Tăng cường đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể ở tỉnh Vĩnh Long

Trần Văn Rón Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long
21:44, ngày 14-12-2016

TCCS - Thời gian qua, kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới dưới nhiều hình thức, trình độ khác nhau hiện diện trong các ngành, lĩnh vực đã đáp ứng một phần nhu cầu của những người lao động, hộ sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Vĩnh Long. Để kinh tế tập thể tiếp tục phát triển bền vững cùng với các thành phần kinh tế khác, tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp sát hợp hơn với thực tiễn.

Phát triển kinh tế tập thể trong thời gian qua: Thành tựu và hạn chế

Thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21-02-2013, của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức triển khai, quán triệt nội dung Kết luận trong toàn Đảng bộ với 6.726 cuộc cho 196.990 lượt cán bộ, đảng viên và nhân dân tham dự; đồng thời ban hành Kế hoạch số 85-KH/TU cụ thể hoá Kết luận số 56-KL/TW cùng với Quyết định số 780-QĐ/TU, ngày 30-12-2014, về kiện toàn Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể (KTTT) giai đoạn 2011 - 2015. Đến nay, tỉnh đã tổ chức được 20 lớp tập huấn, bồi dưỡng về KTTT cho 2.371 lượt cán bộ, công chức các cấp, cán bộ chủ chốt các hợp tác xã (HTX), ban quản lý các tổ hợp tác (THT); 72 cuộc triển khai Luật Hợp tác xã năm 2012 cùng với các nghị định của Chính phủ và thông tư của các bộ, ngành Trung ương về hướng dẫn thực hiện Luật cho 2.736 lượt cán bộ, công chức, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, thành viên các HTX, Liên hiệp HTX tham dự. Tỉnh đã ban hành một số chính sách để hỗ trợ, khuyến khích các đơn vị KTTT phát triển; xem xét điều chỉnh, bổ sung một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích KTTT phù hợp với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh.

Sau 3 năm triển khai Kết luận số 56-KL/TW, thành phần KTTT của tỉnh đã có bước chuyển tích cực: thành lập mới 31 HTX và giải thể 23 HTX, tính đến tháng 12-2015, toàn tỉnh có 110 HTX (tăng 6,7% so với năm 2012) và 1 Liên hiệp HTX; thu hút 7.088 thành viên, giải quyết việc làm cho 6.972 lao động; tổng vốn hoạt động năm 2015 của các HTX, Liên hiệp HTX đạt trên 335,5 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ là 167,6 tỷ đồng (tăng 17,5% so với năm 2012).

Nhiều HTX trong lĩnh vực nông nghiệp đã được tập trung củng cố để nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng dịch vụ cung cấp cho thành viên; mạnh dạn đầu tư vốn, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp; hoạt động sản xuất gắn kết với thương mại dịch vụ; tham gia các chương trình khuyến công, khuyến nông, đầu tư sản xuất sạch theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, đăng ký thương hiệu sản phẩm.

Các HTX trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp hoạt động ổn định và phát triển. Nhiều HTX đã đầu tư vốn, mở rộng mô hình sản xuất, phát triển thêm ngành, nghề, liên kết giữa sản xuất và thương mại, phát triển thành các vệ tinh sản xuất và gia công cho các doanh nghiệp quy mô lớn. Một số HTX được tiếp cận các chương trình khuyến công của tỉnh để ứng dụng, đổi mới thiết bị công nghệ trong sản xuất.

Các HTX trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ hoạt động khá tốt. Nhiều mô hình mới xuất hiện, như HTX chợ, HTX thương mại - dịch vụ trong lĩnh vực xây dựng bước đầu hoạt động hiệu quả. Trong lĩnh vực giao thông vận tải hoạt động theo loại hình dịch vụ hỗ trợ và bán tập trung đi vào ổn định, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ở địa phương, nhiều HTX đã mạnh dạn đầu tư vốn mua sắm đổi mới phương tiện, mở rộng ngành, nghề kinh doanh. Đặc biệt, HTX hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ công, như thu gom, vận chuyển rác, quản lý và chăm sóc cây xanh đô thị... dù mới được thành lập cuối năm 2012 nhưng đều hoạt động có hiệu quả và phát triển khá mạnh.

Các quỹ tín dụng nhân dân phát triển ổn định, luôn tăng vốn hoạt động, vốn điều lệ và phát triển thành viên mới, giải quyết cơ bản nhu cầu về vốn của bà con nông dân, tiểu thương.

Toàn tỉnh đã thành lập mới được 189 THT; hợp nhất, sáp nhập và giải thể 519 THT. Tính đến tháng 10-2015, có 1.636 THT (giảm 14,9% so với năm 2012) với 69.447 thành viên. Ngoài ra, còn có 2 hội, 2 hiệp hội ngành, nghề với 191 hội viên và 7.366 tổ, nhóm hợp tác của các đoàn thể dưới các hình thức, như hợp tác vay vốn, tương trợ vốn xoay vòng, câu lạc bộ... thu hút được 95.256 thành viên; tổng vốn vay, vốn tương trợ xoay vòng ước trên 202,7 tỷ đồng. Nhiều THT sản xuất có tổ chức bộ máy khá tốt, quy mô hoạt động phù hợp với thực tế nhu cầu hợp tác và năng lực quản lý điều hành của ban quản lý, có 95,2% THT xây dựng hợp đồng hợp tác theo Nghị định số 151/NĐ-CP, ngày 10-10-2007, của Chính phủ Về tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác. Qua các hoạt động hỗ trợ của tổ, các hộ thành viên đã từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, tạo ra nhiều mô hình sản xuất đạt giá trị 200 triệu đồng/ha/năm, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp và thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông thôn ở địa phương.

Về kết quả sản xuất, kinh doanh, phần lớn các HTX, Liên hiệp HTX hoạt động ổn định, phát triển theo từng năm. Tổng doanh thu trong 3 năm qua đạt trên 1.295 tỷ đồng, tăng bình quân trên 8%/năm, lợi nhuận đạt trên 110,4 tỷ đồng, tăng bình quân 12,6%/năm. Thu nhập bình quân của thành viên HTX trong năm 2015 đạt 4,83 triệu đồng/tháng, của người lao động đạt 3,48 triệu đồng/tháng. Đóng góp cho ngân sách địa phương hơn 47,8 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng giá trị KTTT bình quân đạt 3,6%/năm, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế địa phương (GRDP) từ 0,41% năm 2012 tăng lên 1,22% năm 2015.

Nhìn chung, số lượng các đơn vị KTTT phát triển tốt; quy mô, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên, nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến được nhân rộng. KTTT đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần định hướng sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động đúng hướng, tham gia tích cực vào chương trình giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Kết quả phân loại, đánh giá chất lượng HTX năm 2015 có 62,2% số HTX được xếp loại khá trở lên; 28,8%: trung bình; 8,9%: yếu kém; 18,9%: không phân loại do mới thành lập, tạm ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, KTTT cũng còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế, như:

1- Đóng góp vào nền kinh tế chung của tỉnh chưa thực sự rõ nét, giá trị sản xuất, kinh doanh còn nhỏ; một số HTX hoạt động mang tính hình thức, chưa đúng với quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; hầu hết các HTX nông nghiệp tuy thực hiện hoạt động dịch vụ, chế biến và tiêu thụ nông sản nhưng chỉ thực hiện ở một số sản phẩm dịch vụ vào những thời điểm nhất định, chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường, sức cạnh tranh không cao.

2- Gần như các HTX đều có vốn điều lệ thấp, tiếp cận vốn vay còn nhiều khó khăn; cơ sở vật chất kỹ thuật của đa số các HTX còn lạc hậu, chủ yếu phục vụ sản xuất thủ công là chính nên năng lực sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả chưa cao, lợi nhuận thấp, lợi ích mang lại cho thành viên và người lao động chưa nhiều, nhất là đối với HTX nông nghiệp.

3- Năng lực, kinh nghiệm của cán bộ quản lý HTX, THT, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Đa số cán bộ quản lý chưa được đào tạo và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ trước khi đảm nhiệm các vị trí quản lý; chưa xây dựng được phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh có tính dài hạn.

Nguyên nhân của những hạn chế trên do một số cấp uỷ, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu chưa nhận thức đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức về phát triển KTTT; sự phối hợp trong chỉ đạo phát triển KTTT ở một số cơ quan cấp tỉnh, huyện chưa kịp thời và chưa thường xuyên. Một số cán bộ quản lý nhà nước về KTTT còn hạn chế về năng lực và trình độ nên chưa thực hiện tốt chức năng của mình trên lĩnh vực KTTT; sự phối hợp của các ngành, các cấp, các đoàn thể trong việc hướng dẫn, hỗ trợ HTX còn thiếu chặt chẽ. Liên minh HTX tỉnh chưa phát huy đầy đủ vai trò là tổ chức đại diện quyền và lợi ích cho các HTX.

Những bài học kinh nghiệm quý

Thứ nhất, nhận thức đúng, thống nhất về vị trí, vai trò, bản chất, nguyên tắc hoạt động của KTTT có tính quyết định đến phát triển KTTT. Thực tế cho thấy, những nơi làm tốt đều xuất phát từ việc cấp ủy, chính quyền cơ sở nhận thức rõ về vị trí, vai trò của KTTT, bắt đầu từ việc quán triệt các nghị quyết của Đảng, xây dựng được chương trình hành động toàn diện, cụ thể; đề ra các chỉ tiêu và biện pháp sát thực tế, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ, đi kèm theo đó là cân đối được các nguồn lực, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Thứ hai, có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Trong những năm qua, những địa phương có KTTT phát triển đều có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; có sự phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo một số chương trình trọng điểm trong nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với phát triển KTTT, tổ chức thực thi các chính sách hỗ trợ HTX một cách đồng bộ, có trọng điểm. Điển hình như ở các huyện Vũng Liêm, Long Hồ và Mang Thít.

Thứ ba, trên cơ sở các chính sách hỗ trợ do Trung ương quy định, tỉnh cần xây dựng các chính sách đặc thù, các giải pháp đột phá giúp KTTT phát triển. Cụ thể, tăng đầu tư từ ngân sách cho công tác tuyên truyền hỗ trợ thành lập HTX; có chính sách hỗ trợ về đất đai làm trụ sở, cơ sở sản xuất, hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ nhân lực quản trị HTX... Đồng thời, đổi mới cơ chế, chính sách khuyến khích các HTX liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả sản xuất của HTX và thành viên.

Thứ tư, trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển KTTT phải xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn, tôn trọng các quy luật khách quan, không gò ép, chạy theo thành tích mà phát triển KTTT, nhưng cũng không buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo hỗ trợ, tạo điều kiện để KTTT phát triển bền vững. Nhiều địa phương đã chú trọng đến phát triển KTTT, HTX, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình mới, hiệu quả.

Tăng cường đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Tổ chức và thực hiện tốt Kết luận số 56-KL/TW nhằm bảo đảm KTTT hoạt động ngày càng thật sự hiệu quả, đóng góp lớn vào tỷ trọng GRDP và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phát triển KTTT phải gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên và người lao động, mục tiêu này được thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu: 1- Tập trung nâng cao chất lượng sản xuất, kinh doanh của HTX hiện có và triển khai thực hiện xây dựng mô hình HTX kiểu mới trên các lĩnh vực: lúa gạo, trái cây, thủy sản, tiểu, thủ công nghiệp gắn với làng nghề và ngành nghề nông thôn... mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng ít nhất 1 mô hình điểm; 2- Hằng năm, số HTX tăng 10%, số THT tăng 5% so với năm trước; tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân hằng năm của các HTX trên 12%; 3- Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động tăng 10% - 15% so với năm trước; 4- Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, THT hằng năm đạt 100% kế hoạch. Để mục tiêu và các chỉ tiêu đề ra được hiện thực hóa, cả hệ thống chính trị tỉnh Vĩnh Long cần triển khai thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, đẩy mạnh triển khai, quán triệt các nghị quyết, nghị định, chỉ thị, thông tư và các chương trình hỗ trợ phát triển HTX; tích cực đổi mới và đa dạng hóa công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách phát triển KTTT, mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả; tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm, đạo đức người tham gia HTX. Các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là Báo Vĩnh Long, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long xây dựng chuyên trang, chuyên mục định kỳ về phát triển HTX, THT.

Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm cao của các sở, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Từng cán bộ, đảng viên xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về phát triển KTTT, xem đây là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đưa việc phát triển KTTT ở cấp xã vào các tiêu chuẩn bình xét thi đua hằng năm. Lồng ghép việc phát triển HTX vào các chương trình, kế hoạch quy hoạch của các sở, ngành, địa phương. Chăm lo củng cố các tổ chức KTTT, tiếp tục phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong HTX theo quy định.

Ba là, rà soát, bổ sung, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển HTX, THT, làng nghề. Tổ chức thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, đặc biệt là chính sách về cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ nhân lực, đất đai, thuế, tài chính tín dụng, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX. Thường xuyên tháo gỡ khó khăn, khuyến khích, tạo điều kiện để giúp các HTX khắc phục yếu kém, củng cố tổ chức, nâng cao năng lực quản lý điều hành và hiệu quả hoạt động, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường. Nghiên cứu, ban hành chính sách ưu đãi đối với HTX, đặc biệt là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích các HTX, THT, làng nghề ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nhất là đầu tư bảo quản, chế biến nông sản; áp dụng các mô hình sản xuất sạch, chuyển giao và áp dụng công nghệ sạch, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Bốn là, kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước về KTTT. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện, tăng cường bộ máy quản lý nhà nước về KTTT, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả. Thống nhất phân công chỉ đạo, quản lý và theo dõi các loại hình HTX, THT, hiệp hội, mô hình làng nghề đối với các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện. Bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về KTTT. Tổ chức tập huấn về KTTT cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước, giám đốc, ban kiểm soát các HTX, THT; nghiên cứu đưa nội dung KTTT vào trong chương trình đào tạo tại trường chính trị của tỉnh, huyện.

Năm là, xây dựng và nhân rộng mô hình HTX kiểu mới. Tập trung xây dựng và từng bước nhân rộng mô hình HTX kiểu mới, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Hỗ trợ các HTX liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ tại các vùng nguyên liệu tập trung có lợi thế cạnh tranh của địa phương (lúa, khoai lang, trái cây, rau màu, thủy sản...). Chú trọng xây dựng Liên hiệp HTX trên các lĩnh vực, ngành, nghề. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chọn điểm chỉ đạo xây dựng một số HTX trên các lĩnh vực tín dụng nhân dân, xây dựng, tiểu, thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Mạnh dạn giải thể các HTX hoạt động không hiệu quả.

Sáu là, phát huy vai trò của Liên minh HTX tỉnh, Mặt trận Tổ quốc, các hội, đoàn thể, hiệp hội. Tiếp tục kiện toàn tổ chức Liên minh HTX, tăng cường trách nhiệm để làm tốt hơn vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích của HTX và thực hiện nhiệm vụ được giao. Liên minh HTX kết hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; phát huy vai trò Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia HTX.

Bảy là, tăng cường hợp tác quốc tế về KTTT. Thông qua các bộ, ngành Trung ương, Liên minh HTX Việt Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương chủ động tìm kiếm các đối tác, các tổ chức tài trợ nước ngoài hỗ trợ HTX trong quá trình nâng cao năng lực hoạt động để có thể cạnh tranh bình đẳng và lành mạnh với các thành phần kinh tế khác; chủ động phối hợp với các tổ chức quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả của Liên minh HTX quốc tế và các tổ chức đại diện HTX của các nước trên thế giới./.