Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 14-9 đến ngày 20-9-2015)
CIA công bố nhiều tóm tắt thông tin tình báo dưới thời Chiến tranh lạnh
Tổng thống Kenedy xem một bản báo cáo mật. Ảnh: LIFE/TTXVN
Ngày 16-9-2015, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã quyết định công bố nhiều thông tin tình báo dưới dạng báo cáo tóm tắt mà cơ quan này thu thập được từ thời Chiến tranh lạnh. Toàn bộ số tài liệu này nhằm phục vụ thông tin cho các Tổng thống Mỹ thời đó là John F. Kennedy và Lyndon Johnson. CIA cho biết, số tài liệu trên là kết quả của một quá trình phân loại thông tin chưa từng có tiền lệ, gồm 2.500 “Bản tóm tắt thường nhật của Tổng thống”. Nội dung là các phân tích tình báo về những vấn đề an ninh quốc gia chủ chốt dưới thời Chiến tranh lạnh. Trong đó, có một số sự kiện cao trào như Chiến tranh Việt Nam và cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba. Số thông tin tuyệt mật này chỉ cung cấp cho tổng thống, phó tổng thống, một số ít các cố vấn tin cậy. Một vài bản tóm tắt còn ghi chú “Chỉ dành cho Tổng thống”.
Theo CIA, cơ quan này đã phải mất nhiều năm xem xét các tài liệu để bảo đảm bí mật an ninh quốc gia và quyết định giải mã 80% số tài liệu đó. Nhiều tài liệu đã được biên tập lại. Tiếp sau lần công bố này, CIA có kế hoạch trong những năm tới công bố thêm khoảng 2.000 tài liệu được giải mã từ thời chính quyền các Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Gerald Ford. Các bản tóm tắt tin tình báo được đăng tải trên trang Đạo luật tự do thông tin của CIA http://www.foia.cia.gov. Trước đó, hồi năm 2009, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ban hành một sắc lệnh, yêu cầu tất cả các tài liệu mật phải được xem xét giải mã và công bố sau 25 năm.
Các nước thu nhập trung bình đối mặt với thách thức phát triển bền vững
Báo cáo công bố ngày 16-9-2015 của Liên hợp quốc cho biết các nước có mức thu nhập trung bình hiện đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến phát triển bền vững nằm trong những lĩnh vực, như phát triển và kinh tế vĩ mô, thị trường lao động và việc làm, lạm phát,... Kể từ năm 2011, tăng trưởng kinh tế của các nước thu nhập trung bình giảm mặc dù tỷ lệ tăng trưởng chung vẫn trên mức trung bình. Tăng trưởng kinh tế trung bình của những quốc gia này giảm từ mức 8% của giai đoạn 2006 - 2007 xuống còn 4,7% trong giai đoạn 2012 - 2014 và được dự báo sẽ tiếp tục ở mức trên trong một thời gian ngắn. Nhìn chung, triển vọng kinh tế của các nước có mức thu thập trung bình bấp bênh hơn so với thập kỷ trước.
Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát trung bình tại những nước thuộc diện này vẫn duy trì ổn định. Trong năm qua, tỷ lệ lạm phát ở những quốc gia này mặc dù ở mức 6,8%, thấp hơn 0,3% so với mức của năm 2013, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với các quốc gia có mức thu nhập cao (3,1%). Về thương mại quốc tế và các dòng vốn cùng nợ công, kim ngạch xuất nhập khẩu của các nước có mức thu nhập trung bình tiếp tục tăng trong giai đoạn 2013 - 2014, đạt khoảng 25,7%, chủ yếu là nhờ sự đóng góp của các nước tại châu Á. Các dòng vốn đổ vào những nước này có xu hướng giảm do điều kiện kinh tế khó khăn, giá các mặt hàng giảm và sự gia tăng căng thẳng về địa chính trị tại một số khu vực. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) vào những quốc gia trên cũng có xu hướng giảm. Nhìn chung, mức nợ công của những quốc gia có mức thu nhập trung bình ở mức khoảng 45,1%, thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.
Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đạt được nhiều thành tựu sau 15 năm
Liên hợp quốc cho biết những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ảnh: columbia.edu
Báo cáo mới do Liên hợp quốc công bố ngày 18-9-2015 cho thấy trong 15 năm qua, những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ấn tượng nhất là nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) đã tăng đáng kể tới 66% trong giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2014. Đặc biệt trong 2 năm qua, mỗi năm ODA đạt tới mức trên 130 tỷ USD, vượt mục tiêu do Liên hợp quốc đề ra là chiếm 0,7% tổng thu nhập quốc nội trung bình của một quốc gia. Một điểm sáng khác của báo cáo trên là lĩnh vực xuất khẩu: Các số liệu xuất khẩu hàng hóa mới nhất cho thấy khả năng tiếp cận của các nước đang phát triển đối với thị trường của các nước phát triển đã cải thiện đáng kể, tăng từ tỷ lệ 30,5% hồi năm 2000 lên 43,8% trong năm 2014. Ngoài ra, gánh nặng nợ nần của những nước nghèo cũng giảm đáng kể. Một thành tựu đáng kể nữa là tỷ lệ sử dụng điện thoại di động ở các nước đang phát triển ước tính lên tới 92% tính tới cuối năm 2015, so với mức chưa tới 10% hồi năm 2000.
Tuy nhiên, báo cáo trên cũng nêu quan ngại về khoảng cách vẫn còn khá lớn giữa các nước phát triển và đang phát triển trong việc tiếp cận y tế và công nghệ. Do đó, tại cuộc họp báo công bố báo cáo trên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi cần phải đổi mới mối quan hệ đối tác toàn cầu thì mới có thể thực hiện thành công Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 cũng như cần có những chỉ dẫn chính sách khuyến khích khu vực tư nhân và các công ty tham gia hỗ trợ tài chính cho chương trình.
Phản ứng của các nước về luật an ninh mới của Nhật Bản
Toàn cảnh phiên họp của Thượng viện Nhật Bản ở Tokyo ngày 19-9. Ảnh: Reuter/TTXVN
Sau khi luật an ninh mới của Nhật Bản được ban hành sáng 19-9 với việc Thượng viện nước này thông qua dự luật ngay trước đó, trong một thông cáo báo chí đưa ra cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh luật mới “đánh dấu một động thái chưa từng có của Nhật Bản trong các lĩnh vực an ninh và quân sự sau Chiến tranh thế giới thứ hai”. Ông Hồng Lỗi kêu gọi Nhật Bản “chú ý tới những quan ngại về an ninh của các nước láng giềng”, theo đuổi con đường phát triển hòa bình và hành động thận trọng trong lĩnh vực an ninh quân sự đồng thời nỗ lực giúp duy trì hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng ra tuyên bố kêu gọi Nhật Bản duy trì tinh thần của hiến pháp hòa bình ban hành sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đóng góp cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Trong khi đó, trong tuyên bố đưa ra tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ “hoan nghênh các nỗ lực không ngừng nghỉ của Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ đồng minh và đóng vai trò chủ động hơn trong các hoạt động an ninh khu vực và quốc tế”. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cũng bày tỏ “chúc mừng Quốc hội Nhật Bản thông qua luật an ninh cho phép Tokyo đóng vai trò lớn hơn vào việc duy trì an ninh và hòa bình quốc tế”.
Luật an ninh mới được ban hành sau khi Thượng viện Nhật Bản sáng sớm 19-9 thông qua dự luật, theo đó mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) ở nước ngoài, cho phép thực thi một cách hạn chế quyền phòng vệ tập thể hoặc hỗ trợ Mỹ và các nước hữu hảo khác bị tấn công vũ trang, ngay cả khi Nhật Bản không bị tấn công. Luật mới cũng cho phép SDF hỗ trợ hậu cần cho quân đội nước ngoài trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế./.
Bồi dưỡng kiến thức cho gần 1.000 sinh viên về biển, đảo và phân giới, cắm mốc biên giới  (21/09/2015)
Ngoại trưởng Nhật Bản bắt đầu thăm Nga bàn về tranh chấp lãnh thổ  (20/09/2015)
Trung Quốc phóng tên lửa đẩy đầu tiên sử dụng nhiên liệu “sạch”  (20/09/2015)
Australia có nữ Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong lịch sử  (20/09/2015)
Xử lý dứt điểm khiếu nại, tố cáo liên quan đến Đại hội Đảng các cấp  (20/09/2015)
Kết nối kinh tế Việt Nam - Nhật Bản: Từ tầm nhìn đến hiện thực  (20/09/2015)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên