TCCSĐT - Ngày 27-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng hơn 750 đại biểu đại diện lãnh các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đã tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Vĩnh Long 2018 với chủ đề “Vĩnh Long chủ động hợp tác phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quang khẳng định: Với việc tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất của tỉnh từ trước đến nay, Vĩnh Long bày tỏ thiện chí luôn đồng hành và sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư phát triển ổn định, sản xuất - kinh doanh bền vững. Là tỉnh có diện tích cây ăn trái lớn thứ hai ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư cả nước với hơn 54.000 ha, Vĩnh Long ưu tiên mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, phân phối, chế biến nông sản, đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu, cụm công nghiệp; văn hóa - du lịch, hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch nghỉ dưỡng và hạ tầng đô thị, nhà ở, trung tâm thương mại.

Thời gian qua, tỉnh đã tích cực tạo lập, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) như: hỗ trợ nhà đầu tư từ giai đoạn tiếp cận thông tin ban đầu, chuẩn bị đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng đến thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án; ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư; rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định; hỗ trợ doanh nghiệp thông qua nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm,... Trong 10 năm qua, kết quả đánh giá chỉ số PCI của tỉnh luôn ở nhóm khá trở lên. Riêng năm 2017, Vĩnh Long đứng ở vị trí thứ 6, trong nhóm “Tốt” bảng xếp hạng PCI các tỉnh, thành phố trong nước.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng trước sự tham dự hội nghị đông đảo của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; quyết tâm đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Long; sự tăng cường liên kết, hợp tác của các địa phương trong vùng và những con số ấn tượng: tỉnh Vĩnh Long đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, ký kết biên bản ghi nhớ về đầu tư cho 32 dự án với số vốn đầu tư khoảng 24.000 tỷ đồng và số tiền các nhà tài trợ dành cho an sinh xã hội lên tới 340 tỷ đồng. Thủ tướng cho rằng tỉnh đã định hướng thu hút đầu tư đúng, thông qua nhiều dự án tập trung vào những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển như: nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh; năng lượng tái tạo; du lịch sinh thái. Những chủ trương, chính sách phát triển của tỉnh thời gian qua đã theo sát chỉ đạo của Chính phủ.

Đề cập đến hướng phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh tiếp tục nỗ lực phấn đấu, theo đuổi tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi hơn nữa cho các nhà đầu tư để trong thập niên tới đưa Vĩnh Long trở thành một trong những tỉnh phát triển năng động hàng đầu của cả nước, với quy mô nền kinh tế và thu nhập của người dân tăng gấp 4 lần; có mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên nền tảng nông nghiệp thông minh và du lịch sinh thái. Để đạt mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh, Vĩnh Long cần đặt mục tiêu gia nhập vào nhóm các tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng đồng bằng sông Cửu Long là Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau.

Thủ tướng gợi mở: Vĩnh Long phải phấn đấu trở thành một tỉnh giàu, năng động của cả nước, một tỉnh phát triển bền vững thuộc nhóm đầu. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của tỉnh là phải phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng doanh nghiệp, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực về vốn và công nghệ, có tầm nhìn thấu suốt các tiềm năng, điều kiện độc đáo của Vĩnh Long để cùng hợp tác phát triển. Muốn đón được nhiều nhà đầu tư lớn, các cấp chính quyền phải luôn cầu thị, lắng nghe, đổi mới và hành động để sẵn sàng tháo gỡ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm đầu tư, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục- đào tạo, đưa Vĩnh Long lên tốp đầu cả nước về giáo dục - đào tạo trong thập niên tới; vận dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất nông nghiệp, giải quyết căn cơ tình trạng tiếp cận vốn của nông dân và tích hợp chiến lược thích ứng biến đổi khí hậu vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đề cập đến việc xây dựng chuỗi liên kết, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, Thủ tướng đưa ra khái niệm “liên kết 6 nhà”. Đó là: Nhà nông - Nhà nước - Nhà đầu tư - Nhà băng (ngân hàng) - Nhà Khoa học - Nhà Phân phối. Thủ tướng nhấn mạnh: “Làm ra nhiều mà không có thị trường, không có nhà phân phối thì không thể thành công”. Tại hội nghị, Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long cần xác định triết lý phát triển dựa trên 3 trụ cột. Một là, giữ vững màu xanh và phát triển xanh, quan tâm gìn giữ môi trường vùng đồng bằng sông Cửu Long; hai là, chú trọng hơn nữa nguồn nhân lực, xem đây là động lực quan trọng để phát triển bền vững; ba là, phát huy tính kết nối, liên kết vùng.

* Buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Lễ khánh thành công trình nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long - tòa nhà 9 tầng có tổng vốn đầu tư trên 968 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng đã đồng ý dành khoản vay ODA giai đoạn 2 từ Chính phủ Áo để đầu tư trang thiết bị, giúp Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long nâng cao chất lượng khám và điều trị trong thời gian tới.

* Buổi chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thành phố Cần Thơ chứng kiến Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ - Tập đoàn Novaland - The Boston Consulting Group (Tập đoàn tư vấn BCG) - Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) ký kết hợp tác “Triển khai chiến lược Dự án phát triển du lịch đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu”. Dự án có mục tiêu hoạch định và triển khai chiến lược kết nối và phát triển du lịch cho 13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong đó thành phố Cần Thơ đóng vai trò trung tâm.

Việc ký kết hợp tác thực hiện dự án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đưa ra nhiều mô hình thích hợp, khơi dậy tiềm năng du lịch sẵn có tại đồng bằng sông Cửu Long theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa miền sông nước; giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu; hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Theo tính toán ban đầu của Tập đoàn tư vấn BCG, việc thực hiện dự án có thể tạo thêm 300.000 việc làm trong ngành du lịch đến năm 2025, đem lại sự đa dạng hóa quan trọng cho nền kinh tế và sinh kế bền vững cho người dân trong vùng. Ngoài ra, việc hợp tác thực hiện dự án cũng sẽ kết nối và quy tụ thêm nhiều tổ chức quốc tế tài trợ cho các chương trình, hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và kỳ vọng sẽ mang lại hàng tỷ USD đầu tư vào vùng đồng bằng sông Cửu Long./.