Căng thẳng quan hệ, chẳng bên nào có lợi

An An tổng hợp
23:46, ngày 18-10-2012
TCCSĐT - Ngày 17-10-2012, Thổ Nhĩ Kỳ lại có cuộc nã pháo trả đũa Xy-ri sau khi một quả đạn cối từ phía Xy-ri rơi xuống lãnh thổ nước này. Quả đạn rơi xuống vị trí cách biên giới 3m và chỉ cách một nông trại (của Thổ Nhĩ Kỳ) khoảng 150m, nhưng không gây thương vong hay thiệt hại nào. Ngay sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trả từ một căn cứ ở thị trấn biên giới Ha-chi-pa-xa (Hacipasa).
Trong hơn 10 ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả một cách có hệ thống sau mỗi lần biên giới nước này với Xy-ri bị xâm phạm bởi các vụ nã pháo từ phía bên kia giới tuyến. Hôm 3-10, một quả đạn bắn từ phía Xy-ri đã làm 5 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng. Trong khi đó, tại Xy-ri các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối vẫn tiếp diễn. Ngày 17-10, một cuộc giao tranh ác liệt đã diễn ra tại thị trấn Ma-a-rét An Nu-man (Maaret al-Numan) để giành giật đoạn đường cao tốc từ thủ đô Đa-mát (Damascus) đi A-lép-pô (Aleppo). Lực lượng chống đối đã bắn rơi một máy bay lên thẳng của quân đội chính phủ.

Cuộc xung đột tại Xy-ri tiếp diễn hết sức phức tạp do cả lực lượng chính phủ và lực lượng chống đối tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên ngoài. Nga đã bán cho quân đội Chính phủ Xy-ri số vũ khí trị giá 1 tỉ USD trong năm ngoái, còn Trung Quốc đã ba lần bỏ phiếu chống tại các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thông qua các nghị quyết chống Xy-ri do các nước phương Tây đề xuất. Trong khi đó, một số nước trong khu vực và phương Tây (Mỹ, Pháp...) ủng hộ phe chống đối và thường xuyên rót tiền cũng như "viện trợ nhân đạo" cho lực lượng này.

Căng thẳng trong quan hệ Xy-ri - Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành cao trào sau khi Thổ Nhĩ Kỳ buộc một máy bay dân sự của Xy-ri đi từ Nga tới Đa-mát phải hạ cánh xuống Sân bay Esenboga ở thủ đô An-ca-ra ngày 13-10, với lý do máy bay này chở "hàng phi dân sự", mà An-ca-ra cho là "những thiết bị quân sự của Nga cho Bộ Quốc phòng Xy-ri". Đáp trả hành động trên, Chính phủ Xy-ri đã ban hành lệnh cấm các chuyến bay dân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng lãnh thổ Xy-ri ngay trong đêm. Ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng cửa không phận đối với các chuyến bay dân sự của Xy-ri với lý do chính quyền Xy-ri "lợi dụng" các chuyến bay dân sự để vận chuyển trang thiết bị quân sự.

Cả Nga và Xy-ri đều chỉ trích hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời lên án quyết định của Thủ tướng Tay-íp Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) khi cho tịch thu và sung công "các thiết bị quân sự của Nga chuyển tới Xy-ri". Bộ Thông tin Xy-ri thậm chí còn thách thức ông T.Éc-đô-gan công khai những thiết bị đó để chứng minh cáo buộc của mình. Trong phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng nước này, ông A-mét Đa-vu-tô-glu (Ahmed Davutoglu) cho biết, họ sẽ "không do dự đáp trả" nếu biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Xy-ri bị vi phạm một lần nữa.

Phát biểu trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Đức Ghi-đô Oét-xtơ-ve-lơ (Guido Westervelle) tại I-xtan-bun (Istanbul) về cuộc khủng hoảng ở Xy-ri, ông A.Đa-vu-tô-glu nhấn mạnh rằng, vi phạm biên giới Thổ Nhĩ kỳ cũng là vi phạm biên giới của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ mong muốn có sự hỗ trợ của các đồng minh, đặc biệt là Đức. Ngoại trưởng Đức G.Oét-xtơ-ve-lơ cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ luật pháp quốc tế khi buộc một máy bay của Xy-ri hạ cánh tại An-ca-ra vì nghi vận chuyển vũ khí sang Xy-ri. Ông cũng kêu gọi các bên kiềm chế, để không "đổ thêm dầu vào lửa".

Ngày 13-10, phía Nga đã đưa ra đề xuất kêu gọi Đa-mát thiết lập một ủy ban an ninh chung giữa Xy-ri và Thổ Nhĩ Kỳ, với nhiệm vụ tìm kiếm cơ chế kiểm soát tình hình an ninh trên biên giới trong khuôn khổ tôn trọng chủ quyền của cả hai nước và đã nhận được sự ủng hộ từ phía
Bộ Ngoại giao Xy-ri. Cùng thời gian đó, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Rê-xép Ta-yíp E-đô-gan (Recep Tayyip Erdogan) và Ngoại trưởng A-mét Đa-vu-tô-glu cũng đã tiến hành các cuộc thảo luận riêng rẽ với Tổng Thư ký Liên đoàn A-rập Na-bin En A-ra-bi (Nabil El-Arabi) về cuộc khủng hoảng Xy-ri cũng như những diễn biến mới nhất ở khu vực biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Xy-ri, nơi 5 người Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng ngày 3-10 vừa qua do bị trúng đạn pháo từ Xy-ri.  Từ ngày 12-10, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường sự hiện diện quân sự trên biên giới với Xy-ri khi triển khai 250 xe tăng và 55 máy bay chiến đấu các loại, sau khi chính phủ nước này ra lệnh cho quân đội sẵn sàng giao tranh với các lực lượng Xy-ri. Nhiều xe bọc thép và vũ khí hạng nặng cũng đã vào vị trí trong khi các đơn vị pháo binh đang được gửi đến khu vực.

Những vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn A-rập (AL) về Xy-ri, ông La-khơ-đa Bra-hi-mi (Lakhdar Brahimi) đang có chuyến công du tại khu vực Trung Đông để thuyết phục các bên tham chiến thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn trong dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, sẽ diễn ra vào 26-10. Ông Bra-hi-mi bày tỏ lo ngại xung đột vũ trang ở nước này có thể lan rộng khi nói rằng: "Cuộc khủng hoảng này có thể không chỉ nằm trong vùng lãnh thổ của Xy-ri. Nếu cuộc khủng hoảng này không được giải quyết... nó có thể bùng cháy khắp khu vực".

Theo ông Bra-hi-mi, mỗi ngày có khoảng 100 người Xy-ri bị chết trong các cuộc xung đột. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Xy-ri (SOHR-trụ sở tại Anh), trong ngày 17-10, đã có ít nhất 90 người bị chết, còn trong ngày 16-10 đã có 150 người chết, nâng tổng số nạn nhân chết vì xung đột trong một tuần qua lên 1.000 người. Phản ứng với đề xuất ngừng bắn của ông Bra-hi-mi, Tổng thống nước này Ma-mút A-ma-đi-nê-giát (Mahmoud Ahmadinejad), ngày 17-10 cho biết, ông cũng đưa ra một đề xuất tương tự tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tay-íp Éc-đô-gan (Tayyip Erdogan) vừa diễn ra trong tuần này. Tổng thống I-ran còn cho rằng, các cuộc bầu cử tự do là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 19 tháng tại Xy-ri. I-ran được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Xy-ri Ba-sa An Át-xát (Bashar al-Assad).

Hôm 16-10, Bộ Ngoại giao Xy-ri cũng ra tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Xy-ri Gi-hát Mác-đi-xi (Jihad Maqdisi), quân chống đối và các bên hỗ trợ họ cũng cần tham gia thỏa thuận ngừng bắn. Cùng ngày, các thành viên của một ủy ban Liên hợp quốc điều tra về vi phạm các quyền tại Xy-ri cho rằng, những tay súng nước ngoài đang tham chiến ở quốc gia Trung Đông này có thể làm gia tăng tính quá khích của cuộc xung đột. Người đứng đầu Ủy ban này, ông Pau-lô Xéc-giô Pin-hây-rô (Paulo Sergio Pinheiro) bày tỏ lo ngại rằng những tay súng nước ngoài này đang chiến đấu "không phải vì việc xây dựng một nhà nước Xy-ri dân chủ" mà vì "mục đích của bọn họ". Các cuộc phỏng vấn do ủy ban điều tra trên thực hiện còn cho thấy các tay súng nước ngoài đến Xy-ri từ 11 quốc gia khác, không chỉ từ những nước láng giềng.

Trong cuộc họp báo tại Oa-sinh-tơn, ngày 17-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vích-to-ri-a Nu-lan (Victoria Nuland) cho hay, hiện Mỹ vẫn "đang cân nhắc" những biện pháp, trong đó bao gồm việc lập một vùng cấm bay, nhằm chấm dứt cuộc xung đột ngày càng phức tạp tại Xy-ri. Tuyên bố này cho thấy, Mỹ vẫn chưa quyết định về việc liệu có lập vùng cấm bay đối với Xy-ri hay không. Bun-ga-ri, nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thông báo kế hoạch lập một khu tạm cư cho những người Xy-ri chạy lánh nạn tại thị trấn Ha-man-li (Harmali), nằm trên biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến khu tạm cư này có thể đón nhận 1.000 người. Bên cạnh đó, Bun-ga-ri đã huy động nhiều cảnh sát tới vùng biên giới này để ngăn dòng người Xy-ri tị nạn. Được biết đã có khoảng 100.000 người Xy-ri chạy tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước láng giềng để tránh các cuộc xung đột trong nước.

Cuộc khủng hoảng kéo dài từ tháng 3 năm ngoái tại Xy-ri đang diễn biến thành một cuộc nội chiến phức tạp, bao gồm cả những mâu thuẫn sắc tộc giữa người Hồi giáo Xăn-ni (Sunni) chiếm đa số với cộng đồng A-la-uýt (Alawite) thiểu số nhưng nắm cơ cấu quyền lực. Bên cạnh đó, yếu tố nước ngoài cũng đang đe dọa làm trầm trọng thêm vấn đề. Đánh giá về tình hình chung, ủy ban điều tra của Liên hợp quốc cho rằng, trong vài tháng gần đây, tình trạng vi phạm nhân quyền diễn ra đáng lo ngại bởi nạn bạo lực và xung đột giữa hai phe ở Xy-ri./.