Ngành công thương tổ chức hoạt động bình ổn thị trường, giá cả
Tình hình hoạt động bình ổn thị trường, giá cả
Tại Quyết định số 1018/QĐ-BCT, ngày 4-3-2011 về việc ban hành chương trình hành động của ngành công thương thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiệm vụ cụ thể về việc “phối hợp với ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ tình hình sản xuất tiêu dùng tại địa phương, chỉ đạo sản xuất dự trữ, lưu thông, phân phối hàng hóa thông suốt, trước hết là các mặt hàng thiết yếu, như lương thực, thực phẩm, xăng dầu,... bảo đảm bình ổn giá trên địa bàn”.
Theo đó, hiện các thành phố lớn đã và đang triển khai khá tốt các chương trình bình ổn trên địa bàn quản lý. Chương trình bình ổn năm 2011 được các thành phố triển khai từ đầu quý II với quy mô, lĩnh vực, địa bàn rộng hơn các năm trước nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu dùng của người dân, mở rộng đối tượng được thụ hưởng trực tiếp lợi ích của chương trình và tăng mức độ ảnh hưởng, dẫn dắt thị trường chung.
Theo Phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2011 đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 1909/QĐ-UBND ngày 26-4-2011, kế hoạch bình ổn giá năm 2011 sẽ được triển khai như sau:
Đối tượng mặt hàng thuộc chương trình bình ổn là các mặt hàng thiết yếu cho đời sống của người dân, dễ xảy ra biến động về cung cầu, giá cả bao gồm: Gạo tẻ; thịt lợn; thịt gà, vịt; trứng gà, vịt; thực phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm, cá; thủy hải sản tươi, đông lạnh; dầu ăn; đường RE; rau củ tươi, giấy vở học sinh. Như vậy, so với một số năm trước, đối tượng mặt hàng được mở rộng thêm đối với giấy vở học sinh trong dịp chuẩn bị khai giảng. Kinh phí cho vay để thực hiện việc bình ổn: lấy từ Quỹ dự trữ tài chính thành phố; tổng lượng vốn vay bình ổn là 475 tỉ đồng. Đối tượng doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đáp ứng đủ các điều kiện của thành phố trong tiêu chuẩn xét chọn (có quy mô, năng lực kinh doanh tốt, có kinh nghiệm trong tổ chức tạo nguồn và phân phối hàng hóa, đang kinh doanh các nhóm mặt hàng thuộc danh mục bình ổn…). Để khắc phục tình trạng phân bố điểm bán hàng không đều, chưa chú trọng đến các đối tượng có thu nhập thấp, UBND thành phố đã có công văn yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn cần có kế hoạch tổ chức cung ứng hàng bình ổn theo các hình thức: bán hàng lưu động tại khu vực nông thôn, các khu - cụm công nghiệp, các bếp ăn tập thể... Tính đến ngày 15- 8-2011, Hà Nội có 561 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 271 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, tăng 3 lần so với năm 2010.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2011 triển khai 4 chương trình bình ổn thị trường bao gồm: bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các loại dược phẩm thiết yếu và chương trình bình ổn thị trường sữa bột dành cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và sữa bột dành cho người cao tuổi trên địa bàn. Chương trình bình ổn các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu là chương trình chính với thời gian và quy mô lớn nhất gồm 9 loại hàng, tổng kinh phí 437,22 tỉ đồng. Hiện hàng bình ổn chiếm 20% - 30% thị phần trên thị trường Thành phố, do 37 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia cung ứng. Đây là những doanh nghiệp chủ lực, có thị phần lớn, mạng lưới phân phối rộng. Chương trình bình ổn năm nay được Thành phố Hồ Chí Minh tập trung mở rộng kênh phân phối tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp. Đến tháng 8, toàn Thành phố đã có 3.773 điểm bán hàng bình ổn và hơn 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện 199 chuyến hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa. Hàng hóa tại các điểm này đều đáp ứng những tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và giá bán đúng theo giá đăng ký được phê duyệt, thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%.
Để tăng thêm hiệu quả của chương trình và tạo điều kiện cho người lao động nghèo, nhân dân vùng ngoại thành được thụ hưởng chính sách bình ổn giá, mới đây Thành phố đã đưa vào sử dụng 5 điểm bán hàng bình ổn tại một số huyện ngoại thành. Mặt khác, Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tại một số địa phương khác, do nguồn kinh phí thực hiện công tác bình ổn có hạn nên quy mô dự trữ, phân phối hàng hóa bình ổn thiết yếu chưa được như 2 thành phố nêu trên, tuy nhiên các địa phương này cũng đã có kế hoạch công tác cụ thể, như: thành phố Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong những tháng cuối năm 2011 và Tết Nhâm Thìn 2012; tỉnh Lâm Đồng, Cần Thơ, Quảng Nam, Khánh Hòa… đã tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch triển khai các giải pháp tăng cường quản lý giá, dự trữ hàng hóa bình ổn giá cả thị trường năm 2011 và các tháng đầu năm 2012… Một số địa phương khác, do chưa chủ động được nguồn kinh phí thực hiện công tác bình ổn nên chưa dự trữ được hàng hóa thiết yếu, tuy nhiên các địa phương này cũng đã có kế hoạch công tác cụ thể, như có văn bản chỉ đạo điều hành tới phòng công thương các huyện, thị trấn theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP; theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa thiết yếu, thường xuyên nắm bắt, phân tích thông tin về tình hình giá cả thị trường, hàng hóa thiết yếu nhằm kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh hoặc phối hợp với Bộ Công thương đưa ra những chính sách, cơ chế giải pháp nhằm góp phần ổn định thị trường.
Những kết quả đạt được
Chương trình bình ổn thị trường của ngành công thương thời gian qua đã có tác động tốt đến thị trường, cụ thể:
- Chương trình bình ổn đã góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa thiết yếu trong những dịp tiêu dùng cao điểm, như lễ, tết... là những thời điểm dễ xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá gây bất ổn thị trường và ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
- Các hoạt động đi kèm với chương trình, như đưa hàng về nông thôn, phiên chợ, tổ chức điểm bán hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, các huyện ngoại thành, vùng núi... cũng đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là đối với các đối tượng dân cư có thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa trong lúc kinh tế khó khăn.
- Chương trình bình ổn đã góp phần giảm áp lực tăng giá trên địa bàn các đô thị lớn trong thời gian vừa qua, mặc dù đó là những địa bàn thường xảy ra biến động giá lớn nhưng chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng đầu năm 2011 của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã thấp hơn chỉ số giá chung của cả nước (CPI 9 - đầu năm của Hà Nội là 15,88%, của Thành phố Hồ Chí Minh là 14,49%, trong khi CPI cả nước là 16,63%).
- Chương trình đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng hóa trong nước đối với các công tác an sinh xã hội, bình ổn thị trường. Nhiều doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn năm nay đã không cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước mà tham gia một cách tự nguyện, điều đó cho thấy công tác bình ổn thị trường đang thực sự hữu ích và được sự ủng hộ rất lớn của người dân cũng như của doanh nghiệp.
Hoạt động bình ổn thị trường giá cả thời gian tới
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, toàn ngành công thương đã có kế hoạch chuẩn bị dự trữ, cung ứng hàng tết và các chương trình phục vụ tết khá chu đáo, nhất là đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Dự kiến lượng hàng hóa bình ổn phục vụ tết tại 2 thành phố lớn sẽ tăng 10% - 20% so với các tháng thường và đáp ứng khoảng 30% - 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân trong tháng tết. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tết trong ngành có kế hoạch sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, cung ứng hàng hóa với chất lượng bảo đảm, mẫu mã đa dạng góp phần bình ổn thị trường.
Ngoài ra, đối với một số mặt hàng thiết yếu nhạy cảm như xăng dầu, điện, Bộ Công Thương còn có những biện pháp hết sức quyết liệt chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong ngành bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng và giữ giá hợp lý, cụ thể:
Đối với mặt hàng xăng dầu: Bộ Công Thương đề ra những biện pháp kịp thời nhằm bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho tiêu dùng, nhất là trong những giai đoạn thị trường thế giới có nhiều biến động, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá xăng dầu ở các nước lân cận.
Bộ Công Thương đã có Công văn số 1173/BCT-TTTN ngày 10-2-2011 gửi sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu yêu cầu:
+ Các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu: (1) thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, ngày 15-10-2009, của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; (2) bảo đảm cung cấp đủ, kịp thời số lượng, chủng loại xăng dầu cho thị trường; ổn định mức dự trữ lưu thông xăng dầu tối thiểu cả về lượng và cơ cấu chủng loại, theo kế hoạch tiêu thụ đã được xác định hằng năm của thương nhân; (3) chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hệ thống phân phối của mình, bảo đảm cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của mình bán hàng đủ thời gian, đáp ứng đủ mọi nhu cầu về số lượng và chủng loại.
+ Sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn phải mở cửa bán hàng đủ thời gian, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tại địa phương; (2) chỉ đạo chi cục quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng liên quan tại địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm phát hiện các hành vi vi phạm về giá, đo lường, chất lượng, đầu cơ, găm hàng, buôn lậu và các hành vi gian lận thương mại khác; (3) kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, nhất là những hành vi đầu cơ, găm hàng, buôn lậu, đưa tin thất thiệt, đóng cửa hàng, giảm thời gian bán hàng, tiết giảm lượng hàng bán, kể cả thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Công văn số 1429/BCT-TTTN ngày 18-2-2011 gửi các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nghiêm túc thực hiện công tác kiểm tra, rà soát hệ thống phân phối của mình nhằm phát hiện, xác định cửa hàng đóng cửa không bán hàng, giảm thời gian bán hàng, bán hàng cầm chừng, tự động nâng giá bán lẻ trái quy định; đồng thời lập báo cáo chi tiết các cửa hàng có những vi phạm trên và báo cáo về Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 28/2011/TT-BCT ngày 21-7-2011 hướng dẫn quản lý kinh doanh xăng dầu tại khu vực biên giới nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu, đặc biệt nhằm giảm đến mức tối thiểu tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới khi giá bán lẻ trong nước thấp hơn so với giá bán lẻ của các nước lân cận.
Do đó, mặc dù hiện nay việc kinh doanh xăng dầu đang gặp khó khăn nhưng các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cam kết nhập khẩu theo đúng tiến độ đã đăng ký với Bộ Công Thương, cung cấp đủ xăng dầu cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước. Vì vậy, nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa đã, đang và sẽ tiếp tục được bảo đảm cung ứng đầy đủ, góp phần quan trọng trong công tác bình ổn thị trường.
Về cung ứng điện: Bộ Công Thương đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện quy định về hỗ trợ hộ nghèo khi giá điện được điều chỉnh; Bộ đã ban hành Thông tư số 31/2011/TT-BCT ngày 19-8-2011 quy định điều chỉnh giá bán điện theo thông số đầu vào cơ bản; đã tiến hành kiểm tra việc thực hiện giá bán điện năm 2011 ở một số đơn vị có liên quan trong việc thực hiện giá bán điện cho các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp và giá bán điện cho người thuê nhà để có những điều chỉnh cho phù hợp.
Để bảo đảm cung cấp điện ổn định cho các tháng cuối năm, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4560/QĐ-BCT ngày 9-9-2011 phê duyệt điều chỉnh kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện 6 tháng cuối năm 2011.
Các biện pháp quyết liệt và kịp thời của toàn ngành công thương trong thời gian qua đã, đang và sẽ góp phần hết sức quan trọng vào công tác bình ổn thị trường, thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội mà các ngành, các cấp đang tích cực thực hiện theo chỉ đạo của Đảng và Chính phủ./.
Sắt son một niềm tin với Đảng  (03/02/2012)
Vai trò của biển và đại dương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế  (02/02/2012)
Tổng thống UAE mong muốn tăng cường quan hệ hơn nữa với Việt Nam  (02/02/2012)
Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam dịp Tết Nhâm Thìn tăng  (02/02/2012)
Về bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay  (02/02/2012)
Về bản lĩnh chính trị của Đảng hiện nay  (02/02/2012)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay