Chưa đầy một năm sau cuộc bầu cử trước thời hạn, đưa Đảng Syriza của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền, cử tri Hy Lạp một lần nữa lại có mặt trước các hòm phiếu cho một cuộc bỏ phiếu khác hứa hẹn ít nhiều bất trắc vào ngày 20-9.

Cuộc bỏ phiếu này là hệ quả của việc Thủ tướng Tsipras từ chức hồi tháng 8 vừa qua, sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua các gói Hiệp định mà Chính phủ Athens đã ký với các chủ nợ quốc tế liên quan đến gói cho vay trị giá 86 tỷ euro trong 3 năm tới để đánh đổi lấy các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” chặt chẽ và ngặt nghèo hơn.

Các điều khoản được thông qua, nhưng Thủ tướng Tsipras và cũng là người đứng đầu Đảng Syriza đã mất đa số trong Quốc hội và chính phủ sụp đổ. Thủ tướng tạm quyền Vassiliki Thanou trở thành người phụ nữ đầu tiên đứng đầu Chính phủ Hy Lạp, cho tới cuộc bỏ phiếu ngày 20-9.

Theo các nhà phân tích, cuộc đối đầu lớn nhất trong cuộc bỏ phiếu này sẽ diễn ra giữa Đảng Syriza và những người theo phong trào bảo thủ của đảng trung hữu Nea Demokratia (ND). Do đồng ý với các điều khoản rất nặng nề của chủ nợ và đi ngược lại với tinh thần của cuộc trưng cầu dân ý tháng 7 vừa qua, Syriza đã mất uy tín nghiêm trọng trong các cử tri và một số nghị sĩ trong đảng này đã tách ra để lập một đảng mới.

Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận một ngày trước khi bỏ phiếu cho thấy, Syriza vẫn là đảng lớn nhất. Thăm dò của Đại học Saloniki và kênh Skai TV cho thấy 33% cử tri có khả năng bỏ phiếu cho Syriza, nhưng cách biệt giữa họ là ND không lớn, khi ND thu hút được 28% cử tri.

Thăm dò của Mega TV cho thấy, tỷ lệ ủng hộ của Syriza là 28%, chỉ hơn ND 2%.

Các nhà phân tích chính trị Hy Lạp cho rằng đảng nào trong hai đảng trên thắng cử cũng sẽ phải thành lập một liên minh để lãnh đạo đất nước và phải tuân thủ các điều khoản đã ký kết với các chủ nợ liên quan đến các khoản vay và tìm cách để đưa nền kinh tế đất nước thoát khỏi tình trạng đình đốn hiện tại.

Kể từ năm 2010, các chính phủ Hy Lạp đã bất lực trong việc “hãm phanh” con tàu kinh tế chìm xuống đáy của khủng hoảng, với tỷ lệ thất nghiệp cao ngất ngưởng, số nợ nước ngoài tăng chóng mặt và bất ổn xã hội càng trở nên nghiêm trọng.

Trong 7 tháng nắm quyền kể từ sau khi thắng cử ngày 25-01 năm nay với tỷ lệ cao kỷ lục 59%, chính phủ của Thủ tướng Tsipras được cho là đã bất lực trong việc lãnh đạo đất nước và bị các lực lượng cực tả và cực hữu đổ lỗi cho việc đã “đầu hàng” các chủ nợ trên mọi phương diện.

Nếu một lần nữa được bầu làm Thủ tướng, Tsipras cũng không tránh khỏi việc thành lập liên minh trong chính phủ, nhưng đã khẳng định sẽ không hợp tác với ND bằng bất cứ giá nào.

Trong khi đó, Vangelis Meimarakis, thủ lĩnh ND, lại tuyên bố sẽ thành lập một đại liên minh, kể cả với các đảng cánh tả và cực tả, nhằm “thể theo ý nguyện của nhân dân” trong trưng cầu dân ý, nghĩa là chống lại mọi hình thức tiến hành thắt lưng buộc bụng chặt chẽ hơn nữa.

Tsipras và Meimarakis, nếu thắng cử, sẽ phụ thuộc khá nhiều vào các đảng nhỏ để thành lập liên minh, nhiều trong số đó không vượt quá mức 3% số phiếu bầu để có ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại nhất lại chính là việc các cử tri, thất vọng trước tình hình đất nước và không hài lòng với chính giới, sẽ không đi bầu nhiều.

Nếu như 9,8 triệu cử tri Hy Lạp không bầu ra được người chiến thắng, Tổng thống Hy Lạp Propokis Pavlopoulos sẽ trao quyền đứng đầu chính phủ cho thủ lĩnh của đảng thuộc phe đa số. Nếu điều này không thành hiện thực, ông sẽ bổ nhiệm chức Thủ tướng cho thủ lĩnh của đảng có số phiếu nhiều thứ hai hoặc thứ ba.

Nếu ngay cả những nỗ lực này cũng không thành công, các cử tri sẽ tiếp tục quay trở lại hòm phiếu, trong một cuộc khủng hoảng chính trị nặng nề của đất nước đã bị bần cùng hóa vì khủng hoảng kinh tế và nợ nần này./.