Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-12-2017)
TCCSĐT - Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa chính thức tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2018. Nếu ông giành được chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018 thì đó sẽ là nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 4 của ông.
Hướng đến nhiệm kỳ thứ tư
Tổng thống Nga V. Putin tại buổi nói chuyện ở thành phố Nizhny Novgorod. Ảnh: rfeil.org
Quyết định này của Tổng thống V. Putin nhìn chung đã được dư luận ủng hộ, bởi trong suốt 17 năm lãnh đạo đất nước Nga vừa qua, Tổng thống V. Putin được đánh giá là người đã giúp “hồi sinh” nước Nga trở về đúng giá trị vốn có của mình.
Ngày 06-12, tại cuộc gặp với các cựu chiến binh và cán bộ lão thành của Nhà máy ô tô GAZ ở thành phố Nizhny Novgorod, Tổng thống V. Putin đã tuyên bố sẽ tiếp tục ra tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2018. Trong lời tuyên bố của mình, Tổng thống V. Putin khẳng định, đất nước Nga sẽ chỉ có tiến lên phía trước, và không bao giờ có thế lực nào có thể chặn bước nước Nga trên con đường ấy.
Ngay sau tuyên bố ra tranh cử tổng thống giai đoạn 2018 - 2024, nhìn chung dư luận đều cho rằng, ông V. Putin đã có một quyết định sáng suốt có tính toán. Chọn Nhà máy ô tô GAZ, trước đông đảo người lao động và tình nguyện viên trẻ để tuyên bố quyết định của mình, ông V. Putin cho thấy chỗ dựa của ông trong xã hội chính là người dân Nga và giới trẻ Nga, ông sẽ là người bảo vệ quyền lợi của họ.
Dư luận cho rằng động thái này của Tổng thống V. Putin có tác dụng tập hợp lực lượng, đoàn kết các giai tầng trong xã hội Nga nhằm đối phó với những thách thức chính trị bất lợi đối với Nga hiện nay, đồng thời khẳng định hướng phát triển của Nga trong thời gian tới, đó là tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định xã hội và hội nhập quốc tế.
Nhìn lại hai nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông V. Putin (2000 - 2008), kết quả cho thấy thiết chế chính trị đa đảng ở nước Nga đã được điều tiết theo hướng khắc phục tình trạng quá nhiều đảng, mà tập trung vào các đảng có khả năng cạnh tranh cao, lựa chọn một hoặc một số đảng mạnh, đảng của chính quyền, đóng vai trò hậu thuẫn, ủng hộ đường hướng, kế hoạch phát triển đất nước của chính quyền Nga. Những cải cách này đã mang lại kết quả tích cực cho chính quyền của Tổng thống V. Putin và tiếp đến là của Tổng thống D. Medvedev (2008 - 2012).
Không những ổn định về chính trị, cuộc sống người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Đây là những thành công đáng kể mà ông V. Putin gây dựng được từ sau khi Liên Xô sụp đổ. Trong giai đoạn 2000 - 2008, từ quốc gia có nền kinh tế đứng thứ 22 thế giới, Nga đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, với mức tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm. Số người sống dưới mức nghèo khổ đã giảm xuống còn 14% trong năm 2008, tầng lớp trung lưu tăng lên 7 lần… Năm 2011, Nga là nước có nền kinh tế lớn thứ 9 thế giới và là nước có tốc độ phát triển nhanh thứ 3 thế giới (sau Trung Quốc và Ấn Độ). Năm 2012, Nga đã vượt qua nhiều thử thách, chính thức bước vào sân chơi thương mại toàn cầu, trở thành thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)…
Trong nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 3 (từ năm 2012 đến nay), dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V. Putin, nước Nga đã xây dựng được một hình ảnh độc lập, trở thành một cực mạnh trong trật tự thế giới đa cực. Về đối ngoại, ông V. Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách cứng rắn trong các chính sách và khá nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương. Nước Nga đã trở thành một chủ thể quan trọng trong các tổ chức lớn về kinh tế chính trị trên thế giới, như nhóm G20, nhóm các cường quốc công nghiệp G8, nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi BRICS… Tổng thống V. Putin cũng là nguyên thủ có nhiều ảnh hưởng trong các vấn đề lớn của khu vực và quốc tế. Điều này có thể thấy rõ trong mối quan hệ của Nga với Trung Quốc, tình hình Trung Đông hay vấn đề Ukraine…
Trong lĩnh vực quân sự, nước Nga dưới thời Tổng thống V. Putin cũng được đánh giá là một trong những thế lực mạnh nhất thế giới. Sự can thiệp quân sự kịp thời cũng như sự hỗ trợ vũ khí hiệu quả của Nga ở Syria được coi là chiến thắng trên mặt trận ngoại giao của Nga khi cuộc chiến này hiện đang trong giai đoạn cuối cùng. Trong hai năm tham gia cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của lực lượng không quân Nga trên lãnh thổ Syria (từ tháng 9-2015), nhiều mục tiêu của IS đã bị đập tan, nhiều điểm dân cư then chốt đã được giải phóng và nhiều tuyến giao thông liên lạc chính đã được khai thông.
Bước sang năm 2017, những gam màu tươi sáng đã bắt đầu xuất hiện trên bức tranh kinh tế tổng thể của nước Nga, xua đi sự ảm đạm bao trùm sau một khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của giá dầu giảm và các lệnh trừng phạt của phương Tây. Đầu năm 2017, lần đầu tiên kể từ quý IV-2014, kinh tế Nga đã tăng trưởng với mức tăng GDP là 0,3%. Dự kiến trong giai đoạn từ 2017 - 2020, kinh tế Nga sẽ đạt mức tăng trưởng trung bình là 1,7%. Những “quả ngọt” này có được là nhờ nỗ lực quyết liệt tái cơ cấu và đa dạng hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu dầu thô của Nga. Các biện pháp nhằm tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, mở rộng hợp tác kinh tế với các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương… đã phát huy tác dụng, đưa con tàu kinh tế nước Nga từng bước vượt qua giông bão.
Gói cứu trợ thứ ba: Hy Lạp giải quyết khủng hoảng nợ công
Ảnh minh họa. Ảnh: The Indian Express
Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về giải ngân gói cứu trợ thứ ba. Sau 7 năm thực hiện chính sách “thắt lưng, buộc bụng” và cải cách, Hy Lạp hy vọng việc đạt được thỏa thuận sơ bộ giải ngân gói cứu trợ thứ ba với các chủ nợ quốc tế sẽ là tín hiệu khả quan đưa Athens thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài nhất trong lịch sử nước này.
Athens sẽ đáp ứng tất cả các cam kết để khai thông đợt giải ngân mới nhất trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro dành cho nước này từ năm 2015. Theo kế hoạch, Hy Lạp sẽ hoàn thành 95 cam kết trong tháng 12 này, trong đó có lĩnh vực nhạy cảm như cải cách dịch vụ công và phúc lợi xã hội, cũng như các biện pháp nhằm tự do hóa thị trường năng lượng và thúc đẩy tư nhân hóa... Thỏa thuận cuối cùng dự kiến được phê chuẩn tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính Eurogroup ngày 22-01-2018, với điều kiện Quốc hội Hy Lạp thông qua các cải cách dịch vụ công và phúc lợi xã hội, các biện pháp nhằm tự do hóa thị trường năng lượng và thúc đẩy tư nhân hóa...
Kể từ năm 2010, Hy Lạp đã nhận được cam kết có 3 gói cứu trợ của “Bộ ba” chủ nợ quốc tế gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) với tổng trị giá lên tới hơn 350 tỷ euro. Sau 2 gói cứu trợ đầu tiên, Athens vẫn không đáp ứng được thời hạn chót trả nợ cho IMF. Gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro với thời hạn giải ngân 3 năm đã được thông qua năm 2015 với điều kiện Hy Lạp phải thực hiện một kế hoạch “thắt lưng, buộc bụng” và cải cách hết sức nghiêm ngặt như đã cam kết. Tuy nhiên, gói cứu trợ thứ ba này chỉ có sự trợ giúp của các quốc gia thành viên EU mà không có IMF. Tính đến cuối tháng 9-2017, Hy Lạp đã nhận được hơn 221 tỷ euro từ các định chế tài chính châu Âu và 11,5 tỷ euro từ IMF. Lý do mà IMF ngừng tham gia chương trình cứu trợ cho Hy Lạp là bởi tổ chức tài chính này cho rằng, khoản nợ của Athens quá lớn và IMF không thể tiếp tục giải ngân khoản vay nếu các chủ nợ không giảm nợ cho nước này. Ngày 02-5 vừa qua, Chính phủ Hy Lạp và các chủ nợ gồm EU, ECB và IMF đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các biện pháp “thắt lưng, buộc bụng” để đổi lấy gói cứu trợ tài chính thứ 3 cho quốc gia này. Với thỏa thuận sơ bộ đạt được, Hy Lạp và các chủ nợ đã phá vỡ được thế bế tắc trong các cuộc đàm phán nợ của Athens. Trước đó, dưới áp lực của các chủ nợ, Chính phủ Hy Lạp đã chấp thuận cắt giảm ngân sách thêm 3,6 tỷ euro trong năm 2019 và 2020. Athens thừa nhận việc cắt giảm quỹ hưu trí và mức miễn thuế mới là nhằm đổi lấy sự chấp thuận sử dụng số tiền tương đương cho các biện pháp xóa đói, giảm nghèo.
Ngày 12-8, Bộ Tài chính Hy Lạp cho biết, quốc gia châu Âu này đang bước vào một giai đoạn kinh tế ổn định, và mục tiêu chính của Athens tại thời điểm này là giành lại quyền tiếp cận các thị trường vốn toàn cầu. Sau khi thu được những kết quả kinh tế khả quan, ngày 25-9, Hy Lạp cũng chính thức được EU đưa ra khỏi danh sách các quốc gia báo động về thâm hụt ngân sách.
“Chiến thắng” của Tổng thống Mỹ về hạn chế cấm nhập cảnh
Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: Reuteurs
Ngày 05-12, Tòa án Tối cao Mỹ đã ra phán quyết lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống D. Trump đối với công dân 6 quốc gia Hồi giáo chính thức có hiệu lực toàn diện. Đây được xem là một chiến thắng bước đầu quan trọng đối với chính quyền của Tổng thống D. Trump trong các vấn đề về hạn chế nhập cảnh.
Sắc lệnh hành pháp về nhập cư lần đầu tiên được Tổng thống D. Trump ký ban hành ngày 27-01. Sắc lệnh này đã làm dấy lên làn sóng phản đối cả trong và ngoài nước Mỹ, cũng như “khơi mào” cho một “cuộc chiến pháp lý” giữa chính quyền Tổng thống D. Trump và ngành tư pháp Mỹ. Đến nay, sắc lệnh về nhập cư của Tổng thống D. Trump được ban hành và sửa đổi, bổ sung 3 lần - lần cuối vào tháng 9 vừa qua, áp dụng ở nhiều mức độ khác nhau với công dân đến từ 8 quốc gia, trong đó có 6 quốc gia Hồi giáo đa số, bao gồm Syria, Libya, Yemen, Chad, Iran, Somalia, CHDCND Triều Tiên và Venezuela. Theo đó, ngừng tất cả thị thực vào Mỹ đối với CHDCND Triều Tiên, Chad, Libya, Yemen và Syria; ngừng gần như toàn bộ thị thực ngoại trừ sinh viên và khách trong các chương trình trao đổi với Iran; ngừng cấp thị thực cho các quan chức chính phủ (và người thân trực tiếp của họ) về du lịch và kinh doanh ở Mỹ với Venezuela; ngừng cấp mới thị thực và tăng thêm điều kiện an ninh cho các thị thực hiện hành với Somalia. Những người phản đối cho rằng lệnh cấm nhằm vào người theo đạo Hồi vi phạm hiến pháp Mỹ và không theo đuổi các mục tiêu an ninh như chính phủ tuyên bố. Do đó, hai tòa cấp dưới đã quyết định tạm ngưng thi hành lệnh cấm trên toàn quốc. Tuy nhiên, chính quyền Trump đã đưa vụ việc lên tòa tối cao, khẳng định rằng lệnh cấm là cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia và ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ.
Trước đó, khi ban hành lệnh cấm, Tổng thống D. Trump cũng từng khẳng định việc làm cho nước Mỹ an toàn là ưu tiên hàng đầu của ông và rằng chính phủ Mỹ sẽ không cho phép người nào “đặt chân” vào Mỹ mà không thể rà soát hồ sơ của họ. Bộ trưởng Tư pháp Mỹ J. Session gọi phán quyết của Tòa án Tối cao là “thắng lợi đáng kể cho sự an toàn và an ninh của người dân Mỹ”. Trong khi Nhà Trắng nhấn mạnh, lệnh cấm là “hợp pháp và cần thiết” để bảo vệ nước Mỹ.
Phán quyết của Tòa án Tối cao đã đánh dấu một chiến thắng hiếm hoi cho Tổng thống D. Trump trong các vấn đề về đối nội. Theo ông D. Trump, sắc lệnh nhập cư của ông là điều cần thiết cho an ninh quốc gia, tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc nhằm riêng vào những người Hồi giáo của sắc lệnh là một sự vi phạm với Hiến pháp. Theo Diễn đàn Nhập cư quốc gia, một nhóm ủng hộ di dân, đã chỉ trích phán quyết của tòa án, cho rằng phán quyết “gây trở ngại cho những nỗ lực nhằm củng cố nền kinh tế, gây tổn hại cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào người lao động nước ngoài làm việc ở Mỹ”.
Trong năm tài khóa 2017, số người bị trục xuất khỏi Mỹ thấp hơn so với tất cả các năm trong hai nhiệm kỳ của cựu Tổng thống B. Obama, song số người nhập cư bất hợp pháp bị bắt giữ tăng mạnh. Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo đã trục xuất gần 226.000 người khỏi nước này trong năm tài khóa 2017, kết thúc ngày 30-9 vừa qua, giảm 6% so với tài khóa trước đó. Tuy nhiên, số vụ bắt giữ người tình nghi nhập cư bất hợp pháp kể từ khi Tổng thống D. Trump nhậm chức đã cao hơn 42% so với năm trước.
Theo thông báo của Bộ An ninh nội địa Mỹ, số người bị trục xuất giảm một phần do lượng người tìm cách vượt biên bất hợp pháp vào Mỹ giảm. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) thông báo trong tài khóa 2017 đã bắt giữ gần 311.000 người tìm cách nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp, giảm 25% so với tài khóa trước đó và là mức thấp nhất kể từ năm 1971. CBP cũng cho biết giới chức tại các cửa khẩu, sân bay và cảng biển đã từ chối nhập cảnh (qua đường chính thức) đối với gần 216.400 người trong tài khóa 2017, giảm 24% so với tài khóa trước.
Ngoài ra, số người bị trục xuất giảm là do hiện biên giới đã được tăng cường kiểm soát hơn so với những năm trước. Bên cạnh đó, dù giới chức Mỹ bắt giữ nhiều người hơn, song lượng công việc tồn đọng ngày càng tăng tại các tòa án về nhập cư của Mỹ khiến việc giải quyết vấn đề trục xuất những người nhập cư chậm hơn.
Chính sách nhập cư ngặt nghèo là một phần quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống D. Trump. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã mở rộng diện nhóm người nhập cư bất hợp pháp phải trục xuất.
Nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Liban
Thủ tướng Liban Saad al-Hariri. Ảnh: theaustralian.com.au
Thủ tướng Liban Saad al-Hariri đã hủy bỏ quyết định từ chức gây tranh cãi theo lời kêu gọi của Tổng thống Michel Aoun. Đây được coi là động thái tích cực giúp tháo ngòi nổ cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia Trung Đông này.
Ngày 05-12, Thủ tướng Liban Saad Hariri đã thông báo rút lại quyết định từ chức, sau khi tuyên bố rút lui khỏi vị trí này cách đây một tháng. Trong một tuyên bố của Nội các Liban được đưa ra sau khi cơ quan này tiến hành phiên họp đầu tiên tại Phủ Tổng thống Baabda kể từ khi ông S. Hariri về nước, Thủ tướng Liban nêu rõ hội đồng bộ trưởng cảm ơn Thủ tướng vì đã hủy bỏ quyết định từ chức. Ngoài ra, ông S. Hariri cũng tuyên bố Chính phủ Liban khẳng định cam kết đối với chính sách đứng ngoài các cuộc xung đột trong khu vực.
Trước đó, ngày 04-11 vừa qua, Thủ tướng S. Hariri đã bất ngờ tuyên bố từ chức trong một phát biểu trên truyền hình từ thủ đô Riyadh của Saudi Arabia khi đang có chuyến công du tới nước này với lý do “Iran gia tăng ảnh hưởng chính trị trong khu vực” và có một âm mưu ám sát nhằm vào ông. Tổng thống Liban Aoun không chấp nhận việc từ chức của ông S. Hariri, cho rằng quyết định này trái với hiến pháp vì đơn từ chức của ông S. Hariri không được trình lên tổng thống. Các nhà phân tích cho rằng, tuyên bố từ chức của Thủ tướng S. Hariri thực sự đã tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia với 1/3 dân số theo dòng Hồi giáo Sunni, 1/3 theo dòng Hồi giáo Shiite, 1/3 còn lại theo Cơ đốc giáo và vẫn còn bị chia rẽ sâu sắc kể từ sau cuộc nội chiến giai đoạn 1975 - 1990. “Viễn cảnh” chính phủ liên minh hiện nay với nhiều thành phần, đại diện các phe phái đối lập ở Liban sụp đổ, không chỉ đẩy nước này vào vòng xoáy cạnh tranh quyền lực mà còn làm trầm trọng thêm cuộc tranh cãi khu vực giữa Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran theo dòng Hồi giáo Shiite.
Đối với Liban, nếu Thủ tướng S. Hariri từ chức sẽ đẩy đất nước quay trở lại thời kỳ chia rẽ sâu sắc bởi xung đột giáo phái kéo dài 29 tháng sau khi cựu Tổng thống M. Suleiman kết thúc nhiệm kỳ hồi tháng 5-2014. Mâu thuẫn phe phái gay gắt ở Liban khi đó khiến quốc hội nước này trải qua hơn 40 cuộc bỏ phiếu vẫn không thể bầu chọn được nhà lãnh đạo đất nước. Chính vì vậy, quyết định hủy bỏ từ chức của Thủ tướng S. Hariri đã nhận được sự hài lòng của người dân Liban, vốn nhận thức rõ được giá trị của hòa bình và ổn định sau khi phải trải qua cuộc nội chiến kéo dài với những tổn thất nặng nề.
Còn đối với khu vực Trung Đông, mọi cuộc khủng hoảng trên chính trường Liban đều có thể đẩy khu vực này rơi vào tình trạng bất ổn vượt tầm kiểm soát. Mặc dù là một quốc gia có diện tích nhỏ, song Liban có vai trò địa - chính trị hết sức quan trọng tại Trung Đông, và đang được xem là tâm điểm của một cuộc tranh giành ảnh hưởng tại khu vực giữa Iran và Saudi Arabia. Bằng cách trực tiếp hay gián tiếp, Liban đều đang can dự vào các cuộc chiến tại Yemen, Syria và có ảnh hưởng nhất định tới diễn biến tại các điểm nóng trong khu vực. Mặt khác, điểm nóng Trung Đông nếu tiếp tục bất ổn và chia rẽ, sẽ tạo điều kiện cho IS tồn tại và tái thiết lực lượng, tác động tiêu cực đến những kết quả tích cực trong cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông thời gian qua./.
Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 11  (11/12/2017)
Hải Dương phát huy toàn diện giá trị di tích quốc gia đặc biệt  (11/12/2017)
Việt Nam dự hội nghị các chính đảng trong phát triển quan hệ Nga-ASEAN  (11/12/2017)
Đại biểu thanh niên đối thoại với các bộ, ngành  (11/12/2017)
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 04 đến 10-12-2017)  (11/12/2017)
Quảng bá văn hóa Việt Nam tại Mỹ qua sản phẩm thủ công mỹ nghệ  (10/12/2017)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên