Những kết quả nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XX Đảng bộ tỉnh Bình Định
TCCS - Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực; đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp và đạt được kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết lĩnh vực.
Về phương hướng, mục tiêu phát triển
Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, nằm ở vị trí chiến lược quan trọng trên hai trục Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Bắc - Nam và trong giao lưu quốc tế; là cửa ngõ ra biển gần nhất, thuận lợi nhất của các tỉnh Bắc Tây Nguyên, vùng Nam Lào, Đông Bắc Cam-pu-chia và Thái Lan. Tỉnh có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các vùng, các địa phương với đầy đủ phương thức vận tải đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển. Trong đó, Ga đường sắt Diêu Trì, Cảng biển quốc tế Quy Nhơn, Cảng hàng không Phù Cát là một trong những đầu mối giao thông quan trọng của vùng và cả nước. Bình Định còn là vùng đất có truyền thống văn hóa - lịch sử lâu đời với nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, riêng có.
Nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra phương hướng, mục tiêu phát triển trong thời gian tới là “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; phát huy truyền thống, ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; bảo đảm quốc phòng, an ninh và môi trường xã hội ổn định; đẩy nhanh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung”. Tập trung thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng(1) và 3 khâu đột phá(2); đồng thời, ban hành 8 chương trình hành động để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX(3).
Những kết quả đạt được
Nền kinh tế tỉnh Bình Định tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) luôn tăng cao so với mặt bằng chung cả nước (năm 2021 tăng 4,31%, năm 2022 tăng 8,42%, 6 tháng đầu năm 2023 tăng 6,46%). Thu ngân sách hằng năm đạt và vượt kế hoạch đề ra (năm 2021 là 14.608 tỷ đồng, năm 2022 là 15.722,9 tỷ đồng, 6 tháng đầu năm 2023 là 5.722,7 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ(4). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh đến tháng 6-2023 ước đạt 56.756 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 41,8% GRDP.
Sản xuất công nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn duy trì phát triển khá, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp (giá so sánh năm 2010) ước tăng bình quân 7,9%. Các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quy hoạch, xây dựng và mở rộng, hạ tầng - kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp, thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 14 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp với tổng diện tích 8.797,62ha. Trong đó, tỉnh tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng Khu kinh tế Nhơn Hội trở thành khu kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển là du lịch, dịch vụ, đô thị, công nghiệp, cảng biển, năng lượng tái tạo và thủy sản; là một trong những trung tâm phát triển chính của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối thông thương, giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định có hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đồng bộ, ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp sạch, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Sản xuất nông nghiệp phát triển khá toàn diện, đã hình thành một số vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, quy mô lớn theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn và ứng dụng công nghệ cao. Ngành thủy sản tiếp tục phát triển(5), tỉnh đã tập trung xây dựng và hiện đại hóa hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá(6), tạo động lực phát triển ngành thủy sản theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững. Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới. Đến tháng 6-2023, tỉnh Bình Định có 84/109 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã đạt nông thôn mới nâng cao và 5/11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nông thôn mới; có 217 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Các hoạt động xúc tiến, mở rộng thị trường nước ngoài luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá qua các năm, tính đến tháng 6-2023 đạt 3.759 triệu USD (đạt 62,65% chỉ tiêu nghị quyết). Đẩy mạnh đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ có lợi thế, như cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ kho bãi, xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics,... nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ. Du lịch ngày càng phát triển, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; thương hiệu du lịch Quy Nhơn - Bình Định ngày càng có sức thu hút và lan tỏa. Khách du lịch đến tỉnh và doanh thu du lịch hằng năm tăng khá(7). Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện; đã thu hút 24 dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh với tổng vốn đầu tư khoảng 52.888 tỷ đồng, trong đó một số dự án có quy mô đầu tư lớn(8).
Nhằm đáp ứng yêu cầu và tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tỉnh Bình Định đã lập và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch phát triển vùng và các địa phương; tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại gắn với đẩy mạnh liên kết phát triển, phát huy lợi thế giữa các vùng, các địa phương trong tỉnh. Trong đó, đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng một số công trình giao thông trọng điểm(9); tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công các dự án, công trình trọng điểm khác, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn(10).
Các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo đúng lộ trình, doanh nghiệp nhà nước hoạt động hiệu quả; kinh tế tư nhân, hộ gia đình phát triển khá và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, có 2.785 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 29.400 tỷ đồng. Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài với 6 dự án được cấp phép, tổng vốn đăng ký đạt 80,91 triệu USD, nâng tổng số dự án có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh là 86 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 1,13 tỷ USD. Việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh đạt kết quả nổi bật, chỉ số năng lực cạnh tranh luôn nằm trong nhóm các địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất, được nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao; công tác cải cách thủ tục hành chính được chú trọng, nhất là đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư đến với tỉnh Bình Định.
Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo, đầu tư phát triển. Khu đô thị khoa học Quy Hòa với hạt nhân là Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Trung tâm khám phá khoa học và đổi mới sáng tạo đang từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà khoa học trong và ngoài nước(11); đồng thời, tỉnh đang triển khai xây dựng Trung tâm trí tuệ nhân tạo - đô thị phụ trợ, từng bước hình thành trung tâm trí tuệ nhân tạo. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - thể thao, thông tin - truyền thông, chăm sóc sức khỏe nhân dân,... đạt được nhiều kết quả quan trọng. An sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ nghèo đa chiều đến cuối năm 2022 giảm còn 9,04%. Tình hình quốc phòng - an ninh được bảo đảm ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng và đạt nhiều kết quả quan trọng(12). Qua đó, đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch, thành tựu, hình ảnh vùng đất, con người Bình Định đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tranh thủ tối đa nguồn ngoại lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được đặc biệt quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tổ chức xây dựng Đảng; tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên. Công tác quy hoạch, điều động, luân chuyển cán bộ, đề bạt, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử tiếp tục được quan tâm thực hiện; đã luân chuyển, điều động 24 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý, trong đó luân chuyển 7 cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng có quy hoạch chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về cơ sở và ngược lại. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được chú trọng. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chăm lo xây dựng tổ chức, phát triển đoàn viên, hội viên, lực lượng nòng cốt, góp phần quan trọng tăng cường sự đồng thuận xã hội và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Giải pháp trọng tâm để thực hiện khát vọng xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định thời gian tới
Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát triển kinh tế nhanh, toàn diện và bền vững(13). Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; tập trung ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh, gắn với không gian phát triển mới.
Hai là, tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách của tỉnh, có cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, theo hướng:
1- Đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp theo quy hoạch, nhất là Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; triển khai các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển, như Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng chuyên dùng Long Sơn, Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE... Tập trung thu hút nhà đầu tư có tiềm lực, thương hiệu để đầu tư các dự án then chốt vào các ngành, lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn(14); tăng tỷ lệ lấp đầy khu, cụm công nghiệp.
2- Tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Đưa Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu khu vực với những nét đặc trưng, quảng bá thương hiệu du lịch, lấy điểm nhấn là “Quy Nhơn - điểm đến hàng đầu của Đông Nam Á, trung tâm văn hóa của vùng”. Phát huy lợi thế để phát triển du lịch biển, đảo, nhất là phát triển khu du lịch, đô thị du lịch biển có mức độ quốc tế hóa cao. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án du lịch đã được cấp chủ trương đầu tư; đồng thời, thu hút dự án đầu tư du lịch có quy mô lớn; hình thành, phát triển tuyến du lịch mới trong tỉnh và phát triển du lịch cộng đồng.
3- Phát triển dịch vụ cảng, logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất, nhập khẩu và thương mại của tỉnh. Đẩy mạnh xây dựng các trung tâm logistics và cảng cạn dọc tuyến quốc lộ 19 mới...
4- Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản dựa trên công nghệ cao, nâng cao giá trị sản xuất; phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; phát huy lợi thế biển, khai thác thủy sản xa bờ, nuôi trồng thủy sản bền vững; đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn; nâng cấp chuỗi giá trị sản xuất.
5- Phát triển đô thị nhanh và bền vững; đô thị hóa trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Xây dựng đô thị thông minh, phát triển đô thị gắn với hình thành, phát triển đô thị khoa học, thung lũng sáng tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo và trí tuệ nhân tạo. Xây dựng, phát triển thành phố Quy Nhơn thành trung tâm văn hóa phía Nam của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ. Tiếp tục xây dựng, phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội và chuỗi đô thị biển gắn với tuyến đường ven biển, các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ, khu đô thị phức hợp trên địa bàn tỉnh.
Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng quy hoạch với tư duy chiến lược nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo không gian và động lực phát triển mới, ổn định, lâu dài cho tỉnh. Thực hiện nghiêm kỷ cương quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch kiến trúc. Thực hiện quy hoạch tích hợp ngành gắn với phương thức tạo quỹ đất, phát triển giao thông, chính sách nhà ở.
Bốn là, chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố trong khu vực thúc đẩy liên kết vùng, nhất là trong liên kết phát triển nhằm thực hiện các đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển du lịch, góp phần tạo không gian phát triển mới theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Năm là, tăng cường đầu tư cho phát triển văn hóa - xã hội hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thực hiện hiệu quả chính sách xã hội, chính sách đối với người có công với cách mạng; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; bảo tồn, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của tỉnh gắn với phát triển du lịch; ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Thu hút các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Sáu là, đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh đi đôi với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng chính quyền địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực thi công vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, trình độ cao, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Bảy là, tiếp tục củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác cụ thể, thiết thực; đẩy mạnh tổ chức hoạt động đối ngoại, chủ động, tích cực, làm sâu sắc, thực chất hơn nữa quan hệ với các đối tác để tranh thủ nguồn lực, tiếp thu tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ,... phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
------------------------------
(1) Gồm: 1- Phát triển công nghiệp; 2- Du lịch; 3- Dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không; 4- Phát triển nông, lâm nghiệp - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng; 5- Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa
(2) Đó là: 1- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào tỉnh Bình Định; 2- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghiệp, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế; 3- Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc của tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc
(3) Gồm: 1- Chương trình hành động về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên giai đoạn 2020 - 2025; 2- Chương trình hành động về phát triển du lịch tỉnh Bình Định trở thành ngành kinh tế mũi nhọn giai đoạn 2020 - 2025; 3- Chương trình hành động về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025; 4- Chương trình hành động về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025; 5- Chương trình hành động về cải cách hành chính, trọng tâm là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính giai đoạn 2020 - 2025; 6- Chương trình hành động về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025; 7- Chương trình hành động về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025; 8- Chương trình hành động về công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp
(4) Tính đến tháng 6-2023, tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản 28,34%; công nghiệp - xây dựng 29,66%, dịch vụ 37,54%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 4,46%
(5) Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản năm 2021 đạt 270.954,7 tấn; năm 2022 đạt 277.939,9 tấn; 6 tháng đầu năm 2023 đạt 142.291,3 tấn
(6) Như: đầu tư xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn); cải tạo, nâng cấp khu neo đậu Tam Quan, Đề Gi,...
(7) Năm 2021, đón 1,44 triệu lượt khách, doanh thu đạt 1.730 tỷ đồng; năm 2022 đón 4,12 triệu lượt khách (tăng 186,1% so với cùng kỳ), doanh thu đạt 13.119 tỷ đồng (tăng 7,6 lần so với cùng kỳ); 6 tháng đầu năm 2023 đón 2,7 triệu lượt khách, doanh thu đạt 7.617,59 tỷ đồng (tăng 33,3% so với cùng kỳ)
(8) Như: Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý; Khu du lịch Hải Giang Merry Land; Khu du lịch khách sạn nghỉ dưỡng Vĩnh Hội...
(9) Như: tuyến đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, từ cầu Lại Giang đến cầu Thiện Chánh), mở rộng đường vào sân bay Phù Cát
(10) Như: Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn qua địa phận tỉnh; đường ven biển (đoạn Cát Tiến - Diêm Vân, quốc lộ 1D - quốc lộ 19 mới); đường Điện Biên Phủ nối dài đến Khu đô thị Diêm Vân; các tuyến đường kết nối đến Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex VSIP Bình Định; một số tuyến đường địa phương kết nối đến đường ven biển
(11) Đã tổ chức thành công 53 hội thảo khoa học và các lớp học chuyên đề quốc tế với sự tham gia của hơn 5.400 chuyên gia, nhà khoa học, trong đó có nhiều người đạt giải Nobel và các giải thưởng danh giá khác
(12) Tỉnh Bình Định đã đẩy mạnh các hoạt động thăm, làm việc, xúc tiến đầu tư, ký kết hợp tác với 4 tỉnh Nam Lào và các địa phương, nghiệp đoàn các nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức, Trung Quốc, Thái Lan, Niu Di-lân, I-ta-li-a...
(13) Như: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3-11-2022, của Bộ Chính trị, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
(14) Như: công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ thông tin, công nghiệp thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng sạch, công nghiệp chế biến gắn với sản xuất và tiêu thụ nông, lâm, thủy sản...
Tỉnh Ninh Bình khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội tương xứng với tiềm năng, lợi thế  (04/02/2024)
Bảo đảm quốc phòng - an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Quân đoàn 3 hiện nay  (04/02/2024)
Bước chuyển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương sau nửa nhiệm kỳ đại hội  (15/01/2024)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam