Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 20-2 đến ngày 26-2-2012)
TCCSĐT - Ngày 25-2-2012, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Mexico nhằm tìm cách thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
1. Hội nghị ngoại trưởng G20
Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã bế mạc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào |
Ngày 20-2-2012, tại thành phố du lịch biển Los Cabos, bang Baja California Sur, (Mexico), Hội nghị ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã bế mạc mà không đạt được bất cứ thỏa thuận cụ thể nào, bất chấp những thách thức toàn cầu mà tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới đang phải đối mặt. Trong hai ngày Hội nghị, đại diện của 19 quốc gia thành viên thuộc thế giới các nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi chỉ dừng lại ở mức thống nhất cần phải hành động để bảo đảm các cơ chế quốc tế hoạt động có hiệu quả hơn, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị chao đảo. Tại phiên họp, Tổng thống nước chủ nhà Felipe Calderon đã kêu gọi các nước hành động mạnh mẽ và kịp thời để vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính sớm nhất có thể. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết giữa chính trị quốc tế và chính sách kinh tế, Ngoại trưởng Mexico Patricia Espinosa lại coi Hội nghị là một hồi chuông cảnh báo về tính cấp thiết phải suy nghĩ nghiêm túc về những thách thức toàn cầu đang đè nặng lên mọi quốc gia. Nhóm G20 gồm 19 nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi, cùng với Liên minh châu Âu (EU), tập trung 2/3 dân số thế giới và nắm giữ 90% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.
2. Hội nghị Hội đồng điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc
Ngày 21-2-2012, tại thủ đô Nairobi của Kenya, 20 nhà khoa học được Giải “Hành tinh Xanh” của Liên hiệp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng cải tổ hệ thống toàn cầu để đối phó hiệu quả với tình trạng biến đổi khí hậu, nghèo đói và mất đa dạng sinh học đang làm tồi tệ hơn nữa các vấn đề toàn cầu. Những nội dung chính cần sớm cải tổ gồm: từ bỏ việc lấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) làm thước đo sự thịnh vượng, chấm dứt các loại trợ cấp gây nguy hại đến môi trường và cải tổ hệ thống quản trị môi trường để có thể xây dựng một tương lai xán lạn hơn cho nhân loại. Tại Hội nghị, 20 nhà khoa học kêu gọi các nhà hoạch định chính sách cần có cái nhìn vượt quá lợi ích quốc gia để có những cải tổ căn bản trong quá trình hoạch định chính sách, trao quyền cho các cộng đồng bên lề xã hội và hòa nhập các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường, đặt phát triển con người vào con đường mới bền vững hơn. Các chính phủ cũng cần loại bỏ các trợ cấp trong các lĩnh vực năng lượng, vận tải và nông nghiệp hiện đang khiến nhân loại đang phải trả giá cao về xã hội và môi trường, đồng thời giải quyết nạn tiêu dùng quá mức và sức ép dân số thông qua việc trao thêm quyền cho phụ nữ, cải thiện giáo dục và thực hiện hiệu quả kế hoạch hóa gia đình.
3. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN
Ngày 21-2-2012, quan chức quốc phòng cấp cao của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhóm họp tại thủ đô Phnom Penh để soạn thảo một tuyên bố về tăng cường hợp tác quốc phòng hướng tới mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng an ninh chính trị ASEAN trước năm 2015. Cuộc họp kéo dài ba ngày này nhằm tiến hành thảo luận dự thảo Tuyên bố chung của các bộ trưởng quốc phòng ASEAN về tăng cường đoàn kết ASEAN vì một Cộng đồng hòa hợp và bền vững. Cuộc họp cũng thảo luận Tài liệu khái niệm về đánh giá thường xuyên Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) nhằm triệu tập hội nghị ADMM+ thường kỳ hai năm. Các vấn đề rộng hơn liên quan đến quốc phòng, trong đó có hỗ trợ nhân đạo trong khắc phục thảm họa, các hoạt động giữ gìn hòa bình, an ninh hàng hải, quân y và chống khủng bố cũng được các quan chức quốc phòng ASEAN bàn đến. Tham dự hội nghị ADMM+ lần này có các quan chức quốc phòng cấp cao của ASEAN và các bên đối thoại gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Cục trưởng Cục Đối ngoại và Chính sách Bộ Quốc phòng Campuchia, Tướng Sowath nhấn mạnh: "Sự hợp tác giữa ASEAN và các bên đối thoại đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh trên toàn khu vực".
4. Liên hợp quốc hối thúc hành động chống tội phạm, cướp biển
Trong phiên họp khẩn cấp ngày 22-2-2012, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại đặc biệt về tác động và hậu quả của tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia bắt nguồn từ tham nhũng và bạo lực tràn lan đang nổi lên ở Tây Phi và khu vực Sahel của châu Phi. Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng thống Togo Faure Essozimna Gnassingbé nhấn mạnh an ninh ở Tây Phi và khu vực Sahel đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn cướp biển, khủng bố cùng các tổ chức buôn bán ma tuý, người và vũ khí. Các tổ chức tội phạm này đang phá hoại tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước trong bối cảnh các nước trong hai khu vực này vừa ra khỏi chiến tranh và xung đột, và phải đối phó với tỷ lệ dân số nghèo đói rất cao và nạn chảy máu các nguồn lực con người, tài chính và tri thức. Tuyên bố cảnh báo nguy cơ bạo lực lan tràn ở Tây Phi và Sahel đang thổi bùng cơn sốt buôn bán vũ khí trong và ngoài những khu vực này. Tây Phi và Sahel cũng đã trở thành đầu mối quan trọng trên tuyến quá cảnh ma túy vào châu Âu, đem lại cho các tổ chức tội phạm lợi nhuận trên 900 triệu USD hằng năm. Những sáng kiến khu vực như Công ước về vũ khí nhỏ và nhẹ của Cộng đồng các nước Tây Phi (ECOWAS) cần phối hợp với các nỗ lực của Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) và các nước thành viên Liên hợp quốc để tăng cường năng lực dài hạn của khu vực trong cuộc đấu tranh chống tội phạm có tổ chức và khủng bố. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kêu gọi các nước trong hai khu vực này tăng cường các biện pháp cấp quốc gia và khu vực, đồng thời hỗ trợ tích cực Kế hoạch hành động của Liên minh châu Phi kiểm soát ma túy và ngăn chặn tội phạm.
5. Tổng thống Mỹ xin lỗi vụ binh sỹ NATO đốt kinh Koran
Ngày 23-2-2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi cho Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai một bức thư xin lỗi về vụ việc các binh sỹ NATO đốt các bản kinh Koran tại một căn cứ quân sự Mỹ ở Afghanistan. Trong thư, Tổng thống B.Obama khẳng định đó không phải là hành động có chủ đích và cam kết sẽ điều tra kỹ lưỡng vụ việc. Dẫn phát biểu của người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest trong cuộc họp báo ngày 24-2 cho rằng, “với tư cách là Tổng tư lệnh, Tổng thống tin rằng một lời xin lỗi là cách thích hợp nhất để bảo đảm an toàn cho người Mỹ, nhất là binh lính Mỹ. Nó đồng thời cũng cho thấy người Mỹ tôn trọng tín ngưỡng và các hành xử tôn giáo của người dân Afghanistan.” Mặc dù ông B.Obama đã gửi thư xin lỗi, nhưng bức thư đó vẫn chưa làm dịu cơn tức giận của người Hồi giáo Afghanistan. Đã có 20 người chết trong 4 ngày bùng nổ biểu tình gây bạo lực kể từ khi lính Mỹ đốt các cuốn Kinh Koran trong căn cứ không quân Bagram, nằm ở phía Đông thủ đô Kabul. Giải trình trên đây của người phát ngôn Nhà Trắng được đưa ra sau khi ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, cựu Chủ tịch Newt Gingrich lớn tiếng phê phán ông B.Obama, cho rằng “thật là sai lầm và hổ nhục vì đúng ngày lính Afghanistan bắn chết 2 lính Mỹ thì Tổng thống Mỹ lại gửi thư xin lỗi người Afghanistan". Các cuộc biểu tình nhằm phản đối hành động đốt các bản kinh Koran tại một căn cứ không quân NATO đã kéo hàng nghìn người Afghanistan tức giận đổ ra đường phố.
6. Tuyên bố của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc về tình hình tại Syria
Ngày 23-2-2012, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tuyên bố Chính phủ Syria "rõ ràng đã thất bại" trong việc bảo vệ người dân nước mình. Theo kết quả điều tra của hội đồng trên sau khi tiến hành 136 cuộc phỏng vấn kể từ hồi tháng 11-2011, "tình trạng nhân quyền tại Syria đã xấu đi đáng kể từ tháng 11-2011 tới nay, đẩy người dân Syria vào cảnh thống khổ”. Liên hợp quốc cũng thông báo các lực lượng của Chính phủ Syria đã bắn chết phụ nữ và trẻ em, nổ súng vào các khu vực dân cư và tra khảo những người biểu tình bị thương trong bệnh viện theo mệnh lệnh của các quan chức quân đội và chính phủ "cấp cao nhất". Các điều tra viên độc lập của Liên hợp quốc kêu gọi đưa thủ phạm gây ra những tội ác nhân quyền như vậy ra trước công lý và cho biết thêm họ đã lập ra một danh sách mật về danh tính của các sỹ quan chỉ huy cũng như nhiều quan chức được cho là chịu trách nhiệm trước những tội ác này. Báo cáo của hội đồng trên có đoạn: "Hội đồng đã có được những bằng chứng đáng tin cậy và nhất quán về danh tính của các thành viên cấp cao và cấp trung thuộc các lực lượng vũ trang Syria, những người đã ra lệnh cho cấp dưới nổ súng vào người biểu tình không vũ trang, giết hại những binh sỹ không thực thi mệnh lệnh, bắt bớ người vô cớ, ngược đãi những người bị bắt giam và tấn công các khu dân cư bừa bãi bằng xe tăng và súng máy”.
7. ILO: Báo động bất bình đẳng lao động ở công ty châu Âu
Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên tăng gần gấp đôi ở đa số các nước trong khu vực châu Âu |
Ngày 23-2-2012, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố nghiên cứu cho thấy, tình trạng bất bình đẳng trong lao động và thu nhập tại các công ty ở châu Âu đang tăng mạnh và xu hướng này còn tiếp tục khi ngày càng nhiều nước châu lục áp dụng các biện pháp khắc khổ và các cải cách lao động. Sự chênh lệch mức lương giữa các nhà lãnh đạo công ty và người lao động tăng mạnh ở nhiều nước như Bulgaria, Hungary và Anh. Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong tìm việc làm. Tại nhiều nước châu Âu, các công nhân làm việc theo hợp đồng tạm thời là những đối tượng dễ bị mất việc hoặc trở thành người chạy việc vặt trong công ty. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới thanh niên tăng gần gấp đôi ở đa số các nước trong khu vực, đặc biệt tại các nước vùng Baltic như Estonia, Litva, Latvia cũng như Ireland, Tây Ban Nha và Hy Lạp. Nghiên cứu của ILO cũng cho biết việc nhiều nước châu Âu quyết định triển khai các cải cách thị trường lao động mới trong năm nay để thúc đẩy tính cạnh tranh như Tây Ban Nha áp dụng chính sách giới hạn mức lương tối thiểu và cắt giảm an sinh xã hội; Pháp tăng cường áp dụng các kế hoạch tuyển dụng lao động ngắn hạn; nhiều nước khác điều chỉnh mức lương và trả lương thấp, có thể trực tiếp làm tăng bất bình đẳng.
8. Hội nghị quốc tế về Somalia
Ngày 23-2-2012, tại Hội nghị quốc tế về Somalia, diễn ra tại thủ đô London của Anh, các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết thúc đẩy ủng hộ các biện pháp chống nạn cướp biển, khủng bố và tình hình chính trị bất ổn ở Somalia. Hội nghị quốc tế về Somalia đã ra thông cáo chung gồm 7 điểm, trong đó có cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Somalia, tăng thêm quân số của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi và có sự phối hợp quốc tế về viện trợ nhân đạo tốt hơn. Thông cáo cũng yêu cầu các nhà chính trị nước này phải thành lập một chính phủ ổn định và nhất trí việc chuyển giao quyền lực từ chính quyền chuyển tiếp sang một chính quyền đại diện được tiến hành vào tháng 8-2012; những quyết định về tương lai của Somalia phải do người dân Somalia quyết định, còn vai trò của cộng đồng quốc tế là tạo điều kiện cho sự phát triển và tiến bộ của Somalia. Hội nghị cũng nhất trí về các biện pháp nhằm ngăn chặn nạn cướp biển bằng việc mở rộng những thỏa thuận đưa các nghi phạm sang các nước khác để xét xử. Hội nghị tập trung thảo luận nhằm tìm ra các phương thức giải quyết những vấn đề cốt lõi nói trên của Somalia, những vấn đề không chỉ ảnh hưởng tới quốc gia châu Phi này, mà còn ảnh hưởng đến cả thế giới. Tháng 11-1989, tại Somalia xảy ra một cuộc đảo chính, đẩy nước này rơi vào một cuộc nội chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái, khiến đất nước bị tàn phá nghiêm trọng cùng với nạn đói khủng khiếp hoành hành.
9. Mỹ - Triều Tiên đạt được một số tiến bộ trong đàm phán
Ngày 24-2-2012, Mỹ và Triều Tiên đã kết thúc hai ngày đàm phán và Đặc phái viên Mỹ phụ trách về chính sách với Triều Tiên Glyn Davies thông báo "đạt được một chút tiến triển" để tiến tới nối lại các cuộc đàm phán sáu bên nhằm chấm dứt tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Su khi kết thúc đàm phán với Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye Gwan tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ông Davies nhận định: "Chúng tôi đã đạt được một chút tiến triển". Khi được hỏi liệu hai bên có đạt được bước đột phá nào trong các cuộc đàm phán hay không, ông nhấn mạnh: "Tôi cho rằng từ 'đột phá' còn ở rất xa". Washington đã không đạt được thỏa thuận về việc tổ chức thêm các cuộc gặp với phía Bình Nhưỡng song hai bên sẽ duy trì liên lạc thông qua cái gọi là "kênh New York". Theo Đặc phái viên Davies, trong khuôn khổ đàm phán, ông và ông Kim đã thảo luận về những vấn đề liên quan tới giải trừ vũ khí hạt nhân, bao gồm một cơ sở làm giàu urani của Triều Tiên đặt tại Yongbyon, vấn đề không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và viện trợ nhân đạo nhưng ông từ chối tiết lộ tiến triển đã đạt được. Ông cũng hối thúc Bình Nhưỡng cải thiện quan hệ với Hàn Quốc và giải quyết vấn đề bắt cóc các công dân Nhật Bản trong thời gian trước đây.
10. Thủ tướng Haiti từ chức chỉ sau 4 tháng tại nhiệm
Ngày 24-2-2012, Thủ tướng Haiti Gari Conille đã bất ngờ thông báo từ chức sau 4 tháng tại nhiệm, giữa lúc xảy ra bất đồng trong chính phủ nước này về việc một số quan chức cấp cao mang hai quốc tịch. Tổng thống Haiti Michel Martelly cho biết ông đã chấp thuận đơn xin từ chức của Thủ tướng G.Conille và lấy làm tiếc về quyết định này khi ông G.Conille từ chức đúng vào thời điểm Haiti bắt đầu phục hồi sau thảm họa động đất kinh hoàng hồi tháng 1-2010. Mặc dù trong tuyên bố từ chức, Thủ tướng G.Conille không nêu rõ lý do, nhưng theo các nhà phân tích, quyết định "ra đi" của ông được đưa ra sau khi xảy ra hàng loạt những bất đồng giữa ông với các bộ trưởng xung quanh vụ điều tra liên quan đến việc mang hai quốc tịch của các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống Michel Martelly. Ông G.Conille đã phớt lờ lời khuyên của các thành viên trong Chính phủ và công khai ủng hộ cuộc điều tra do các nghị sỹ đối lập khởi xướng nhằm vào Tổng thống M.Martelly vì cho rằng, Haiti không công nhận người mang hai quốc tịch. Việc ông G.Conille từ chức sẽ mở ra một thời kỳ bất ổn mới đối với Haiti, đất nước vốn nghèo đói và đã rơi vào tình cảnh khó khăn hơn nữa sau trận động đất phá hủy phần lớn thủ đô Port-au-Prince hai năm trước. Mỹ và Canada đã kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Haiti đoàn kết để lựa chọn được một thủ tướng mới, cũng như bày tỏ tin tưởng vào ổn định chính trị tại quốc gia này.
11. Hội nghị “Những người bạn Syria”
Hội nghị “Những người bạn của Syria” diễn ra tại thủ đô Tunis của Tunisia mà không có sự tham dự của Syria, Nga và Trung Quốc |
Ngày 24-2-2012, Hội nghị “Những người bạn của Syria” diễn ra tại thủ đô Tunis của Tunisia với sự tham gia của hơn 60 ngoại trưởng các nước đã ra tuyên bố cuối cùng yêu cầu chấm dứt ngay lập tức bạo lực và đưa ra các biện pháp trừng phạt mới đối với chính quyền ở Syria. Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Araby cho biết, Hội nghị này đã ủng hộ việc công nhận nhóm đối lập Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) là “đại diện hợp pháp” của nhân dân Syria. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Nabil al-Araby đã kêu gọi Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ban hành một nghị quyết khẩn cấp kêu gọi ngừng bắn ở Syria trong khi Tổng thống Tunisia, Moncef Marzouki cho rằng “tình hình hiện nay đòi hỏi một sự can thiệp của các nước Arập trong khuôn khổ AL, triển khai một lực lượng của Arập để duy trì hòa bình và an ninh, cùng với các nỗ lực ngoại giao nhằm thuyết phục Tổng thống Assad từ bỏ quyền lực”. Đài truyền hình Nhà nước Syria ngày 25-2-2012 đưa tin, nước này lên án các tuyên bố do các bên tham gia Hội nghị trên, gọi Hội nghị của phe đối lập cùng các nước phương Tây và Arập này là Hội nghị “những kẻ thù của Syria”. Trong mục tin nóng, Đài truyền hình nhà nước Syria nhấn mạnh rằng, Syria bác bỏ tất cả những điều được tuyên bố và đưa ra tại Hội nghị những kẻ thù của Syria ở Tunis. Syria lấy làm tiếc về tất cả những lời kêu gọi tài trợ cho các tổ chức vũ trang, điều có thể dẫn tới sự hậu thuẫn cho khủng bố và làm tổn hại các lợi ích của người dân Syria.
12. Khai mạc Hội nghị Bộ trưởng và Thống đốc G20
Ngày 25-2-2012, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đã chính thức khai mạc tại thủ đô Mexico nhằm tìm cách thúc đẩy sự ổn định và phát triển kinh tế toàn cầu, đồng thời thảo luận giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ công của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Mục đích của Hội nghị G20 lần này là nhằm tăng cường sự hợp tác đa phương để bảo đảm sự ổn định kinh tế toàn cầu. Trong ba ngày diễn ra Hội nghị, đại diện các nước thành viên và các tổ chức quốc tế sẽ thảo luận hàng loạt chủ đề quan trọng nhằm thúc đẩy một nền kinh tế toàn cầu phát triển có trật tự, trong đó có việc “bơm” thêm tiền cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu. Hội nghị cũng sẽ tìm ra những rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, các chương trình hành động bổ sung và xác định các chính sách kinh tế cần phải được áp dụng đối với từng nước. Ngoài ra, các chương trình hành động nhằm tăng cường công tác bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính, giá nguyên liệu, giá lương thực, chiến lược phát triển, chiến lược khởi xướng “tăng trưởng xanh” cũng là những nội dung chính được bàn thảo.
13. Senegal bắt đầu bầu cử tổng thống
Ngày 26-2-2012, Senegal tổ chức bầu cử tổng thống. Khoảng 6.192 điểm bỏ phiếu tại quốc gia Tây Phi này được mở, hơn 5 triệu cử tri Senegal đăng ký bỏ phiếu trong nước, cùng với hơn 200.000 cử tri tham gia bỏ phiếu tại các điểm bầu cử ở nước ngoài. Các quan sát viên của Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh châu Phi (AU) đã có mặt để giám sát tiến trình này. Hội đồng Lập hiến Senegal đã chấp thuận 14 ứng cử viên tham gia tranh cử tổng thống năm 2012, trong đó có Tổng thống đương nhiệm Abdoulaye Wade, 85 tuổi, người đang nỗ lực tìm kiếm nhiệm kỳ tổng thống thứ ba, cựu Thủ tướng Idrissa Seck, cựu Thủ tướng Moustapha Niasse và Tổng Thư ký Đảng Xã hội Senegal Ousmane Tanor Dieng. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh các đảng đối lập phản đối việc Tổng thống A.Wade tiếp tục ra tranh cử vì theo hiến pháp, một tổng thống chỉ được điều hành đất nước tối đa hai nhiệm kỳ với mỗi nhiệm kỳ dài 7 năm. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Senegal cho rằng, nhiệm kỳ đầu tiên của ông A.Wade không được tính vì ông đắc cử trong thời điểm hiến pháp cũ vẫn còn hiệu lực. Quyết định này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối rầm rộ tại Senegal, trong đó có thủ đô Dakar, suốt thời gian qua. Trong số 13 ứng cử viên còn lại có. Theo kế hoạch, kết quả bỏ phiếu sơ bộ sẽ được công bố vào ngày 2-3, nếu không có người thắng cử ở vòng một thì vòng hai dự kiến được tổ chức vào ngày 18-3 tới./.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4, tạo bước chuyển biến mới trong công tác xây dựng Đảng*  (27/02/2012)
Khai mạc Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”  (27/02/2012)
Phát hành niên giám Quốc hội-Chính phủ khóa XIII  (27/02/2012)
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm, chúc mừng một số cơ sở y tế  (27/02/2012)
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay