Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng Chính Phủ
Ngày 26-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Long An; Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Bắc Trung Bộ” và tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp xúc cử tri tại Long An
Ngày 26-4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có buổi tiếp xúc với cử tri đại diện cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Cùng dự còn có đại diện Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Long An cùng các sở, ngành trong tỉnh.
Tại buổi tiếp xúc cử tri, các doanh nghiệp đã nêu nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển. Trong đó, nổi bật là các ý kiến về chính sách phát triển điện năng lượng mặt trời; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp; phát triển hạ tầng giao thông kết nối; phát triển vùng nguyên liệu…
Ông Trần Ngọc Nhật, đại diện Tập đoàn Hoàn Cầu cho biết: Tập đoàn đang có các dự án điện năng lượng mặt trời với tổng công suất khoảng 1.000MW, tuy nhiên hiện chỉ mới được phê duyệt quy hoạch 200MW, số còn lại đang chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt bổ sung quy hoạch. Trong khi đó, công tác bổ sung quy hoạch hiện nay quá khó khăn, thời gian kéo dài gây ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Do đó, đơn vị kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có chính sách rút ngắn thời gian quy hoạch phát triển điện để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.
Về vấn đề hạ tầng giao thông, ông Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đồng Tâm (Long An) nêu kiến nghị, Cảng quốc tế Long An đã đi vào hoạt động và được kỳ vọng nâng cao khả năng vận chuyển, tiếp nhận hàng hóa cho địa phương nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Tuy nhiên hiện nay, cửa sông Soài Rạp bị bồi lấp nên tàu có trọng tải lớn không vào được, gây ảnh hưởng đến hoạt động của cảng. Do đó, ông Võ Quốc Thắng kiến nghị Chính phủ cần có chính sách, thực hiện các dự án nạo vét không chỉ ở sông Soài Rạp mà còn ở nhiều sông, kênh rạch trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; tập trung phát triển giao thông đường thủy nhằm giảm áp lực cho các tuyến đường bộ, nâng cao khả năng logistics…
Nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần sớm xem xét sửa đổi Luật Đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện dự án; có chính sách ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu gạo; xem xét lại cơ chế vay vốn sản xuất của các hợp tác xã nông nghiệp. Ngoài ra, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm; phát triển hạ tầng giao thông đường bộ kết nối đến từ các vùng sản xuất nguyên liệu đến các khu, cụm công nghiệp và các cảng biển…
Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An cho biết, Quốc hội tới đây sẽ họp và xem xét nhiều quyết sách quan trọng, trong đó có nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp.
Chính phủ cũng đề ra nhiều mục tiêu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu chính sách đặc thù để tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông cửu Long phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đang nỗ lực hoàn thiện các chính sách, thể chế; tăng cường cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng…để tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Để nền kinh tế phát triển mạnh mẽ thì vai trò của cộng đồng doanh nghiệp là rất lớn. Do đó, Phó Thủ tướng mong rằng các doanh nghiệp luôn cố gắng phấn đấu, phát huy mạnh mẽ nội lực, đổi mới tư duy…để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh, phát triển chất lượng sản phẩm. Từ đó, góp phần thúc đẩy nền kinh tế đi lên.
Ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri doanh nghiệp tỉnh Long An, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, tới đây, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan sẽ họp bàn để tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách trong quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Về việc phát triển hạ tầng giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ sẽ làm việc với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vục để bàn bạc các chuyên đề phát triển giao thông, tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, từ đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng.
Những ý kiến, kiến nghị vượt quá thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương sẽ được Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu và trình cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dự Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Bắc Trung Bộ”
Sáng cùng ngày, trong khuôn khổ Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Bắc Trung Bộ” diễn ra tại Nghệ An, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio.
Tại buổi tiếp, hai bên đã cùng trao đổi một số vấn đề nhằm tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ lời cảm ơn đối với Chính phủ và nhân dân Nhật Bản về những ủng hộ, giúp đỡ liên tục và ý nghĩa dành cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong nhiều năm qua; mong muốn các cơ quan hữu quan của hai bên chuẩn bị tốt cho chuyến thăm Nhật Bản và dự Diễn đàn G20 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới đây.
Đại sứ Umeda Kunio cho biết, sau khi tham dự lễ khai mạc Hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản - Bắc Trung Bộ”, chiều 25-4, các tổ chức, doanh nghiệp Nhật Bản đã trao đổi, làm việc với sáu tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ, thông qua đó hiểu rõ thêm về tiềm năng, thế mạnh của các địa phương này. Các tổ chức, doanh nghiệp của Nhật Bản sẽ truyền đạt, giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh đó tới các địa phương, doanh nghiệp của Nhật Bản.
Đại sứ Umeda Kunio đánh giá rằng với sự nỗ lực không ngừng của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã có bước tăng trưởng tốt. Việt Nam hiện đang ở giai đoạn đón nhận thách thức, cơ hội mới cho sự phát triển trong tương lai. Nhật Bản mong muốn Việt Nam nắm bắt được các cơ hội trong giai đoạn này để trở thành quốc gia giàu có, có nền kinh tế phát triển.
Đại sứ Umeda Kunio cũng nêu một số vướng mắc và đề nghị Chính phủ Việt Nam tháo gỡ, trong đó có việc sửa đổi Công hàm về cung cấp vốn vay ODA, việc chậm thanh toán trong dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1, giảm thuế thu nhập cá nhân cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong các khu kinh tế, việc khởi động dự án nhiệt điện Vũng Áng 2.
Thông báo về việc Chính phủ Nhật Bản đang tích cự kêu gọi doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản thực hiện các dự án đầu tư mới ở Việt Nam, Đại sứ Umeda Kunio mong muốn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam trong vấn đề này.
Cảm ơn về những chia sẻ cởi mở của Đại sứ Umeda Kunio, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, Nhật Bản là đối tác chiến lược rất quan trọng và tin cậy với Việt Nam, là đối tác kinh tế thương mại, đầu tư hàng đầu và là nhà cung cấp vốn vay ODA lớn nhất đối với Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam và nền kinh tế Nhật Bản có tính chất bổ sung cho nhau và lãnh đạo hai nước đã có cam kết về chiến lược kết nối hai nền kinh tế nên trong quan hệ với các nước nói chung và với Nhật Bản nói riêng, Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặc biệt chú ý tháo gỡ những vấn đề phát sinh và thúc đẩy quan hệ đối tác.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, đầu tư nước ngoài (FDI) đang chiếm 20% GDP, đóng góp 40% giá trị sản lượng công nghiệp của Việt Nam. Việc thu hút vốn FDI sẽ được thực hiện theo hướng chủ động và chọn lọc hơn, vì vậy những doanh nghiệp Nhật Bản có công nghệ cao, hiện đại, sẵn sàng kết nối theo chuỗi sẽ được ưu tiên rất lớn trong quá trình đầu tư. Những gì có thể làm được nhiều nhất, tốt nhất cho các doanh nghiệp và dự án ODA Nhật Bản thì Chính phủ Việt Nam sẵn sàng làm và mong muốn Đại sứ tin tưởng vào điều đó.
Phó Thủ tướng cũng giải đáp một số kiến nghị của Đại sứ Nhật Bản, cho biết rằng Chính phủ Việt Nam quan tâm triển khai nhằm bảo đảm lợi ích của hai bên trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các quy định của pháp luật và tôn trọng sự bình đẳng trong lợi ích của các bên có liên quan. Về việc chậm thanh toán cho các nhà thầu Nhật Bản trong dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh tuyến số 1, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang tiếp tục giải quyết các thủ tục để đẩy nhanh tiến độ và xử lý dứt điểm việc thanh toán.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại tỉnh Phú Yên
Chiều 26-4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác Chính phủ đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Phú Yên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh Quý 1/2019 và phương hướng phát triển trong thời gian tới.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng cho biết: năm 2018, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, nền kinh tế tiếp tục phát triển với mức tăng trưởng 8,21%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng theo hướng tăng khu vực xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Thu ngân sách đạt đạt 4.575 tỷ đồng, tăng 21%; thu nhập bình quân đầu người 39,7 triệu đồng, tăng 10,6%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,56%, giảm 2,2% so với năm 2017. Riêng quý 1/2019, tốc độ phát triển kinh tế tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong giáo dục và đào tạo, tỷ lệ học sinh giỏi, khá và đạt giải cao tại các cuộc thi Quốc gia tăng so với năm học trước. Toàn tỉnh có 191/404 trường đạt chuẩn Quốc gia. Công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Số người tham gia đóng bảo hiểm y tế đạt 85,6%, vượt 1,4% chỉ tiêu…
Tỉnh Phú Yên kiến nghị Chính phủ xem xét cho phép tỉnh tiếp tục thực hiện 3 dự án xây dựng Bệnh viện Sản Nhi, Tâm thần, Lao và bệnh phổi với tổng kinh phí 1.115 tỷ đồng. Bộ Nội vụ bổ sung biên chế cho ngành Y tế của các địa phương phù hợp với sự gia tăng chỉ tiêu giường bệnh của các bệnh viện. Đối với việc phát triển lĩnh vực văn hóa, du lịch, tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí khoảng 165 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt…
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam biểu dương những nỗ lực của tỉnh Phú Yên trong phát triển kinh tế - xã hội. Phó Thủ tướng lưu ý về vấn đề giáo dục cần đảm bảo đủ trường, đủ lớp; học sinh được học đủ buổi, đủ môn học; phải thực hiện sắp xếp lại trường lớp và cắt giảm các biên chế gián tiếp để nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức. Với những nơi có điều kiện, tỉnh cần tính đến vấn đề “quản trị trường học” để có thể tự chủ.
Trong lĩnh vực y tế, tỉnh cần đẩy mạnh việc xã hội hóa để phát triển bệnh viện ngoài công lập, có chính sách phù hợp thu hút nhân lực bác sĩ giỏi, qua đó người dân có điều kiện được hưởng các điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Bên cạnh đó, tỉnh cần nâng cao tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Đối với, tỉnh xem xét kỹ việc xây dựng mới các bệnh viện, nhất là Bệnh viện Tâm thần.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ vào thực tiễn. Mục tiêu trong những năm tới đưa Phú Yên sẽ trở thành điểm sáng về phát triển khoa học, công nghệ; đi đầu trong phát triển mô hình Chính phủ điện tử.
Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm Trường trung học Phổ thông Ngô Gia Tự (thành phố Tuy Hòa), Trung tâm Phục vụ hành chính công và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên./.