Tối 19-10, tại Quảng trường 30-10, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức trọng thể Lễ mít tinh kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh (30-10-1963 – 30-10-2013) và 20 năm thành lập thành phố Hạ Long (1993 - 2013).

Tham dự buổi Lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư; Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương cùng các tỉnh, thành phố, bạn bè quốc tế và 10.000 cán bộ, công chức, nhân dân tỉnh Quảng Ninh.

Về phía tỉnh Quảng Ninh có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, là một tỉnh nằm ở phía Đông Bắc của tổ quốc, có vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - quốc phòng và được ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, trải qua những thăng trầm của lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, quân và dân Quảng Ninh đã lập được nhiều thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng, bảo vệ quê hương cũng như góp phần cùng cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trải qua 50 năm xây dựng và phát triển, từ một tỉnh nghèo với nhiều khó khăn, thách thức, còn lệ thuộc vào sự trợ giúp của Trung ương; đến năm 2012, Quảng Ninh trở thành tỉnh đứng thứ 5 cả nước về thu ngân sách, tổng thu ngân sách đạt 30.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng GDP trong suốt 2 thập kỷ qua luôn đạt 10%/năm, GDP bình quân đầu người năm 2012 đạt 2.910 USD, gấp 1,7 lần so với cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những chuyển dịch tích cực, tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm dần, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng nhanh và giữ vai trò chủ đạo. Môi trường đầu tư được cải thiện đáng kể, thu hút vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh trong những năm gần đây.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Quảng Ninh đã tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế “xanh” với quyết tâm chính trị và sự tìm tòi, sáng tạo, đột phá trong tư duy, tầm nhìn chiến lược. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy, biên chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; xây dựng chính quyền điện tử và thành lập trung tâm dịch vụ hành chính công; nâng cao hiệu quả ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ gắn với phát triển nguồn nhân lực; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tập trung nguồn lực xây dựng các công trình động lực nhất là hạ tầng giao thông, tạo sức lan tỏa.

Đặc biệt, đúng dịp kỷ niệm 50 năm thành lập, tỉnh đã hoàn thành và gắn biển 30 công trình trọng điểm. Trong đó, điển hình là công trình bảo tàng, thư viện hiện đại, có kinh phí 930 tỷ đồng và công trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô, với tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng.

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội và chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân được quan tâm và có nhiều bước tiến bộ, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao. Chất lượng giáo dục được nâng lên; công tác y tế có nhiều chuyển biến, số giường bệnh trên 1 vạn dân đạt 42,3 giường, gấp đôi bình quân chung của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,52%. Chỉ số phát triển con người (HDI) luôn nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước. Diện mạo nhiều vùng nông thôn thay đổi rõ rệt, tỷ lệ xã cơ bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới chiếm 25% của cả nước.

Là địa phương được thiên nhiêu ưu đãi với nhiều kỳ quan thiên nhiên, di sản độc nhất vô nhị như Vịnh Hạ Long, Yên Tử… Quảng Ninh hiện đang là điểm đến hấp dẫn thu hút hàng triệu khách mỗi năm.

Trong 20 năm qua, đồng hành cùng với sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh, thành phố Hạ Long đã trở thành Trung tâm kinh tế chính trị của tỉnh với nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Với việc ngày 10-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt thành phố Hạ Long trở thành đô thị loại I, đây chắc chắn sẽ là bước tạo đà vững chắc để Hạ Long trở thành trung tâm phát triển của vùng, là thành phố du lịch, cảng biển quốc tế văn minh, hiện đại; xứng đáng với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội của tỉnh.

Bước vào giai đoạn mới trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, song với việc tỉnh Quảng Ninh được Trung ương đồng ý cho xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù riêng, trong đó nổi bật là xây dựng Đặc khu kinh tế - hành chính đặc biệt Vân Đồn, đây có thể coi là lợi thế không nhỏ. Do đó, để triển khai có hiệu quả chủ trương này, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai xây dựng một loạt các quy hoạch trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, tại kỳ họp thứ 10, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XII cũng đã chính thức thông qua Nghị quyết Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Phát biểu tại buổi lễ, thay lãnh đạo Đảng và Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh nhiệt liệt biểu dương thành tích và những tiến bộ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh, bước sang giai đoạn mới, với mục tiêu xây dựng Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và đạt các tiêu chí tỉnh nông thôn mới; tạo đà để đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch quốc tế, một trong những đầu tàu kinh tế của miền Bắc và cả nước, Quảng Ninh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển bền vững và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế “xanh”. Lấy trọng tâm là phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại, chất lượng cao; lấy du lịch, dịch vụ phức hợp quy mô lớn, hiện đại để hình thành ngành công nghiệp giải trí làm mũi nhọn. Phát triển công nghiệp bảo đảm an ninh năng lượng, công nghệ cao; nông nghiệp sinh thái và kinh tế biển. Huy động mọi nguồn lực để tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, xây dựng đường cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt… Tập trung cải cách hành chính, hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử và thành lập trung tâm hành chính công trong năm 2014. Chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ nhân tài, phát triển nguồn nhân lực gắn với tiếp tục ưu tiên đầu tư thỏa đáng cho ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ.

Thứ hai, đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các đối tác và nhà đầu tư chiến lược; đa dạng các hình thức đầu tư và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ bên trong.

Thứ ba, phát triển các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; xây dựng một số thiết chế văn hóa - thể thao, y tế, giáo dục có quy mô quốc tế phục vụ phát triển du lịch.

Thứ tư, tập trung đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đổi mới công tác tuyển dụng, đề bạt bổ nhiệm cán bộ theo hướng thi tuyển cạnh tranh, minh bạch, công khai.

Đẩy mạnh phân cấp gắn với cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đổi mới công tác dân vận; nâng cao vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.

Thứ năm, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biên cương, biển đảo, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, tăng cường hợp tác hữu nghị biên giới, phát triển quan hệ hợp tác với các địa phương, các tổ chức quốc tế, các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới... để hợp tác kinh tế, văn hoá và thu hút đầu tư.

Với những kết quả, thành tựu đạt được, đồng chí Lê Hồng Anh tin tưởng rằng tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hạ Long sẽ tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của mình là địa bàn động lực trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng Đồng bằng sông Hồng và đang tạo ra thế và lực mới quan trọng cho sự phát triển trong thời gian tới.

Tại Lễ mít tinh. đã diễn ra cuộc diễu hành biểu dương lực lương và chương trình biểu diễn nghệ thuật. Chương trình có sự tham gia của 500 diễn viên chuyên nghiệp, người mẫu, diễn viên không chuyên; 24 khối diễn gồm trên 2.400 người của lực lượng vũ trang, công an nhân dân, các sở, ban ngành, tổ chức, đoàn thể, lực lượng thanh niên, nhân dân các địa phương../.