Chủ tịch nước Lương Cường dự khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025
TCCS - Ngày 6-5-2025, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2025 đã khai mạc trọng thể tại Học viện Phật giáo Việt Nam ở Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”. Đây là lần thứ 4 Việt Nam vinh dự đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường dự và phát biểu.

Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ ngành trung ương và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025; cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự lễ khai mạc.
Khách mời quốc tế, tham dự khai mạc đại lễ có Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayaka; Phó Thủ tướng Campuchia Neth Savoeun; Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế Vesak Liên hợp quốc (ICDV) Hòa thượng Brahmapundit; đại sứ, đại biện một số nước và hơn 2.700 đại biểu, trong đó có khoảng 1.250 đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới, cùng quý vị đại biểu, đồng bào, tăng ni, phật tử Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước; khẳng định đây là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp.
Chủ tịch nước khẳng định, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bảo phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.
Chủ tịch nước đánh giá cao chủ đề Đại lễ Vesak 2025 “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”; nhấn mạnh đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội.
Nêu rõ Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, Chủ tịch nước cho rằng trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, đạo pháp luôn đồng hành cùng dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tinh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch nước chỉ rõ, ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn tăng ni, phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên hợp quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng tăng ni, phật tử thế giới phụng sự đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Trong bối cảnh tình hình thế giới vẫn phải đối mặt đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Chủ tịch nước đánh giá chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên hợp quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bi mà đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới “hòa bình an lạc”.
Với vai trò là nước chủ nhà, Chủ tịch nước tin tưởng rằng Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam; cũng như thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn.
Chủ tịch nước cũng đề nghị, cần đưa tâm từ bi vào chính sách, mang trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần vô ngã - vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.
Với tinh thần đó, thay mặt cho nước chủ nhà của Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, Chủ tịch nước gửi lời chúc tới tất cả có một mùa Vesak an lạc trong ánh từ quang của Đức Phật và trong niềm tin vào một tương lai tươi sáng hòa bình, hạnh phúc cho toàn thể nhân loại./.
Trung Duy (tổng hợp)
Chủ tịch nước Lương Cường chủ trì lễ đón chính thức và hội đàm với Tổng thống Sri Lanka thăm cấp nhà nước đến Việt Nam  (06/05/2025)
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dâng hoa tại Thành Cổ Quảng Trị và thăm gia đình chính sách  (29/04/2025)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru  (29/04/2025)
Chủ tịch nước Lương Cường thăm cấp nhà nước tới Lào  (25/04/2025)
- Chính thức tổ chức lại địa bàn quản lý của 20 chi cục hải quan khu vực
- Kiến tạo “kỳ tích sông Hồng”
- Chương trình nghệ thuật chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIX
- Trọng thể kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam
- Tạp chí khoa học lý luận chính trị trong kỷ nguyên số và AI: Chủ động thích ứng, tiên phong trên mặt trận tư tưởng của Đảng
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên