Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 21-01 đến ngày 27-01-2013)
1. Đại dương ấm lên đe dọa đến hệ sinh thái biển
Ngày 21-01-2013, các nhà khoa học nghiên cứu khí hậu của Liên hợp quốc cho biết hệ sinh thái biển đang phải chịu nhiều áp lực do biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nước biển tăng nhanh. Dựa vào các dữ liệu thu thập từ những năm 1940 của trạm Port Hacking ngoài khơi tiểu bang New South Wales, Ô-xtrây-li-a, các nhà khoa học đã đưa ra những dự đoán chính xác về tác động của biến đổi khí hậu với đại dương. Ông A-li-xte Hốp-đây (Alistair Hobday), thuộc tổ chức Nghiên cứu Khoa học công nghệ Liên bang Ô-xtrây-li-a (CSIRO) cho rằng, đại dương sẽ tiếp tục ấm lên trong những năm tới. Riêng bờ Đông Ô-xtrây-li-a, nước ấm lên hơn 2°C. Dự tính vào năm 2050, nhiệt độ sẽ cao hơn khoảng 2°C so với hiện nay. Các nhà khoa học cũng tiến hành theo dõi những đợt nóng trên đại dương. CSIRO nhận định đại dương ấm lên sẽ đe dọa sự sống còn của hệ sinh thái san hô và các đàn cá. Từ năm 1979 đã xảy ra ít nhất 9 đợt tẩy trắng ở rạn San hô lớn (Great Barrier Reef) của Ô-xtrây-li-a, 3 đợt trong số đó được xem là nghiêm trọng nhất.
2. Liên hợp quốc công bố các ưu tiên trong chương trình nghị sự năm 2013
Ngày 22-01-2013, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) nhận định, năm 2012, mọi hoạt động của Liên hợp quốc đều xoay quanh 5 ưu tiên của cá nhân Tổng Thư ký cho cả nhiệm kỳ hai của mình, đó là phát triển bền vững; ngăn ngừa thảm họa, tội phạm, chiến tranh,...; hỗ trợ quốc gia trong quá trình chuyển đổi; xây dựng một thế giới an toàn hơn; trao thêm quyền cho phụ nữ và thanh niên. Những ưu tiên này được hiện thực hóa trên 8 hướng hoạt động chính do Đại Hội đồng Liên hợp quốc đề ra cho năm qua là: phát triển bền vững; hòa bình và an ninh; thúc đẩy quyền con người; hỗ trợ nhân đạo; pháp quyền; phát triển châu Phi; giải trừ quân bị; ngăn ngừa tội phạm, ma túy, chống khủng bố. Tổng Thư ký đã chỉ ra một thực tế là hiện nay nhân loại đang phải chứng kiến những bất ổn do xung đột vũ trang ở châu Phi và Trung Đông, cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính và những tác động tai hại đối với môi trường sống do biến đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Vì thế, theo ông B. Ki-mun, Liên hợp quốc cần tập trung hoạt động vào các hướng chính, như xử lý các cuộc xung đột ở Xy-ri, Ma-li, khu vực Xa-ha-ra, CHDC Công-gô và vùng Hồ Lớn châu Phi. Tập trung thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và đẩy mạnh thương lượng về giải trừ quân bị và chống phổ biến vũ khí hạt nhân. Ngoài ra, Liên hợp quốc cần sớm hoàn tất hiệp ước quốc tế về buôn bán vũ khí thông thường, tổ chức các hội nghị xây dựng những khu vực không có vũ khí hạt nhân và vũ khí giết người hàng loạt.
3. Báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu 2013 của ILO
Ngày 23-01-2013, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố Báo cáo Xu hướng việc làm toàn cầu 2013, theo đó cảnh báo, thất nghiệp toàn cầu gia tăng trong năm 2012, sau hai năm liên tiếp giảm và tỷ lệ này có thể tiếp tục tăng trong năm 2013. Báo cáo trên cho biết 1/4 lượng gia tăng thất nghiệp toàn cầu trong năm 2012 thuộc các nền kinh tế phát triển; 3/4 còn lại rải rác ở các khu vực khác trên thế giới, tại các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á, Nam Á và khu vực châu Phi cận Xa-ha-ra. Theo Báo cáo này, số người thất nghiệp trên thế giới tăng thêm 4,2 triệu trong năm 2012, lên mức 197 triệu người, và tỷ lệ thất nghiệp là 5,9%. Tổng Giám đốc ILO Gai Rai-đơ (Guy Rider) cho biết, triển vọng kinh tế không chắc chắn và chính sách chưa đủ tầm đã làm tổng cầu yếu đi, kiềm chế đầu tư và thuê mướn lao động. Điều này khiến thị trường lao động tụt dốc kéo dài ở nhiều quốc gia, ngay cả ở một số nước trước đây vốn có tỷ lệ thất nghiệp thấp và thị trường lao động năng động. Bên cạnh đó, nhiều công việc mới đòi hỏi những kỹ năng mà những người tìm việc không có. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ người lao động nghèo tiếp tục giảm nhưng với tốc độ chậm hơn trước cuộc khủng hoảng.
4. Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Đa-vốt
Từ ngày 23-01 đến ngày 26-01-2013, Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Đa-vốt, Thụy Sỹ. Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Crít-tin La-gác-đơ (Christine Lagarde) cho rằng, viễn cảnh về sự phục hồi kinh tế thế giới còn rất mong manh và phụ thuộc nhiều vào việc các lãnh đạo cấp cao của các nền kinh tế hàng đầu như Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu có đưa ra được những quyết định đúng đắn hay không. Bà C. La-gác-đơ đánh giá cao việc các nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã thành lập được Hệ thống giám sát chung các ngân hàng, tuy nhiên các nước thành viên cần phải sử dụng hiệu quả tất cả các công cụ sẵn có. Ngoài ra, bà C. La-gác-đơ cũng cho rằng giới chức Mỹ cần sớm thoát khỏi bất đồng xoay quanh những tranh cãi kéo dài trong Quốc hội về vấn đề “vách đá tài khóa”. Đề cập vấn đề tiền tệ, các đại biểu Diễn đàn Đa-vốt nhận định trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc vẫn chưa có khả năng thay thế đồng USD để trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Trong thời gian diễn ra Hội nghị Đa-vốt, IMF đã công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2013, dự đoán kinh tế thế giới tăng trưởng 3,5% so với mức tăng trưởng 3,2% của năm 2012, trong khi tăng trưởng của các nước Eurozone sẽ giảm 0,2% thay vì tăng 0,2% như dự báo trước đó, và khu vực này sẽ chỉ tăng trưởng trở lại vào năm 2014. Theo IMF, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 2 đến 2,1% năm 2013 và 3% trong năm 2014. Với kinh tế Nhật Bản, IMF dự báo nước này sẽ tăng trưởng 1,2% trong năm 2013. Trong khi đó, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc là 8,2% trong năm nay, và của Ấn Độ là 5,9%.
5. Cuộc gặp cấp cao lần thứ sáu giữa EU và MERCOSUR
Ngày 24-01-2013, trong khuôn khổ cuộc gặp cấp cao lần thứ sáu tại Thủ đô Bra-xi-la, Tổng thống Bra-xin Đin-ma Ru-xép (Dilma Rousseff) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Héc-man Van Rôm-pơi (Herman Van Rompuy) đã hối thúc các nước nhanh chóng kết thúc tiến trình đàm phán về Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR). Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch V. Rôm-pơi khẳng định nguyện vọng chính trị của EU và MERCOSUR là sớm đạt được thỏa thuận tự do thương mại chung. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán đang bế tắc do bất đồng về vấn đề nông nghiệp, đặc biệt là chính sách trợ giá của EU. Trong buổi làm việc cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô (Jose Manuel Barroso) và Tổng thống D. Ru-xép đã ký các thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học - kỹ thuật. Theo thỏa thuận song phương, 100 nhà nghiên cứu của Bra-xin sẽ được gửi tới các viện nghiên cứu và trường đại học một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Bỉ, Hà Lan,... trong khuôn khổ chương trình trao đổi chuyên môn “Khoa học không biên giới”. Nội dung các chương trình hợp tác nghiên cứu tập trung vào các vấn đề thời sự như ngăn chặn, kiềm chế tác hại của thiên tai, kiểm soát khủng hoảng, biến đổi khí hậu, quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, công nghệ nano và năng lượng.
6. Hội nghị quan chức cấp cao APEC 2013 lần thứ nhất
Từ ngày 25-01 đến ngày 7-2-2013, tại Gia-các-ta, để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2013, sẽ diễn ra vào tháng 10 tại Ba-li, nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a đã tổ chức Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ nhất (APEC SOM 1) và các hội nghị liên quan. Phát biểu khai mạc APEC SOM 1, Bộ trưởng Nông nghiệp In-đô-nê-xi-a Xu-xu-ô-nô (Suswono) cho biết, với chủ đề “Khả năng phục hồi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương: Động lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới”, Hội nghị thượng đỉnh APEC 2013 sẽ tập trung vào thảo luận các nội dung và biện pháp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế mạnh hơn của châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã và đang chuyển dịch từ phương Tây sang khu vực này. Bộ trưởng Xu-xu-ô-nô nêu bật tầm quan trọng của APEC đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và với nền kinh tế In-đô-nê-xi-a nói riêng, khi tổng kim ngạch thương mại của In-đô-nê-xi-a với các thành viên khác trong APEC chiếm khoảng 78% tổng kim ngạch thương mại của In-đô-nê-xi-a với thế giới, đầu tư của các nền kinh tế APEC vào In-đô-nê-xi-a đã tăng từ 9,26 tỷ USD năm 2010 lên 10,7 tỷ USD năm 2011, và 10 nền kinh tế thành viên APEC nằm trong tốp 20 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở In-đô-nê-xi-a.
7. Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi
Ngày 27-1-2013, với chủ đề “Chủ nghĩa Liên minh châu Phi và Phục hưng châu Phi”, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 20 đã diễn ra tại Thủ đô A-đi A-bê-ba của Ê-ti-ô-pi-a. Những vấn đề được tập trung thảo luận là cách thức giải quyết các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Cộng hòa dân chủ Công-gô, Cộng hòa Trung Phi, Ma-li, Xu-đăng, Nam Xu-đăng và Xô-ma-li. Chủ tịch Ủy ban AU Nơ-cô-xa-da-na Đơ-la-mi-ni Giu-ma (Nkosazana Dlamini-Zuma) cho rằng, cần nhấn mạnh sự cần thiết của hòa bình và an ninh, vì không có những điều này, không quốc gia hay khu vực nào có thể hy vọng đạt được sự thịnh vượng. Bên cạnh đó, vấn đề chuyển dịch kinh tế cũng được đặc biệt quan tâm. Bà N. Giu-ma nhận xét châu Phi có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, là yếu tố quan trọng trong sự điều chỉnh công nghiệp hóa. Tại Hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun (Ban Ki-moon) kêu gọi các quốc gia châu Phi nỗ lực hơn nữa trong việc trao quyền hạn, trách nhiệm cho thanh niên và nữ giới, khuyến khích các lực lượng này trở thành động lực cho hòa bình và phát triển kinh tế. Hội nghị kéo dài hai ngày này cũng sẽ lựa chọn Chủ tịch mới của AU thay Chủ tịch mãn nhiệm là Tổng thống Bê-nanh Thô-mát Bô-ni Y-a-yi (Thomas Boni Yayi).
8. Hội nghị thượng đỉnh CELAC và EU
Ngày 27-01-2013, tại phiên bế mạc Hội nghị thượng đỉnh Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh - Ca-ri-bê (CELAC) và Liên minh châu Âu (EU) tại thành phố Xan-ti-a-gô của Chi-lê, lãnh đạo hai khối đã thông qua một tuyên bố chung, trong đó tái khẳng định cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ dưới mọi hình thức cũng như ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, tiếp tục hợp tác kinh tế, thúc đẩy hợp tác về luật pháp nhằm đấu tranh chống tội phạm, phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế không song hành với tình trạng bất bình đẳng hay hủy hoại môi trường. Tuyên bố cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với Cu-ba, đồng thời chỉ trích Đạo luật Helms-Burton mà Mỹ đơn phương áp dụng từ năm 1996 bao vây cấm vận chống Cu-ba. Tổng thống nước chủ nhà Xê-ba-xti-an Pi-nê-ra (Sebastian Pinera) nhấn mạnh những cam kết mà hai khối đưa ra ở đây là thúc đẩy việc thiết lập một liên minh chiến lược mới giữa Liên minh châu Âu và Cộng đồng các quốc gia Mỹ La-tinh - Ca-ri-bê. Đó là hai khu vực gồm 60 quốc gia, chiếm 1/3 số nước thành viên Liên hợp quốc, 1/3 GDP toàn cầu và điều đó có nghĩa là hai khối phải có trách nhiệm giải quyết những vấn đề mà nhân loại đang phải đối mặt. Về phần mình, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Giô-xê Ma-nu-en Ba-rô-xô cho rằng, hai khối cần tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có việc chống buôn lậu ma túy. Các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ hy vọng sẽ sớm tái khởi động đàm phán về Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Liên minh châu Âu và Khối Thị trường chung Nam Mỹ./.
Chiến lược “xoay trục - đảo chiều” có đem lại thành công cho nước Mỹ?  (29/01/2013)
Chủ tịch nước thăm Khu di tích quốc gia Tân Trào  (28/01/2013)
Phó Chủ tịch nước tiếp Chủ tịch Quỹ Nippon của Nhật  (28/01/2013)
Bàn giao địa giới hành chính giữa Hà Nội và Hòa Bình  (28/01/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Đoàn Tạp chí Cộng sản thăm, làm việc với Đảng Cộng sản Ấn Độ và Đảng Cộng sản Ấn Độ-Mác-xít
- Tổng Bí thư Tô Lâm thăm chính thức Malaysia
- Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên
- Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên