Ngay từ năm 1996, Hà Nội đã chỉ đạo quận Ba Đình và huyện Gia Lâm làm thí điểm cải cách hành chính theo cơ chế "một cửa". Cho đến nay, cơ chế ấy đã thực hiện được 7 năm trên một số địa bàn của Hà Nội và đã thu được một số kết quả đáng khích lệ như : rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục hành chính ; số hồ sơ được giải quyết đúng hẹn ngày càng tăng ; bộ máy hành chính mới theo cơ chế "một cửa" được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, vận hành tốt hơn.

Thực tế cho thấy, việc áp dụng cơ chế "một cửa", tại bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ của huyện Gia Lâm, đã rút ngắn thời gian giải quyết một hồ sơ hành chính trong lĩnh vực cấp phép xây dựng từ 30 đến 40 ngày trước đây xuống còn 20 đến 30 ngày ; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh từ 20 đến 30 ngày xuống còn 7 đến 10 ngày ; cấp giấy xác nhận hồ sơ chuyển dịch nhà đất từ 40 đến 50 ngày xuống còn 25 đến 30 ngày ; xác nhận nguồn gốc đất đai từ 15 đến 20 ngày xuống còn 7 đến 10 ngày ; cấp giấy trích lục bản đồ từ 15 đến 20 ngày, xuống còn 10 đến 15 ngày...

Nhờ áp dụng cơ chế "một cửa", quận Ba Đình đã giải quyết đúng hẹn được 98,3% số hồ sơ ; quận Tây Hồ nâng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết đúng hẹn từ 57% lên 72 %, đặc biệt có những lĩnh vực như cấp phép đăng ký kinh doanh lên 98%, giải quyết chế độ chính sách lên 100%.

Bộ máy hành chính cấp quận, huyện và sở, ngành ở những nơi thực hiện cơ chế "một cửa" được sắp xếp lại một cách hợp lý hơn, có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các phòng, ban chức năng. Đa số các quận, huyện và sở, ngành đã rút từ 18 phòng ban trước đây xuống 14 phòng, ban, rồi 10 phòng, ban như hiện nay. Các đầu mối được thu gọn, vận hành thông thoáng, khắc phục được tình trạng cồng kềnh, kém hiệu quả trước đây.

Cho tới nay, mô hình cơ chế "một cửa" đã được áp dụng tại 12/12 quận, huyện và 12/27 sở, ngành trên địa bàn Thành phố. Điều đó đã góp phần khẳng định việc áp dụng cơ chế "một cửa" ở Thành phố Hà Nội là đúng đắn.

Tính ưu việt của cơ chế "một cửa" đã được khẳng định. Ngay sau khi cơ chế được thử nghiệm một năm ( từ 1996-1997), Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã đánh giá là "rất khoa học và có hiệu quả, thời gian giải quyết công việc được nhanh hơn, lãnh đạo kiểm soát được công việc và trách nhiệm công vụ của công chức, giảm được phiền hà, được nhân dân đồng tình ủng hộ".

Trong phương hướng tiếp tục cải cách hành chính giai đoạn từ năm 2003 đến năm 2005, Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Thành phố đã đề ra nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo nhân rộng mô hình giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" với hai phương án. Thứ nhất là, củng cố nâng cao hiệu lực của các Trung tâm một đầu mối trong việc tiếp nhận, hoàn trả hồ sơ hành chính. Thứ hai là, phối hợp cơ chế một đầu mối trong tiếp nhận, hoàn trả hồ sơ hành chính với cơ chế cung cấp dịch vụ công theo hướng khắc phục nhược điểm, phát huy và kết hợp ưu điểm của Trung tâm một đầu mối với Trung tâm dịch vụ hành chính công.

Tuy nhiên, chúng ta không khỏi băn khoăn là tại sao tới nay vẫn còn 15/27 sở, ngành ( chiếm 55% tổng số các sở, ngành) chưa áp dụng cơ chế "một cửa" và cũng không có báo cáo gì về vấn đề này cho Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Thành phố? Phải chăng cơ chế "một cửa" còn có chỗ nào không phù hợp nên các sở, ngành chưa áp dụng?

Quả là cơ chế "một cửa" cũng còn có chỗ chưa phù hợp. Như chúng ta đã biết, để thực hiện cơ chế "một cửa", phải có bộ máy, đó là Trung tâm một đầu mối. Trung tâm một đầu mối của các đơn vị trong Thành phố hiện nay đều có chức năng tiếp nhận và hoàn trả kết quả giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính của công dân theo thẩm quyền được Thành phố phân cấp cho quận, huyện hoặc uỷ quyền cho sở, ngành. Các trung tâm này trong Thành phố chưa có tên giao dịch chung, mỗi nơi gọi mỗi tên khác nhau, nhưng về cơ bản chúng đều có chức năng và nhiệm vụ giống nhau, đó là tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ hành chính theo 4 nội dung công khai : Công khai công chức nhận, hoàn trả hồ sơ (mỗi công chức đều phải đeo biển hiệu có ghi họ tên, chức vụ) ; công khai điều kiện cần và đủ để thụ lý hồ sơ ; công khai thời hạn hoàn trả hồ sơ ; công khai phí, lệ phí giải quyết hồ sơ.

Các quận, huyện đặt Trung tâm một cửa trực thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận, huyện do chánh, phó văn phòng trực tiếp điều hành. Các sở, ngành đặt Trung tâm một cửa trực thuộc phòng hành chính do trưởng, phó phòng hành chính trực tiếp điều hành. Công chức làm nhiệm vụ tiếp dân, hoàn trả hồ sơ hành chính tại Trung tâm một đầu mối được điều động biệt phái từ các phòng chuyên môn, vừa chịu sự quản lý hành chính của người phụ trách Trung tâm, vừa chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của trưởng các phòng, ban chuyên môn.

Qua thời gian vận hành, tới nay, Trung tâm một đầu mối đã bộc lộ một số hạn chế, trong đó hạn chế lớn nhất là tính chất không triệt để của nó. Đó là :

- Chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng về dịch vụ hành chính của công dân.

- Chưa được giao nhiệm vụ tiếp nhận và hoàn trả toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của một cấp hành chính.

- Mới chỉ khắc phục được sự phiền hà trong phạm vi cấp hành chính, chưa được tiến hành đồng bộ giữa ngành với ngành, giữa ngành với cấp chính quyền quận huyện.

- Chưa có địa vị pháp lý trong bộ máy hành chính như các cơ quan chuyên môn ; mô hình tổ chức chưa ổn định, cán bộ công chức chưa yên tâm làm nhiệm vụ.

- Lãnh đạo các ngành, các cấp chưa quan tâm đầy đủ đến Trung tâm một cửa về cơ sở vật chất và bồi dưỡng kỹ năng cũng như các điều kiện làm việc khác cho công chức thực thi công vụ.

- Một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết như :

Các văn phòng của Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các phòng hành chính của các sở, ngành chưa bao quát hết được công việc của bộ phận tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ hành chính. Phần lớn công chức được giao tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ chưa được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cần thiết, một số khác thực hiện qui chế chưa nghiêm, gây phiền hà cho công dân. Một số phòng, ban chức năng chưa tự giác chấp hành qui chế tiếp nhận hồ sơ hành chính, tự ý không qua bộ phận "một cửa", xử lý sai qui trình...

Một số văn bản qui phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên chưa rõ ràng, còn chồng chéo về thẩm quyền xử lý ; phân cấp giữa Thành phố với quận, huyện trong một số lĩnh vực chưa hợp lý, gây tranh luận giữa công chức thực thi công vụ với công dân.

Chế độ đãi ngộ cán bộ chưa hợp lý, phân phối còn mang tính bình quân. Do đó, công chức giỏi nghiệp vụ chỉ muốn làm việc tại các phòng, ban chuyên môn, không muốn làm việc tại phòng tiếp dân, hoàn trả hồ sơ.

*

* *

Thực chất của cải cách hành chính, áp dụng cơ chế "một cửa" trên địa bàn Thành phố Hà Nội cũng như các địa bàn khác trong cả nước là để cải thiện mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân ; là thay đổi quan điểm và phương thức phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước từ thói quen cửa quyền xin - cho, dành thuận lợi cho người quản lý trước đây sang thói quen phục vụ của người công chức - công bộc, nhận khó khăn về mình, dành thuận lợi cho nhân dân ; vì lợi ích của nhân dân và nhân dân là người được hưởng lợi ích trực tiếp của cuộc cải cách hành chính, của việc áp dụng cơ chế "một cửa".

Do đó, chính người công chức trong bộ máy hành chính phải tự sửa mình, phải từ bỏ đặc quyền, đặc lợi, cùng với những tập quán, thói quen cố hữu là tàn dư xấu của bộ máy hành chính quan liêu để lại. Làm được điều này trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay và đặc biệt là trong khi chế độ tiền lương , còn nhiều bất hợp lý làm cho đại bộ phận cán bộ, công chức có thu nhập thấp, chưa sống được bằng thực chất đồng lương của mình thì quả là một điều không dễ. Nhưng, chẳng lẽ phải chờ cải cách tiền lương xong, bảo đảm được đời sống cho cán bộ công chức mới tiến hành cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa"? Cho nên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của ta hiện nay và trong khi tính tự giác của đội ngũ cán bộ công chức chưa cao, chưa có được phẩm chất xã hội chủ nghĩa như Bác Hồ nói "muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa" thì cải cách hành chính, áp dụng cơ chế "một cửa" ở Hà Nội cũng như ở các địa phương khác trong cả nước cần có áp lực đủ mạnh từ trên xuống. Thực tế cho thấy, nơi nào cấp uỷ đảng quyết tâm và có hành động cụ thể, thì nơi đó cải cách hành chính, thực hiện cơ chế "một cửa" đạt được mục tiêu mong muốn.