Có một tên gọi “thị xã hiến đất” - khởi nguồn từ công tác dân vận
TCCS - Tại nhiều địa phương, quá trình đô thị hóa thường gặp khó khăn trong quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng, nếu xử lý không tốt sẽ dẫn đến những hệ quả bất lợi: mất an ninh trật tự, khiếu kiện kéo dài... Cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, đã không chỉ tháo gỡ các vướng mắc trên, mà còn vận động được người dân hiến đất, tự giải phóng mặt bằng để phát triển đô thị. Thành công này bắt đầu từ công tác dân vận hiệu quả.
Tự nguyện hiến đất
Thị xã Uông Bí đang trong quá trình phát triển để nâng cấp lên thành thành phố, với bộn bề công việc, trong đó đặc biệt quan trọng là mở rộng và chỉnh trang đô thị, đáp ứng tiêu chuẩn của đô thị loại 2. Công việc này gặp nhiều khó khăn, nhất là khi không ít người dân chưa đồng thuận. Giai đoạn từ năm 2002 đến 2009, thị xã đã tiếp trên 5.500 lượt công dân đến phản ánh, kiến nghị; nhận trên 180 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, trong đó rất nhiều liên quan đến đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.
Nhưng, Uông Bí đã vượt qua những khó khăn ấy và thực thi đúng kế hoạch vạch ra. Cả hệ thống chính trị của Uông Bí đồng lòng, chung sức vào cuộc làm công tác dân vận. Đây chính là chìa khóa để mở ra nút thắt trong công tác giải phóng mặt bằng, tạo những chuyển biến tích cực, thậm chí ngoài mong đợi. Được sự đồng thuận của nhân dân, việc thực hiện các dự án hạ tầng và phát triển, mở rộng đô thị hết sức thuận lợi. Ngay từ cuối tháng 5-2009, thị xã đã nhanh chóng hoàn thành giải ngân vốn xây dựng cơ bản của cả năm 2009, bước vào thực hiện kế hoạch của các năm tiếp theo.
Điều đáng nói là, người dân tại nhiều tuyến phố đã không chỉ nhượng lại đất mà còn hiến đất, tự tháo dỡ công trình để phục vụ cho việc nâng cấp, mở rộng đường, chỉnh trang đô thị. Chỉ riêng tại phường Quang Trung, phường trung tâm của Uông Bí, việc giải phóng mặt bằng để mở rộng và làm mới 2.300 m đường ở 5 tuyến phố, đã làm ảnh hưởng tới 433 hộ dân. Nhưng như một khối thống nhất, các gia đình này đều tự nguyện giải phóng mặt bằng, tháo dỡ các công trình kiến trúc, hiến đất cho chính quyền mà không đòi hỏi tiền đền bù, qua đó tiết kiệm cho Nhà nước 5 tỉ đồng để đầu tư xây dựng các dự án khác. Nhiều gia đình đã hiến gần 100m2 đất mặt đường, giá đền bù theo quy định của tỉnh là 240 triệu đồng (chưa tính giá thị trường), các hộ khác hiến trung bình từ 20 - 70m2, giá trị từ vài chục triệu đến 100 triệu đồng.
Quả thật, dù đã chứng kiến tận mắt thì vẫn thấy việc hiến đất của người dân tại thị xã Uông Bí là “lạ” và hi hữu, nhất là khi hiện nay “tấc đất, tấc vàng” và trong bối cảnh vấn đề giải phóng mặt bằng đang là “điểm nóng” tại nhiều đô thị. Việc làm hết sức ý nghĩa và không phải nơi nào cũng thực hiện được này sẽ không thành hiện thực nếu thiếu sự đồng thuận cao của người dân, có được từ kết quả của quá trình dân vận hiệu quả.
Muốn dân tin: Công khai, nói thẳng, nói thật
Cách làm của Uông Bí trước hết là công khai trong hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền từ thị xã đến các phường, xã, theo đó tập trung công khai về các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; các khoản thu, chi ngân sách; quy định, quy chế của cơ quan chính quyền; thủ tục hành chính và quy trình giải quyết thủ tục hành chính; phân công công việc và chế độ trách nhiệm, khen thưởng, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức... Trong quản lý đất đai và giải phóng mặt bằng, thực hiện “4 công khai và biết”: Chính quyền công khai quy hoạch; người dân biết mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thu hồi đất; biết các chế độ, chính sách bồi thường liên quan; biết nghĩa vụ, quyền lợi của mình.
Tất cả những chủ trương, chính sách lớn và công việc liên quan đến nhân dân đều được công khai, khi người dân biết không có gì khuất tất, công việc đều vì lợi ích cộng đồng, lúc đó mới có thể tìm kiếm sự đồng thuận của nhân dân. Ông Phạm Cao Hải, Trưởng Ban Dân vận Thị ủy Uông Bí nhấn mạnh: Trước dân, cùng với công khai phải nói thẳng, nói thật, nói đúng đối tượng, không lấp liếm, giấu giếm, nhất là khi mình vì lợi ích chung của cộng đồng, tai mắt nhân dân ở đâu cũng có, khi dân tin mới có thể tìm được sự đồng cảm, đồng thuận của nhân dân”.
Lực lượng Ban Dân vận Thị ủy rất mỏng, chỉ có 3 người, nhưng do biết huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị làm công tác dân vận, từ các đồng chí lãnh đạo cao nhất của thị xã đến cán bộ, công chức các phường, xã, nên đã tạo sức mạnh rất lớn. Cán bộ dân vận không thể mang phong cách hành chính để tiếp xúc với nhân dân. Ông Phạm Nhất Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Quang Trung cho biết, đối với việc vận động nhân dân giao đất, giải phóng mặt bằng của phường, từ các đồng chí Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường thường xuyên đến với nhân dân, bám dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và trao đổi, thuyết phục, vận động nhân dân. “Không phải ai cũng ủng hộ, với các hộ không đồng tình kéo dài, chúng tôi kiên trì vận động, vận động trực tiếp và thông qua các đồng chí Trưởng khu phố, thậm chí phải liên hệ với con cháu làm ăn ở xa của các gia đình này gọi điện về thuyết phục giúp. Không nhẫn nại, bền chí thì dân vận không thể thành công”.
Vận động, thuyết phục người dân không phải một sớm một chiều mà như “mưa dầm thấm lâu”, ngoài việc phải bảo đảm làm đúng các quy định của pháp luật, có lý, còn phải có tình, hợp với lòng dân. Hơn cả, người làm công tác dân vận phải có tâm, vì lợi ích chung, xem mình cũng là con em của nhân dân để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng, biết người dân cần gì, muốn gì, đang bức xúc hay lúng túng ở chỗ nào mà có cách giúp đỡ, thuyết phục bà con. Trên một địa bàn rộng, dân cư gồm 9 dân tộc anh em, với nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, cũng là nơi có những di tích tôn giáo lớn của quốc gia như Trúc lâm Yên Tử..., làm dân vận khéo không hề đơn giản. Nhưng dù bằng cách nào, thì việc công khai, nói thẳng, nói thật và đúng đối tượng với nhân dân vẫn là việc cần thiết.
Lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với 5 chức danh công chức xã, phường
Việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Hội đồng nhân dân cấp xã bầu là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, một biểu hiện sinh động của việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Không chỉ dừng lại ở lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh theo quy định trên (Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã, phường), Quảng Ninh chủ trương thực hiện lấy ý kiến đóng góp của nhân dân với cả 5 chức danh công chức xã, phường khác là: Địa chính - xây dựng, tư pháp - hộ tịch, văn hóa, lao động - thương binh - xã hội, trưởng công an, theo đó thị xã Uông Bí là một trong những đơn vị thực hiện đầu tiên.
Việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân được tổ chức đồng thời với lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Hội đồng nhân dân xã, phường bầu, thông qua hội nghị cử tri đại diện hộ gia đình tại các thôn, khu dân cư. Công chức xã, phường là những người trực tiếp và thường xuyên tiếp xúc, giải quyết các công việc hằng ngày liên quan tới lợi ích sát sườn của người dân. Chính vì vậy, việc đánh giá những vị trí công tác này có vai trò rất quan trọng, qua ý kiến đóng góp thẳng thắn của người dân, sẽ bộc lộ rõ những ưu, nhược điểm của từng chức danh, từ đó cấp trên có phương án điều chỉnh, bố trí cán bộ hợp lý; bản thân những cán bộ được lấy ý kiến đóng góp cũng phải chấn chỉnh kịp thời trong thực thi chức trách.
Hội nghị cử tri thực sự là đợt sinh hoạt chính trị rộng rãi và dân chủ, cán bộ đọc kiểm điểm nghiêm túc trước nhân dân, người dân được đóng góp ý kiến trực tiếp, đánh giá bằng phiếu kín đối với năng lực, thái độ, cung cách làm việc của những công chức hằng ngày làm việc với mình. Đây là cơ hội tiếp xúc và đối thoại trực tiếp bổ ích giữa chính quyền cơ sở và nhân dân. Thực tiễn cho thấy, nhân lên các cơ hội đối thoại trực tiếp chính là cách thức hữu hiệu tháo gỡ những bất đồng, vướng mắc, qua đó nhiều vấn đề gai góc, tồn tại dai dẳng giữa chính quyền với dân, giữa người dân với nhau đã được giải quyết.
Uông Bí lấy việc thực hiện năm “Dân vận chính quyền” 2009 như là cầu nối làm gia tăng sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân. Công tác dân vận thực chất đã được Uông Bí thực hiện thường xuyên trước đó, nhưng năm 2009 được chọn là điểm nhấn, tập trung tăng cường hiệu quả công vụ và văn hóa ứng xử của cơ quan chính quyền. Hiệu quả của dân vận chính quyền không ở đâu xa mà được thể hiện sinh động bằng chính hiệu quả xử lý công việc của các cơ quan nhà nước. Thị xã giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân, chế độ tiếp dân của lãnh đạo thị xã và các phường, xã thực hiện nghiêm túc. Kể từ ngày 1-4-2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh quy định: “Thủ trưởng các sở, ban, ngành khi tiếp nhận văn bản đề nghị của tổ chức, công dân về giải quyết một thủ tục hành chính cụ thể, thì chậm nhất sau thời hạn quy định, nếu không có ý kiến trả lời thì coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm về sự đồng ý đó”. Những chỉ đạo mang tính quyết liệt đó trong cải cách hành chính lan tỏa xuống tận cơ sở, tinh thần này đã tạo những chuyển biến tích cực trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền của Uông Bí, gắn với nguyên tắc: Làm tốt biểu dương, sai phạm sẽ kiên quyết bị xử lý.
Có thể nói, từ hiệu quả của công tác dân vận chính quyền, tới việc tự nguyện hiến đất của người dân và lấy ý kiến đối với công chức cơ sở đã làm nên tên gọi mới của thị xã Uông Bí và cũng là điều chúng ta rất đáng phải suy nghĩ./.
Khởi công Dự án xây dựng luồng tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu  (28/12/2009)
71 triệu USD hỗ trợ cải cách hệ thống giáo dục trung học  (28/12/2009)
Hiện tượng El Nino có thể kéo dài đến tận tháng 5-2010  (27/12/2009)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Hun Xen chủ trì Hội nghị xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia  (27/12/2009)
21,480 tỉ USD vốn FDI đổ vào Việt Nam năm 2009  (27/12/2009)
Hiệp định của ASEAN về quản lý thảm họa có hiệu lực  (27/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên