Rà soát điều kiện kinh doanh, giảm chi phí cho doanh nghiệp
Tinh thần chỉ đạo đó của Chính phủ thể hiện rõ trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty sáng 12-8 và trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7.
Nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao Thường trực Chính phủ họp với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty sáng 12-8.
Trong cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, Thường trực Chính phủ đã rà soát lại từng mục tiêu, chỉ tiêu, kịch bản tăng trưởng đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực để xem xét khả năng, mức độ hoàn thành, các vướng mắc và biện pháp tháo gỡ.
Ý kiến các bộ, tập đoàn, tổng công ty đều cho biết có thể hoàn thành kịch bản đề ra đối với ngành, lĩnh vực của mình. Ngành nông nghiệp có khả năng đạt tăng trưởng cả năm trên 3% với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 33 tỷ USD. Công nghiệp chế biến, chế tạo có thể đạt trên 12%. Ngành du lịch khẳng định có thể đạt mức tăng trưởng trên 30%, đạt 13-15 triệu khách quốc tế. Ngành dệt may cam kết nỗ lực đạt tăng trưởng trên 10%, với mục tiêu xuất khẩu trên 30 tỷ USD. Các ý kiến đều khẳng định phải tập trung tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kể cả những chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình khác cũng cần đẩy mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt còn rất nặng nề, không thể chủ quan, cần nêu cao quyết tâm chính trị để hoàn thành xuất sắc, toàn diện cả 13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần giảm chi phí cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho sản xuất, nhất là phí, thuế, tiêu thụ sản phẩm, tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại… Đổi mới, tháo gỡ các cơ chế quản lý trói buộc sự phát triển, nhất là thể chế.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, nhất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ trong điều hành các công cụ tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư, bảo đảm kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời. Ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành kinh tế-xã hội hiện nay.
Áp chuẩn OECD để bãi bỏ giấy phép con
Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 vừa được ban hành, Chính phủ yêu cầu rà soát các điều kiện kinh doanh theo nguyên tắc thị trường của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), đề xuất bãi bỏ các điều kiện hạn chế cạnh tranh. Đây cũng là chỉ đạo mới nhất của Chính phủ, Thủ tướng liên quan tới các điều kiện kinh doanh. OECD gồm các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới như Mỹ, Canada và các nước Tây Âu và theo các chuyên gia, OECD đã đặt ra tiêu chí chuẩn mực nhất về chất lượng văn bản quy phạm pháp luật.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 243 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, hiện có tổng số 5.719 điều kiện kinh doanh (thường được gọi là giấy phép con). Trong đó, nhiều nhất là Bộ Công Thương có 27 ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý với 1.220 điều kiện kinh doanh. Ít nhất là Bộ Xây dựng cũng có 17 ngành nghề kinh doanh có điều kiện với 106 điều kiện kinh doanh.
Nhiều điều kiện kinh doanh được cho là bất hợp lý, không cần thiết, gây cản trở cho người dân và doanh nghiệp. Thủ tướng yêu cầu các bộ xem xét, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-8, trong đó có kiến nghị phương án xử lý cụ thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.
Không chỉ dừng lại ở các chỉ đạo mang tính định hướng, trên thực tế, thời gian qua Chính phủ cũng đã xem xét kỹ lưỡng các điều kiện kinh doanh trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Chẳng hạn tại phiên họp Chính phủ vừa qua, có tới 2 dự án luật có đề cập tới các điều kiện kinh doanh.
Với dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thể dục thể thao, Chính phủ đã thống nhất không quy định hộ kinh doanh thể thao phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện như với doanh nghiệp thể thao. Thay vào đó, chỉ quy định theo hướng hậu kiểm để tạo thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính cho hộ kinh doanh.
Cho ý kiến về dự thảo Luật An ninh mạng, một số thành viên Chính phủ cũng cho rằng cần cân nhắc rất kỹ về tính cần thiết, khả thi của các thủ tục hành chính mới phát sinh, liên quan tới các quy định về kinh doanh dịch vụ bảo đảm an ninh mạng. Điều này liên quan tới phạm vi điều chỉnh của Luật.
Tín hiệu đáng mừng từ Bộ Tài chính, Bộ Công Thương
Một tín hiệu rất đáng mừng, là mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất bãi bỏ toàn bộ Nghị định số 104/2007 về ngành nghề kinh doanh đòi nợ. Nếu đề xuất này được đồng ý, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ không còn phải đáp ứng hàng loạt điều kiện như vốn tối thiểu 2 tỷ đồng, người quản lý phải có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh…
Bộ Công Thương lập Tổ công tác đặc biệt để rà soát các điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực phụ trách của Bộ, lên phương án đơn giản hóa hoặc cắt giảm.
Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công thương có thành phần gồm Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Chánh Văn phòng Bộ. Hiện Bộ đã rà soát xong các điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực công thương cập nhật đến tháng 8-2017. Đây là cơ sở để Tổ công tác đề xuất với Bộ trưởng các phương án đơn giản hóa, hoặc cắt giảm thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Danh mục rà soát thủ tục hành chính của Bộ Công Thương gồm 25 ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đó là các ngành nghề Kinh doanh xăng dầu; kinh doanh khí; sản xuất, sửa chữa chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (chai LPG); giám định thương mại; kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp; kinh doanh dịch vụ nổ mìn; kinh doanh sản phẩm thuốc lá, nguyên liệu thuốc lá, máy móc, thiết bị thuộc chuyên ngành thuốc lá; kinh doanh rượu….
Căn cứ kế hoạch do Bộ Công Thương ban hành, ngay trong năm 2017, Bộ sẽ bãi bỏ và đơn giản hóa 123/443 thủ thủ tục hành chính, chiếm gần 30% tổng số thủ tục thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Bộ Công Thương cho biết, Bộ hiện đã hoàn thành xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ, trên cơ sở nâng cấp, tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến hiện còn đang phân tán tại các đơn vị thuộc Bộ tại một cửa duy nhất. Hiện tại, các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 của Bộ Công Thương được tích hợp tại một cổng này và liên thông đến Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bộ là đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 từ năm 2010. Bộ Công Thương hiện có 130 dịch vụ công trực tuyến. Hiện nay, 100% dịch vụ công trực tuyến của Bộ đều ở mức 2 trở lên. Trong quý 3-2017, Bộ sẽ nâng tất cả các thủ tục lên cấp độ 3 và cấp độ 4. Dự kiến, hết quý 3, Bộ sẽ hoàn thành 70% kế hoạch, quý 4 sẽ hoàn thành 100% kế hoạch này./.
Mỹ sẽ tiến hành điều tra hoạt động thương mại của Trung Quốc  (13/08/2017)
Hợp tác chặt chẽ thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam-Indonesia  (13/08/2017)
20 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện độc quyền Nhà nước  (13/08/2017)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình  (13/08/2017)
Giao lưu đoàn kết hữu nghị hai nước Việt Nam-Lào tại Nhật Bản  (12/08/2017)
“Đi bộ vì sức khỏe” kỷ niệm Ngày thành lập ASEAN tại Lào  (12/08/2017)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên