TCCSĐT - Ngày 31-12-2009, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2009, theo đó, nền kinh tế nước ta đã nhanh chóng thoát khỏi đà suy giảm và càng về cuối năm, tốc độ tăng trưởng càng được nâng cao.

Trên cơ sở số liệu 11 tháng và ước tính tháng 12, Tổng cục Thống kê đã khái quát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của cả nước trên 3 mặt:

Một là, kết quả ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững

Tính chung cả năm 2009, tổng sản phẩm trong nước tăng 5,32%, bao gồm: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,83%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,52%; khu vực dịch vụ tăng 6,63%. Tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2009 vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,18% của năm 2008, nhưng đã vượt mục tiêu tăng 5% của kế hoạch. Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái, nhiều nền kinh tế tăng trưởng âm mà kinh tế nước ta đạt được tốc độ tăng tưởng dương tương đối cao như trên là một thành công lớn. Theo số liệu nêu trong báo cáo, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý I và quý II năm 2009 thấp hơn tốc độ tăng của quý I và quý II năm 2008; nhưng quý III/2009 tăng 6,04%, cao hơn tốc độ 5,98% trong quý III/2008, và quý IV/2009 tăng 6,9%, cao hơn tốc tộ 5,89% trong quý IV/2008. Điều đó cho thấy, năm 2009, nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời kỳ suy giảm tăng trưởng; các chính sách, giải pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế phù hợp với tình hình thực tế, đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Hai là, kết quả ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại

Với mục tiêu ưu tiên là ngăn chặn suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong năm qua Chính phủ đã tập trung thực hiện gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2009 theo giá thực tế ước tính tăng 15,3% so với năm 2008 và bằng 42,8% GDP, trong đó khu vực nhà nước tăng 40,5%; khu vực ngoài nhà nước tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 5,8%. Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư cả nước, đạt 106,8% kế hoạch năm.

Do Chính phủ và các cấp, các ngành ngay từ đầu năm đã chủ động phòng ngừa tái lạm phát cao trở lại, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp nhằm khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là tập trung phát triển thị trường trong nước, đồng thời chỉ đạo, điều hành tài chính, tiền tệ linh hoạt, nên mức năm lạm phát năm 2009 không cao.

Giá tiêu dùng năm 2009 tương đối ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2009 tăng 6,88% so với năm 2008, thấp nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế nước ta đạt được thành công kép - vừa tăng trưởng tương đối khá, vừa duy trì được mức độ lạm phát không cao, là thành công lớn trong chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô.

Ba là, kết quả bảo đảm an sinh xã hội, phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và các lĩnh vực xã hội khác

Để thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các chương trình, chính sách xoá đói giảm nghèo, như Chương trình 134, Chương trình 135, Chương trình 30a và nhiều chương trình quốc gia khác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, các xã đặc biệt khó khăn, cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế và miễn giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người nghèo…, góp phần bảo đảm ổn định đời sống dân cư, đặc biệt là đối với người nghèo và đồng bào vùng sâu, vùng xa.

Đời sống của bộ phận những người làm công ăn lương cũng tiếp tục được cải thiện. Thu nhập bình quân tháng của lao động khu vực nhà nước năm 2009 tăng 14,2% so với năm 2008.

Tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước năm 2009 ước tính là 12,3%, thấp hơn mức 14,8% của năm 2007 và mức 13,4% của năm 2008.

Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hoá, thể thao... cũng đạt được nhiều thành tực đáng kể.

Bên cạnh những kết quả quan trọng nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 vẫn còn những hạn chế, yếu kém, như:

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đã tăng lên nhưng tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào phát triển theo chiều rộng, tăng khối lượng các nguồn lực, nhất là tăng vốn đầu tư, chưa thực sự dựa trên cơ sở tăng năng suất lao động xã hội và nâng cao hiệu quả, nên tăng trưởng chưa thực sự vững chắc, chất lượng và hiệu quả tăng trưởng chưa cao.

2. Cơ cấu kinh tế tuy bước đầu đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực và tiến bộ, nhưng vẫn chưa ra khỏi cơ cấu ngành truyền thống với tỷ trọng tương đối cao của khu vực sản xuất vật chất nói chung và khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản nói riêng. Cơ cấu ngành và cơ cấu sản phẩm còn bất hợp lý, chưa phát huy khả năng, thế mạnh của mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

3. Các cân đối kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc. Lạm phát tuy được khống chế ở mức hợp lý nhưng giá cả chung ngày càng tăng và đang tiềm ẩn nhiều yếu tố có thể gây tái lạm phát cao.

4. Một số vấn đề bức xúc xã hội chậm được khắc phục. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn ở mức cao. Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tai nạn giao thông vẫn tiếp tục tăng. Tình trạng vi phạm về vệ sinh, an toàn thực phẩm xuất hiện trên tất cả các khâu, từ sản xuất đến bảo quản, giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm, thuỷ sản.

Tóm lại, năm 2009, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực từ hai phía: từ những khó khăn do kinh tế thế giới suy thoái, thu hẹp đáng kể thị trường xuất khẩu, thị trường vốn, thị trường lao động; và từ những khó khăn do bão lũ xảy ra liên tiếp, dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta vẫn đạt mức tăng trưởng 5,32%, vượt mục tiêu đề ra và đứng vào hàng các nền kinh tế có mức độ tăng trưởng cao của khu vực và trên thế giới. Điều đó khẳng định nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Đây là thắng lợi của “ý Đảng, lòng dân”, là sự thể hiện của sức mạnh nội lực Việt Nam./.