Sức mạnh của báo chí thông qua vụ Hồ sơ Panama
Vụ Hồ sơ Panama: "Cuộc cách mạng" trong hợp tác báo chí
Báo Le Monde (Thế giới) của Pháp số ra mới đây có bài viết nhận định rằng vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” đã làm nên "cuộc cách mạng" trong lĩnh vực hợp tác báo chí; đồng thời tạo bước ngoặt trong báo chí điều tra.
Trong những năm qua, Hiệp hội báo chí điều tra quốc tế (ICIJ) có trụ sở tại Washington của Mỹ đã tiến hành nhiều vụ điều tra về hành vi trốn thuế như "Offshore Leaks” năm 2013, “LuxLeaks” năm 2014 và “SwissLeaks” năm 2015. Tuy nhiên, “Hồ sơ Panama,” với 2,6 terabyte dữ liệu chứa 11,5 triệu tài liệu - nguồn thông tin lớn gấp 1.000 lần vụ WikiLeaks vào năm 2010, thực sự là vụ rò rỉ thông tin lớn nhất được giới truyền thông khai thác từ trước đến nay. Có 370 nhà báo thuộc 109 tòa soạn trên toàn thế giới đã bí mật điều tra trong thời gian gần một năm từ tháng 6-2015 – 4-2016 phân tích hàng triệu tài liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca của Panama.
Không chỉ phanh phui mức độ gian lận khủng khiếp làm chấn động thế giới, vụ việc còn cho thấy sức mạnh của báo chí và khả năng tập hợp các nhà báo trên toàn thế giới, qua đó khẳng định vai trò và tầm quan trọng của hợp tác xuyên biên giới giữa các tòa soạn báo trong một thế giới toàn cầu hóa.
Trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama,” tòa soạn báo Süddeutsche Zeitung -SZ ở Nam Đức là cơ quan đầu tiên đăng tải thông tin sau khi nhận được tố cáo nặc danh về những bê bối bên trong công ty luật Mossack Fonseca. SZ là một tờ báo lớn, vốn nổi tiếng về việc lật tẩy các vụ trốn thuế và rửa tiền tầm cỡ, song lượng dữ liệu khổng lồ và tính chất toàn cầu của vụ việc khiến các nhà báo Đức phải liên hệ với ICIJ để phối hợp phân tích và giải mã các tài liệu.
Điều này cho thấy trong giai đoạn hiện nay, một tờ báo lớn dù có uy tín và mạng lưới phóng viên tại nhiều nơi trên thế giới cũng không đủ sức tiến hành điều tra riêng rẽ trước một lượng dữ liệu khổng lồ, mà cần phải có sự hợp tác giữa các tòa soạn và không ai có thể tìm kiếm thông tin liên quan mỗi nước tốt hơn chính các nhà báo sở tại. Trong quá trình hợp tác, các nhà báo đề cao sự chia sẻ thông tin, tin tưởng và bảo mật. Đây là các yếu tố quan trọng nhất làm nên sự thành công trong vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama.” Le Monde nhấn mạnh việc các nhà báo và các tòa soạn tham gia điều tra cùng nhau khai thác thông tin cho thấy họ đã vượt qua được sự cạnh tranh giữa các cơ quan truyền thông, quyết tâm giữ bí mật, cùng đợi "giờ G" là ngày 03-4 vừa qua để đồng loạt công bố và tạo ra cơn địa chấn toàn cầu. "Nghề báo là một nghề sử dụng các công nghệ mới đồng thời đòi hỏi sự đổi mới liên tục. Hình thức trao đổi và chia sẻ dữ liệu như trong vụ điều tra 'Hồ sơ Panama' đã mở ra những triển vọng mới cho “báo chí chia sẻ” trong quá trình điều tra các vụ việc có lượng dữ liệu khổng lồ. Một thời đại mới - thời đại hợp tác báo chí - đang bắt đầu".
Tác động của Hồ sơ Panama: Năm nước châu Âu hợp tác chống nạn trốn thuế
Sau khi vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” phơi bày những chiêu thức mà những người giàu có và quyền lực nhất thế giới đã sử dụng để che giấu tài sản và tìm cách trốn thuế, Anh cùng với 4 nước gồm Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy ngày 15-4 đã công bố một quy định mới về minh bạch thuế để đối phó với vấn nạn trốn thuế. Quy định mới dự kiến sẽ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 01-2017.
Tờ "The Guardian" (Người bảo vệ) cho hay theo quy định mới, các thông tin về chủ nhân thực sự của các công ty "vỏ bọc", hay còn gọi là các công ty "lá chắn" và các quỹ tín thác hải ngoại, sẽ được chia sẻ một cách tự động. Đây được coi là biện pháp đối phó với việc các tổ chức và cá nhân trốn thuế và che giấu tài sản ở những nơi được coi là "góc khuất" của hệ thống tài chính. Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne (Gioóc-giơ Ô-xbôn) nhấn mạnh nước Anh sẽ hợp tác với các đối tác châu Âu để xác định các cá nhân và tổ chức đứng đằng sau các công ty "vỏ bọc" và các quỹ tín thác - thường được sử dụng để trốn thuế, rửa tiền và tham nhũng.
Phát biểu nhân Hội nghị thường niên mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington (Mỹ), Bộ trưởng Osborne khẳng định điều mà thế giới cần hiện nay là một hành động quy mô quốc tế. Ông bày tỏ hy vọng nhiều nước khác cũng sẽ tham gia quy định mới này. Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy cũng đã đề xuất lập một danh sách đen các "thiên đường trốn thuế", nếu nhà chức trách các nước này không tán thành việc chia sẻ các dữ liệu đăng ký doanh nghiệp và các thông tin thuế.
Hồ sơ Panama: Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha từ chức
Hồ sơ Panama công bố danh tính của nhiều chính trị gia, người nổi tiếng liên quan đến các hoạt động gian lận thuế và nhiều người trong số đó đã phải giải thích, từ chức. Thủ tướng Anh Đ.Ca-mê-rôn đã công bố chi tiết thu nhập cá nhân để trấn an dư luận, Thủ tướng Ai-xơ-len Gun-láp-xơn đã phải từ chức vì Hồ sơ Panama,... Mới đây nhất, Bộ trưởng Công nghiệp Tây Ban Nha José Manuel Soria đã tuyên bố từ chức ngày 15-4 sau khi “Hồ sơ Panama” cho thấy ông có dính líu đến các công ty có trụ sở tại Bahamas và đảo Jersey, và vụ việc đã được báo chí Tây Ban Nha và quốc tế đưa tin.
Trước đó, Bộ trưởng José Manuel Soria đã khẳng định vào ngày 11-4 rằng ông chưa bao giờ có bất kỳ công ty nào tại Panama hoặc bất kỳ “thiên đường thuế” nào khác. Tuy nhiên, bốn ngày sau khi bác bỏ các cáo buộc đồng thời đã đưa nhiều lời giải thích đôi khi mâu thuẫn nhau, Bộ trưởng Công nghiệp José Manuel Soria đã buộc phải từ bỏ vị trí của mình trong Chính phủ của Thủ tướng Mariano Rajoy.
Vụ việc trên xảy ra vào thời điểm tồi tệ khi Đảng Nhân dân (PP) đang vướng vào nhiều vụ bê bối liên quan đến tham nhũng của các thành viên khiến uy tín của đảng giảm sút, trong khi cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến vào ngày 26-6 đang đến rất gần.
Những tiết lộ chấn động liên quan đến Bộ trưởng José Manuel Soria - một người thân cận, gần gũi của Thủ tướng Mariano Rajoy được ví như một trái bom. Kênh truyền hình Tây Ban Nha La Sexta và trang thông tin Elconfidencial.com trích dẫn các tài liệu của công ty luật Mossack Fonseca, cho biết tên của Bộ trưởng Soria đã xuất hiện với chức danh Giám đốc công ty UK Lines Ltd, có trụ sở tại Bahamas, trong khoảng thời gian hai tháng năm 1992. Sau khi có thông tin trên, Bộ trưởng Soria cho rằng đây là một sự “nhầm lẫn” và ông tuyên bố sẽ yêu cầu Panama làm sáng tỏ mọi việc. Tên của em trai của Bộ trưởng Soria cũng xuất hiện trong công ty này. Công ty này sau đó đã bị giải thể vào năm 1995, hai tháng trước khi ông José Manuel Soria trở thành Thị trưởng thành phố Las Palmas de Gran Canaria, thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha.
Theo báo Le Monde, trong nội bộ đảng Nhân Dân và trong Chính phủ Tây Ban Nha, các giải thích của Bộ trưởng Soria được đánh giá là “đáng tin cậy” và “thỏa đáng”. Tuy nhiên, các phóng viên của tờ El Mundo và trang web thông tin Eldiario.es đã lần theo hồ sơ các công ty thương mại tại Anh và đã khám phá ra một “mớ bòng bong” các công ty trong đó có xuất hiện tên của Bộ trưởng Soria.
Sau khi có những thông tin tiết lộ đầu tiên, Bộ trưởng Soria đã bác bỏ và khẳng định rằng tất cả mọi chuyện liên quan đến công việc kinh doanh của ông và gia đình đều hợp pháp, rằng những thông tin trong những ngày qua là cả chuỗi những sai lầm liên tiếp và hứa sẽ giải thích trước Nghị viện vào ngày 18-4 về những việc xảy ra trước đây. Tuy nhiên, những tiết lộ mới nhất được công bố vào ngày 14-4 đã khiến ông không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải từ chức./.
Triển lãm, tọa đàm phản đối Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông  (17/04/2016)
Ngân hàng Nhà nước phản hồi về con số 7,3 tỷ USD gửi ở nước ngoài  (17/04/2016)
Hà Nam và Hà Giang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba  (17/04/2016)
Hà Nam và Hà Giang tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba  (17/04/2016)
Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An  (17/04/2016)
Chủ tịch Cuba Raul Castro chúc mừng ban lãnh đạo Việt Nam  (17/04/2016)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên