành lập, báo Lao động và tạp chí Công hội Đỏ được xuất bản, trở thành cơ quan tuyên truyền và cơ quan lý luận cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người đi đầu trong việc vận dụng sáng tạo nguyên lý của chủ nghĩa xã hội khoa học vào hoạt động của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, làm sáng tỏ hơn, phong phú hơn lý luận cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Đồng chí là người sáng lập và trực tiếp lãnh đạo Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trực tiếp dẫn dắt phong trào công nhân và hoạt động của Công hội Đỏ ngay từ những ngày đầu. Và tới những ngày tháng cuối cùng, khi ở trong nhà tù đồng chí đã viết cuốn “Công nhân vận động”. Trong đó, đồng chí nêu bật tầm quan trọng của công tác vận động công nhân, muốn củng cố xây dựng Đảng vững mạnh phải tăng cường thành phần công nhân trong Đảng. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ đạt mục tiêu phá tan chế độ áp bức, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản khi liên minh được giai cấp công nhân với nông dân và nhân dân lao động, đồng chí nhấn mạnh, chỉ có giai cấp công nhân và đội tiên phong là Đảng Cộng sản mới có đủ điều kiện lãnh đạo và tổ chức nhân dân lao động thực hiện cuộc cách mạng và muốn cách mạng nhanh thành công Đảng Cộng sản phải làm cho tuyệt đại đa số công nhân theo mình.

Tấm gương sáng về xây dựng đoàn kết trong Đảng và xây dựng đạo đức cách mạng

Ngay từ những ngày đầu gia nhập tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã thấm nhuần quan điểm muốn làm cách mạng trước hết phải có Đảng cách mạng, và từ quan điểm giai cấp công nhân, đồng chí khẳng định Đảng muốn vững phải lấy giai cấp công nhân làm trọng, lấy chủ nghĩa chân chính làm cốt và Đảng có vững thì cách mạng mới thành công. Với vai trò là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của cả dân tộc, Đảng phải có đường lối cách mạng đúng đắn, thực sự đoàn kết các thành phần, các giai cấp, mỗi đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng. Cốt lõi của đạo đức cách mạng là trung với nước, hiếu với dân, suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của đất nước.

Nguyễn Đức Cảnh luôn đặt nhiệm vụ chăm lo giáo dục, rèn luyện lực lượng này về mọi mặt. Cuộc đời hoạt động của đồng chí chính là tấm gương lớn về phẩm chất đạo đức cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh đồng chí luôn giành về mình phần khó khăn. Khi được giới thiệu bầu vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Tổng Công hội Đỏ Bắc kỳ, đồng chí đã khiêm tốn nói: “Xin cảm ơn các đồng chí giới thiệu tôi vào Trung ương. Nhưng theo Chỉ thị của đồng chí Vương (Nguyễn Ái Quốc), Ban Chấp hành Trung ương lâm thời cần có nhiều đồng chí là thành phần công nhân. Tôi cũng là công nhân. Nhưng thời gian làm thợ chưa nhiều. Vì vậy, tôi xin đề nghị đồng chí Trần Văn Lan, công nhân lâu năm, vào Trung ương. Đồng chí Lan xứng đáng hơn tôi”. Khi thực dân Pháp khủng bố trắng ở Trung kỳ, Xứ ủy muốn đưa đồng chí ra khỏi vùng khủng bố nhưng đồng chí cương quyết không đi, và nói không thể “bỏ đồng chí ở Trung kỳ để đến một nơi an toàn và ăn không ngồi rồi”(5). Đặc biệt, khi bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng đồng chí vẫn không hé nửa lời, thân bị tàn phế nhưng tấm lòng đối với Đảng, với giai cấp và dân tộc vẫn vẹn nguyên.

Những biểu hiện đạo đức cách mạng được bộc lộ rất sớm và rất rõ, nhất là từ khi đồng chí gắn bó, trở thành một phần của giai cấp công nhân, đó là tình yêu thương sâu sắc đồng bào, đồng chí, sự đồng cam cộng khổ với những người công nhân, nhân dân lao động; là sự tuân thủ nguyên tắc hoạt động, nguyên tắc tổ chức, lòng trung thành đối với chỉ thị của cấp trên; là đức tính khiêm tốn; luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân; trong bất kỳ hoàn cảnh công tác nào, trên bất cứ cương vị công tác nào đều làm tròn trách nhiệm...

Phát huy các giá trị tinh thần, tư tưởng về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đối với hoạt động Công đoàn Việt Nam hiện nay

Một là, luôn coi trọng vị trí, vai trò của giai cấp công nhân. Hiện, đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế và giai cấp công nhân có vai trò rất quan trọng. Giai cấp công nhân không chỉ là chủ thể kinh tế còn có sức mạnh về chính trị. Giai cấp công nhân Việt Nam có mối quan hệ tự nhiên, máu thịt với giai cấp nông dân, với tầng lớp trí thức và nhân dân lao động, là sợi dây chuyền nối liền quần chúng với Đảng. Ðó là những cơ sở để xây dựng khối liên minh công - nông - trí thức bền vững, là cơ sở kinh tế - xã hội vững chắc bảo đảm vai trò, vị trí lãnh đạo của Ðảng trong điều kiện hiện nay.

Hai là, tiếp tục khẳng định tính giai cấp công nhân trong Đảng. Tính giai cấp công nhân mà Nguyễn Đức Cảnh đề cập không chỉ là những thành phần xuất thân công nhân mà quan trọng và quyết định là tính chất giai cấp, là cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn cách mạng - đây mới là những yếu tố tạo nên tính giai cấp công nhân. Do vậy, thường xuyên tuyên truyền giáo dục chính trị trong Đảng và trong giai cấp công nhân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.

Ba là, phát huy truyền thống tập hợp, đoàn kết công nhân, người lao động, các cấp công đoàn cần đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức hoạt động để vận động công nhân lao động; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động xứng đáng là tổ chức đại diện, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Trong đó, đặc biệt chú trọng chức năng bảo vệ quyền, lợi ích người lao động, coi đây là nhiệm vụ trung tâm và xuyên suốt.

Bốn là, luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho giai cấp công nhân. Hiện, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đòi hỏi đội ngũ công nhân phải có tay nghề, có trình độ cao; nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, nguy cơ “diễn biến hòa bình” cũng đòi hỏi đội ngũ này phải vững vàng về chính trị. Do vậy, phải tăng cường tổ chức, giáo dục động viên, đào tạo, bồi dưỡng công nhân công đoàn, người lao động nâng cao năng lực, trình độ, phát huy vai trò làm chủ đất nước, kiên định lý tưởng, kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong quá trình đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện nghĩa vụ công dân, xây dựng và phát triển bảo vệ đất nước.

Năm là, thường xuyên quan tâm chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong hệ thống công đoàn trong sạch, vững mạnh; xây dựng đội ngũ đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, tổ chức, có đạo đức cách mạng trong sáng, đứng vững trước những âm mưu, thủ đoạn “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của kẻ địch; tăng cường đoàn kết, thống nhất, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Sáu là, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần chủ động, tích cực, tăng cường nghiên cứu lý luận làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay; đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình đổi mới, xác định rõ những nhiệm vụ cần tập trung để giai cấp công nhân Việt Nam có đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước./.

-------------------------------------------------

(1), (2), (3), (4), (5) Nguyễn Đức Cảnh - Người con của giai cấp công nhân Việt Nam: Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 29, tr. 34, tr. 50, tr. 57, tr 104 - 118