TCCSĐT - Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” ở đồng bằng sông Cửu Long đang là chất xúc tác, lan tỏa rộng khắp nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Phú Yên có thể vận dụng những kinh nghiệm quý của mô hình này vào điều kiện cụ thể của tỉnh mình để xây dựng cánh đồng lớn, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Liên kết trong mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” triển khai ở đồng bằng sông Cửu Long

Mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” đã được áp dụng vài năm gần đây ở đồng bằng sông Cửu Long. Phong trào được nhân rộng khoảng hơn 2 năm nay, kể từ ngày 26-3-2011, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động phong trào xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên phạm vi toàn quốc với mục tiêu nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lúa gạo. Phong trào được hưởng ứng mạnh mẽ trên cả nước, riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, 13 tỉnh thành đều đồng loạt triển khai, đến vụ đông xuân 2012 - 2013 tổng diện tích triển khai mô hình đạt 132 nghìn héc-ta, từng địa phương có những bước triển khai đặc thù nhưng đều nhằm thực hiện cùng mục tiêu chung, bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định. Về phía địa phương, các tỉnh, thành thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều triển khai mạnh mẽ, nhân rộng mô hình này, thường giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, theo dõi. Qua 2 năm, số lượng cánh đồng mẫu tăng nhanh về lượng, hiệu quả cũng nâng lên rõ rệt cho nông dân và doanh nghiệp tham gia. Điển hình, hai tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp rất chú trọng đầu tư cho mô hình này. 

Vĩnh Long có Dự án “Xây dựng mô hình và hỗ trợ nông dân trồng lúa theo hướng cơ giới hóa và chứng nhận VietGAP ở tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2011 - 2015”, với mục tiêu xây dựng và củng cố hệ thống nhân giống lúa xác nhận của tỉnh để bảo đảm chỉ tiêu 80% diện tích sản xuất lúa trong tỉnh sử dụng giống cấp xác nhận; xây dựng các cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa ở tỉnh Vĩnh Long, phấn đấu đến năm 2015 đạt diện tích 2.500-3.000 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 372,79 tỷ đồng. Trong đó ngân sách tỉnh là 73,493 tỷ đồng được đầu tư cho 3 hợp phần chính, đó là hợp phần xây dựng và củng cố cơ sở nhân giống lúa với giá trị 22,295 tỷ đồng; hợp phần xây dựng cánh đồng mẫu lớn với giá trị 28,629 tỷ đồng, chủ yếu hỗ trợ trang bị máy cơ giới, thiết bị nông nghiệp; hợp phần đầu tư hạ tầng đồng ruộng với giá trị 44 tỷ đồng. Vốn đầu tư của ngân sách tỉnh tuy không nhiều nhưng đã thể hiện sự quyết tâm của tỉnh kỳ vọng được chứng nhận VietGAP về thương hiệu lúa gạo của Vĩnh Long.

Đồng Tháp từ những năm 2007 đã xây dựng Đề án “Cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hiện đại”, bước đầu đạt được kết quả khả quan, làm nền tảng cho việc phát triển mô hình sản xuất lớn liên kết đầu tư và tiêu thụ lúa giai đoạn 2011 - 2015. Dù ngân sách tỉnh không đầu tư trực tiếp, nhưng Tỉnh đã kêu gọi đầu tư từ phía ngoài. Hiện nay, cánh đồng mẫu lớn thí điểm được triển khai trên đồng ruộng khoảng 1.200ha, thực hiện sạ bằng công nghệ tiên tiến do Ngân hàng Thế giới giúp sức. Nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai cánh đồng liên kết, mới đây Tỉnh đã giao cho Mặt trận Tổ quốc tỉnh phối hợp với Hội Nông dân và Ban Dân vận tỉnh rà soát, tìm hiểu lý do vì sao nông dân chưa tích cực tham gia mô hình liên kết, để làm cơ sở xây dựng Đề án “Vai trò của hệ thống chính trị Tỉnh trong việc góp phần thúc đẩy phát triển mô hình cánh đồng liên kết tại tỉnh Đồng Tháp”. Đồng thời, Tỉnh triển khai dự án “Doanh nghiệp - Hợp tác xã - nông dân về tiêu thụ lúa gạo và cung ứng vật tư trên địa bàn Đồng Tháp”. Sở Nông nghiệp phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội thảo với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân để tìm ra “điểm nghẽn” trong liên kết tiêu thụ lúa cho nông dân...

Mối liên kết dọc giữa doanh nghiệp với nông dân, được coi là mối quan hệ chính của mô hình được triển khai đồng bộ. Doanh nghiệp giữ vai trò hỗ trợ cho nông dân cung ứng vật tư đầu vào cho sản xuất lúa và thu mua sản phẩm ở đầu ra. Rất nhiều doanh nghiệp thực hiện một hoặc một số công đoạn trong quá trình liên kết này. Về phía đầu vào, Công ty Phân bón Bình Điền hỗ trợ cho nông dân tham gia cánh đồng mẫu dưới hình thức bán phân bón miễn phí vận chuyển. Công ty Hợp Trí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức trả chậm cho nông dân sản xuất lúa. Công ty Điền Vạn Lợi cung cấp phân bón lá sinh học và Công ty CPC cung ứng thuốc bảo vệ thực vật theo giá thỏa thuận, cho nợ đến cuối vụ không tính lãi…

Về phía đầu ra, lượng doanh nghiệp tham gia tiêu thụ sản phẩm chưa được nhiều so với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào, nhưng được các doanh nghiệp đầu tư đa dạng hơn so với đầu vào. Cụ thể vào vụ đông xuân 2013, Công ty Gentraco thực hiện bao tiêu sản phẩm lúa Jasmin 85, giá chênh lệch so với thị trường từ 50 - 250 đồng/kg và đã kết hợp với một Công ty của Hàn Quốc hỗ trợ kỹ thuật canh tác, thử nghiệm máy móc phục vụ sản xuất (máy sạ, máy phun phân, thuốc bảo vệ thực vật, máy ủ hạt…). Công ty Trung An thu mua lúa tươi theo giá thỏa thuận, hỗ trợ phương tiện vận chuyển thu gom lúa, cho nông dân gởi lúa tại kho không tính tiền lưu kho để chờ giá bán. Công ty Võ Thị Thu Hà dù không đầu tư nhưng ký kết hợp đồng tiêu thụ, đã cử nhân viên thăm đồng vào 2 giai đoạn lúa trổ và trước thu hoạch 7 ngày, sau đó ký hợp đồng mua của nông dân với giá cao hơn thị trường từ 100-200 đồng/kg; đồng thời thưởng 10 đồng/kg lúa đối với hộ nông dân thực hiện đúng hợp đồng ký và trả thù lao 20 đồng/kg cho ban quản trị hợp tác xã về công tác quản lý, vận động nông dân tham gia. Công ty Lương thực Tiền Giang ký hợp đồng tiêu thụ với nông dân theo giá bảo hiểm và mua theo giá thị trường tại thời điểm thu hoạch, nếu tại thời điểm thu hoạch giá thị trường thấp hơn giá bảo hiểm thì Công ty mua theo giá bảo hiểm, khi giá thị trường cao hơn giá bảo hiểm thì Công ty mua theo giá thị trường (giá bảo hiểm thường được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất của vụ trước cộng thêm 40% lợi nhuận cho nông dân nhưng được tính theo quy đổi theo lúa khô 15%). Việc đầu tư bao tiêu lúa của Công ty Lương thực Tiền Giang được tiến hành theo 2 hình thức: chỉ bao tiêu sản phẩm (sẽ áp dụng phương pháp trên) hoặc đầu tư ứng trước phân bón, lúa giống và bao tiêu đầu ra. Lúc này, Công ty đầu tư ứng trước 100% vốn cho bà con nông dân để cung ứng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với thời gian 4 tháng (không tính lãi suất), khi thu hoạch Công ty sẽ mua bằng hoặc cao hơn giá thị trường, khấu trừ lại tiền ứng trước cho nông dân, phần còn lại sẽ thanh toán ngay bằng tiền mặt tại thời điểm mua.

Doanh nghiệp tham gia cả đầu ra và đầu vào trong chuỗi giá trị thực hiện cánh đồng lớn được nhiều người biết đến là Công ty cổ phần bảo vệ thực vật An Giang. Công ty có nhiều công ty con, nhà máy rải rác hầu hết khắp các tỉnh thành của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu hoạt động của Công ty trong lĩnh vực nông nghiệp là hướng về nông dân qua việc nâng cao giá trị hạt gạo và nghề trồng lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm bớt cơ cực và độc hại cho nông dân và thay đổi vị thế của người nông dân. Công ty cung cấp giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ vậy đã giải quyết được vấn đề cùng nông dân ra đồng, cùng nông dân chăm sóc sức khỏe và cùng nông dân vui chơi giải trí. Những giải pháp cụ thể Công ty thực hiện qua mối liên kết dọc với nông dân có thể tóm lược: 1. Công ty ký hợp đồng cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân và sẽ trừ nợ khi nông dân bán lúa cho Công ty; 2. Quá trình nông dân canh tác lúa, Công ty sẽ chuyển giao quy trình, kiểm soát quá trình canh tác thông qua đội ngũ “Bạn nhà nông (FF)” làm tư vấn. Mỗi FF sẽ phụ trách hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân trên diện tích khoảng 50 ha, đồng thời hướng dẫn ghi chép chi phí sản xuất qua “Nhật ký đồng ruộng”; 3. Khi thu hoạch, Công ty sẽ hỗ trợ cho nông dân gặt, vận chuyển lúa về nhà máy sấy và sấy miễn phí, cho gửi kho miễn phí trong thời gian 30 ngày; 4. Khi thu mua, Công ty niêm yết giá bán theo thị trường, cho nông dân lựa chọn hoặc bán cho Công ty hoặc bán ra ngoài, người nông dân khi bán lúa cho Công ty sẽ được nhận ngay tiền tại nhà máy. Nếu nông dân không bán lúa cho Công ty thì sẽ phải hoàn lại mọi khoản hỗ trợ đã nhận bao gồm lãi suất của chi phí vật tư (theo mức lãi suất của Ngân hàng Nông nghiệp), bao bì, công vận chuyển, phí lưu kho (nếu có).

Để xây dựng thành công cánh đồng lớn sản xuất lúa tại Phú Yên

Phú Yên là tỉnh thuộc Duyên hải miền Trung, có nhiều cánh đồng rộng, lớn được tự hào là vựa lúa, trong kháng chiến đã sản xuất lúa gạo cung cấp cho các tỉnh miền Trung. Hiện nay, về thủy lợi tỉnh đã đầu tư khá hoàn chỉnh, hệ thống kênh, mương đã có khả năng cung cấp tưới tiêu cho nông nghiệp về cơ bản. Điều kiện hiện tại rất thuận lợi cho Tỉnh phát triển nông nghiệp, nhất là sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn. Tính đến nay, ngành trồng trọt phát triển khá; tổ chức sản xuất cơ bản bảo đảm theo quy hoạch; hình thành một số vùng sản xuất tập trung, với quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến; chú trọng đầu tư thâm canh, áp dụng giống mới, từng bước áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất tiến bộ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất. An ninh lương thực được bảo đảm. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt giai đoạn 2009 - 2013 tăng bình quân 4,4%/năm. Duy trì ổn định diện tích sản xuất lúa 2 vụ khoảng 47.000ha; năm 2012, diện tích gieo trồng lúa khoảng 57.150ha. Những thành tựu trên cho thấy sản xuất lúa gạo của Phú Yên phát triển, nhưng vẫn còn hạn chế là các hình thức tổ chức sản xuất chậm đổi mới, kinh tế tập thể chưa làm được vai trò hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của đa số hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất lúa còn thấp.

Để phát huy lợi thế sản xuất lúa gạo, hướng tới phát triển bền vững, Tỉnh đã đề ra mục tiêu: “Đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất; nhân rộng các mô hình sản xuất tiến tiến… Qua việc tăng cường các hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật, ứng dụng nhân rộng các mô hình sản xuất tiên tiến đạt hiệu quả cao cho nông dân; tăng nhanh tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu trong sản xuất nông nghiệp, bảo quản chế biến sau thu hoạch; áp dụng các quy trình VietGAP, thân thiện với môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm”. Với mục tiêu này, trong sản xuất lúa chất lượng cao, Phú Yên rất nên nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” bằng chính tiềm năng sẵn có kết hợp với nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm, mô hình thành công ở đồng bằng sông Cửu Long qua các giải pháp tham khảo sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cả hệ thống chính trị và người dân về tính cần thiết liên kết xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Các cơ quan tuyên giáo, dân vận, hội nông dân, thông tin truyền thông làm chủ lực xây dựng kế hoạch tuyên truyền về mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Tỉnh, lợi ích của người nông dân sẽ được hưởng trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn. Cần tuyên truyền cho người nông dân thấy rõ vị trí, vai trò của mình trong việc thực hiện chuỗi giá trị tạo ra lợi nhuận cao cho các bên liên kết (nông dân - doanh nghiệp). Tuyên truyền cần có thực tiễn sinh động, thông qua giới thiệu những mô hình, gương điển hình trong xây dựng cánh đồng mẫu tại những địa phương đã, đang thành công trên lĩnh vực này.

Thứ hai, đầu thích đáng cho việc xây dựng cánh đồng lớn bằng mọi nguồn lực, trong đó vốn ngân sách cần được chú trọng, nhất là ở giai đoạn đầu. Cụ thể, đầu tư cho thúc đẩy việc cơ giới hóa trên đồng ruộng, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới theo hướng thực hành nông nghiệp tốt nhằm tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường và giảm thiểu phát thải trên cánh đồng mẫu; vận động nông dân liên kết gắn với phát triển hợp tác xã, tạo sự đồng thuận trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn bằng “ban bờ” để có được cánh đồng liền thửa, liền vùng, có thể nâng cao được hiệu quả cơ giới hóa…

Thứ ba, tạo cầu nối liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân và Hội Doanh nghiệp chủ trì tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi giữa doanh nghiệp - nông dân. Qua đó, xác định rõ được vị trí, vai trò của mỗi chủ thể trong mối liên kết dọc, để từ đó có những biện pháp quản lý, chính sách hỗ trợ phù hợp cho việc triển khai thực hiện xây dựng cánh đồng lớn; nhân rộng các mô hình liên kết doanh nghiệp - nông dân hay trên toàn Tỉnh; chú trọng mối liên kết đầu ra tiêu thụ lúa gạo. Thực tiễn cho thấy trong liên kết đầu ra hiện người nông dân vẫn còn “hồi hộp” sợ không tiêu thụ được sản phẩm của mình.

Thứ tư, tạo điều kiện và có những chính sách ưu đãi đầu tư cho các đối tượng tham gia trong liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm khi họ tham gia thực hiện mô hình cánh đồng mẫu./.