Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX về chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 27-11-2001, "Về hội nhập kinh tế quốc tế" ; Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 37/2002/QĐ-TTg, ngày 14-3-2002, về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập kinh tế quốc tế. Qua một năm triển khai thực hiện Nghị quyết và Quyết định nói trên, hoạt động hội nhập tài chính quốc tế đã đạt được những kết quả rất khả quan.

Trước hết, năm 2002 là năm đầu tiên thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, năm cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình CEPT/AFTA với tiến độ nhanh hơn các năm trước và ở những ngành hàng chủ chốt hơn, đồng thời cũng là năm Việt Nam mở rộng phạm vi đàm phán với các đối tác khác, song phương và đa phương theo xu hướng toàn cầu hóa. Chính phủ đã ban hành danh mục 5 500 mặt hàng đưa vào chương trình cắt giảm thuế (chiếm hơn 80% tổng số mặt hàng trong biểu thuế nhập khẩu). Các mặt hàng này đều có thuế suất thấp hơn hoặc bằng 20% và có lộ trình giảm thuế cụ thể từ năm 2002 đến năm 2006. Trong đó, hơn nửa số mặt hàng đã được giảm thuế suất thuế nhập khẩu xuống còn từ 0% đến 5%. Đáng chú ý là, một số mặt hàng trước đây được bảo hộ với mức thuế suất cao từ 30% - 60%, nay phải cắt giảm xuống chỉ còn tối đa là 20%, chẳng hạn như : nước khoáng, hóa chất hữu cơ, nhựa, giấy, giày dép ... Điều đó đã buộc các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển.

Thực hiện Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ta đã bỏ chế độ phụ thu chênh lệch giá đối với hầu hết các mặt hàng nhập khẩu ; bãi bỏ phân biệt thuế suất giữa bông sản xuất trong nước và bông nhập khẩu ; chỉ áp dụng thu phí, lệ phí liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu phù hợp với chi phí bỏ ra ; không ban hành thêm các chính sách có sự phân biệt đối xử giữa hàng trong nước và hàng nhập khẩu trong quan hệ buôn bán giữa hai nước. Chính phủ đã trình ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi khung thuế suất thuế nhập khẩu đối với một số nhóm hàng nhằm thuế hóa đối với một số mặt hàng khi bãi bỏ các biện pháp phi thuế.

Năm 2002, trong khuôn khổ của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ ta đã hoàn tất quá trình đàm phán mở cửa thị trường các dịch vụ tài chính cho đến năm 2004 (kế toán, kiểm toán, tư vấn thuế, bảo hiểm). Tuy nhiên, mức cam kết mở cửa các dịch vụ này vẫn dừng ở mức bằng cam kết hiện hành và sẽ mở nhiều hơn trong thời gian tới. Bởi lẽ, do mới trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nên các nước đang phải tập trung vào củng cố hệ thống tài chính của nước mình, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính của ASEAN còn đang ở giai đoạn thận trọng ; mặt khác, do sức ép của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ và đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong thời gian tới, Việt Nam sẽ phải mở cửa nhiều hơn đối với các ngành dịch vụ tài chính. Theo Hiệp định, Việt Nam sẽ cho phép các công ty Hoa Kỳ thâm nhập vào thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán, bảo hiểm và tư vấn thuế với các điều kiện mở cửa tăng dần theo lộ trình cụ thể. Trong lĩnh vực dịch vụ bảo hiểm, ta sẽ xóa bỏ những hạn chế về gia nhập thị trường đối với các liên doanh bảo hiểm có vốn đầu tư của Hoa Kỳ sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong lĩnh vực tư vấn thuế ta sẽ không hạn chế các công ty Hoa Kỳ thành lập công ty liên doanh hoặc 100% vốn Hoa Kỳ tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ tư vấn thuế, nhưng trong 5 năm đầu Bộ Tài chính sẽ xem xét cấp giấy phép cho từng trường hợp trên cơ sở nhu cầu của thị trường. Trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, ta sẽ cho phép các công ty của Hoa Kỳ được kinh doanh trong các lĩnh vực bình đẳng như các doanh nghiệp trong nước.

Trong lĩnh vực hải quan, chúng ta đã cùng các nước nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện danh mục biểu thuế quan chung trong ASEAN, dự kiến áp dụng ở Việt Nam từ giữa năm 2003 và tiến tới thực hiện tính thuế nhập khẩu theo trị giá hợp đồng ngoại thương thay cho biện pháp tính thuế theo giá tối thiểu. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia Hiệp hội các cơ quan quốc gia ASEAN về chế độ bảo hiểm bắt buộc đối với xe cơ giới quá cảnh trong ASEAN ; tham gia cơ chế đối thoại và kiểm điểm kinh tế trong ASEAN và ASEAN+3 gồm 10 nước thành viên và (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) nhằm phát hiện và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Năm 2002, nước ta cũng đã mở rộng phạm vi đàm phán song phương và đa phương đối với các đối tác khác, như : Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc ; đàm phán gia nhập WTO ; đàm phán với EU... Điều đáng chú ý là, hiện nay trong ASEAN đang có xu hướng mở rộng quan hệ tự do hóa thương mại với nhiều nước đối tác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Ô-xtrây-li-a.. Việt Nam là một thành viên trong tổ chức này nên không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Cho nên, việc mở rộng quan hệ tự do hóa thương mại giữa Việt Nam với các nước này có nhiều khả năng phát triển trong vài năm tới.

Hoạt động hội nhập tài chính năm 2002, như nói trên, đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện và hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của đất nước : xuất khẩu sang Mỹ gấp hai lần năm 2001 ; xuất khẩu sang các nước ASEAN cũng tăng nhanh ; duy trì được nhịp độ đầu tư trong và ngoài nước ; thúc đẩy cải cách kinh tế một cách toàn diện ; tranh thủ thêm được nguồn vốn ODA.

Tuy nhiên, những thách thức và hạn chế vẫn còn là những điểm nổi bật, cần phải đặc biệt quan tâm. Nền kinh tế nước ta chuyển đổi theo mô hình nền kinh tế thị trường còn rất chậm, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế nước ta còn rất yếu kém. Doanh nghiệp nhà nước còn ỷ lại nhiều vào bao cấp, doanh nghiệp ngoài quốc doanh còn manh mún và chỉ quan tâm tới lợi ích trước mắt. Chuyển dịch cơ cấu trong công nghiệp vừa chậm, vừa kém hiệu quả. Chiến lược phát triển của từng ngành, từ công nghiệp đến giao thông vận tải, nông nghiệp, dịch vụ, du lịch... còn thiếu rõ ràng, cụ thể, chưa đồng bộ và chưa gắn với tiến trình hội nhập. Hệ thống pháp luật cũng cần được gấp rút hoàn thiện theo hướng đồng bộ và minh bạch hơn.

Mặc dù những vấn đề đó đã được nêu lên và cảnh báo từ khi Việt Nam mới bắt đầu mở cửa nền kinh tế với khu vực và thế giới, nhưng cho đến nay ta vẫn chưa giải quyết hiệu quả. Nhiều chính sách không còn phù hợp với tiến trình hội nhập, nhưng chưa được sửa đổi, bổ sung. Đáng lưu ý là, có chính sách mới ban hành lại không chú ý đến những cam kết hội nhập do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ phận hoạch định chính sách và bộ phận đàm phán, cam kết. Sự thiếu đồng bộ trong hoạch định chính sách còn thể hiện ở việc phối hợp chưa chặt chẽ giữa các bộ, ngành và giữa cấp trung ương với cấp tỉnh, thành phố. Chính sự không đồng bộ và chưa minh bạch trong hoạch định chính sách đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường đầu tư trong nước, làm giảm khả năng cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài của ta so với các nước khác.

Việc thực thi chính sách cũng còn nhiều tiêu cực, làm sai lệch, gây thiệt hại về nhiều mặt. Nhiều chính sách đúng đắn của Nhà nước đã bị bóp méo trong quá trình thực hiện, gây những phản ứng bất bình của nhiều nhà đầu tư. Ngoài ra, thái độ cửa quyền, sách nhiễu của một bộ phận cán bộ, nhân viên và thủ tục phiền hà đã làm nản lòng các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Các tệ nạn xã hội và buôn lậu, tham nhũng đang là những trở ngại trong quá trình hội nhập và phát triển. Buôn lậu gia tăng và diễn ra ngày càng phức tạp trên diện rộng đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư và hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp làm ăn chân chính khó có thể cạnh tranh được với hàng nhập lậu.

Năm 2003 là năm hết sức quan trọng đối với việc thực hiện tiến trình hội nhập tài chính quốc tế của nước ta. Chúng ta sẽ tiếp tục triển khai những cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ với mức độ sâu hơn, rộng hơn. Đồng thời, tiếp tục đàm phán mở rộng phạm vi mở cửa thị trường đối với các đối tác khác. Thực hiện các cam kết, chúng ta sẽ tiếp tục đưa khoảng 700 mặt hàng còn lại trong danh mục loại trừ tạm thời vào danh mục cắt giảm thuế theo Hiệp định AFTA. Đa số những mặt hàng được đưa vào cắt giảm thuế nhập khẩu năm 2003 đang được bảo hộ với mức thuế suất rất cao (từ 30% đến 100%) hoặc đang được quản lý bằng hạn ngạch như xi- măng, giấy, điện tử, điện gia dụng, cơ khí, vật liệu xây dựng... Ngoài ra, theo cam kết, Việt Nam sẽ phải hoàn thành nghĩa vụ cắt giảm thuế xuống 0% đến 5% sớm hơn một năm, tức là vào năm 2005 (thay vì vào năm 2006 như trước đây). Do vậy, việc cắt giảm thuế từ năm 2003 trở đi sẽ phải đẩy nhanh tiến độ hơn so với lịch trình đã công bố trước đây và như vậy sẽ tác động rất lớn đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Năm 2003 cũng là năm chuẩn bị khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách để thực hiện chuyển đổi biểu thuế xuất, nhập khẩu hiện hành sang thực hiện theo danh mục biểu thuế quan chung của ASEAN. Danh mục biểu thuế mới này có khoảng 10 800 dòng thuế, chi tiết hơn so với danh mục hiện hành với 6 500 dòng thuế.

Thực hiện Hiệp định khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, chúng ta phải xây dựng ngay danh mục cắt giảm thuế cho khoảng 350 mặt hàng nông sản (thuộc Chương 1 và Chương 8 của Biểu thuế nhập khẩu) để thực hiện cho giai đoạn 2004 - 2008.

Xây dựng lộ trình triển khai thực hiện các cam kết của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, như hoàn thiện hệ thống chính sách thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp), tính thuế theo trị giá hải quan, mở cửa thị trường dịch vụ tài chính...

Triển khai những công việc về đàm phán với các đối tác khác, bao gồm : tiếp tục đẩy mạnh tiến trình đàm phán gia nhập WTO, đàm phán Hiệp định Dệt - May với EU. Tiếp tục đàm phán về danh mục và lộ trình cắt giảm thuế quan và mở cửa thị trường dịch vụ tài chính trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc. Nghiên cứu khả năng tiến tới việc mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ tài chính đối với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ.

Để khai thác tối đa những lợi thế của hội nhập tài chính quốc tế và giảm thiểu những bất lợi, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2003 và những năm tiếp theo, thiết nghĩ trong chương trình hành động và các giải pháp thực hiện tiến trình hội nhập tài chính quốc tế, cần bao gồm các nội dung chủ yếu dưới đây :

Một là : Phải cải cách việc điều hành cơ chế quản lý ngân sách nhà nước. Khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi mà Quốc hội vừa thông qua. Điều chỉnh cơ cấu thu ngân sách nhà nước phù hợp với tiến trình cắt giảm thuế nhập khẩu và sự thay đổi của các luật thuế có liên quan. Điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư hợp lý, phù hợp với tiến trình hội nhập, ưu tiên cho phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn, kiên quyết xóa bỏ bao cấp cho các doanh nghiệp ; chú trọng giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh trong quá trình hội nhập, như lao động, việc làm, đào tạo lại công nhân.

Hai là : Tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Hệ thống chính sách thuế cần được hoàn thiện theo hướng đơn giản, trung lập, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, giữa các hàng hóa sản xuất trong nước và nhập khẩu ; xóa bỏ các biện pháp bảo hộ không còn phù hợp với thông lệ quốc tế. Ban hành các chính sách góp phần bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, như áp dụng thuế tuyệt đối, thuế hạn ngạch, thuế đối kháng. Đẩy nhanh quá trình sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Tăng cường và đa dạng hóa các hình thức tín dụng xuất khẩu, hoàn thiện Quỹ hỗ trợ xuất khẩu ; hoàn thiện cơ chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu và ngân hàng tín dụng xuất khẩu. Đồng thời, xây dựng hệ thống chỉ tiêu và thực hiện cơ chế giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, hạn chế phát sinh các khoản nợ xấu và tình trạng tài chính không lành mạnh.

Ba là : Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Sửa đổi các cơ chế chính sách, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực thuế, giá, đất đai... tạo điều kiện thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế trang trại. Phát triển thị trường dịch vụ tài chính (bao gồm cả thị trường vốn) để vừa hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động đầu tư, vừa chuẩn bị tốt cho việc thực hiện tiến trình mở cửa đối với các đối tác đã cam kết. Thực hiện chế độ công khai, minh bạch hóa tài chính và phải được coi là biện pháp then chốt trong việc phát huy sự kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và nhân dân đối với hoạt động tài chính ở các doanh nghiệp, trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, góp phần chống tiêu cực, chống tham nhũng. Đối với từng doanh nghiệp, đây là điều kiện buộc các doanh nghiệp phải đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh nếu muốn cạnh tranh và tồn tại được trên thương trường. Mặt khác, cải tiến lề lối, phong cách làm việc nhằm tạo ra một môi trường đầu tư thông thoáng, có khả năng cạnh tranh với các thị trường đầu tư đầy hấp dẫn như Trung Quốc, Thái Lan, Phi-líp-pin...

Bốn là : Phải tiếp tục nâng cao năng lực cán bộ tài chính ở tất cả các cấp, các ngành, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập tài chính quốc tế. Việc nâng cao năng lực cán bộ tài chính bao gồm nhiều việc thực hiện một cách đồng bộ, như : sắp xếp lại tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới ; đổi mới quy trình, thủ tục trong các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, ngân sách, đầu tư phù hợp với đổi mới về mặt chính sách và tiến trình hội nhập trong những năm sắp tới. Thực hiện đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ từ trung ương đến địa phương, từ cán bộ hoạch định chính sách đến cán bộ triển khai thực hiện. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thống nhất nhận thức và hành động trong quá trình hội nhập tài chính quốc tế.

Hội nhập tài chính quốc tế là một động lực thúc đẩy cải cách nền kinh tế một cách toàn diện, từ việc cải cách cơ cấu nền kinh tế theo hướng hiệu quả đến việc hoàn thiện hệ thống luật pháp theo xu hướng hội nhập. Những kết quả đạt được sẽ góp phần thiết thực nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.