Phát triển nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long

ThS. Trịnh Xuân Thắng Học viện Chính trị khu vực IV
21:28, ngày 15-06-2014
TCCSĐT - Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp thành công đòi hỏi một hệ thống các giải pháp đồng bộ từ cơ chế, chính sách, vốn… trong đó nguồn nhân lực được coi là nhân tố tạo đột phá. Ở đồng bằng sông Cửu Long, bài toán phát triển nguồn nhân lực đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp có thể chia thành hai loại chính, trước hết là cán bộ khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp - các nhà nghiên cứu khoa học, kỹ thuật và ứng dụng trong nông nghiệp và các cán bộ khuyến nông, khuyến ngư tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật đó để chuyển giao cho nông dân. Một nguồn lực đông đảo và đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp là nông dân, những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Với mỗi loại nhân lực này, đòi hỏi chúng ta phải có hệ thống chính sách riêng.

Phát triển nguồn nhân lực có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp là “quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thủy lợi hóa, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, trước hết là công nghệ sinh học, đưa thiết bị, kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào các khâu sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường”(1). Tuy nhiên, các thành tựu khoa học, công nghệ, các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp không phải tự dưng mà có, mà do những cán bộ khoa học, công nghệ có trình độ cao nghiên cứu và ứng dụng. Đồng thời, việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ, các thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại trong thực tiễn sản xuất chỉ thành công khi chủ thể của việc ứng dụng ấy là người nông dân có trình độ kỹ thuật tương ứng. Chính vì vậy, nguồn nhân lực có vai trò quyết định đến sự thành công của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.

Phát triển cán bộ khoa học, kỹ thuật về nông nghiệp

Trong thời gian qua, nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong ngành nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng. Chỉ tính riêng trong ngành thủy sản, đến đầu năm 2011, các trường, viện trực thuộc các bộ trực tiếp tham gia công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thủy sản và các trường dân lập, cao đẳng cộng đồng các địa phương đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 500 cán bộ khoa học tham gia hoạt động đào tạo và nghiên cứu phát triển thủy sản trong vùng, trong đó tiến sĩ 9,88%, GS, PGS 3,02%, thạc sĩ 40,32%, đại học, cao đẳng 49,83%. Ngoài ra, còn khoảng 300 thạc sĩ và 2.000 kỹ sư công tác tại các sở nông nghiệp, sở tài nguyên và môi trường, sở khoa học và công nghệ, trung tâm khuyến nông, khuyến ngư, công ty ,..

Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp của vùng. Việc nghiên cứu khoa học - công nghệ trong vùng dù đạt một số thành công nhất định nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, một trong những nguyên nhân của hạn chế đó là chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ trong vùng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là cán bộ khoa học - công nghệ đầu đàn trong những lĩnh vực chuyên sâu. Chất lượng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ nông nghiệp còn bất cập xuất phát từ chính những bất cập trong công tác đào tạo. Nhìn chung, mặt bằng dân trí, trình độ học vấn của vùng đồng bằng sông Cửu Long còn thấp so với cả nước, vùng vẫn được coi là vùng “trũng” về giáo dục của cả nước. Chính vì vậy mà số lượng sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học trong vùng còn thấp. Tỷ lệ bình quân 85 sinh viên/1 vạn dân, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học chỉ bằng 1/3 so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước. Số lượng sinh viên ít và cơ cấu đào tạo lại không phù hợp. Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vương quốc nông nghiệp nhưng việc đào tạo về ngành nghề nông nghiệp còn ít. Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ sinh viên vùng đồng bằng sông Cửu Long theo học các ngành nông nghiệp, thủy sản bậc đại học chỉ khoảng 10% và cao đẳng hơn 5%, trong khi đến hơn 30% tỷ lệ sinh viên theo học các ngành kinh tế, 20% kỹ thuật công nghệ. Chính vì vậy, số lượng sinh viên ngành nông nghiệp lại càng ít. Ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết các tỉnh đều có trường đại học, tuy nhiên, chức năng nhiệm vụ, các ngành nghề đào tạo không có sự khác nhau nhiều. Các trường đại học không có sự liên kết để đào tạo ngành nghề riêng biệt theo hướng chuyên sâu và đào tạo gắn với nhu cầu về các lĩnh vực nông nghiệp của vùng, vì vậy có tình trạng đào tạo trùng lắp và không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn cả về cơ cấu ngành nghề và chất lượng. Các trường chủ yếu nhấn mạnh đến đào tạo mà ít chú ý đến công tác nghiên cứu khoa học, vì vậy giống một cơ sở đào tạo nghề hơn là một trường đại học.

Để xây dựng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong thời gian tới, vùng cần chú ý một số vấn đề sau:

- Xác định mô hình, định hướng nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ hướng vào phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp của vùng để có chính sách về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực khoa - công nghệ, công tác đào tạo nhân lực khoa học - công nghệ phải gắn với nhu cầu nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh của vùng, tránh đào tạo tràn lan, gây lãng phí nguồn nhân lực (ưu tiên đào tạo trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ vật liệu mới…). Có thể liên kết với nước ngoài mở các trường đại học đào tạo về những ngành nghề phục vụ hoạt động khoa học - công nghệ mang tính trọng điểm của vùng.

- Tăng cường liên kết giữa các trường - viện - doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ để người học được rèn luyện các kỹ năng nghiên cứu khoa học - kỹ thuật về nông nghiệp ngay trong quá trình học tập, bảo đảm có khả năng đáp ứng yêu cầu công việc ngay sau khi tốt nghiệp.

- Chính quyền và các cơ sở sử dụng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ trong nông nghiệp của vùng phải có những cơ chế, chính sách mang tính đột phá để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học - công nghệ như chính sách về tiền lương, ưu đãi, khen thưởng phù hợp đối với cán bộ khoa học - công nghệ có trình độ cao, có các công trình nghiên cứu xuất sắc hoặc hoạt động trong một số lĩnh vực trọng tâm của vùng. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cán bộ khoa học - công nghệ học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, tuyển chọn các cán bộ khoa học - công nghệ có năng lực trong những lĩnh vực trọng điểm và đang có nhu cầu của vùng để gửi đi đào tạo tại các nước có nền khoa học - công nghệ về nông nghiệp tiên tiến để tạo ra được đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ đầu đàn trong một số lĩnh vực.

Phát triển nguồn nhân lực nông dân

Người nông dân là chủ thể chính trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, là lực lượng lao động đông đảo nhất trong nguồn nhân lực ngành nông nghiệp. Để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, người nông dân cần có một số phẩm chất, kỹ năng chủ yếu sau:

Người nông dân muốn sản xuất nông nghiệp đạt năng suất cao, ngoài sự cần cù, chăm chỉ lao động thì phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, có khả năng tiếp thu kịp thời những tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Người nông dân cũng cần có những hiểu biết và kỹ năng cần thiết trong hội nhập, có phong cách làm việc công nghiệp, mang tính chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế trình độ kỹ thuật của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn rất hạn chế. Mặt bằng chung về trình độ nhận thức của đại đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long còn thấp. Các chỉ số về giáo dục, đào tạo, dạy nghề trong vùng còn thấp xa so với mức trung bình chung của cả nước (tỷ lệ học sinh trung học phổ thông đi học đúng độ tuổi đạt 43,1%), tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I năm 2008 - 2009 là 0,88% so với bình quân chung của cả nước là 0,56%, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 26%, trong đó đào tạo nghề là 20,6%. Trong cuộc điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ dân số chưa tốt nghiệp phổ thông trung học của đồng bằng sông Cửu Long là 32,8% - cao nhất so với các vùng. Tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông là 10,7% - thấp nhất so với các vùng. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo và có bằng từ sơ cấp nghề đến sau đại học chỉ chiếm 8,7%, số lượng chưa được đào tạo sơ cấp nghề đến trên đại học cao nhất cả nước, chiếm 91,3%, lao động có tay nghề kỹ thuật đang trực tiếp sản xuất chỉ chiếm 17%. Trong 15 tỉnh, thành phố của cả nước có tỷ lệ học vấn cao nhất thì không có tỉnh nào thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Chính vì trình độ học vấn của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long thấp nên việc tiến hành phổ biến kiến thức trong sản xuất cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp đối với người nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Trong số hàng ngàn nông dân sử dụng máy gặt đập liên hợp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết đều chưa qua đào tạo cơ bản về kỹ thuật sử dụng nên khó có thể sử dụng tốt và dĩ nhiên xảy ra tình trạng thất thoát lúa trong quá trình vận hành máy là điều tất yếu, đó là chưa nói đến vấn đề an toàn lao động.

Chất lượng nguồn nhân lực nông dân thấp xuất phát từ những hạn chế trong công tác giáo dục, trong đào tạo nghề cũng như hoạt động khuyến nông, khuyến ngư tập huấn kỹ thuật sản xuất cho người nông dân. Chi tiêu cho giáo dục - đào tạo bình quân 1 người 1 năm năm 2010 của đồng bằng sông Cửu long là 2 triệu đồng, bằng 66% mức chi chung của cả nước. Công tác đào tạo và dạy nghề ở đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu và lạc hậu, đội ngũ giáo viên tại nhiều cơ sở thiếu và yếu, nhất là giáo viên dạy nghề… Do trình độ của đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư còn hạn chế nên chất lượng của công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người nông dân còn nhiều bất cập, từ đó cũng ảnh hưởng đến trình độ kỹ thuật của người nông dân.

Chình vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông dân đồng bằng sông Cửu Long đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, trong thời gian tới, vùng cũng cần tập trung thực hiện tốt một số hoạt động sau:

Thứ nhất, khuyến khích doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và kêu gọi các hội, tổ chức trong và ngoài nước tham gia đào tạo nguồn nhân lực nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng nói chung, tạo cho nông dân nói riêng có đủ kiến thức cơ bản tiếp thu những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, có khả năng đưa khoa học - kỹ thuật vào thực hành trong quá trình sản xuất.

Thứ hai, có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ và phân bổ chỉ tiêu hợp lý cho cán bộ khuyến nông ở các địa phương, nhất là mạng lưới cán bộ khuyến nông cấp xã, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quá trình chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người nông dân.

Thứ ba, thường xuyên mở các lớp cấp tốc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, trồng các con, cây khi có giống mới cho bà con nông dân. Việc hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân phải đa dạng về hình thức, nội dung phù hợp với đặc điểm của người nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình tập huấn kỹ thuật cho nông dân ở An Giang thể hiện sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm của các cấp, các ngành trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật cho người nông dân, cần phải được tiếp tục nhân rộng. Hội nông dân An Giang cùng các sở, ngành liên quan có nhiều cách làm sáng tạo trong việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật đến tận đồng ruộng cho nông dân. Hiểu rõ tập quán của bà con nông dân là thường tập trung trao đổi kinh nghiệm sản xuất, tìm hiểu những cách làm hay, cách bón phân hiệu quả, những loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch hại tốt… bên cạnh những tách trà, quán nước, Trung tâm khuyến nông tỉnh An Giang, Báo Nông nghiệp Việt Nam và Hội Nông dân tỉnh An Giang, các địa phương và bà con nông dân thực hiện mô hình “Cà phê khuyến nông”. Đây là nơi để nông dân gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Cùng với mô hình “cà phê khuyến nông”, tỉnh An Giang còn triển khai dự án “Câu lạc bộ Interner nông dân”, mở thí điểm các điểm truy cập Internet tại nhiều địa phương thuần nông, giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận thành tựu khoa học - kỹ thuật, nâng cao dân trí.

Thứ tư, việc dạy nghề cho nông dân phải bám sát nhu cầu thực tế, phương pháp, địa điểm đào tạo phù hợp. Hiện nay, Trung ương Hội làm vườn Việt Nam phối hợp với Tổng cục dạy nghề mở các lớp thí điểm dạy nghề nuôi cá rô phi đơn tính, cá chim trắng, nuôi gà… rất hiệu quả, thu hút đông đảo bà con tham gia. Việc dạy nghề cho nông dân cần phải theo hướng đó. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần điều tra nhu cầu hiểu biết về kỹ thuật của nông dân, quy hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp của từng vùng…

Thứ năm, sửa đổi cách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hiện nay để hỗ trợ cho nông dân hiệu quả hơn. Mỗi năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh, thành nên họp một lần, thông tin với nhau kết quả mới trong năm và những việc cần làm trong năm tới. Cuộc họp này cũng cần có đại diện các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, sở khoa học và công nghệ, hội nông dân, hội làm vườn… Có như vậy những tiến bộ mới mới được thông báo kịp thời và những việc cần làm cho nông dân mới được thực hiện nhanh chóng./.

---------------------------------------

Chú thích:

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2002, tr. 93