ASEAN tái khẳng định quan trọng an ninh Biển Đông
Tuyên bố Chủ tịch cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 có đoạn: "Chúng tôi tái khẳng định những cam kết chung trong khuôn khổ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nhằm bảo đảm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được công nhận rộng rãi, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, mà không cần phải đe dọa hay sử dụng vũ lực, thay vào đó tự kiềm chế trong hành xử."
Theo tuyên bố, các lãnh đạo mong muốn tiếp tục can dự với Trung Quốc trong việc thực thi DOC một cách đầy đủ và hiệu quả, thông qua các hoạt động và dự án hợp tác chung đã được hai bên nhất trí trước đó.
Phát biểu với các phóng viên trong ngày làm việc cuối cùng của hội nghị, Chủ tịch ASEAN, Quốc vương Brunei Haji Hassanal Bolkiah cho biết ông lạc quan về tiến triển đạt được giữa 10 nước thành viên nhằm xúc tiến các cuộc đàm phán với Trung Quốc, mang lại triển vọng xán lạn cho vấn đề Biển Đông.
Theo tin từ hội nghị, các Ngoại trưởng ASEAN sẽ nhóm họp trước cuộc gặp với phía Trung Quốc về vấn đề Biển Đông vào cuối năm nay. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cho biết các Ngoại trưởng ASEAN sẽ thảo luận để thống nhất quan điểm chung trước khi bắt đầu cuộc họp với Trung Quốc.
Về kinh tế, Tuyên bố Chủ tịch nhận định rằng đến nay, các nước ASEAN đã thực hiện được 77,57% nội dung trong kế hoạch thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Các nhà lãnh đạo cũng nhất trí thúc đẩy cạnh tranh nội khối thông qua đẩy mạnh thương mại và đầu tư, coi đây là đòn bẩy tích cực cho tiến trình xây dựng AEC, đồng thời đưa ra một lộ trình thực hiện các sáng kiến hỗ trợ hoạt động thương mại và đầu tư trong khu vực.
Tuyên bố của Hội nghị Cấp cao ASEAN cho rằng các nước thành viên vẫn cần thêm nhiều nỗ lực hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu thành lập AEC vào năm 2015. Bộ trưởng Thương mại Philippines Gregory Domingo nêu rõ mặc dù các nước ASEAN đã vượt qua được chặng đường dài hướng tới một thị trường chung kể từ thời điểm khởi xướng (năm 2007), song phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Các nước cần mở cửa hơn nữa các lĩnh vực dịch vụ như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông và bán lẻ; thống nhất về thủ tục hải quan và giảm bảo hộ trong nông nghiệp.
Trong Tuyên bố Chủ tịch, các nhà lãnh đạo ASEAN thể hiện quyết tâm đẩy mạnh hợp tác trong một số vấn đề an ninh của khu vực, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN, kêu gọi tăng cường nỗ lực hơn nữa trong chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, chống lại những thách thức phi truyền thống đang ngày một gia tăng, chống nạn buôn người và giải quyết tình trạng bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Đề cập tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN tái khẳng định ủng hộ hoàn toàn mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và sớm nối lại vòng đàm phán sáu bên. Tuyên bố Chủ tịch nêu rõ: “Chúng tôi khuyến khích Triều Tiên tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ của nước này đối với tất cả các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng như các cam kết trong Tuyên bố chung đàm phán sáu bên ngày 19-9-2005.”
Các nhà lãnh đạo ASEAN còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của đối thoại nhằm tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa tất cả các bên liên quan, nhằm bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Cũng trong tuyên bố này, các nhà lãnh đạo ASEAN một lần nữa khẳng định cam kết duy trì Đông Nam Á là khu vực không có vũ khí hạt nhân cũng như các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác. Tuyên bố viết: “Chúng tôi trông đợi việc ký kết Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) và các văn kiện liên quan càng sớm càng tốt.”
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra trong hai ngày 24 và 25-4, với chủ đề “Người dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta.”
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh ASEAN cần tiếp tục đoàn kết, phát huy tiếng nói chung, phát huy vai trò tích cực, chủ động trong bảo đảm môi trường hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trong tăng cường hợp tác ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí cần tiếp tục tăng cường hợp tác với các đối tác, nhất là cần triển khai hiệu quả các thỏa thuận, chương trình hợp tác đã có, đồng thời cần chủ động định hướng hợp tác tại các khuôn khổ, diễn đàn hợp tác giữa ASEAN với các đối tác./.
ASEAN cam kết tăng cường hỗ trợ Myanmar cải cách  (26/04/2013)
Các bên sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông  (26/04/2013)
Nhật: Thành phố Nemuro muốn xuất khẩu cá sang Việt Nam  (26/04/2013)
"Nga, Mỹ cần hợp tác chống khủng bố sau vụ Boston"  (26/04/2013)
Chỉ số niềm tin kinh doanh trong quý 1 tăng mạnh  (26/04/2013)
Doanh nghiệp Italy tìm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam  (26/04/2013)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên