Hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Các tài liệu nghiên cứu gần đây đã đề cập nhiều đến nội dung, bước đi và yêu cầu thời đại của quá trình công nghiệp hóa đất nước. Riêng vấn đề phát triển nền kinh tế thị trường, thì hiện đại hóa, hay nói cách khác hướng tới nền kinh tế thị trường hiện đại là như thế nào, và cần khai thác những đặc điểm tương đồng gì giữa việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với việc hiện đại hóa thị trường Việt Nam, vẫn còn ít được đề cập.
1 - Hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường hiện đại
Hiện đại hóa (modelisation) đã được tiếp cận rất khác nhau qua các giai đoạn phát triển của lịch sử. Hiểu theo nghĩa rộng và phổ biến nhất hiện nay, hiện đại hóa là quá trình giải phóng sức sản xuất, giải phóng con người khỏi nghèo nàn, lạc hậu, áp bức, bất công, là sự phát triển nhằm thỏa mãn ngày càng tốt hơn các nhu cầu đa dạng của con người, bảo đảm sự phát triển toàn diện các cá nhân, là sự phát triển của xã hội, sự giàu mạnh và thịnh vượng của quốc gia. Theo cách tiếp cận đó, khái niệm hiện đại hóa bao hàm một nội dung rất rộng lớn, thể hiện toàn bộ mục tiêu phát triển của nền kinh tế - xã hội, trong đó công nghiệp hóa là phương tiện, công cụ của hiện đại hóa và cũng là nội dung cơ bản của hiện đại hóa.
Hiện đại hóa đã được sử dụng khá rộng rãi trong lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và công nghệ từ rất lâu. Hiện đại hóa nền kinh tế - xã hội đã xuất hiện như một phạm trù triết học ở châu Âu vào cuối những năm 50 đầu những năm 60(1)của thế kỷ XX.
Thuật ngữ hiện đại hóa lần đầu tiên được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996). Tuy nhiên, những nội dung của quá trình hiện đại hóa với các mức độ khác nhau trong lịch sử Việt Nam thì đã diễn ra từ rất lâu. Nhìn lại lịch sử, việc tiếp nhận và đồng hóa chữ Hán thành chữ Hán - Nôm (sử dụng chữ Hán trên nền phát âm của người Việt); việc sử dụng chữ cái la-tinh trên nền phiên âm và phát âm tiếng Việt thành chữ quốc ngữ từ thế kỷ thứ XVIII; phong trào duy tân đầu thế kỷ XX... và nhiều sự kiện lịch sử đánh dấu việc ông cha ta tiếp thu kiến thức, thành tựu kỹ thuật từ nước ngoài (như tơ lụa, dệt vải, đóng tàu thuyền...) là những nội dung của hiện đại hóa trong từng thời kỳ, hoàn cảnh lịch sử khác nhau.
Vài thập niên cuối của thế kỷ XX, nhận thức của Đảng đã có nhiều thay đổi về mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực. Nhưng bước ngoặt quan trọng nhất về tư duy nhận thức là việc từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay chúng ta hầu như đã thống nhất quan điểm rằng, kinh tế thị trường là sản phẩm của sự phát triển lực lượng sản xuất của xã hội loài người.
Kinh tế thị trường là phương thức vận hành nền kinh tế, là phương tiện để đạt tới mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh"; trong đó, quá trình phân phối tài nguyên, lao động và lợi ích vật chất đều dựa trên cơ sở các quan hệ cung cầu thị trường và do các quy luật của trao đổi và lưu thông hàng hóa (quy luật của thị trường) chi phối. Kinh tế thị trường là một loại phương thức tổ chức vận hành kinh tế - xã hội, nói theo cách thông thường, nó là một thể chế vận hành nền kinh tế, mà quy luật xuyên suốt của kinh tế thị trường là quy luật giá trị. Xét về mặt lịch sử phát triển của kinh tế thị trường, nhiều quan niệm cho rằng, có giai đoạn của kinh tế thị trường chưa phát triển và kinh tế thị trường phát triển cao. Ngoài ra, kinh tế thị trường còn được phân biệt tùy theo bản chất của sự điều tiết của nhà nước, nghĩa là bản chất chính trị của nhà nước, có kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Mỗi quốc gia thường lựa chọn cho mình một mô hình kinh tế, tuy vẫn dựa trên sự vận hành chung của các quy luật thị trường, nhưng các mối quan hệ tương tác giữa nhà nước, chính phủ, thể chế chính trị với các nhóm lợi ích trong xã hội thì rất khác nhau.
Nghị quyết của các kỳ đại hội Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta đã xác định: đất nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Khái niệm hiện đại ở đây thể hiện sự bắt kịp các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến nhất của nhân loại, sự tiếp nhận một cách tối ưu những thành tựu hiện đại (tại thời điểm đánh giá) của khoa học, kỹ thuật và công nghệ của loài người. Điều đó thể hiện ở chỗ, từ Đại hội IX Đảng ta đã xác định: "Con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt...". Vậy cụ thể phải thực hiện từng bước đi như thế nào, khâu nào phải tiến hành tuần tự, khâu nào thì có thể "đi tắt đón đầu"... thì hầu như còn nhiều nội dung chưa được đề cập một cách sâu sắc.
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng đã đề ra những mục tiêu cụ thể về việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể đó tiếp tục được nhấn mạnh tại Nghị quyết Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 (khóa X) về xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trước thực tế hiện nay là ngoài việc định hướng xã hội chủ nghĩa cho kinh tế thị trường ở nước ta, thì nền kinh tế quốc dân và thể chế kinh tế thị trường đang chịu sự tác động của hai lực kéo:
Thứ nhất, đó là thể chế kinh tế thị trường quốc tế với một hệ thống các luật quốc tế, các công ước, các cam kết, các hiệp định, định chế trong khuôn khổ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Việt Nam đã cam kết và không thể có cách nào khác ngoài việc thực hiện những lộ trình tự do hóa thương mại, kể cả song phương và đa phương, với WTO.
Thứ hai, hội nhập kinh tế quốc tế, ngoài những luật chơi chung của WTO, còn nhiều vấn đề khác nước ta cũng đang phải điều chỉnh cho phù hợp với các luật chơi của quốc tế. Trong đó, nước ta phải điều chỉnh nhiều luật, bộ luật và các định chế trong nước.
Vì vậy, đây cũng là một vấn đề lớn liên quan tới việc hiện đại hóa thể chế kinh tế thị trường đối với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam trong những năm tới.
2 - Đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Đặc trưng của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được xác định trong các văn kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: "Mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", và "Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt quan tâm các thị trường quan trọng nhưng hiện chưa có hoặc còn sơ khai như: thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ"(2).
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn phải tôn trọng các quy luật của kinh tế thị trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh giữa các chủ thể kinh tế một cách minh bạch và công bằng. Hiện nay, trên lĩnh vực ngoại giao, nước ta đang tìm mọi cách để đàm phán vận động các thành viên của WTO thừa nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, nhưng trong chính sách đối nội, rõ ràng, phải gấp rút cải cách để khắc phục những yếu tố phi thị trường, vốn là hậu quả của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây để lại.
Nhà nước định hướng nền kinh tế bằng cách tạo sân chơi và luật chơi chung cho các chủ thể kinh tế một cách bình đẳng, kể cả chủ thể là Nhà nước tham gia hoạt động kinh tế với các thành phần kinh tế khác. Điều khó khăn nhất hiện nay là xác định cho rõ chức năng, vai trò quản lý của Nhà nước phân biệt với chức năng, vai trò sản xuất kinh doanh; giữa quản lý hành chính và quản lý kinh tế...; không hình sự hóa các tội phạm kinh tế...
Lựa chọn một cơ cấu kinh tế hợp lý có tính đến việc sử dụng tối ưu và bền vững các nguồn lực trong nước với việc xác định chỗ đứng, giá trị riêng có của Việt Nam trong chuỗi giá trị của nhân loại, tính đến sự tham gia vào quá trình phân công lao động quốc tế.
Về mặt sản xuất, phải kết hợp hài hòa giữa hai cách thức tiếp cận thị trường: 1 - Đưa ra thị trường những cái thị trường cần chứ không phải những cái mình có; 2 - Tìm thị trường cần những cái mình có chứ không chạy theo thiên hạ, họ làm cái gì thì mình làm theo cái nấy. Chẳng hạn, nếu chúng ta thấy các nước sản xuất máy bay, chúng ta cũng tìm cách sản xuất máy bay, thì rất khó thành công, đường đi khá gập ghềnh vất vả mà rủi ro thất bại lớn. Trong khi đó, tìm cách để khai thác tốt nhu cầu thị trường thế giới kết hợp với việc quảng bá sản phẩm Việt Nam đang có sức cạnh tranh lớn, thì sự bảo đảm thắng lợi trong cạnh tranh sẽ chắc chắn hơn.
3 - Đặc trưng của kinh tế thị trường hiện đại
Theo nghiên cứu của chúng tôi, kinh tế thị trường hiện đại có thể có một số đặc điểm cơ bản sau:
- Các quy luật của thị trường, trước hết là quy luật giá trị, quy luật cạnh tranh và quy luật cung - cầu..., là cơ sở cho việc phân phối các nguồn lực trong nền kinh tế, chi phối toàn bộ các quá trình đó.
- Thị trường phát triển toàn diện và đồng bộ, trong đó các loại thị trường đều phát triển. Tất các các bộ phận, các loại thị trường tương tác hỗ trợ lẫn nhau để hình thành nên một hệ thống các quan hệ, thể chế kinh tế thị trường đồng bộ, có các mối quan hệ hữu cơ, có tác dụng và là đầu mối của tất cả các hoạt động của nền kinh tế - xã hội.
- Các chủ thể (kể cả trong nước và nước ngoài) tham gia thị trường bình đẳng và cạnh tranh với nhau là các thực thể kinh tế có lợi ích riêng, nhưng đều tuân thủ hệ thống pháp luật chung (kể cả luật pháp trong nước và các định chế quốc tế).
- Các tín hiệu, thông tin thị trường về mọi hoạt động trong nền kinh tế - xã hội, tài chính, tiền tệ, sử dụng các nguồn lực, cân đối lớn - vĩ mô và vi mô, do thị trường phát ra... đều được công khai, minh bạch và bình đẳng trong việc tiếp cận đối với mọi thành viên và chủ thể trong xã hội.
- Thống nhất hình thành một trật tự thị trường, sản xuất xã hội, lưu thông phân phối và tiêu dùng dựa trên những tiến bộ mới nhất về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.
- Các phương tiện kỹ thuật tiên tiến được sử dụng một cách tối ưu cho mọi hoạt động của thị trường, thương mại điện tử trở thành phương thức giao dịch phổ biến; các cơ sở hoạt động về hậu cần - logistics(3), ngày càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.
Với nội hàm của kinh tế thị trường hiện đại, quá trình xây dựng nên lưu ý ở hai nội dung chính:
a) Phần cứng là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật gồm hệ thống phân phối, logistics, hệ thống chợ, các trung tâm buôn bán, các trung tâm siêu thị, bến cảng, kho bãi, giao thông, liên lạc, hệ thống các ngân hàng thanh toán... hiện hữu trong nền kinh tế và có thể đánh giá được tính đồng bộ, cũng như trình độ hiện đại của nó. Thương mại hiện đại ngày càng sử dụng công nghệ thông tin hiện đại, kỹ thuật số vào vận hành tất cả các bộ phận cấu thành nên hệ thống phần cứng của nó.
b) Phần mềm bao gồm hai mảng vấn đề lớn cần chú ý:
- Hệ thống pháp luật, thể chế, định chế để thị trường hoạt động một cách bình thường, không bị ách tắc, không bị các rào cản có tính chất can thiệp quá mức dẫn đến méo mó thị trường; thể hiện các mối quan hệ giữa người với người và với các khâu trong hoạt động của thương mại hiện đại.
- Văn hóa, trong đó tập quán của công chúng đóng vai trò quan trọng. Thử hình dung một hệ thống phần cứng tốt đến mấy, mà ý thức của người dân không đáp ứng thì cũng chưa thể có thị trường hiện đại được.
4 - So sánh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và kinh tế thị trường hiện đại
Với bản chất của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không thể không tận dụng tốt nhất những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ hiện đại; tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất; tiếp thu sớm nhất những gì tinh tú nhất của nhân loại; bảo đảm phát triển bền vững một cách tốt nhất.
Do vậy, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải vừa tận dụng những gì ưu việt, tiến bộ nhất của kinh tế thị trường, vừa phát huy những bản chất tốt đẹp nhất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, khi phối kết hợp cả hai nội dung lớn lại thì những hạn chế, những nhược điểm cố hữu của kinh tế thị trường sẽ được khắc phục bằng những ưu việt của các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa đầy tính nhân văn và bảo đảm bền vững. C.Mác đã phát hiện về những hạn chế, về tính chất thiếu bền vững của phương thức sản xuất của chủ nghĩa tư bản, bởi nó chỉ quan tâm đến lợi nhuận chứ không phải vì mục tiêu cuối cùng là con người: "Cái giới hạn thật sự của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa chính là bản thân tư bản, điều đó có nghĩa là: tư bản và việc làm cho tư bản tự nó tăng thêm giá trị là điểm xuất phát và điểm cuối cùng, là động cơ và mục đích của sản xuất, sản xuất chỉ là sản xuất cho tư bản, chứ không phải ngược lại; những tư liệu sản xuất không phải đơn thuần là những phương tiện cho quá trình sinh sống thường xuyên mở rộng của xã hội những người sản xuất."(4).
Vậy, nền sản xuất mang bản chất xã hội chủ nghĩa phải phát huy cao độ sự thống nhất giữa mục đích và phương tiện, đó là lấy con người làm trung tâm, làm mục tiêu cao cả của mọi mục tiêu sản xuất, kinh doanh. Như thế thì sự thống nhất giữa định hướng xã hội chủ nghĩa với phát triển bền vững, thống nhất giữa kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với phát triển kinh tế thị trường hiện đại ắt sẽ được bảo đảm.
5 - Các giải pháp phát triển kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa
Cụm các giải pháp phát triển phần cứng đòi hỏi phải đầu tư, tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng... để sớm có nền tảng vật chất bảo đảm cho thị trường hiện đại phát triển.
Cụm các giải pháp phần mềm: xu thế thế giới là một động lực thúc đẩy quá trình phát triển phần mềm của kinh tế thị trường hiện đại, vì đã hội nhập sâu thì Việt Nam phải thay đổi nhiều bộ luật, đồng thời phải thực hiện nhiều cam kết để "chơi trong một sân chung với thế giới", và do đó động lực thúc đẩy quá trình hiện đại hóa thị trường trong nước nhanh hơn là đứng độc lập một mình.
Các giải pháp về phát triển văn hóa, tạm gọi là như vậy, sẽ lệ thuộc vào tốc độ cải thiện về dân trí, về hiện đại hóa tập quán sinh hoạt, hiện đại hóa nhiều quy định, quy chế dưới luật để đưa hàng chục triệu người dân sống và làm việc theo pháp luật, có tác phong hiện đại, có đủ trình độ để sử dụng những trang thiết bị, máy móc hiện đại của kết cấu hạ tầng thị trường hiện đại nói riêng và của nền kinh tế nói chung.
Cụm giải pháp dài hạn là thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển thương mại điện tử, chính phủ điện tử, và, sự ra đời và ngày càng lớn mạnh của kinh tế tri thức.
Chỉ số giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn của một số tỉnh, thành phố tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2008  (03/11/2008)
Khách quốc tế đến Việt Nam 10 tháng năm 2008  (03/11/2008)
Bưu chính, viễn thông 10 tháng năm 2008  (03/11/2008)
Đầu tư 10 tháng năm 2008  (03/11/2008)
Giá tiêu dùng tháng 10-2008  (03/11/2008)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay