Kinh tế Thủ đô: thành công năm 2012 và cơ hội năm 2013
Vốn đầu tư xã hội cho phát triển trên địa bàn ước tính năm 2012 đạt 232.658,5 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2011. Hà Nội đã hoàn thành 150 dự án và khởi công mới 45 dự án, trong đó nhiều dự án có giá trị thực hiện vượt kế hoạch vốn giao. Cấp phép mới và bổ sung tăng vốn đầu tư cho 283 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng số vốn đăng ký 985 triệu USD, trong đó: cấp mới 222 dự án, với số vốn đầu tư 775 triệu USD; bổ sung tăng vốn cho 61 dự án, với 210 triệu USD. Trong năm có 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 83 nghìn tỷ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 18,8% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 18,3% (tức là cao hơn tốc độ tăng của năm 2011). Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn cũng tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu của Hà Nội tăng 6,8%; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 9%. Đặc biệt, nhóm hàng linh kiện máy tính và thiết bị ngoại vi (chủ yếu do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất) chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, ước tính tăng 23,6% so với năm trước. Riêng lĩnh vực nhập khẩu, tuy kim ngạch của địa bàn năm 2012 giảm 3% so với năm trước, nhưng nhập khẩu của Hà Nội vẫn tăng 2%. Khách quốc tế đến Hà Nội đạt khoảng 1,6 triệu lượt khách, tăng 27,4% so với năm 2011; trong khi số lượt khách nội địa đạt khoảng 8,5 triệu lượt người, tăng 8,2%.
Trong lĩnh vực giao thông vận tải, khối lượng hàng hoá vận chuyển tăng 39,2%; khối lượng hàng hoá luân chuyển tăng 38,3%; doanh thu vận chuyển hàng hoá tăng 39,5%; khối lượng hành khách vận chuyển tăng 39,2%; khối lượng hành khách luân chuyển tăng 38,1%; doanh thu vận chuyển hành khách tăng 39,6% so với năm trước.
Về hoạt động tín dụng, tính đến đến hết tháng 12-2012, tổng nguồn vốn huy động tín dụng là 897.646 tỷ đồng, tăng 9,3% so với năm trước, trong đó tiền gửi tiết kiệm tăng 17,1%; tổng dư nợ đạt 623.959 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm trước, trong đó dư nợ trung và dài hạn tăng 9,51%.
Trong năm 2012, Hà Nội là địa phương có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức thấp hơn mức trung bình cả nước: mức tăng của tháng 12-2012 so với cùng kỳ năm trước là 6,29% (cả nước tăng 6,81%); còn mức tăng bình quân cả năm 2012 so với năm 2011 là 8,57% (cả nước tăng 9,02%). Đây là mức tăng cả năm thấp nhất trong vòng 8 năm qua. Ngoài ra, trong khi cả nước có 2 tháng thì Hà Nội có tới 3 tháng chỉ số CPI giảm so với tháng trước (đó là tháng 4-2012 giảm 0,03%, tháng 6 giảm 0,17% và tháng 7 giảm 0,29%). Tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 là 4,8%, chỉ tăng nhẹ so với con số 4,5% của năm 2011.
Về nông nghiệp, năm 2012, Hà Nội được mùa cả 2 vụ, tuy diện tích và năng suất giảm hơn năm trước. Số đầu con và sản lượng xuất chuồng của một số loại gia súc, gia cầm vẫn tăng, tuy một số loại có bị giảm nhẹ. Tổng sản lượng thủy sản ước tính đạt 70,5 nghìn tấn, tăng 8,47% nhờ thành phố tiếp tục chính sách khuyến khích nhân rộng các mô hình nuôi cá rô đồng, cá trắm đen, hỗ trợ giống, vốn cho những dự án nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, các hộ tích cực cải tạo gia cố bờ bao ao, hồ nuôi, đầu tư giống, thức ăn theo mô hình thâm canh và bán thâm canh.
Về thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 17-12-2012, trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội giá trị niêm yết đạt 105.010 tỷ đồng, tăng 8,2% so với đầu năm (cổ phiếu niêm yết tăng 7,6%, cổ phiếu đăng ký giao dịch tăng 11,3%). Giá trị vốn hóa thị trường đạt 111.163 tỷ đồng, tăng 4,5% so với đầu năm (cổ phiếu niêm yết giảm 1,1%, cổ phiếu đăng ký giao dịch tăng 25,0%). Chỉ số HNX-Index đạt 54,47 điểm, tăng 3,42 điểm, tương ứng với 6,7% so với đầu tháng và giảm 4,27 điểm tương ứng 7,3% so với đầu năm (chỉ số HNX 30 đạt 101,65 điểm, tăng 1,65 điểm tương ứng với 1,65% so với điểm cơ sở và giảm 30,42 điểm tương ứng với 23,0% so với ngày đầu áp dụng). Chỉ số Upcom-Index đạt 54,47 điểm, tăng 7,45 điểm tương ứng với 22,1% so với đầu năm. Khối lượng trái phiếu chính phủ huy động đạt 157.884 tỷ đồng, tăng 100,4% so với cùng kỳ năm 2011.
Đặc biệt, thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 146 nghìn tỷ đồng, bằng 99,9% dự toán được giao, góp phần giúp thu ngân sách nhà nước của cả nước cán đích kế hoạch vào ngày cuối cùng của năm 2012. Nói như lời Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng thì: Với kết quả này, Hà Nội đã cùng với cả nước đạt được “thắng lợi kép”, vừa thực hiện hiệu quả các giải pháp giãn, giảm, miễn thuế nhằm bồi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vừa hoàn thành dự toán ngân sách được giao và “về đích” đúng hạn.
Trong công tác xã hội, thành phố cũng rất quan tâm, chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, như: thăm và tặng quà trong các dịp lễ, Tết; giải quyết chế độ ưu đãi đối với người có công, quân nhân, viên chức công an, quốc phòng; đã vận động qũy đền ơn đáp nghĩa được 46,95 tỷ đồng (đạt 260% kế hoạch); tặng 9.850 sổ tiết kiệm cho người có công (đạt 265% kế hoạch); hỗ trợ cho 23 nghìn hộ thoát nghèo (đạt kế hoạch).
Để có được những thành tích đáng ghi nhận trên, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong quán triệt chủ trương chung và chủ động chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đúng hướng; kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về lãi suất, vốn và tài chính; giảm tải thủ tục hành chính theo tinh thần Nghị quyết số 13/NQ-CP từ tháng 5-2012; tiếp tục hỗ trợ 32 sản phẩm công nghiệp chủ lực; bố trí trên 500 tỷ đồng vốn ưu đãi cho hoạt động bình ổn giá hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn; hỗ trợ đầu tư các dự án xây dựng nhà máy giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư cho các doanh nghiệp, cùng nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thị trường khác cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và những dự án xã hội hóa,…
Đồng hành cùng cả nước, bước sang năm 2013 Hà Nội tự tin hơn và sẽ có nhiều xung lực đầu tư phát triển tích cực hơn do được tiếp sức từ những thành công nêu trên và những chỉ số kinh tế vĩ mô đang dần được cải thiện, nhất là chỉ số lạm phát, tỷ giá, lãi suất và khả năng thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cũng như những tín hiệu tích cực mới từ đầu tư nước ngoài và môi trường kinh doanh chung,…
Đặc biệt, cùng với Nghị quyết số 11-NQ/T.Ư về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 và Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013, những cơ hội phát triển mới cho Thủ đô sẽ nhiều hơn nhờ thúc đẩy hoạt động triển khai 74/81 quy hoạch và quy chế quản lý xây dựng (trong đó có 14 quy hoạch chuyên ngành đã được hội đồng nhân dân thành phố thông qua; lập và triển khai quy hoạch nông thôn mới tại 401/401 xã với 346 xã đã được phê duyệt quy hoạch).
Mùa Xuân đang về và mang lại sắc Xuân mới cho Thủ đô, cả ở chính quyền các cấp, cũng như các doanh nghiệp và hiệp hội, trên hành trình nỗ lực tìm kiếm những cách làm mới, sáng tạo và đột phá hơn nữa, nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2013: đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm từ 8% - 8,5%, tốc độ tăng vốn đầu tư phát triển từ 15% - 16,5%, thu ngân sách ước tính đạt gần 160 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội sẽ luôn gương mẫu và góp phần cùng cả nước đẩy nhanh công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng toàn diện, sâu rộng, hiệu quả và phát triển bền vững hơn./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến ngày 13-01-2013  (15/01/2013)
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 7 đến ngày 13-01-2013  (15/01/2013)
Chia sẻ thông tin hợp tác công tư về phát triển hạ tầng  (15/01/2013)
Diễn đàn tài chính châu Á thu hút sự quan tâm lớn  (15/01/2013)
Cần thiết ban hành Nghị định về hoạt động mỹ thuật  (15/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên