Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 30-11 đến ngày 06-12-2015
Cải cách hành chính tại Việt Nam và kinh nghiệm từ Vương quốc Anh
Đó là nội dung được trình bày tại hội thảo về thách thức của Việt Nam trong cải cách thủ tục hành chính và chia sẻ kinh nghiệm từ Vương quốc Anh. Hội thảo do Bộ Tư pháp và Đại sứ quán Anh phối hợp tổ chức.
Theo đánh giá của các chuyên gia, quá trình cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, khoảng 5.700 thủ tục đã được công khai đến người dân, trong đó 4.500 thủ tục đã được đơn giản hóa. Tuy nhiên, quá trình này tại Việt Nam vẫn còn những thách thức.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp băn khoăn: “Vấn đề khó khăn nhất là chúng ta vẫn đang thực hiện các thủ tục hành chính theo thói quen thủ công. Thường là người dân phải gặp trực tiếp cơ quan hành chính để giải quyết thủ tục hành chính. Thứ hai, việc đánh giá tác động về thủ tục hành chính hiện nay về phía các cơ quan hành chính, quá trình đánh giá một số cơ quan tuân thủ chưa nghiêm, đôi khi đánh giá còn hình thức”.
Tại hội thảo này, các chuyên gia từ Vương quốc Anh đã chia sẻ một số mô hình trong cải cách hành chính thông qua những thay đổi trong quy định, quy chế. Trong số đó, đại diện các chuyên gia đã giới thiệu quy tắc “thêm một, bớt hai” được áp dụng tại Anh từ năm 2012. Theo đó, lượng chi phí giảm do xóa bỏ và đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ gấp đôi chi phí cho một thủ tục mới được ban hành. Từ khi áp dụng quy tắc này, tại Anh, tổng chi phí thực hiện thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp đã giảm gần 2,2 tỷ Bảng mỗi năm.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Sarah Smith, Phó Giám đốc, Cục cải tiến thi hành quy định, Vương quốc Anh nói: “Tại Anh, chúng tôi luôn muốn giảm bớt gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp. Để làm được điều đó, để ban hành một quy định mới, chúng tôi phải tìm cách bỏ bớt những quy định có chi phí gấp đôi. Thông qua đó, chúng tôi muốn đạt mục tiêu giảm 10 tỷ Bảng chi phí hành chính trong cả kỳ Quốc hội trước và kỳ Quốc hội hiện tại”.
Bên cạnh quy tắc “thêm môt, bớt hai”, các chuyên gia Anh cũng chia sẻ Bộ luật của nhà quản lý quy chế. Theo bộ luật này, việc đưa ra các quy định, quy chế phải được dựa trên nhu cầu và lấy ý kiến của chính các đối tượng chịu tác động. Tại hội thảo, các chuyên gia cũng nhấn mạnh, áp dụng công nghệ thông tin như triển khai Chính phủ điện tử sẽ là giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính.
Đại hội lần thứ nhất Hội Khoa học hành chính
Sáng 05-12, Hội Khoa học hành chính đã tổ chức Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đại hội đã bầu 35 người vào Ban Chấp hành khóa I gồm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Ủy ban của Quốc hội, UBND các tỉnh, thành phố.
Tiến sỹ Luật học Nguyễn Ngọc Hiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia được bầu giữ chức Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2015 – 2020. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ giữ chức Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội.
Hội Khoa học hành chính là tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tập hợp đội ngũ những người quan tâm, hoạt động trực tiếp hoặc liên quan đến quản lý hành chính trên mọi lĩnh vực; phấn đấu vì mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, ngày càng tiếp cận với nền hành chính của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Hội Khoa học hành chính phấn đấu trong nhiệm kỳ có ít nhất 20% cán bộ trong các cơ quan thuộc lĩnh vực quản lý hành chính có đủ tiêu chuẩn tự nguyện tham gia Hội; đảm bảo 100% hội viên được học tập quán triệt Điều lệ Hội, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính nhà nước, xây dựng nhà nước pháp quyền và các quy định có liên quan đến hội viên; 100% hội viên được tiếp cận với thông tin khoa học mới do Hội tổ chức.
“Bệnh” sợ trách nhiệm
Dù được đánh giá đã có sự cải thiện, nhưng theo bảng chỉ số Môi trường kinh doanh vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, thì thời gian làm thủ tục thuế ở Việt Nam vẫn lên tới 770 giờ. Không chỉ ở lĩnh vực thuế, hành trình cải cách thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp vẫn là một thách thức trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Thủ tục hành chính kéo dài, chưa chắc đã phải để "hành", để "vòi" doanh nghiệp, mà có thể là vì thói quen, vì sợ và né tránh trách nhiệm của những người thực thi công vụ. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, quy trình, thủ tục hành chính đang gây phiền hà cho dân, doanh nghiệp nhiều nhất thuộc các lĩnh vực liên quan đến đầu tư xây dựng, quy hoạch kiến trúc; cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở; điều chỉnh dự án đầu tư; thanh toán, nghiệm thu công trình xây dựng cơ bản... Còn theo Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, doanh nghiệp kêu về sự rườm rà, gây khó khăn bởi những thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, cấp phép đầu tư... Kết quả khảo sát tại 1.500 doanh nghiệp cho thấy, có 37% doanh nghiệp cho rằng các quy định pháp luật về hải quan là "tương đối khó thực hiện".
Về công tác tiếp nhận, kiểm tra và đăng ký tờ khai, 69% doanh nghiệp cho biết quy trình này mất hơn 30 phút để nhận được phản hồi về số tờ khai và hướng dẫn làm tiếp thủ tục hải quan... Vẫn tồn tại nhiều bất cập trong các văn bản pháp luật cũng như khâu triển khai chưa đồng bộ thủ tục hoàn thuế, chế độ hạch toán, thiếu đồng bộ thông tin lệ phí tờ khai, thông quan tự động chưa thật sự phát huy hiệu quả tích cực... Rất nhiều khâu, đoạn, yêu cầu đã được loại bỏ trên giấy nhưng vẫn bị đòi hỏi trên thực tế. Thậm chí có nơi, cán bộ thuế, hải quan vẫn bắt doanh nghiệp bổ sung thêm những giấy tờ không có trong quy định...
Công cuộc cải cách thủ tục hành chính chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi bộ máy hành chính được cải tổ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được nâng cao; sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong công tác quản lý nhà nước được khắc phục; mạnh dạn loại bỏ những cán bộ, công chức thờ ơ, thiếu trách nhiệm ra khỏi bộ máy; đặc biệt là phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chậm chuyển biến trong cải cách thủ tục hành chính.
Tân Chủ tịch Hà Nội: Xây dựng một bộ máy hành chính theo hướng chuyên nghiệp và vì nhân dân phục vụ
Ngay sau khi bế mạc kỳ họp HĐND TP. Hà Nội lần thứ 14 khóa XIV, tân Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chia sẻ về những trách nhiệm của ông trên cương vị mới cũng như những định hướng phát triển kinh tế - xã hội cho Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021. “Trong ba khâu đột phá là hạ tầng, nhân lực và cải cách hành chính thì ưu tiên đầu tiên của tôi là việc xây dựng một bộ máy hành chính theo hướng chuyên nghiệp và vì nhân dân phục vụ” - ông Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, đáp ứng yêu cầu và mong muốn của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn chính là mục tiêu phấn đấu của lãnh đạo UBND Thành phố và cá nhân.
Với trọng trách là người đứng đầu UBND Thành phố, ông Chung sẽ cùng toàn Đảng bộ, chính quyền các cấp, và nhân dân Thủ đô tập trung cao nhất mọi nguồn lực, nỗ lực, thực hiện thắng lợi 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVI đã đề ra, trong đó có đột phá về “tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy, nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất - kinh doanh trên địa bàn Thủ đô”.
Cải cách hành chính ở Khánh Hòa đi vào thực chất
Để xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành đô thị trực thuộc Trung ương vào năm 2020, Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020 đều đề cập và coi trọng nội dung cải cách thủ tục hành chính gắn với đổi mới lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, với đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tỉnh Khánh Hòa đã công bố danh mục 109 thủ tục hành chính được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế “một cửa liên thông” qua mạng in-tơ-nét ở mức độ 3 tại hầu hết các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Như thế, hơn một nửa số thủ tục hành chính ở Khánh Hòa đã được cắt giảm thời gian thụ lý. Chẳng hạn, việc cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản giảm từ ba năm xuống còn 30 ngày. Gần 30 cơ quan, sở, ngành áp dụng phương thức chuyển phát nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo yêu cầu của tổ chức và công dân, hạn chế đến mức thấp nhất thời gian đi lại của công dân.
Năm 2013, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Cuộc thi “Mô hình, sáng kiến cải cách hành chính của công chức, viên chức trẻ” lần thứ nhất. Hầu hết 41 mô hình, sáng kiến dự thi đều ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa và các phương tiện hiện đại khác để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Sau cuộc thi, một số sáng kiến đoạt giải đã được tỉnh đầu tư để ứng dụng vào thực tế. Cuộc thi lần thứ hai mới kết thúc tháng 11-2015 với 31 sáng kiến có tính đột phá, thuyết phục và khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Giải nhất thuộc về sáng kiến “Cải cách công tác quản lý hồ sơ người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, được đánh giá là mang tính nhân văn và có tính ứng dụng cao. Nhóm công chức đoạt giải đã dày công xây dựng kịch bản tương đối hoàn chỉnh, kèm theo vi-đê-ô clíp về những khó khăn trong công tác quản lý hồ sơ và đời sống vất vả của người có công. Đề tài mong muốn số hóa những tài liệu có giá trị về người có công từ trước năm 1975 đến nay. Ngoài ra, còn nhiều sáng kiến thể hiện khát vọng cống hiến, đổi mới cung cách phục vụ nhân dân của đội ngũ công chức, viên chức trẻ, như “Giải pháp luân chuyển hồ sơ điện tử trên phần mềm một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa liên thông” của Sở Thông tin và Truyền thông, “Phương án đơn giản hóa thủ tục đăng ký khai sinh ở cấp xã” của Sở Tư pháp...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Duy Bắc khẳng định, tỉnh sẽ đầu tư, hỗ trợ hoàn thiện và nhân rộng những mô hình, sáng kiến hay, công bố rộng rãi trong toàn tỉnh để lựa chọn áp dụng vào thực tiễn.
Xin lỗi dân nếu có hành vi nhũng nhiễu
Lào Cai là địa phương nhiều năm liền xếp thứ hạng cao trong cả nước về chỉ số cải cách hành chính. Kết quả đó gắn với những nỗ lực trong xây dựng, duy trì cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. TP. Lào Cai áp dụng hình thức luân chuyển vị trí công tác của cán bộ hay yêu cầu cán bộ xin lỗi người dân nếu có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu.
Ông Lê Quang Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai cho biết: “Năm 2015 là năm cải cách hành chính của thành phố Lào Cai, chúng tôi chọn hướng đi đột phá trong công tác tổ chức cán bộ và đột phá trong việc giảm thiểu phiền hà đối với người dân. Chính vì thế chúng tôi đã luân chuyển, bố trí cán bộ phù hợp với năng lực thực tiễn. Khi phát hiện cán bộ, đơn vị nào sách nhiễu, phiền hà người dân thì chúng tôi yêu cầu cán bộ, đơn vị đó phải tổ chức xin lỗi công khai, sau đó giải quyết thủ tục rồi trao tận tay cho người dân, thể hiện đúng là chính quyền phục vụ nhân dân”.
Lào Cai hiện đã có 14/19 cơ quan cấp tỉnh, cơ quan ngành dọc, 9/9 huyện, thành phố và 100% các xã, phường thực hiện cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Thông qua rà soát, cải cách, sửa đổi, số lượng thủ tục hành chính 3 cấp của tỉnh đến nay đã giảm xuống chỉ còn 1.100 thủ tục.
Chính những nỗ lực này góp phần không nhỏ trong việc ổn định bộ máy, tổ chức chính quyền theo hướng gọn nhẹ, hợp lý, đạt hiệu quả cao, hướng tới một nền hành chính phục vụ có tính chuyên nghiệp, hiện đại của tỉnh Lào Cai trong tương lai.
Cơ quan hành chính tăng cường áp dụng TCVN ISO 9001:2008
Thực hiện Quyết định số 19/2014/QĐ-TTg ngày 05-03-2014 của Thủ tướng chính phủ về việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước, Ban chỉ đạo ISO của tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến độ xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 của các cơ quan hành chính nhà nước năm 2015 đợt I đối với 10 huyện, thị xã, thành phố.
Kết quả kiểm tra cho thấy, UBND các huyện, thị xã, thành phố đều đã hoàn thành việc chuyển đổi hệ thống với các quy trình thủ tục theo Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND cấp huyện và cấp xã đã được UBND tỉnh công bố tại quyết định số 2295/QĐ-UBND ngày 10-10-2014.
Đối với UBND các xã, phường, thị trấn: Các đơn vị đã ban hành kế hoạch về triển khai, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các xã giai đoạn 2014-2015 và chỉ đạo hoàn thành việc xây dựng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008 của các xã phường xong trước 20-6-2015. Đến thời điểm kiểm tra đã có 154 xã, phường, thị trấn hoàn thành việc xây dựng Bộ tài liệu và ban hành áp dụng. Các đơn vị còn lại đang khẩn trương thực hiện đảm bảo đúng tiến độ quy định của UBND tỉnh.
Đoàn kiểm tra đã yêu cầu và kiến nghị đối với các địa phương trong thời gian tới tăng cường công tác đào tạo, tập huấn kiến thức về ISO cho cán bộ công chức của các phòng chuyên môn; các đơn vị chỉ đạo, khẩn trương triển khai thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008 đảm bảo tiến độ quy định và gửi bản công bố, báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ; tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2008.
Bà Rịa-Vũng Tàu đẩy mạnh áp dụng ISO 9001-2008 trong cơ quan hành chính
Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001-2008 đã được triển khai tại 110 cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh. Kết quả nói trên góp phần tích cực vào việc xây dựng nền hành chính hiện đại theo hướng công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính của tỉnh.
Trong đó, có 19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, 8 đơn vị UBND cấp huyện, 18 đơn vị cơ quan hành chính trực thuộc (Chi cục và tương đương), 36 đơn vị UBND cấp xã, 20 cơ quan thuộc ngành dọc (Kho bạc, Công an, Cục Thống kê, Cục Hải quan), 9 cơ quan sự nghiệp.
Hiện tại, tất cả các đơn vị này đều đã được cấp giấy chứng nhận; 81 cơ quan, đơn vị đã mở rộng phạm vi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng bao gồm toàn bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết; 72/81 cơ quan, đơn vị đã công bố hệ thống quản lý chất lượng theo quy định; 9 đơn vị còn lại đang trong quá trình thực hiện công tác rà soát, thống nhất các thủ tục hành chính.
Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức 08 lớp tập huấn về ISO hành chính công cho các cơ quan hành chính nhà nước và 02 Hội nghị triển khai các văn bản mới về ISO với 1.035 lượt cán bộ tham dự, trong đó có 03 lớp dành cho UBND cấp xã với 429 lượt cán bộ cấp xã tham dự./.
Cử tri mong Đảng, Nhà nước kiên quyết hơn trong vấn đề Biển Đông  (06/12/2015)
Không ngừng đưa quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, bền vững  (06/12/2015)
Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi  (06/12/2015)
Trung Quốc cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cho các nước châu Phi  (06/12/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay