Về xã hội thông tin và xã hội tri thức hiện nay
Những khái niệm cơ bản
Nói đến xã hội thông tin, người ta thường hình dung đó là một kiểu xã hội có các lĩnh vực hoạt động dựa trên các công nghệ thông tin và truyền thông. Đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, công nghệ thông tin đang đóng một vai trò quan trọng, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng thông tin cao. Nền kinh tế đó được gọi là nền kinh tế mới, còn được cụ thể hoá bằng những tên gọi như kinh tế mạng, kinh tế số, kinh tế thông tin, hay kinh tế dựa trên tri thức, và cuối cùng được gọi ngắn gọn là kinh tế tri thức.
Nhưng gần đây, người ta lại nói nhiều đến "xã hội tri thức". Song, trong quan niệm của nhiều người, xã hội thông tin vẫn đồng nghĩa với xã hội tri thức, và xã hội tri thức lại đồng nghĩa với kinh tế tri thức.Việc đồng nhất khái niệm xã hội thông tin với xã hội tri thức xuất phát từ một thực tế là bản thân "thông tin" và "tri thức" là hai khái niệm khó có thể phân biệt rạch ròi. Trong cuốn Kinh tế tri thức: Những khái niệm và vấn đề cơ bản, xuất bản năm 2001, trên cơ sở tổng hợp các quan điểm của các học giả nước ngoài cho rằng thông tin theo nghĩa rộng bao gồm dữ liệu, còn thông tin theo nghĩa hẹp là kiến thức [hay tri thức]. Tất cả mọi dữ liệu hay kiến thức [tri thức] đều là thông tin theo nghĩa rộng. Thông tin là dữ liệu đã được chế biến [tức ‘được xử lý’ ] tới mức độ nào đó, kiến thức [tri thức – ] là thông tin được chế biến ["xử lý"] ở mức cao hơn. Trong nền kinh tế tri thức, một phần quan trọng tri thức được "dịch" thành thông tin (tức tri thức được mã hoá) để có thể dễ dàng mua bán. Rõ ràng là "thông tin" và "tri thức" đang còn được dùng lẫn lộn cho nhau. Đó là vì, như nhiều người đã nói: Vấn đề bản chất của thông tin, như ta đã biết, là một trong những vấn đề phức tạp nhất và có nhiều tranh cãi nhất trong khoa học hiện đại. Tri thức được định nghĩa là thông tin tích cực và năng động: đó là thông tin được đọc hoặc được thông báo, được hấp thụ và được sử dụng. Điều này đòi hỏi phải sử dụng và thao tác thông tin để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng. Việc biến thông tin từ dạng tĩnh sang dạng động cũng có thể dẫn đến sự đổi mới và sáng tạo. Thông thường, tri thức tồn tại trong sách vở và tư liệu dưới dạng thông tin tĩnh sẽ không có ích gì nếu thông tin đó không được đọc và được lĩnh hội.
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ có sự lẫn lộn trong việc sử dụng hai thuật ngữ là vì thông tin và tri thức liên tục được chuyển hoá cho nhau theo một chu trình lặp lại không bao giờ dứt. Sự chuyển hoá đó được thông qua một hoạt động được gọi là hoạt động học hành qua một chu trình như sau:
Đứng từ góc độ người phát và vật phát thì mọi sản phẩm và dữ liệu được sáng tạo ra đều là thông tin. Đứng từ góc độ người nhận thì những gì được lĩnh hội đều gọi là tri thức.
Nhiều người cho rằng các thuật ngữ "kinh tế tri thức", "kinh tế thông tin", "kinh tế phi vật chất", "kinh tế mới", "kinh tế mạng", "kinh tế số"... đều là những thuật ngữ đồng nghĩa. Trên cơ sở này, các thuật ngữ "xã hội thông tin", "xã hội mạng" và "xã hội tri thức" có thể bị hiểu lẫn lộn. Tuy nhiên, có thể phân biệt xã hội thông tin với xã hội tri thức. Xã hội thông tin đã bắt đầu bằng việc sử dụng những chiếc máy vi tính có bộ nhớ khổng lồ để truy cập một khối lượng lớn thông tin. Việc tạo ra, phân phối và thao tác thông tin đã trở thành một hoạt động kinh tế và văn hoá có ý nghĩa nhất trong xã hội thông tin đang tiến triển. Giờ đây, chúng ta đang bước vào xã hội tri thức, ở đó việc sáng tạo, chia sẻ và sử dụng tri thức trở thành những nhân tố chủ chốt cho sự phồn vinh và hạnh phúc của mọi người dân. Một số chuyên gia đã coi tri thức là "giá trị gia tăng". Thậm chí ngay cả khi xác định đặc điểm của xã hội tri thức người ta vẫn gắn "thông tin" với "tri thức" để xác định tính chất cho một xã hội. Tri thức là sức mạnh, và nhiều người vẫn tiếp tục giữ tri thức làm của riêng như là một hình thức an ninh. Nếu không có những biện pháp kích thích để khuyến khích việc chia sẻ thông tin và tri thức, thì xã hội thông tin - tri thức vẫn sẽ không thể tồn tại được.
Đối với nhiều người, việc chia sẻ thông tin và tri thức liên quan chặt chẽ đến một phương tiện truyền thông hiện đại nhất là in-tơ-nét. Đối với họ, khái niệm "xã hội thông tin" hay "xã hội tri thức" được coi là một sự tồn tại và mặc nhiên công nhận, không cần phải định nghĩa cụ thể. Và khi nói đến xã hội thông tin và xã hội tri thức là họ nghĩ ngay đến việc phát triển và ứng dụng in-tơ-nét vào đời sống xã hội.
Những điều trên đây cho thấy rằng, dù chưa định nghĩa, chúng ta cũng thấy khái niệm xã hội thông tin gắn rất chặt với khái niệm in-tơ-nét. Và trong quan niệm của nhiều người, tên gọi xã hội thông tin và xã hội [dựa trên] tri thức cũng có thể được dùng thay thế cho nhau, khi mà trong ý thức của nhiều người, "tri thức" vẫn được coi là "thông tin"
Những hạn chế của xã hội thông tin
Sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông trong nửa thế kỷ qua, chúng đã có những đóng góp to lớn cho xã hội trong tất cả các lĩnh vực. Công nghệ thông tin đang xoá đi mọi khoảng cách về không gian và thời gian để biến toàn thế giới thành một "ngôi làng toàn cầu". Người ta đã nói nhiều đến ích lợi của công nghệ thông tin, và trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được những ích lợi mà nó đem lại cho cuộc sống. Người ta đã nói đến khả năng sử dụng công nghệ thông tin như "đôi đũa thần" của thầy phù thuỷ để làm động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng gần đây, các nhà nghiên cứu lại quan tâm đến tác động của in-tơ-nét đối với đời sống con người. Nhiều người cho rằng in-tơ-nét đang kết nối con người từ khắp nơi trên thế giới lại với nhau; nhưng cũng có người lại khẳng định in-tơ-nét gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cuộc sống và hành vi tâm lý của con người, điều này đôi khi còn được coi là mặt trái của xã hội thông tin.
Từ cuối những năm 1990, bắt đầu xuất hiện một số ý kiến cho rằng in-tơ-nét làm cho con người rơi vào tình trạng tha hoá, cô đơn, xa lánh xã hội, không quan tâm đến cuộc sống thực mà chỉ mải mê với hiện thực ảo, giảm giao thiệp trực tiếp với người thân và bạn bè, thay vào đó là mở rộng các mối quan hệ trên mạng. Các nhà nghiên cứu xã hội cho thấy cả những tác động tích cực lẫn tiêu cực của sự giao tiếp thông qua máy vi tính so với giao tiếp trực tiếp. Nhưng có ý kiến lại cho rằng những người sử dụng in-tơ-nét sẽ càng có sự giao thiệp rộng rãi hơn với người thân và bạn bè, càng giảm được sự cô đơn. Loại ý kiến thứ ba cho rằng việc sử dụng in-tơ-nét chẳng có liên quan gì đến việc tăng hay giảm mức độ giao thiệp xã hội và mức độ cô đơn cá nhân. Điều này đã trở thành chủ đề bàn luận khá sôi nổi ở nhiều nước từ Đông sang Tây trong những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI.
Phải công nhận rằng tất cả những ý kiến trái ngược trên đây hoàn toàn không phải là những ý kiến phát ngôn tuỳ hứng, mà đều là những kết luận của những công trình điều tra xã hội học rất công phu và kéo dài nhiều năm. Những kết luận mâu thuẫn trên đây có thể làm cho nhiều người hoang mang. Nếu chỉ nhận được những thông tin cục bộ và một chiều, thì có thể có người sẽ tin rằng in-tơ-nét đang làm cho người ta cô đơn hơn bao giờ hết, hoặc có người lại tin rằng in-tơ-nét đang khuyến khích khả năng giao thiệp xã hội của những người sử dụng nó. Không có cơ sở để khẳng định việc sử dụng in-tơ-nét sẽ làm gia tăng mức độ cô đơn của người sử dụng. Nhưng in-tơ-nét vẫn là một chiếc "hộp đen" chưa thể khám phá hết được. Hạn chế quan trọng nhất là nó tuân thủ một mô hình tương quan kiểu cũ, không tính đến những sự can thiệp về mặt nhân quả. Người ta không biết chắc được chiều hướng nhân quả của hiện tượng. Không thể khẳng định in-tơ-nét là thủ phạm duy nhất làm gia tăng sự cô đơn, một khi chúng ta không biết rõ được về cơ chế tác động của in-tơ-nét.
Việc so sánh phải được tiến hành với nhiều cấp độ và nhiều góc độ. So sánh không phải chỉ căn cứ vào những biến số tuyệt đối, mà còn phải dựa vào cả những biến số tương đối để đánh giá về giá trị tích cực hay tiêu cực của một hiện tượng. Việc gia tăng mức độ cô đơn khi sử dụng in-tơ-nét, nếu do in-tơ-nét gây ra, có thể là một tác động tiêu cực, nhưng giá trị tiêu cực này sẽ mất đi ý nghĩa khi ta tính đến một tác động tích cực lớn hơn của nó là đem lại sự sảng khoái tinh thần và bồi bổ kiến thức cho người sử dụng. Ngoài ra, khi so sánh ta còn phải quan tâm đến một kiểu so sánh lựa chọn phương án. Tức là người ta không thể chỉ so sánh các mối quan hệ hiện tại với các mối quan hệ quá khứ, mà phải so sánh chúng với các mối quan hệ tiềm tàng có thể xảy ra. Nếu như việc sử dụng in-tơ-nét có thể làm người ta cảm thấy cô đơn hơn, thì biết đâu việc ngừng sử dụng in-tơ-nét lại có thể còn làm cho người ta cảm thấy cô đơn hơn nữa! Như vậy, việc điều tra xã hội học cần phải được tiến hành theo cả bề rộng về không gian lẫn bề dài của thời gian. Việc điều tra và so sánh dữ liệu phải tính đến nhiều loại dữ liệu để rút ra các ý kiến đánh giá có khả năng bổ sung cho nhau. Đấy là điều tra theo bề rộng của không gian. Còn theo bề dài của thời gian thì, việc điều tra đối với một số đối tượng trong một thời gian nhất định cần phải được bổ sung thêm bằng việc điều tra trong một thời gian nào đó để khẳng định cho kết quả điều tra trước đó.
Chúng ta xem xét một vấn đề thứ hai của khả năng tác động tiêu cực của in-tơ-nét. Đó là vấn đề về khả năng truyền bá văn hoá phẩm độc hại và những tư tưởng phản tiến bộ của in-tơ-nét cho loài người.
Với khả năng "đem cả thế giới đến mọi nhà", in-tơ-net thực sự đang là một phương tiện truyền thông có thể nói là mang tính "toàn trị" nhất hiện nay. Thế giới đang thu hẹp lại chỉ còn trong một màn hình phẳng. Chỉ cần ngồi ở nhà với chiếc màn hình vi tính, bạn có thể tiếp cận được với mọi thông tin trên thế giới. Thế nhưng nó cũng là một phương tiện đặc hiệu nhất để cho những kẻ nổi loạn và có tư tưởng xấu xa gieo rắc các loại văn hoá phẩm đồi trụy và độc hại ra khắp thế giới. Các phần tử khủng bố cũng chọn in-tơ-nét làm một công cụ đắc lực cho việc lập kế hoạch hành động, cũng như lấy chính in-tơ-nét làm phương tiện khủng bố. Trong lịch sử loài người, có thành tựu khoa học nào mà thoát khỏi bàn tay bóp méo của con người để biến nó thành một công cụ gây hại cho chính loài người: mìn, bom nguyên tử, vũ khí hoá học đều là kết quả không mong muốn của khoa học và công nghệ. Việc gieo rắc văn hoá phẩm độc hại cũng đã hoành hành nhờ tận dụng thành tựu của kỹ thuật in ấn và nghệ thuật phim ảnh từ lâu trước khi có in-tơ-nét v.v... Cho nên, trước hết loài người hãy tự kết tội cái "mặt trái của chính mình" mà không thể đổ tội cho in-tơ-nét.
Mặt tiêu cực của in-tơ-nét thực ra lại là mặt tiêu cực của chính bản tính con người. Nhiều ý kiến cho rằng: in-tơ-nét đang mang lại những ích lợi to lớn cho loài người hơn bất cứ một tác động tiêu cực khả dĩ nào có thể gán cho nó. Và đó cũng chính là mặt tích cực nhất của xã hội thông tin. Thế nhưng, nếu như không còn gì phải băn khoăn về khả năng tác động tiêu cực của in-tơ-nét, thì liệu ta đã có thể nói một tính hoàn hảo của xã hội thông tin chưa? Hiện tại người ta đang nói đến những khiếm khuyết của xã hội thông tin như sau:
Thứ nhất, trong xã hội thông tin, thông tin ngày càng trở thành một thứ hàng hoá đặc biệt để trao đổi trên toàn thế giới. Liên quan đến nó là quyền sở hữu trí tuệ. Người ta cho rằng quyền sở hữu trí tuệ đang trở thành một trong những vật cản của xã hội thông tin đối với sự phát triển bền vững của con người.
Thứ hai, người ta đang nói đến hố ngăn cách số hay hố ngăn cách tri thức trong xã hội thông tin. Đó là sự ngăn cách về công nghệ thông tin giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, và giữa các tầng lớp xã hội bên trong một quốc gia. Điều này xuất phát từ quan điểm coi trọng tính thị trường và tính thương mại của thông tin: thông tin được coi là hàng hoá trao đổi.
Thứ ba, xã hội thông tin vẫn chưa khắc phục được triệt để nạn ô nhiễm môi trường mà một phần là do chính sự phổ biến các công nghệ thông tin gây ra.
Đứng ở một tầm cao hơn và sâu xa hơn về khía cạnh nhân quyền, các nhà khoa học ngày nay đang nhìn nhận mặt trái của xã hội thông tin theo quan điểm phát triển con người bền vững dưới ánh sáng của đạo đức học hiện đại, không sa vào những chi tiết kỹ thuật của vấn đề in-tơ-nét. Tri thức phải là tài sản chung của loài người, không thể là hàng hoá trao đổi. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã đi đến một quan điểm cho rằng đã đến lúc phải chuyển sang một kiểu xã hội mới: xã hội tri thức.
Sự cần thiết phải chuyển sang xã hội tri thức bền vững
Nhiều người cho đến nay vẫn chỉ hiểu một cách đơn giản rằng: xã hội tri thức là một tên gọi khác của xã hội thông tin, là một kiểu xã hội dựa trên nền kinh tế tri thức. Song, từ xưa đến nay, trong xã hội nào thì tri thức của loài người cũng là một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển. Nhưng trước đây, tri thức thường vẫn là một tài sản nằm trong tay một số tầng lớp tri thức và của những người có học vấn trong xã hội. Chỉ đến thời đại thông tin, với các phương tiện truyền thông hiện đại, loài người mới có cơ hội thực hiện mục đích nhân văn cao cả của mình: chia sẻ tri thức cho mọi người để cùng phát triển. Khi ấy chúng ta mới có được một xã hội tri thức đích thực. Như vậy, mặc dù trong cách diễn đạt của nhiều người, người ta vẫn dùng lẫn lộn và vẫn gộp xã hội thông tin và xã hội tri thức làm một; nhưng, trong tư tưởng của họ đã manh nha một ý tưởng là phải tiến tới xây dựng một kiểu xã hội mới: xã hội tri thức, và chỉ có xã hội tri thức mới là kiểu xã hội bền vững cho sự phát triển của loài người. Điều này đã được UNESCO đưa vào bản Báo cáo Thế giới 2005 với chủ trương cho rằng, xã hội thông tin là một phương tiện để xây dựng xã hội tri thức.
Để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Xã hội Thông tin họp giai đoạn I tại Geneva ngày 10-12/12/2003 (giai đoạn II họp tại Tu-nit, Tuy-ni-di-a, ngày 16-18/11/2005), UNESCO đã tổ chức một cuộc Hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng mang chủ đề "Hướng tới các xã hội tri thức", họp tại Pa-ri ngày 9-10/10/2003, và đã ra một thông cáo về chủ đề này. Ngoài ra, UNESCO cũng xuất bản một văn kiện mang tên Từ xã hội thông tin sang các xã hội tri thức. Đến năm 2005, UNESCO đã ra bản Báo cáo Thế giới với tên gọi chính thức: Hướng tới các xã hội tri thức.
Tuy nhiên cần sự gia tăng việc tư nhân hoá và thương mại hoá tri thức và thông tin. Một xã hội tri thức được gọi là bền vững khi nó bảo tồn và thúc đẩy các quyền con người và quyền công dân; khi việc truy cập tri thức không bị cản trở và có khả năng bao quát rộng lớn; khi tri thức của nó làm thành cơ sở cho những phương tiện bảo tồn một cách hiệu quả môi trường thiên nhiên của chúng ta; khi việc truy cập tri thức và thông tin đang cung cấp cho mọi người dân trên thế giới cơ hội được tự phát triển trong đời sống cá nhân, đời sống nghề nghiệp và đời sống công cộng của họ; khi sự phát triển ở miền Bắc không còn làm tổn hại đến miền Nam và khi sự phát huy tiềm năng của nam giới không còn làm tổn hại đến tiềm năng của nữ giới. Những điều trên đây cũng chính là ám chỉ việc chúng ta phải khắc phục những khiếm khuyết của xã hội thông tin để xây đựng một xã hội tri thức bền vững. Những khiếm khuyết đó liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, đến hố ngăn cách số, đến ô nhiễm và huỷ hoại môi trường.
Xã hội thông tin mà trong đó chúng ta đang sống mới chỉ chú ý đến những ích lợi kinh tế và đến yếu tố thị trường, chưa quan tâm đầy đủ đến nhân quyền, dân quyền và đến đạo đức học sinh thái. Một xã hội mà trong đó chế độ sở hữu trí tuệ đang biến tri thức thành một nguồn lực hiếm thì không phải là một xã hội bền vững. Để khắc phục những khiếm khuyết của xã hội thông tin cần những giải pháp cụ thể, đó là thiết lập một xã hội học hành, giáo dục suốt đời cho tất cả, bảo tồn đa dạng tri thức..., trên cơ sở của nguyên tắc tối cao là thực hiện quyền truy cập thông tin và tri thức phổ biến cho tất cả mọi người. Đề cập tới những vấn đề bức xúc cụ thể như mâu thuẫn giữa việc khuyến khích sáng tạo với quyền phổ biến về chia sẻ tri thức, liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, cần phải có sự dung hoà giữa việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với việc thúc đẩy lĩnh vực tri thức công cộng. Về nguyên tắc thì tri thức vẫn phải là tài sản chung của toàn nhân loại; mọi người đều có quyền tiếp cận tri thức. Nhưng việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng chính là để khuyến khích sáng tạo, khuyến khích việc tạo ra tri thức mới. Tuy nhiên, những sản phẩm trí tuệ được đặt dưới sự bảo hộ vẫn được các cá nhân tiếp cận và khai thác cho công việc sáng tạo của riêng mình, cũng như được khai thác ngoài mục đích thương mại và không nhằm mục đích khai thác lợi nhuận đối với sản phẩm đó. Trong giao lưu tri thức, chúng ta không nên tuyệt đối hoá vấn đề bản quyền để làm cản trở quá trình truyền bá tri thức. Chỉ có như vậy, các sản phẩm tri thức trên thế giới mới tiếp xúc được với nhau để không ngừng tạo ra tri thức mới.
Có thể nói, từ góc độ văn minh, xã hội thông tin và xã hội tri thức có những điểm gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, nếu đứng từ góc độ chủ thể sáng tạo thì ta có thể dễ dàng phân biệt được chúng một cách rõ ràng hơn. Khi ta nói xã hội thông tin là ta đứng từ góc độ người phát. Còn khi đứng từ góc độ người nhận thì ta có xã hội tri thức. Đứng từ góc độ người phát, xã hội thông tin vẫn mang nặng tính thương mại và thị trường hàng hoá. Đứng từ góc độ người nhận, xã hội tri thức thể hiện sự quan tâm đến người nhận, đến việc hiểu và sử dụng thông tin nhằm mục đích sáng tạo. Vì vậy, xã hội tri thức mang ý nghĩa nhân quyền , và ý nghĩa đạo đức nhân văn cao, chuyển sang xã hội tri thức là một xu hướng hợp lý và nó đang nhận được sự đồng tình của đông đảo giới khoa học. Đó chính là lý do tồn tại của xã hội tri thức mà chúng ta cần phải làm cho nó trở thành hiện thực càng sớm càng tốt ở nước ta.
Tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2006 và triển vọng năm 2007  (15/01/2007)
Đảng bộ và nhân dân Quảng Ninh trước nhiệm vụ chính trị năm 2007  (15/01/2007)
Hòa Bình nhìn lại sau 15 năm tái lập và đi tới  (15/01/2007)
Quảng Nam: qua 10 năm tách tỉnh – nhìn lại và nghĩ tới  (15/01/2007)
Bình Phước – hành trình 10 năm cùng cả nước trên con đường đổi mới  (15/01/2007)
Những mùa xuân bình yên ở một miền biên giới  (15/01/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển