Phát triển công nghiệp phụ trợ tỉnh Ninh Bình: Thực trạng và giải pháp

Hoài Sơn - Thu Hằng Trường Chính trị tỉnh Ninh Bình
23:20, ngày 15-02-2018

TCCSĐT - Công nghiệp phụ trợ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển công nghiệp của tỉnh Ninh Bình. Thời gian gần đây, giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp tại Ninh Bình có xu hướng giảm sút, chủ yếu là gia công, lắp ráp. Tình trạng nhập siêu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng khá lớn,… nên ngành công nghiệp phụ trợ của Ninh Bình còn gặp nhiều hạn chế.

Những kết quả ban đầu

Tính đến cuối năm 2017, toàn tỉnh Ninh Bình có 7 khu công nghiệp (KCN), đó là: Gián Khẩu (huyện Gia Viễn), Khánh Phú (thành phố Ninh Bình), Tam Điệp 1 (phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp), Tam Điệp 2 (xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp), Phúc Sơn (thành phố Ninh Bình), Khánh Cư (huyện Yên Khánh), Kim Sơn (nằm trong khu kinh tế tổng hợp ven biển thuộc huyện Kim Sơn). Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có 22 cụm công nghiệp với diện tích 880ha, trong đó có 15 cụm công nghiệp hoạt động có hiệu quả, thu hút 256 dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Các khu, cụm công nghiệp tại Ninh Bình tập trung chủ yếu ở các ngành, như: dệt may, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, điện tử, lắp ráp ô-tô, đóng tàu, hóa chất, thép, vật tư y tế, công nghệ vật liệu mới, sản xuất phần mềm,... góp phần nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp điện tử có đóng góp lớn cả về số lượng, giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho người lao động. Với 5 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử (camera modul, dây tai nghe điện thoại, bản dẫn vi mạch, kính máy ảnh), giai đoạn 2016-2017, sản lượng của các doanh nghiệp đạt từ 280 triệu đến 300 triệu sản phẩm; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 4.901 tỷ đồng, chiếm 15,2% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; tạo việc làm cho 4.691 lao động. Kim ngạch xuất khẩu của ngành công nghiệp phụ trợ tỉnh Ninh Bình đạt 251,7 triệu USD và xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Công nghiệp phụ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô-tô bước đầu trở thành ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, đóng góp lớn cho thu ngân sách của địa phương. Với công suất 20 triệu chiếc cần gạt nước ô-tô/năm, Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) ADM21 xuất khẩu chủ yếu sang thị trường nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Công ty cổ phần Sejung (tổng vốn đầu tư 443,4 tỷ đồng, công suất 570.500 sản phẩm/năm) với sản phẩm chủ yếu là ống xả, linh kiện ống xả, động cơ. Công ty cổ phần ô-tô Huyndai Thành Công Việt Nam (thuộc KCN Gián Khẩu) có số lượng xe lắp ráp trên 6.700 chiếc (năm 2016); giá trị sản xuất đạt 3.730 tỷ đồng, chiếm 10,8% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách 1.600 tỷ đồng; bước sang năm 2017, sản lượng sản xuất, lắp ráp ô-tô của Huyndai Thành Công đạt hơn 17.000 chiếc, gấp 2,4 lần kế hoạch, với công suất 40.000 chiếc/năm…

Công nghiệp phụ trợ cho ngành may mặc, giầy da dần trở thành chủ lực trong cơ cấu hàng xuất khẩu. Có thể nhắc đến một số doanh nghiệp tiêu biểu, như: Công ty cổ phần đầu tư và thương mại Lam Giang (thành phố Ninh Bình); Công ty TNHH Athena Việt Nam; Nhà máy sản xuất, gia công giầy dép của Công ty TNHH sản xuất giầy Chung Jye Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất, gia công hàng may mặc xuất khẩu LonDon FIELD thuộc Công ty TNHH NAM & CO LONDON,… đã thu hút và giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động khu vực nông thôn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ tại Ninh Bình còn gặp một số hạn chế. Khu vực công nghiệp phụ trợ còn non trẻ, sản phẩm và các dịch vụ sản xuất chiếm tỷ trọng nhỏ trên thị trường; tính đa dạng chưa cao, mới dừng lại ở một số sản phẩm và dịch vụ cơ bản. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, các hoạt động sản xuất công nghiệp phụ trợ còn yếu và đang trong quá trình phát triển, chưa khai thác sử dụng hết tiềm năng cung ứng các sản phẩm phụ trợ tại tỉnh. Hoạt động liên kết trong sản xuất công nghiệp chưa nhiều, hệ thống dịch vụ kinh doanh (nghiên cứu phát triển, thiết kế, marketing, phân phối...) chưa phát triển và hiệu quả thấp. Một phần của những hạn chế trên là do cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyết khích, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ chưa đủ mạnh để thúc đẩy, hỗ trợ cho sự phát triển. Công nghiệp phụ trợ của Ninh Bình chưa kết nối chặt chẽ với vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng công nghiệp đồng bằng sông Hồng cũng như tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đội ngũ nhân lực chất lượng cao cung cấp cho ngành công nghiệp phụ trợ chưa đầy đủ; đội ngũ kỹ sư lành nghề trong các lĩnh vực trọng yếu như linh kiện điện tử, phụ tùng ô-tô,... còn thiếu hụt. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển ngành công nghiệp phụ trợ còn thiếu và hạn chế, chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) về công nghiệp phụ trợ. Công tác xúc tiến thương mại, triển lãm giới thiệu sản phẩm ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh Ninh Bình với các ngành công nghiệp phụ trợ trong nước và quốc tế còn nhiều hạn chế.

Đề xuất một số giải pháp

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên, trong thời gian tới, Ninh Bình cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

Một là, tăng cường thu hút, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ là thế mạnh của tỉnh, như: sản xuất linh kiện điện tử, lắp ráp ô-tô, may mặc, giày da, chế biến nông sản sạch,... tại các khu, cụm công nghiệp đã được tỉnh phê duyệt phát triển.

Hai là, hoàn thiện, đổi mới các chính sách ưu đãi về tài chính, đất đai, kết cấu hạ tầng, đầu tư, phát triển doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp về lĩnh vực công nghiệp phụ trợ; đẩy mạnh thu hút các dự án FDI để gia tăng năng lực sản xuất.

Ba là, thúc đẩy, tạo lập môi trường chuyển giao công nghệ, hợp tác liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh để các doanh nghiệp này nhanh chóng làm chủ công nghệ mới…

Bốn là, tạo mối liên kết giữa các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ vùng đồng bằng sông Hồng trong việc hợp tác sản xuất, lắp ráp, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ…

Năm là, xây dựng đội ngũ kỹ sư, các chuyên gia ngành công nghiệp phụ trợ mà Ninh Bình đang có lợi thế; tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành công nghiệp phụ trợ của tỉnh.

Để đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp còn non trẻ, đòi hỏi tỉnh Ninh Bình cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp dựa trên quan điểm, định hướng phát triển đúng đắn, hợp lý và cụ thể hóa thành các chương trình cụ thể, các dự án đầu tư trọng tâm, trọng điểm tạo sức bật lớn. Từ đó biến tiềm năng công nghiệp phụ trợ trở thành sức mạnh, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Bình./.