Bác Tôn - một nhân cách lớn

Hoàng Chí Bảo
09:40, ngày 19-08-2009

TCCSĐT - Đồng chí Tôn Đức Thắng là một nhà yêu nước vĩ đại, trọn đời yêu nước thương dân, hy sinh phấn đấu vì nước, vì dân, trung thành vô hạn với lý tưởng, mục tiêu cộng sản chủ nghĩa. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân, của Đảng, của dân tộc và nhân dân ta, chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

1. Thuộc về lớp chiến sĩ cộng sản đầu tiên của cách mạng Việt Nam, hơn nữa lại là một người thợ, một người công nhân đích thực, ở đồng chí Tôn Đức Thắng luôn nổi bật bản chất và phong cách công nhân, tư tưởng và đạo đức của giai cấp công nhân cách mạng.

Những trang tiểu sử cuộc đời và hoạt động chính trị của bác Tôn có nhiều điểm tương đồng với Bác Hồ, bởi cả hai con người ấy đều trải qua phương thức vô sản hoá ở tuổi thanh niên để mang trong mình cốt cách, bản lĩnh công nhân, giác ngộ chủ nghĩa Mác-Lênin, tiếp thụ ảnh hưởng to lớn của Cách mạng Tháng Mười và Thời đại mới, để hiến dâng cả cuộc đời và sự nghiệp của mình cho giai cấp và dân tộc, nhân dân và nhân loại. Quan hệ giữa Tôn Đức Thắng và Hồ Chí Minh đằm thắm và cảm động, sâu sắc và bền bỉ, nêu gương mẫu mực cho muôn đời về đức hy sinh và lòng dũng cảm, về đức khiêm tốn và giản dị, vị tha và nhân ái, một lòng một dạ vì dân, vì nước, lại biểu hiện tinh thần quốc tế chủ nghĩa cao cả... Quan hệ ấy bắt nguồn từ chất công nhân - một phẩm chất cao quý của nhân cách, làm nên giá trị văn hoá của nhân cách cộng sản mà cả hai con người vĩ đại ấy đã nêu gương rèn luyện suốt đời.

Với cuộc đời 93 mùa Xuân (1888 - 1980) đồng chí Tôn Đức Thắng đã dành gần 70 năm hoạt động và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng lớn lao của Đảng và của dân tộc. Tên tuổi và những cống hiến xuất sắc của đồng chí đã góp phần làm rạng rỡ truyền thống lịch sử quang vinh của dân tộc và của Đảng trong thế kỷ XX. Đó thực sự là một nhân cách lớn, là niềm tự hào của Đảng và của dân tộc ta.

2. Bác Tôn đi vào cõi vĩnh hằng đã 29 năm nay nhưng trong tâm khảm của mỗi người chúng ta hôm nay và những thế hệ người Việt Nam mai sau - những lớp con, cháu của Người - Bác Tôn vẫn còn mãi cùng non sông đất nước. Bác vẫn luôn cùng với chúng ta trong cuộc hành trình lịch sử vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của đồng bào, vì thực hành đạo đức cách mạng cần kiệm liên chính, chí công vô tư của các đồng chí trong Đảng. Đó là động cơ, là mục đích sống, là lẽ sống mà cũng là tâm nguyện của Bác. Mỗi chúng ta cần noi theo những phẩm chất cao quý ấy của Bác.

Sinh thời, bác Tôn là người nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, rất mực giản dị và khiêm tố, rất mực nhất quán giữa nói và làm. Đó là một trong những đặc trưng cao quý của nhân cách Tôn Đức Thắng. Cuộc đời và sự nghiệp của Bác Tôn là một sự liền mạch của lao động, học tập, đấu tranh, của tình thương yêu dành cho đồng bào, đồng chí, của niềm tin son sắt vào lý tưởng và làm hết sức mình cùng toàn Đảng, toàn dân biến lý tưởng thành hiện thực.

Bất luận trong hoàn cảnh nào, từ buổi đầu tham gia các cuộc đấu tranh biểu tình, bãi công của công nhân, khi nước mất độc lập chủ quyền, dân mất tự do, sống trong cảnh nô lệ bị đọa đầy, cho đến khi hoạt động ở nước ngoài, trong phong trào công nhân Pháp, tham gia cuộc nổi dậy của Hải quân Pháp ở Biển Đen, kéo cờ đỏ trên Chiến hạm, phản đối sự can thiệp vũ trang của bọn đế quốc, ủng hộ nước Nga Xô viết, rồi lại trở về nước hoạt động, tổ chức ra công hội đầu tiên ở nước ta, tham gia vận động thành lập Đảng, bị kẻ thù lùng bắt và bị tù đầy 17 năm tại khám lớn Sài Gòn và “địa ngục trần gian” Côn Đảo... bao thử thách gian lao ấy, Tôn Đức Thắng đều đã vượt qua bằng sức mạnh kiên cường, ý chí của người chiến sĩ đấu tranh cho tự do, khí tiết của người cộng sản hiên ngang bất khuất trước kẻ thù, nêu cao phẩm giá con người, đạo lý và chính nghĩa của cách mạng.

Thế hệ những người cộng sản đầu tiên của Việt Nam đã từng biến nhà tù thành trường học cách mạng; bao nhiêu máu đã đổ, bao nhiêu người thịt nát xương tan bởi những đòn roi tra tấn dã man của kẻ thù, nhưng chí khí và niềm tin của người cách mạng không hề suy xuyển, bọn đế quốc, thực dân tàn bạo, phi nhân có thể giết chết họ nhưng không thể tiêu diệt được phong trào cách mạng.

Trong tăm tối nơi địa ngục lao tù vẫn ngời sáng tư tưởng cách mạng, tâm hồn và tình cảm cách mạng của những người đồng chí, đồng đội. Tôn Đức Thắng, người tù khổ sai 17 năm trong hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo đã nêu cao khí tiết như thế, đã đem mưu trí và bản lĩnh cách mạng công nhân để chống chọi với mọi thủ đoạn tàn ác, thâm độc của bọn cai ngục, đã đem tình thương yêu đồng loại để cảm hoá, thức tỉnh lương tâm những người dưới đáy xã hội - những phần tử lưu manh gần như đã mất tính người mà kẻ thù dùng họ để giết hại những người cách mạng. Đạo đức, nhân cách Tôn Đức Thắng đã tỏa sáng vào những thân phận như thế, đưa họ về với lẽ phải, tình thương, đạo lý làm người và đạo nghĩa ở đời.

Những sự kiện và sự thật ấy đã từng được ghi lại trong những trang hồi ký của những ngươi cách mạng, và hình tượng Tôn Đức Thắng - người tù khổ sai trong hầm xay lúa ở ngục tù Côn Đảo - đã trở thành bản anh hùng ca về khí tiết cộng sản trước quân thù. Đây là một dấu mốc nổi bật trong đời hoạt động của Tôn Đức Thắng trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

3. Sau cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Bác Tôn trở về đất liền và đã nhanh chóng tham gia vào cuộc kháng chiến cùng đồng bào và chiến sĩ miền Nam, chống lại dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, giữ trọn lời thề “độc lập hay là chết”.

Ngay từ những ngày đầu của Nam Bộ kháng chiến, Tôn Đức Thắng đã là một trong những nhà lãnh đạo đứng ở đầu sóng ngọn gió, đồng cam cộng khổ với nhân dân và chiến sĩ của “thành đồng Tổ quốc” để bảo vệ nền độc lập non trẻ vừa mới giành được.

Từ bán đảo Cà Mau, Tôn Đức Thắng đã nhanh chóng đến các tỉnh miền Trung Nam bộ và vùng cửa ngõ hiểm yếu ở phía nam thành phố Sài Gòn. Tại Hội nghị xứ ủy Ban Bộ họp ở Đồng Tháp Mười vào tháng 10 và tháng 12-1945, với sự tín nhiệm cao của Đảng, đồng chí Tôn Đức Thắng được giao trọng trách Bí thư Xứ ủy, phụ trách Ủy ban kháng chiến Nam Bộ, chỉ đạo lực lượng vũ trang, rồi giữ chức Chủ nhiệm Hậu cần của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.

Bác Tôn đã cùng tập thể Xứ ủy gấp rút củng cố bộ máy tổ chức, tăng cường đội ngũ cán bộ cho các lực lượng, quân dân chính Đảng, kịp thời đáp ứng nhu cầu tác chiến ở thành phố Sài Gòn và các địa phương trên chiến trường Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp. Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, nhân dân Sài Gòn đã giành được thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 23-12-1945. Với sự tín nhiệm cao và lòng quý mến sâu sắc, Bác Tôn đã được các tầng lớp đồng bào ta ở Sài Gòn đồng lòng nhất trí bầu làm người đại biểu xứng đáng của mình tại Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới.

Tháng 2-1946, Bác Tôn được điều động ra Thủ đô Hà Nội để cùng với Bác Hồ và Trung ương chỉ đạo công cuộc kháng chiến, kiến quốc(1). Bác Tôn được giao nhiều trọng trách, là Trưởng ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà và tham gia đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam thăm nước Pháp, tháng 4-1946.

Tại Đại hội II của Đảng (năm 1951), Bác Tôn được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, là Chủ tịch Mặt trận Liên hiệp quốc dân Việt Nam, tức Mặt trận Liên Việt, tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay. Năm 1955, Bác Tôn ở cương vị Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam. Năm 1960, Bác là Phó Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà.

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, trong kỳ họp đặc biệt, tháng 9-1969, Quốc hội khóa III đã bầu Bác Tôn làm Chủ tịch nước. Bác ở cương vị này cho đến khi vĩnh biệt chúng ta, trở về với thế giới người hiền.

Trong nhiều chục năm ở cương vị lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, Bác Tôn đã tỏ rõ lòng tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao cả, đem hết tài năng và sức lực của mình để phục vụ sự nghiệp cách mạng, đặc biệt là nêu gương đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng noi theo.

Là người bạn thân thiết và gần gũi lâu năm của Bác Hồ, Bác Tôn là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chính sách đại đoàn kết của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Năm 1955, Bác Tôn được trao tặng giải thưởng Lê-nin vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc do Ủy ban Giải thưởng quốc tế Lê-nin trao tặng. Đoàn Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô cũng đã trân trọng trao tặng Bác Tôn huân chương Lê-nin.

Bác Tôn là người đầu tiên được trao tặng Huân chương Sao Vàng, là huân chương cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, nhân dịp Bác 70 tuổi, do chính Bác Hồ trao tặng với lời phát biểu chúc mừng chân thành và cảm động.

Những phần thưởng và sự tôn vinh cao quý đó của Đảng, của nhân dân và của Bác Hồ cũng như của bạn bè quốc tế dành cho Bác Tôn chẳng những là sự ghi nhận những cống hiến xuất sắc của Bác đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, mà còn chứng tỏ uy tín và ảnh hưởng sâu rộng của một nhân cách lớn - nhân cách Tôn Đức Thắng. Đó là một nhân cách cộng sản trong sáng, mẫu mực. Từ một người thợ trở thành một người chiến sĩ cách mạng dân tộc và cách mạng thế giới(2), từ một người yêu nước và tinh thần dân tộc trở thành người chiến sĩ tiên phong của chủ nghĩa quốc tế chân chính, người Việt Nam đầu tiên bảo vệ Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, từ một đảng viên trở thành nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Mặt trận, dù ở bất cứ cương vị, chức trách nào, Tôn Đức Thắng vẫn luôn là một con người bình dị và khiêm nhường, hoà trong cuộc sống của mọi người, gắn bó máu thịt với nhân dân, rất mực thương dân, thấu hiểu cuộc sống, tâm trạng và nguyện vọng của dân, không một chút gì biểu hiện cách xa và cao đạo của người đứng đầu Nhà nước. Trong quan hệ với dân, với cán bộ và những người phục vụ, nhân cách Tôn Đức Thắng ngời sáng bởi sự giản dị, thanh cao, sự ân cần, chu đáo, sự tôn trọng và tin cậy con người.

4. Như thế, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn mỗi khi nghĩ về Bác, nhớ tới Bác với lòng kính trọng, cảm phục vô cùng. Chính phẩm chất công nhân, chất công nhân trong con người Bác Tôn - như đã nói ở trên - đã làm nên giá trị nhân sách ấy. Bác Tôn không chỉ được quý trọng và ngưỡng mộ ở những người đồng chí thân thiết, những bạn chiến đấu, những người cùng thời với Bác, mà Bác còn ở trong lòng nhân dân, đồng bào, chiến sĩ, trong các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau bởi phẩm chất nhân cách Tôn Đức Thắng luôn tỏa sáng, bởi lòng nhân hậu, bao dung, vị tha, khiêm tốn và giản dị ở Bác luôn hiện ra qua cử chỉ và việc làm, qua sự ân cần, chu đáo của Bác khi tiếp xúc với dân, chăm sóc cán bộ, cả với những người phục vụ Bác hàng ngày. Con người Bác Tôn là hiện thân của lòng ngay thẳng, trung thực, thấm đượm tình người. Bởi Bác rất ít nói về mình nên sự thanh cao của tâm hồn và tư tưởng của Bác phải được tìm thấy trong đời hoạt động, ngay cả trong cuộc sống đời thường của Bác, từ vị Chủ tịch nước, Chủ tịch Mặt trận, Ủy viên Trung ương đến “anh Hai Thắng”, với đôi bàn tay lao động cần mẫn, tự chữa lấy chiếc xe đạp mà đi, còn chữa dùm cho cả mọi người, không một chút câu nệ nào... Tất cả chỉ là một con người suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân.

Nói bao nhiều về đức giản dị, khiêm nhường của Bác cũng vẫn là chưa đủ, bởi những đức tính này làm nên sự vĩ đại, sự trong sáng đẹp đẽ của Người. Cảm động nhất là tấm lòng, tình cảm của Bác đối với Bác Hồ. Bởi vô cùng yêu quý và ngưỡng mộ, chúng ta vẫn gọi đồng chí Tôn Đức Thắng là “Bác Tôn”. Nghe thấy vậy, Bác đã nói một lời tự đáy lòng: “Chỉ có Bác Hồ mới thật  xứng đáng được gọi như thế. Cứ gọi tôi là anh Hai Thắng thôi”. Cao quý biết bao tấm lòng ấy, nghĩa cử ấy. Ta bỗng nhớ tới Ph. Ăng-ghen trong tình bạn vĩ đại và cảm động giữa ông với C.Mác suốt 40 năm. Suốt đời, Ph.Ăng-ghen chỉ nhận mình là “cây đàn thứ hai” bên cạnh C.Mác mà thôi.

Thật đúng như nhận xét của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng về Bác Tôn: “Chúng ta đang đứng trước một con người mà năm tháng và bão tố có làm thay đổi nhiều về dáng vẻ bên ngoài, nhưng tâm hồn và ý chí cách mạng, tình cảm với đồng bào, đồng chí, sự khiêm tốn, giản dị, lòng vị tha quên mình thì không hề thay đổi. Đó vẫn luôn luôn là đức tính của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng. Cũng như Bác Hồ, Bác Tôn là một con người đẹp từ việc lớn đến việc nhỏ, lúc ở Côn Đảo cũng như lúc ở Phủ Chủ tịch. Và cũng như Bác Hồ, Bác Tôn rất vui tính, thích bông đùa, nói ít làm nhiều, suốt đời hiến dâng nghị lực, tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp lớn của nước, của dân”.

5. Khi thay mặt Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng cho Bác Tôn, nhân kỷ niệm Bác 70 tuổi, Bác Hồ đã phát biểu lời chúc mừng, trong đó có đoạn: “Đồng chí Tôn Đức Thắng là một gương mẫu đạo đức cách mạng: suốt đời cần kiệm liêm chính; suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”(3).

Bác Tôn của chúng ta là một tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng theo tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh. Nói về đạo đức cách mạng, Bác Hồ đã từng nhất mạnh, có đủ cả bốn đức cần, kiệm, liêm, chính mới là người toàn vẹn. Trong tác phẩm “Đường Cách Mệnh” (năm 1927) khi đề cập tới “Tư cách của người Cách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc đã đặc biệt nhấn mạnh rằng, người Cách mệnh, Đảng Cách mệnh phải giữ chủ nghĩa cho vững và phải ít lòng ham muốn (tham muốn) về vật chất, nghĩa là phải kiên định và biết hy sinh cá nhân mình vì sự nghiệp lớn của dân tộc, của Đảng. Triết lý nhân sinh của Hồ Chí Minh quy tụ vào hai chữ thân dân chính tâm. Ở đời thì phải thân dân, làm người thì phải chính tâm, suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, suốt đời tu dưỡng đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bác Hồ đã nêu gương mẫu mực như vậy, và Bác Tôn - một hình ảnh nhân cách Bác Hồ, cũng nêu gương mẫu mực như vậy.

Như vậy, nêu gương mẫu mực về thực hành tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh cũng là một nét đẹp cao quý của nhân cách Tôn Đức Thắng - một nhân cách lớn, niềm tự hào của Đảng, của dân tộc, của mỗi chúng ta.

Bác Tôn ra đi khi đất nước đã hoàn toàn giải phóng nhưng bộn bề bao nhiêu khó khăn, phức tạp, đang ở bên thềm của đổi mới. Giờ đây, đổi mới đã đi qua hơn 1/5 thế kỷ. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu đổi mới, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ và của Bác Tôn. Đạo đức và nhân cách Tôn Đức Thắng mãi mãi là tấm gương cho chúng ta và các thế hệ mai sau noi theo./.
 
 

(1)  Nguyễn Minh Triết: Bác Tôn trong lòng Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh (Trong sách “Tôn Đức Thắng, người cộng sản mẫu mực, biểu tượng của đại đoàn kết”, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr 60)

(2) Chữ dùng của Bác Hồ

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t9, tr 221