Đồng bào, chiến sĩ cả nước tiễn đưa đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Từ sáng sớm, tại khu vực Nhà Tang lễ quốc gia, đông đảo cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đã có mặt dự Lễ truy điệu, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng.
Quang cảnh Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội |
Thân thiết và gần gũi bên linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia quyến trong giờ phút thiêng liêng đầy xúc động này có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường vụ Quân ủy Trung ương.
Các đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải; nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm cùng các đồng chí nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, các đồng chí lãnh đạo và đại diện các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hà Nội và nhiều địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng, các cựu tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh, những người đồng chí, đồng đội, bạn chiến đấu thân thiết của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có mặt tiễn biệt người đồng chí kính mến.
Cụ bà Đặng Bích Hà, người bạn đời của Đại tướng cùng các con, cháu và đông đủ người thân trong gia quyến Đại tướng có mặt bên linh cữu trong giờ phút đầy thương đau này.
Dự Lễ truy điệu và đưa tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Choummaly Sayasone; Chủ tịch danh dự Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Heng Samri.
Đúng 7 giờ, Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt đầu.
Quân nhạc cử Quốc thiều.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quân uỷ Trung ương, quân và dân cả nước, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Lễ tang, đọc Lời điếu.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc Lời điếu tại Lễ truy điệu. |
Tổng Bí thư xúc động nói: Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung; vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã vĩnh biệt chúng ta. Đây là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, Quân đội ta và gia quyến Đồng chí.
Ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, trong một gia đình nhà nho, giàu truyền thống yêu nước. Trọn cả cuộc đời với hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã có nhiều công lao to lớn và cống hiến đặc biệt xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta. Cuộc đời hoạt động của Đồng chí gắn liền với quá trình phát triển của cách mạng nước ta và những mốc son lịch sử trọng đại, oanh liệt, đầy hy sinh, gian khổ của Đảng và dân tộc. Hơn 30 năm trên cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đồng chí luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần cách mạng tiến công, sáng tạo trong nghệ thuật quân sự, nghệ thuật cầm quân, quyết chiến và quyết thắng, đánh bại mọi âm mưu và thủ đoạn chiến tranh thâm độc của kẻ thù.
Tên tuổi Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với thắng lợi vĩ đại của hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi đó là kết tinh sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được dẫn dắt bởi đường lối cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; được làm nên bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta cùng trí tuệ của một tập thể cán bộ lãnh đạo tài năng, dày dạn, được tôi luyện trong đấu tranh cách mạng mà Đồng chí là một trong những người tiêu biểu.
Quá trình tham gia lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh cách mạng, cùng với Trung ương Đảng, Bác Hồ, Đồng chí có công lao to lớn góp phần vào việc hình thành và phát triển học thuyết quân sự - đường lối chiến tranh nhân dân độc đáo Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Học thuyết đó kế thừa, phát triển, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của ông cha ta, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta làm nên thắng lợi vĩ đại trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với lực lượng vũ trang và quân đội, Đồng chí đặc biệt quan tâm, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng, thương yêu cán bộ, chiến sĩ; luôn bám sát thực tiễn, có mặt ở những địa bàn, chiến trường trọng yếu. Cán bộ, chiến sĩ quân đội luôn ghi nhớ và mãi mãi tự hào về một người chỉ huy, một vị Tổng tư lệnh tài năng xuất chúng nhưng rất bình dị, gần gũi, thân thiết.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, dù ở cương vị nào, Đồng chí cũng mang hết nhiệt huyết, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào những vấn đề lớn của đất nước, nhất là trong phát triển khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; mở rộng quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới...
Trong nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Bác giáo dục, rèn luyện, Đồng chí đã luôn quan tâm tới vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thường xuyên nhấn mạnh phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, vững mạnh, giữ vững nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa rời quần chúng; chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Đồng chí luôn căn dặn cán bộ phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới, gắn bó mật thiết với nhân dân. Bản thân Đồng chí không ngừng phấn đấu, rèn luyện, học tập tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống, thực hành nói và làm theo tư tưởng, tấm gương của Bác, luôn thể hiện rõ phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; sống giản dị, khiêm tốn; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đặt lợi ích của Đảng, Tổ quốc và nhân dân lên trên hết.
Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn Đồng chí là Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đồng chí in đậm trong lòng dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc.
Đối với phong trào cách mạng thế giới, cống hiến của Đồng chí góp phần cổ vũ mạnh mẽ cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội, chống áp bức, bóc lột, bất công ở các nước thuộc địa châu Á, châu Phi, châu Mỹ La tinh. Tên tuổi của Đồng chí đã được thế giới vinh danh và nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hoà bình ngưỡng mộ, cảm phục.
Đối với quê hương Quảng Bình, Đồng chí luôn dành sự quan tâm đặc biệt, mong mỏi Quảng Bình ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp. Đồng chí là niềm tự hào to lớn của mỗi người dân Quảng Bình.
Trong gia đình, Đồng chí là người chồng, người cha, người ông, người cụ mẫu mực, đức độ, giàu lòng nhân ái, đức hy sinh, luôn gần gũi, bao dung, quan tâm đến mọi người.
Với 103 tuổi đời, hơn 70 tuổi Đảng và những cống hiến to lớn, đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp cách mạng, Đồng chí đã được tặng thưởng Huân chương Sao vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sĩ cả nước kính trọng, yêu quý, học tập và noi theo.
Chúng tôi nguyện cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, ra sức phấn đấu, tiếp tục đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và các thế hệ cách mạng đi trước, trong đó có Anh, đã trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; tiếp tục kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, vì mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tổng Bí thư xúc động nói: Thưa Anh Văn! Anh ra đi nhưng hình ảnh và những cống hiến to lớn của Anh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc sống mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng nhân dân và bạn bè quốc tế.
Trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sĩ," các đại biểu dự Lễ truy điệu dành phút mặc niệm, tưởng nhớ đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh; người chiến sĩ cách mạng kiên trung mà tài năng và đức độ đã trở thành niềm tin, niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Với niềm xúc động sâu sắc và chân thành, ông Võ Điện Biên, con trai cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt gia quyến, phát biểu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước tình cảm mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận, Quân đội, đồng bào, đồng chí trong cả nước, các đoàn đại biểu các nước anh em, bè bạn, các vị trong đoàn ngoại giao và các tổ chức quốc tế đã dành cho Đại tướng Võ Nguyễn Giáp trong những ngày qua; cảm ơn các giáo sư, bác sĩ, y tá và nhân viên phục vụ bệnh viện Trung ương quân đội 108 đã tận tình, ân cần chăm sóc Đại tướng đến giây phút cuối cùng…
Ông Võ Điện Biên xúc động bày tỏ: Trong phút thiêng liêng này xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả các anh hùng liệt sỹ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng Đại tướng trong các cuộc trường chinh và cho đến những giây phút cuối cùng. Đại tướng cả đời vì nước vì dân và lúc mất đi chắc chắn tinh thần của Đại tướng sẽ hòa cùng tinh thần của hàng chục triệu người dân nước Việt biến thành sức mạnh vì một nước Việt Nam hùng cường và thịnh vượng.
Đúng 7 giờ 30 phút, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được di chuyển lên cỗ linh xa.
Với tình cảm trân trọng và niềm tiếc thương sâu sắc, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội cùng gia quyến chuyển linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra cỗ linh xa.
Lễ chuyển linh cữu Đại tướng được cử hành theo nghi thức trang trọng nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, với đội danh dự đại diện cho ba Quân chủng: Hải quân, Lục quân và Không quân.
Đúng 7 giờ 40 phút, đoàn xe chở linh cữu Đại tướng Võ Nguyễn Giáp bắt đầu chuyển bánh. Giữa đoàn xe tiêu binh, linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được phủ Quốc kỳ và đặt trân trọng trên cỗ xe trọng pháo.
Xe tang lăn bánh trong tình cảm lưu luyến, ngập tràn xúc động của hàng vạn đồng bào, đồng chí Thủ đô và các tỉnh, thành đứng chật bên các tuyến đường Trần Thánh Tông - Tràng Tiền - Tràng Thi - Điện Biên Phủ - Hoàng Diệu - Trần Phú - Lê Trực - Sơn Tây - Kim Mã - Cầu Giấy - Xuân Thủy - Phạm Văn Đồng - cầu Thăng Long - sân bay Quốc tế Nội Bài. Bao trái tim nghẹn ngào tiễn biệt vị “Đại tướng của nhân dân”, người Cộng sản kiên trung, mẫu mực, một thiên tài quân sự, đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc.
Lễ truy điệu Đại tướng tại quê hương Quảng Bình
Ngày 13-10, tại Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, số 6 đường Hùng Vương, thành phố Đồng Hới, Lễ truy điệu theo nghi thức Quốc tang đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cử hành trọng thể.
Từ sáng sớm, tại khu vực Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, các tầng lớp nhân dân đã có mặt dự Lễ truy điệu, tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình. |
Tại Hội trường A1, Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, các lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo các tỉnh, thành; nhiều tướng lĩnh quân đội nhân dân; đại điện các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại tỉnh Quảng Bình; các đồng chí, bạn bè, đại diện gia đình, người thân đã có mặt trước giờ tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đúng 7 giờ, Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính thức được cử hành.
Quân nhạc cử Quốc thiều.
Đồng chí Lương Ngọc Bính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, thành viên Ban Lễ tang Nhà nước, Trưởng ban chỉ đạo Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình đọc lời giới thiệu.
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Quảng Bình được tiến hành cùng thời điểm Lễ truy điệu tại Nhà Tang lễ Quốc gia - Hà Nội.
Trong nền nhạc trầm buồn "Hồn tử sỹ," các đại biểu dự Lễ truy điệu tại Quảng Bình lặng lẽ nghiêng mình tưởng niệm đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình.
Trong giây phút thiêng liêng, xúc động, đông đảo nhân dân tại tỉnh Quảng Bình lặng mình theo dõi tường thuật trực tiếp Lễ truy điệu Đại tướng từ Nhà Tang lễ Quốc gia.
Tại Nhà lưu niệm của Đại tướng ở quê nhà An Xá, huyện Lệ Thủy, hàng chục ngàn người dân đã đổ về đây, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Đại tướng trong niềm thương tiếc khôn nguôi.
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tiến hành trọng thể tại Quảng Bình.
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP. Hồ Chí Minh
Sáng 13-10, tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, Lễ truy điệu đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được cử hành trọng thể.
Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại TP. Hồ Chí Minh. |
Ngay từ sáng sớm, hơn 500 đại biểu đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7 và các tổ chức đoàn thể, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên đã tập trung tại khu vực Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, theo dõi Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được truyền tiếp từ Nhà Tang lễ quốc gia, Hà Nội.
Cùng lúc đó, hàng ngàn người dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam vẫn tiếp tục di chuyển về Hội trường Thống nhất để chờ đợi được tiếp tục vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Trong không khí trang nghiêm, xúc động, đúng 7 giờ, Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống Nhất đã diễn ra trong không khí nghẹn ngào, tiếc thương vô hạn. Nhiều người đã không kìm được nước mắt khi dõi theo những hình ảnh cảm động Lễ truy điệu được truyền tiếp từ Nhà Tang lễ Quốc gia.
Sau khi Lễ truy điệu kết thúc, hàng ngàn người dân tiếp tục vào viếng và thắp những nén nhang tiễn biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi an nghỉ cuối cùng.
Theo Ban tổ chức Lễ viếng và truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hội trường Thống nhất Thành phố Hồ Chí Minh, trong ngày tổ chức Lễ viếng Đại tướng, ngày 12-10, đã có hơn 80.000 lượt người dân vào viếng. Bên cạnh đó, tại các điểm tổ chức viếng Đại tướng ở Bộ Tư lệnh thành phố, các quận, huyện và tại Nhà văn hóa Thanh niên đã có hơn 40.000 lượt người đến viếng Đại tướng. Đặc biệt, tại Hội trường Thống nhất, Lễ viếng diễn ra tới gần 2 giờ sáng ngày 13-10.
Hình ảnh Lễ an táng tại Quảng Bình
Bàn tay chiến sĩ nhẹ nhàng đưa Đại tướng trở về với Đất Mẹ - Quảng Bình
Đồng bào, chiến sĩ trong giây phút tiễn biệt Đại tướng |
Các cơ quan đại diện Việt Nam tổ chức lễ viếng Đại tướng  (13/10/2013)
Truyền thông quốc tế đưa tin Lễ Quốc tang Đại tướng  (13/10/2013)
Họp báo công bố các hoạt động Chương trình lễ kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh  (13/10/2013)
Iran tuyên bố sẽ không chuyển urani đã được làm giàu  (13/10/2013)
Cựu Tổng thống Pakistan Musharraf bị cấm xuất cảnh  (13/10/2013)
Các cuộc thương lượng ở Quốc hội Mỹ tiếp tục đổ vỡ  (13/10/2013)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên