TCCS - Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đồng thời định hướng phát triển vùng theo hướng "Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới..."

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng, chủ trì Hội nghị Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Hồng lần thứ nhất _ Ảnh: VGP

Trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành sáu Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh sáu vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Mỗi vùng đều có những đặc điểm, tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức mang tính đặc thù riêng. Để phát huy được tiềm năng, lợi thế của mỗi vùng và cả nước, bên cạnh những chủ trương, chính sách phát triển chung cho cả nước cũng cần phải có các chủ trương, chính sách phát triển cụ thể, sát hợp, phù hợp với từng vùng. Bộ Chính trị các khóa trước đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng.

Điểm chung của sáu nghị quyết về phát triển các vùng lần này đã nêu yêu cầu phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch quốc gia, phù hợp với Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu... Vùng đồng bằng sông Hồng gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng (đồng thời cũng là Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ), gồm 7 tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; và Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng, gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX và Kết luận số 13-KL/TW của Bộ Chính trị khoá XI, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng”, một số địa phương đã phát triển bứt phá, trở thành điểm sáng của vùng và cả nước. Kinh tế vùng tăng trưởng bình quân giai đoạn 2005 - 2020 đạt 7,94%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước; quy mô kinh tế tăng nhanh, năm 2020 chiếm 29,4% GDP cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 103,6 triệu đồng/năm, gấp 1,3 lần bình quân cả nước...

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nêu rõ, về mục tiêu của Nghị quyết số 30, có thể xem đây là nội dung hoàn toàn mới, đến năm 2030, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển nhanh, bền vững, có cơ cấu kinh tế hợp lý, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; tập trung phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, xanh, tuần hoàn có giá trị kinh tế cao; trở thành trung tâm giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao của cả nước; đi đầu về phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, xã hội số; có hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đô thị thông minh, có tính kết nối cao.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông và ngập úng cơ bản được giải quyết. Tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại mở rộng, hội nhập quốc tế hiệu quả. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, dẫn đầu cả nước. Xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại," trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước, phấn đấu ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.

Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hoá, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế và chăm sóc sức khoẻ nhân dân; có kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại, thông minh. Hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh, xanh, bền vững. Người dân có thu nhập cao, cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc. Các tổ chức đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường. Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Phát triển vùng là một chủ trương xuyêt suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình phát triển đất nước nhằm khai thác, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của các vùng và các địa phương trong cả nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Ngay sau khi ban hành các nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức các hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện đến các ban, bộ, ngành, địa phương; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên nhằm triển khai thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết của Bộ Chính trị, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển vùng. Trong các hội nghị triển khai các nghị quyết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh Nghị quyết ban hành là rất quan trọng, nhưng hơn hết phải thấm nhuần và thực hiện tốt, biến tư tưởng chỉ đạo, chính sách, chủ trương thành hiện thực sinh động, ra của cải vật chất. Lúc đó mới là thực hiện thành công nghị quyết.

Để tổ chức thực hiện, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm. Trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển Vùng và phát triển chung của cả nước, "cả nước vì vùng và vùng vì cả nước". Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Vùng và liên kết vùng. Liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng...

Việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện 6 nghị quyết mới của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là hết sức cần thiết, đúng đắn, góp phần thiết thực vào việc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao và phù hợp với bối cảnh, tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 23-11-2022, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xác định, tiếp tục khơi dậy tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển, đổi mới và tăng cường liên kết vùng để tạo động lực phát triển cho các địa phương và toàn vùng; khai thác hiệu quả vị trí đặc biệt của vùng để tiếp cận, hình thành các thị trường lớn, tham gia sâu hơn các chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu; giữ gìn bản sắc văn hóa Đồng bằng sông Hồng.

Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và là một trong 4 vùng động lực phát triển kinh tế gồm 11 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, được phân thành 2 tiểu vùng là: Tiểu vùng Bắc đồng bằng sông Hồng gồm 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên; Tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng gồm 4 tỉnh: Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình.

Là vùng đất màu mỡ và giàu tiềm năng phát triển, có truyền thống lịch sử văn hiến, cách mạng, anh hùng, Vùng đồng bằng sông Hồng có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc với nhiều di sản văn hóa vật thể cũng như phi vật thể quý giá. Đồng thời, đây cũng là trung tâm hàng đầu về y tế, giáo dục-đào tạo, khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức giỏi và đông đảo lực lượng lao động có chất lượng cao; là cái nôi đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín. Xuất phát từ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của vùng, ngày 14-9-2005, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW; ngày 28-10-2011, Bộ Chính trị khóa XI ban hành Kết luận số 13-KL/TW về phương hướng phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và thời kỳ 2011 - 2020.

Qua 17 năm thực hiện Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị các khóa IX và XI, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhân dân trong vùng đã phát huy truyền thống văn hiến, cách mạng, anh hùng vẻ vang và những tiềm năng, lợi thế vượt trội, nhất là về nguồn nhân lực, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, liên tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng. Quy mô kinh tế của vùng luôn được mở rộng; tỉ trọng đóng góp vào GDP cả nước tăng từ 26,9% năm 2010 lên 29,4% năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,3 lần so với bình quân chung cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước của vùng chiếm tới 32,7% tổng thu ngân sách của cả nước, tốc độ tăng thu bình quân là 16,7%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội gấp 19,7 lần năm 2005 và chiếm 35,1%, đứng đầu cả nước. Số lượng đô thị vùng tăng nhanh, tỉ lệ đô thị hóa của vùng đến năm 2021 đạt 41%.

Mỗi tỉnh, thành phố trong vùng đã nhận diện và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội và mọi mặt đời sống xã hội; đồng thời nỗ lực hướng tới các mục tiêu phát triển cao hơn, toàn diện hơn. Với tiềm năng lớn, là trung tâm “đầu não” về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học giáo dục của cả nước, Hà Nội đã xác định vai trò là đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của cả nước, luôn tiên phong với những mô hình kinh tế mới, cách làm sáng tạo. 

Mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng 8,0-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 12.000 - 13.000 USD. Tầm nhìn đến năm 2045: Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết và Kết luận của Bộ Chính trị lần này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý, phải nhận thức thật đầy đủ và sâu sắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó có sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm của cả nước, của toàn vùng, của từng địa phương trong vùng, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương. Xác định rõ đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ là nhiệm vụ riêng của vùng và các địa phương trong vùng. Đồng thời, phải nhận thức thật đúng và giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa phát triển vùng và phát triển chung của cả nước: Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước. Theo đó, nghị quyết đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng; phát triển kinh tế vùng; phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ hai, phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.

Thứ ba, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội cần sớm ban hành cơ chế điều phối liên kết phát triển vùng; thí điểm một số mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, có tính cạnh tranh quốc tế cao nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng cũng như tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thứ tư, các ban, bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm rà soát, đánh giá các chính sách thi hành Luật Thủ đô, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như Quy hoạch Thủ đô và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đang trong quá trình xây dựng.

Thứ năm, cần có cơ chế chỉ đạo, phối hợp, thống nhất quan điểm phát triển toàn diện, bền vững cho cả vùng. Từ đó tạo sự liên kết trong xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển của từng tỉnh, thành phố, phát huy thế mạnh riêng, tạo sức mạnh chung, bảo đảm đồng bộ, hài hòa, hiệu quả, không xung đột, chia cắt, tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của các tỉnh, thành phố thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng. 

Thứ sáu, cần quán triệt các quan điểm lớn, từ đó nhận diện sâu sắc hơn về những tiềm năng thế mạnh văn hóa của vùng. Theo đó, sản phẩm du lịch phải mang tầm dầu ấn văn hóa. Tập trung xác định Thủ đô sẽ là trung tâm để kết nối, liên kết vùng để phát triển, liên kết các sản phẩm du lịch.

Thứ bảy, tiếp tục phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vượt trội của vùng. Ban hành các cơ chế, chính sách có tính đột phá, khả thi để đẩy mạnh phát triển công nghiệp vùng theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ít phát thải khí nhà kính, có khả năng cạnh tranh và giá trị gia tăng cao, tham gia sâu, toàn diện vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.

Nghị quyết số 30-NQ/TW là sản phẩm kết tinh từ trí tuệ tập thể, là kết quả tổng hợp từ các Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của 11 địa phương trong vùng và 20 bộ, ngành. Nghị quyết cũng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành và các địa phương trong Vùng đồng bằng sông Hồng ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, điều chỉnh, bổ sung nguồn lực, tạo ra những “cú hích” phát triển bứt phá mạnh mẽ hơn nữa./.