TCCSĐT - Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nhấn mạnh cần tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách, trong đó, vấn đề thứ ba là “Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị ...”.

Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm nhằm tạo điều kiện để người đứng đầu phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của cơ quan, đơn vị, hoàn thành nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước giao; khắc phục tình trạng thụ động cũng như việc “đùn đẩy trách nhiệm”.

Trong điều kiện hiện nay, để nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong mối quan hệ công việc với tập thể cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trước hết cần rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản của Đảng và Nhà nước có liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể trong cả hệ thống chính trị theo hướng:

- Phân công, xác định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, của từng cán bộ, công chức, nhân viên

Hiện nay, có khá nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề này, nhưng chúng vẫn khó đi vào cuộc sống, khó thực thi vì thiếu sự cụ thể, rõ ràng trong việc phân công, xác định thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể và cá nhân trong cơ cấu tổ chức.

Hậu quả là có khá nhiều vụ, việc yếu kém, sai phạm, gây bức xúc dư luận, nhưng không thể xử lý trách nhiệm cho người đứng đầu cũng như tập thể hoặc cá nhân nào. Ví dụ, những yếu kém, sai phạm trong ngành giáo dục, như chất lượng giáo dục đào tạo, chất lượng người dạy, người học, vấn đề sách giáo khoa phổ thông, cải cách giáo dục... ảnh hưởng đến nhiều thế hệ học trò. Đó là những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc từ nhiều năm nay, vẫn chưa giải quyết được, cũng không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Trong các ngành y tế, giao thông... cũng tương tự, cũng có những vụ, việc nghiêm trọng mà không thấy ai phải chịu trách nhiệm. Gần đây nhất, trong phiên trả lời chất vấn (ngày 20-8-2013) trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho thấy có hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Thế nhưng cũng không thể xử lý bất cứ người đúng đầu nào, hoặc tập thể, cá nhân nào! Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Nguyễn Minh Quang cũng cho thấy có tới hơn 900 giấy cấp phép khai thác tài nguyên, khoáng sản của các tỉnh là sai trái, không đúng với quy định của pháp luật, dẫn đến tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản bừa bãi mà “Nhà nước không thu được ngân sách, dân không được hưởng lợi, môi trường bị phá hủy”, thiệt hại nghiêm trọng. Vậy mà không có người đứng đầu tỉnh nào, bộ nào, hoặc người ký văn bản pháp quy, giấp phép sai trái nào phải chịu trách nhiệm.

Nhiều ý kiến cho rằng, với bộ máy hành chính mà trách nhiệm chồng chéo và chưa thật rõ ràng như hiện nay, thì việc quy trách nhiệm người đứng đầu rất khó. Ví dụ các vụ việc: nước tương có chất gây ung thư, sữa nhập ngoại có chất độc, bún và bánh phở có chất độc gây ung thư ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số nơi, gây hoang mang và thiệt hại cho người dân. Những việc này liên quan đến nhiều người đứng đầu: Chính quyền cơ sở, Thanh tra Sở Y tế, Sở Công Thương và người đứng đầu cơ quan an toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, cao hơn nữa là Bộ Y tế, Bộ Công Thương... Vậy ai chịu trách nhiệm giải quyết, hay là vẫn đùn đẩy trách nhiệm?

Bởi vậy, trong các văn bản pháp luật, pháp quy phải phân công, xác định cụ thể, rõ ràng thẩm quyền đi đôi với trách nhiệm của người đứng đầu, của tập thể, của từng ngành, từng cấp, từng cán bộ, công chức, nhân viên, một vụ việc xẩy ra phải có địa chỉ rõ ràng. Không để một việc, một lĩnh vực mà có nhiều người, nhiều chỗ có quyền, hoặc có quyền nhưng không đến nơi đến chốn, không rõ ràng. Với bộ máy hành chính mà trách nhiệm chồng chéo và chưa rõ ràng thì trách nhiệm của người đứng đầu nhiều khi thật khó phân xử.

- Trao mạnh quyền cho người đứng đầu

Có những ý kiến cho rằng thẩm quyền cá nhân người đứng đầu ở ta còn chưa được coi trọng đúng mức trong cơ chế tổ chức bộ máy nên khó truy cứu trách nhiệm. Trách nhiệm phải đi đôi với thẩm quyền. Trao quyền như thế nào thì trách nhiệm như thế. Người đứng đầu chưa có được thực quyền thì cũng khó có trách nhiệm thực sự.

Dù vẫn “quán triệt” tinh thần “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nhưng nhiều khi trong thực tế khi có thành tích thì cá nhân ai cũng muốn nhận, khi sai phạm thì đổ cho tập thể. Nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là hoàn toàn đúng đắn, chỉ có chưa làm rõ, hiểu rõ hoặc cố tình làm sai. Cần quy định cụ thể, rõ ràng nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Tập thể lãnh đạo thế nào, là những gì, phạm vi nào. Cá nhân phụ trách là thế nào, đến đâu?... Tránh sự hiểu lầm, hoặc cố tình vận dụng không đúng nguyên tắc. Cần đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong giải quyết các công việc thuộc quyền quản lý của mình, chứ không thể để người đứng đầu “dựa” mãi vào tập thể. Tuy nhiên, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân cũng phải được quy định rõ, không phải cái gì cũng “đổ” lên đầu thủ trưởng.

Khi chưa có quy định rõ ràng về việc trao thẩm quyền cho người đứng đầu, thì rất khó quy trách nhiệm. Vì thế, phải trả lời được câu hỏi là trao thẩm quyền cho người đứng đầu đến đâu, thì mới xem xét người ta có làm được đến đấy hay không, khi không làm được thì người đó phải từ chức, không từ chức thì cơ quan quản lý phải vào cuộc. Điều cần thiết là hoàn thiện thể chế cho việc quy định rõ chế độ trách nhiệm, ví như trong cơ quan hành chính có chế độ thủ trưởng hay không, hay là chế độ tập thể, nếu chế độ tập thể thì đến đâu?

Cần phân định rạch ròi việc nào do tập thể chịu trách nhiệm, việc nào do người đứng đầu chịu trách nhiệm.

Quy định trách nhiệm người đứng đầu là cần thiết, nhưng không phải bất cứ việc gì do cấp dưới hay nhân viên gây ra, từ nhỏ đến lớn, đều quy trách nhiệm cho người đứng đầu. Cùng với việc quy định trách nhiệm người đứng đầu, phải có quy định về chức trách của người cán bộ, công chức, viên chức, anh ở vị trí nào, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm ra sao đều phải quy định rõ, chứ không phải chuyện gì cũng “đổ” lên đầu thủ trưởng hết. Hoàn thiện được những quy định như vậy thì chúng ta sẽ có công cụ để vận hành bộ máy tốt hơn, và giải quyết được các mối quan hệ giữa tập thể và cá nhân, quan hệ giữa người đứng đầu và cấp dưới cũng như đổi mới công tác lựa chọn cán bộ để người đứng đầu thực quyền hơn.

- Nêu cao thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu trên cơ sở thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở

Đây là vấn đề thực hịên “nguyên tắc tập trung, dân chủ” một cách hài hòa. Phải tập trung thẩm quyền, trách nhiệm vào người đứng đầu trên cơ sở thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Bởi nếu quá nhấn mạnh tập trung sẽ dẫn đến nguy cơ phát triển “căn bệnh” gia trưởng, độc đoán của người đứng đầu. Nếu quá nhấn mạnh dân chủ thì người đứng đầu sẽ không thực hiện được đúng thẩm quyền, trách nhiệm của mình. Người đứng đầu dám quyết đoán, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở biết mở rộng dân chủ, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, khuyến khích, thúc đẩy “Quy chế dân chủ ở cơ sở” thì sẽ tránh được sai lầm, khuyết điểm, công tác nhất định tốt và tập thể, quần chúng phát huy dân chủ, nói thẳng, nói thật có tính xây dựng cho người đứng đầu, sẽ giúp cho người đứng đầu ra quyết định đúng.

- Cần có cơ chế có hiệu lực, có người thực thi, giám sát thực sự các vụ việc tiêu cực, sai phạm, tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị

Các văn bản tuy có quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu khá đầy đủ, chặt chẽ... nhưng khi xảy ra chuyện sai sót, tiêu cực nào đó, đi tìm trách nhiệm người đứng đầu lại rất khó. Quy định như vậy, nhưng ai là người thực thi, giám sát, đó là bất cập trong nhiều quy định, quyết định hiện nay... Chi bộ, đảng bộ, cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng có tổ chức và người làm công tác kiểm tra, thanh tra, nhưng rất ít khi “lôi” được “sâu mọt” trong cơ quan, đơn vị mình, “sâu mọt” nếu là người đứng đầu thì lại càng khó khăn. Đa số các vụ việc tiêu cực, tham nhũng là do người dân, báo chí phát hiện. Vậy là cơ chế có, con người có nhưng hiệu quả hoạt động lại rất hạn chế.

Sau khi rà soát, bổ sung, hoàn thiện các văn bản liên quan đến nguyên tắc, cơ chế tổ chức và hoạt động bộ máy lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, các cơ quan, đoàn thể trong cả hệ thống chính trị theo hướng nêu trên, mấu chốt còn lại vẫn là nhân tố con người, nhân tố người đứng đầu, cán bộ chủ chốt. Bởi vì, dù có đầy đủ giấy tờ, văn bản…, nhưng có thực hiện được không lại phải qua “con người”, nhất là là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu. Họ có đủ năng lực, phẩm chất, có dũng khí, bản lĩnh, muốn thực hiện, dám thực hiện những quy chế về thẩm quyền, trách nhiệm của họ thì không thể có những vụ, việc bê bối, bức xúc dư luận.

Thực tế chúng ta không đến nỗi thiếu văn bản pháp quy, quy chế, nhưng vẫn còn thực trạng như nêu trên, xét cho cùng vì đội ngũ cán bộ, đặc biệt cán bộ chủ chốt, người đứng đầu, một số không đủ phẩm chất, dũng khí, bản lĩnh của “người đứng đầu” (như một thuyền trưởng, đứng mũi chịu sào trước sóng to gió lớn đề chèo lái con thuyền đi đúng hướng, tới đích cuối cùng).

Nhìn tổng thể ở nước ta, người đứng đầu ít “tự xử”, tự nhận hình thức kỷ luật khi có sai phạm. Người đứng đầu cấp trên, có thẩm quyền nhưng thường e ngại, nương nhẹ trong việc xử lý cấp dưới khi có sai phạm.

Trong một cơ quan, đơn vị, người đứng đầu (thủ trưởng) không biết cấp phó và nhân viên có sai phạm gì đã là khuyết điểm, biết mà không dám chỉ mặt, vạch tên, không dám xử lý, hoặc quá nương nhẹ, thì đó là tội lỗi. Điều đó cũng chứng tỏ “thủ trưởng” thiếu bản lĩnh, thiếu phẩm chất. Người đứng đầu nên có dũng khí, dám đề nghị cách chức cấp phó khi cấp phó không còn xứng đáng. Thậm chí người đứng đầu còn phải dám “tự xử”. Nếu anh có khuyết điểm thì phải tự kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật xứng đáng với khuyết điểm của mình.

Là người cán bộ theo đúng nghĩa vì nước, vì dân thì nếu anh làm tốt, sẽ được Đảng, Nhà nước khen thưởng, đề bạt, còn làm không tốt lại có khuyết điểm cũng nên tự xử. Cho nên, xét cho cùng mới lại thấm thía về vị trí, vai trò của công tác cán bộ, phải làm sao có được những người cán bộ, người đứng đầu đúng nghĩa và thực chất để cho tập thể, cơ quan, đơn vị, nói rộng ra là nhân dân, đất nước trông cậy.
Rõ ràng, việc dùng người nói chung, phát hiện và dùng người đứng đầu “hiền tài” sao cho đúng đắn, luôn là nỗi bận tâm và nan giải./.