Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trần Hưng
21:55, ngày 01-03-2018

TCCSĐT - Nhằm hoàn thành thắng lợi mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1% - 1,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra, rất cần tạo cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp mạnh cho cơ sở, trao quyền cho cộng đồng, tăng cường sự tham gia của người dân...


Về công tác chỉ đạo, điều hành

Nhằm tập trung nguồn lực, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định thành lập 01 Ban Chỉ đạo chung cho 02 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi là Ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020). Theo quy chế hoạt động, định kỳ hằng quý, 6 tháng và đột xuất, Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tổ chức các cuộc họp để đánh giá tình hình tổ chức thực hiện, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các bộ, ngành, địa phương.

 Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1722/QD-TTg, ngày 02-9-2016, nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin).


Ở các cấp địa phương, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập một Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đã có 57/63 tỉnh, thành phố thành lập/kiện toàn lại ban chỉ đạo Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có 49 tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; 57/63 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết chuyên đề, phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020.

Trong 02 năm 2016 - 2017, nhất là năm 2016, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành sớm nghiên cứu, xây dựng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện theo Luật Đầu tư công, đến nay hệ thống văn bản về giảm nghèo đã cơ bản được hoàn thiện với khoảng 67 văn bản, trong đó gồm 01 văn bản luật, 06 nghị định, 31 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 16 thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.

Những nguồn lực huy động

Tổng nguồn lực ngân sách trung ương Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg là 41.449 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển là 29.698 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 11.751 tỷ đồng).

Nguồn lực này đã được Quốc hội, Chính phủ giao trung hạn 5 năm cho các bộ, ngành và địa phương, bao gồm số vốn đã giao trong năm 2016 - 2017 là 14.584,211 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,18% (trong đó vốn đầu tư phát triển là 10.150 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 4.434,211 tỷ đồng).

Ngoài ra, trong 2 năm (2016 - 2017), ngân sách nhà nước đã bố trí 44.214 tỷ đồng để thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên, hỗ trợ người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng...

Cùng với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, các địa phương đã thực hiện huy động nguồn lực xã hội để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, theo báo cáo sơ bộ: tổng số tiền huy động dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2016 là 7.303 tỷ đồng, bao gồm: 3.786 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 2.470 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 1.047 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác: trong 9 tháng năm 2017 là 5.560 tỷ đồng, bao gồm: 3.256 tỷ đồng quà thăm hỏi và hỗ trợ các đối tượng chính sách; 1.677 tỷ đồng hỗ trợ các hộ nghèo và 627 tỷ đồng cứu đói, cứu trợ xã hội khác.

Kết quả ban đầu

Các chính sách thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, như y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ tiền điện... đã được địa phương xây dựng kế hoạch và tích cực tổ chức triển khai thực hiện, cụ thể:

Chính sách hỗ trợ y tế cho người nghèo: Trong hai năm 2016 - 2017, ngân sách trung ương đã bố trí 18.642 tỷ đồng để thực hiện mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo và học sinh, sinh viên là 5.483 tỷ đồng.

Chính sách hỗ trợ học sinh nghèo về giáo dục - đào tạo: Năm 2016 - 2017, ngân sách trung ương bố trí 5.730 tỷ đồng để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP, ngày 02-10-2015, của Chính phủ, Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2020 - 2021. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tỷ lệ huy động trẻ em đến trường theo độ tuổi tăng.

Chính sách tín dụng ưu đãi: Năm 2016, ngân sách trung ương đã thực hiện cho trên 2.297 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn, trong đó trên 74 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn lần đầu trong năm; với doanh số cho vay gần 55.150 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện cho vay với trên 1.672 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 43.766 tỷ đồng, tăng 1.873 tỷ đồng so với cùng kỳ trước, trong đó doanh số cho vay hộ nghèo là 9.292 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo là 7.592 tỷ đồng, cho vay hộ mới thoát nghèo là 8.746 tỷ đồng,...

Chính sách hỗ trợ tiền điện: Ngân sách trung ương bố trí khoảng 3.400 tỷ đồng (năm 2016 - 2017) để hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội theo Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg, ngày 07-4-2014, của Thủ tướng Chính phủ, quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Chính sách hỗ trợ về nhà ở: Theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, ngày 10-8-2015, của Thủ tướng Chính phủ, về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011-2015, có 268.665/331.000 hộ nghèo đăng ký vay vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định. Tính từ năm 2016 đến nay, đã có 43.945 hộ vay vốn, với doanh số cho vay là 1.097,28 tỷ đồng (bình quân 25 triệu đồng/hộ) để xây dựng nhà ở an toàn, ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững.

Kết quả cụ thể thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững 2016 - 2017

Chương trình 30a

Trong 2 năm 2016 - 2017, ngân sách trung ương bố trí 6.465,467 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 4.361,066 tỷ đồng; vốn sự nghiệp: 2.104,401 tỷ đồng) để thực hiện dự án Chương trình 30a/2008/NQ-CP, về Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

- Về kết quả hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo (tập trung vào các công trình đường giao thông, trường học, trạm y tế,...): thực hiện các quy định của Luật Đầu tư công và quy định về các cơ chế đặc thù trong đầu tư các dự án thuộc phạm vi của Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, trong các năm 2016 - 2017 các tỉnh, thành phố đã khẩn trương chỉ đạo thực hiện xây dựng chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt các dự án: đẩy mạnh công tác giải ngân và thực hiện đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng thiết yếu trên địa bàn.

- Về kết quả hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ tham gia mô hình: Trong 02 năm, ngân sách trung ương đã bố trí 1.627,374 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Các địa phương đã phân bố chi tiết nguồn vốn cho các đơn vị huyện, xã trên địa bàn, tuy nhiên, việc triển khai còn chậm, các kết quả chủ yếu đạt được trong năm 2016 theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2012 - 2015. Riêng năm 2017, do vướng mắc về quy định trong Thông tư số 15/2016/TT-BTC, của Bộ Tài chính và chưa có Thông tư hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất nên hầu hết các địa phương chưa có kết quả báo cáo.

- Về kết quả hỗ trợ đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: Từ tháng 01-2017 đến tháng 9-2017 đã tổ chức đào tạo tiếng Hàn Quốc cho 556 lao động thuộc đối tượng tham gia kỳ thi tiếng Hàn ngành nông nghiệp năm 2017 với tổng giá trị hợp đồng hơn 4,665 tỷ đồng.

Chương trình 135

Trong 02 năm 2016 - 2017, ngân sách trung ương bố trí 7.812,644 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển: 5.788,934 tỷ đồng và vốn sự nghiệp: 2.023,71 tỷ đồng) thực hiện dự án Chương trình 135.

- Về kết quả đầu tư kết cấu hạ tầng, duy tu bảo dưỡng: Trong 02 năm đã hỗ trợ đầu tư khoảng gần 2.000 công trình, kết cấu hạ tầng thiết yếu (tập trung đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, công trình nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ...); duy tu bảo dưỡng 318 công trình, trong đó đã đẩy mạnh phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư và tổ nhóm cộng đồng thôn, bản thực hiện công tác duy tu bảo dưỡng;

- Về kết quả hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở: Trong 02 năm ngân sách Trung ương đã bố trí 1.541,025 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc và miền núi, xã biên giới, xã an toàn khu.

Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2016, ước tính năm 2017

Cuối năm 2016, tỷ lệ nghèo cả nước còn 8,23%, giảm 1,65% so với cuối năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo còn 44,93%, giảm 5,5% đạt chỉ tiêu Quốc hội giao.

Ước tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm còn khoảng dưới 7% (giảm 1,3% so với cuối năm 2016), trong đó bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); bình quân tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vùng dân tộc và miền núi giảm khoảng 3% - 4% so với cuối năm 2016, đạt mục tiêu đề ra theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02-9-2016, của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững

Mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra cho giai đoạn tới là góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1% - 1,5% (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3% - 4%/năm) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020.

- Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo cả nước cuối năm 2020 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2015 (riêng hộ nghèo ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số tăng gấp 2 lần).

- Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.

- Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn được tập trung đầu tư đồng bộ theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ, nước sinh hoạt.

Để thực hiện được các mục tiêu đề ra như trên, trong thời gian tới, cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc Phát động phong trào thi đua: “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về tiêu chí tiếp cận nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

Hai là, tiếp tục đẩy nhanh rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách giảm nghèo, tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, dễ theo dõi, dễ thực hiện; trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều, như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng các vùng khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ba là, tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, điều hành quản lý các hoạt động của Chương trình.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, ưu tiên người nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thông qua hệ thống chính sách giảm nghèo hiện hành và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhằm cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016 - 2020; từng bước thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Năm là, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn huy động để triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, bảo đảm huy động đầy đủ, kịp thời theo đúng cơ cấu đã được quy định; tăng cường huy động vốn từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động đóng góp hợp pháp của doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; vốn đối ứng, tham gia đóng góp của người dân, đối tượng thụ hưởng.

Sáu là, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo (xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu) và thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi; áp dụng cơ chế đặc thù rút gọn đối với một số dự án đầu tư có quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước chỉ hỗ trợ đầu tư một phần kinh phí, phần còn lại do nhân dân đóng góp, có sự tham gia giám sát của nhân dân; thực hiện cơ chế hỗ trợ trọn gói về tài chính, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong suốt quá trình xây dựng và thực hiện chương trình.

Bảy là, mở rộng hợp tác trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 với các tổ chức quốc tế, cả đa phương, song phương và các tổ chức phi chính phủ để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm, đồng thời tranh thủ sự trợ giúp về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công mục tiêu của Chương trình.

Tám là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chương trình./.