Một số giải pháp xử lý ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt ở Thái Bình
TCCS - Với mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, làng nghề tập trung, cùng việc phải hứng chịu sự xâm nhập của nước biển..., Thái Bình hiện là một trong những tỉnh có nguy cơ ô nhiễm nước sinh hoạt lớn trên toàn quốc. Tỉnh cùng các ban, ngành chức năng đang gấp rút triển khai các giải pháp xử lý nhằm đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2010, có 85% số người dân tỉnh được dùng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia. Phóng viên (PV) Tạp chí Cộng sản có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Cang, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh để làm rõ vấn đề này.
PV: Xin ông cho biết thực trạng nguồn nước ngầm và khai thác nước ngầm ở địa phương hiện nay?
Ông Phạm Văn Cang: Về tài nguyên nước ngầm, không riêng gì Thái Bình, ở hầu hết các tỉnh đều có báo động rất lớn trong việc quản lý khai thác. Hiện nay, theo đo đạc của chúng tôi thì mực nước ngầm đã tụt khoảng 4m so với 20 năm trước đây. Nguy cơ cạn kiệt rất lớn của nguồn nước ngầm đã hiện hữu.
Tỉnh có khoảng 250 nghìn giếng khoan chủ yếu tập trung ở khu vực nông thôn, trong đó có gần 100% số giếng khoan đơn lẻ phục vụ hộ gia đình. Bên cạnh đó, ý thức của người dân với việc khai thác nước từ giếng khoan chưa cao, khai thác hết sức lãng phí (ví dụ như lấy nước giếng khoan bổ sung cho ao cá trong mùa khô hanh, sử dụng xây dựng nhà cửa...). Trước đây, cơ quan chúng tôi cho làm thí điểm và giới thiệu một vài mô hình giếng khoan theo chương trình do UNICEF tài trợ, những giếng khoan này đạt tiêu chuẩn và được nhân dân đồng tình. Nhưng từ khi không có tài trợ nữa, người dân tự thuê thợ về khoan giếng, hầu hết các thợ khoan giếng ở đây thiếu kiến thức cũng như hạn chế về trình độ chuyên môn. Khai thác nước ngầm ở Thái Bình rất dễ, một giếng 100 m chỉ khoan trong vòng 6 đến 8 tiếng là xong, từ đó có thể thấy mức độ sản sinh ra các giếng khoan ở Thái Bình trong 1 ngày là bao nhiêu và trong 1 năm là bao nhiêu. Xuất phát từ việc không có chuyên môn, không được quản lý trong hành nghề, những thợ khoan giếng chỉ cần làm sao cho có nước và lấy được tiền của chủ hộ là xong. Họ khoan đến khi nào có nước thế là xong, hoàn toàn không quan tâm đến việc nguồn nước có bị ô nhiễm vì không chèn lấp bên trên sau khi khoan, hoặc ô nhiễm từ các mạch ngầm lân cận hay không.
Trong số 170 nghìn giếng sâu, có 90% đạt chất lượng hợp vệ sinh. Đáng báo động là, 100% số xã trong 3 huyện ở phía nam sông Trà Lý thì nguồn nước ngầm sâu bị nhiễm mặn không thể khai thác phục vụ sinh hoạt được. Thế nhưng nhân dân vẫn có khoảng 80 nghìn giếng khai thác chủ yếu là những giếng có độ sâu 10m song lấy nước đích thực là lấy nước từ cỡ 3 đến 4m. Những giếng này cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều yếu tố tự nhiên cũng như hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người, từ đó dẫn tới vấn đề vệ sinh là chưa đạt. Trong số 80 nghìn giếng này thì chỉ có khoảng 40% đạt vệ sinh.
PV: Với nguồn nước mặt thì sao, thưa ông?
Ông Phạm Văn Cang: Nguồn nước thứ hai ở Thái Bình là nước mặt. Nguồn nước này đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân và gây khó khăn cho chúng tôi trong việc quản lý. Nguồn nước mặt chủ yếu từ các sông, trong khi đó các sông hiện đang bị ô nhiễm rất nặng từ nước thải ở các khu công nghiệp, từ thuốc bảo vệ thực vật khi canh tác sản xuất, nước thải từ các trang trại chăn nuôi tập trung, đầm ao hồ nuôi trồng thủy sản. Số liệu thống kê của ngành cho thấy, trung bình mỗi năm Thái Bình sử dụng từ 250 - 300 tấn thuốc bảo vệ thực vật (đa số thuốc nhập không có nguồn gốc, chủ yếu từ Trung Quốc và có thời gian phân hủy rất lâu) và hàng trăm ngàn tấn phân bón hóa học các loại.
Đối với các khu công nghiệp cũng vậy. Thái Bình có năm khu công nghiệp (trong đó có khoảng 100 doanh nghiệp đang hoạt động) trên tổng số 10 khu công nghiệp đã được quy hoạch, nhưng hiện nay môi trường đang bị xuống cấp nhanh, nhiều nơi đã đến mức báo động. Việc thải chất thải chưa qua xử lý tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, khu dân cư tập trung ngày càng tăng về khối lượng gây bức xúc trong nhân dân. Vấn đề xử lý nước thải từ các khu công nghiệp này rất nan giải bởi phải đầu tư lớn. Kết quả phân tích nước thải tại cửa xả của một số doanh nghiệp sản xuất sứ vệ sinh, gạch men tại khu công nghiệp, các thông số COD, BOD5, SS, A-sen vượt 20,7; 16; 15,5; 10,4 lần TCVN
PV: Vậy, chính quyền và ngành chức năng đã làm gì để khắc phục tình trạng trên?
Ông Phạm Văn Cang: Từ những khó khăn trên, trong những năm gần đây, Thái Bình đã đưa ra một số chủ trương: Thứ nhất, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đối với bà con, đặc biệt là các chương trình về nước sạch vệ sinh môi trường, giúp bà con nhận thức được vấn đề môi trường đối với đời sống sinh hoạt. Thứ hai, là công tác quản lý, đặc biệt là công tác khai thác nước ngầm. Trước đây, bà con nông dân muốn có nước ngầm thì tự khoan nhưng những năm gần đây người dân muốn khai thác, sử dụng nước ngầm thì phải có giấy phép, người làm nghề khoan giếng cũng phải có phép.
Về xử lý ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, từ làng nghề đang là vấn đề rất khó. Tất cả các nhà máy, các xí nghiệp công trình sản xuất trước khi đi vào sản xuất đều phải có những báo cáo về xử lý vấn đề môi trường thông qua đánh giá, thẩm định của Sở Tài nguyên và Môi trường cho phép hoạt động hay không. Các kế hoạch này về lý thuyết thì rất bài bản, song khi thực hiện lại khác, đây cũng là vấn đề rất khó đối với Thái Bình. Hiện ngành cũng đã báo cáo tỉnh đầu tư trang bị cho phòng thí nghiệm để lấy mẫu kiểm tra, kiểm soát nước thải từ các khu công nghiệp, nhà máy. Nhìn chung, để làm được các việc trên thì nguồn kinh phí là rất quan trọng. Trong khi nguồn kinh phí từ tỉnh đầu tư còn hạn hẹp, mà thu từ dân rất khó. Đây cũng chính là khó khăn lớn hiện nay ở Thái Bình.
Riêng vấn đề xã hội hóa công tác cấp nước, Thái Bình chưa làm được. Tới đây, chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh xem xét vấn đề này theo hướng tạo điều kiện và khuyến khích các thành phần kinh tế khác đầu tư xây dựng các công trình cấp nước tập trung và cho phép họ kinh doanh theo đúng pháp luật.
PV: Những việc làm đó được thể hiện bằng kết quả cụ thể ra sao, thưa ông?
Ông Phạm Văn Cang: Từ năm 2006 đến nay, chúng tôi đã mở được 18 lớp về tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ truyền thông và các kỹ thuật viên về công tác nước sạch, với trên 900 lượt người tham gia; mở được 45 hội nghị về vận động xã hội tiếp cận với nước sạch và thay đổi hành vi vệ sinh, với trên 5.000 người tham dự; tuyên truyền trên các phương tiện phát thanh, truyền hình của tỉnh, huyện, truyền thanh cấp xã được 1.320 lần. Tuyên truyền, vận động xã hội đã làm chuyển biến cơ bản nhận thức của người dân với nước sạch, thay đổi hành vi vệ sinh và hướng tới tiếp cận các công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn.
Các công trình cấp nước đơn lẻ chủ yếu do người dân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng. Đến nay, toàn tỉnh có 41.560 giếng khoan và 1.040 giếng đào đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh, trị giá khoảng 110 tỉ đồng, phục vụ cho khoảng 155.000 người.
Về công trình cấp nước tập trung, hiện ở Thái Bình có 51 dự án lớn, nhỏ. Trong đó có 45 dự án được đầu tư vốn theo Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch vệ sinh an toàn nông thôn, còn lại gần chục công trình là đầu tư từ các nguồn khác. Trong đó, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 11 công trình (từ Chương trình Mục tiêu quốc gia), trị giá khoảng 20 tỉ đồng, phục vụ cho 28.000 người; 2 công trình (từ vốn vay Ngân hàng Thế giới), trị giá gần 13 tỉ đồng, phục vụ cho khoảng 15.000 người. Trong 3 năm qua, việc phát triển các công trình cấp nước tập trung đã tăng thêm 11,5% số dân nông thôn được cấp nước đạt tiêu chuẩn. Qua đó, đến nay, toàn tỉnh đã có 70,3% số dân, 75% số trường học, 93% số trạm y tế, 64% số trụ sở UBND xã được cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.
PV: Ông có thể cho biết một số giải pháp cơ bản để Thái Bình đạt mục tiêu đề ra là đến năm 2010, có 85% số người dân tỉnh được dùng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn quốc gia là gì?
Ông Phạm Văn Cang: Công tác bảo vệ nguồn nước và cấp nước sạch là trách nhiệm của toàn dân và lâu dài. Song, trước mắt đối với ngành, chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
Trước hết, với các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp, làng nghề trong tỉnh, cần thành lập bộ phận chuyên môn đủ năng lực quản lý môi trường. Ban quản lý các khu công nghiệp khẩn trương quy hoạch tổng thể và xây dựng kết cấu hạ tầng hệ thống các khu công nghiệp tập trung có hệ thống thu gom xử lý chất thải đúng quy định pháp luật bảo vệ môi trường, bảo đảm nước thải phát sinh từ các khu công nghiệp tập trung phải được xử lý triệt để đạt tiêu chuẩn Việt Nam
Hai là, các cơ quan chức năng cần phối hợp với báo, đài tăng cường truyền thông đến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và nhân dân về ý thức bảo vệ môi trường; tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm; có kế hoạch xây dựng, tư vấn cho các doanh nghiệp về pháp luật bảo vệ môi trường, kỹ thuật xử lý chất thải; đưa tiêu chí chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường làm căn cứ xét thưởng thi đua, trao giải thưởng...
Ba là, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ, thiết bị mới, mạnh dạn áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn, sử dụng nguyên, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường. Khuyến khích nhân dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có khả năng phân hủy nhanh, không bền trong môi trường; phân bón vi sinh trong sản xuất nông nghiệp. Nghiêm cấm việc sử dụng thuốc sâu trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bốn là, rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch; tăng đầu tư cho công tác giám sát, đánh giá kết quả về tỷ lệ cấp nước sạch nông thôn; thống nhất công tác quản lý công trình sau đầu tư (hiện đang có nhiều chủ thể quản lý khác nhau như: UBND xã, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, nhóm cộng đồng...).
Năm là, cần có những chính sách thích hợp tạo điều kiện cho nhân dân vay vốn tự xây dựng công trình cấp nước có sự giám sát của cơ quan chuyên môn; Nhà nước và tỉnh sớm có chính sách ưu đãi để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch; ưu tiên đầu tư các công trình cấp nước tập trung để tăng nhanh tỷ lệ số dân được sử dụng nước sạch./.
Những ngọn lửa nhỏ đã... cháy bừng lên!  (25/12/2009)
Công tác dân vận trong thời kỳ đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế  (25/12/2009)
“Trung Đông - 2020”  (25/12/2009)
Kinh tế Mỹ phục hồi chậm  (25/12/2009)
Năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới mức 7%  (25/12/2009)
Tổng kết công tác hội nhập kinh tế quốc tế 2008 - 2009  (24/12/2009)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên