Chủ tịch Võ Chí Công trong lòng người dân xứ Quảng
23:02, ngày 04-08-2012
Mặc dù bác Năm Công (tên thân mật của nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công) đã đi xa, nhưng những tình cảm sâu đậm mà bác dành cho những người dân ở quê hương vẫn còn in đậm mãi.
Họ vẫn nhớ hình ảnh một người con đất Quảng tài năng, đầy lòng nhân hậu, luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống nhân dân cho đến những ngày cuối đời.
Một ngày cuối tháng 7-2012, vào dịp cả nước chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Võ Chí Công (7-8-1912 – 7-8-2012), chúng tôi về quê hương ông tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Trong tâm trạng bồi hồi xúc động, những người thân, những người đã từng có dịp tiếp xúc, cùng hoạt động hoặc có những kỷ niệm về bác Năm Công trải lòng về vị Chủ tịch kính yêu, người con của quê hương xứ Quảng anh hùng.
Từng tham gia hoạt động cách mạng trước năm 1945, ông Đoàn Tất Thắng (sinh năm 1927, quê tại xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) bồi hồi nhớ lại: "Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Đầu những năm 40 của thế kỷ trước, chúng tôi đã chứng kiến cũng như nghe kể về thành tích hoạt động cách mạng và biệt tài ‘xuất quỷ nhập thần’ của những cán bộ cách mạng đi trước như các đồng chí Võ Toàn (Năm Công), Lê Chưởng, Phan Thị Nễ…"
Tiếp nối truyền thống quê hương, mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng Đoàn Tất Thắng đã gan góc nhận làm liên lạc cũng như tiếp tế lương thực cho cán bộ cách mạng. Khi thì củ sắn củ khoai, khi thì gói cơm đùm trong lá chuối đưa đến xóm Miễu Chàm, nơi ông Võ Toàn và một số đồng chí hoạt động cách mạng. Trong những lần đó, ông đã học được rất nhiều từ khí phách, phẩm chất cách mạng và tấm lòng kiên trung của ông Võ Toàn. Năm 1944, ông tình nguyện gia nhập Thanh niên cứu quốc ở địa phương, tham gia cướp chính quyền, chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng.
Ông Nguyễn Văn Thạnh (sinh năm 1925, trú thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân 1, là chiến sỹ bị địch bắt tù đày) có người anh là Nguyễn Hộ (Nguyễn Thảng) hoạt động cách mạng cùng với chủ tịch Võ Chí Công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp rưng rưng kể lại: "Tôi là thế hệ đi sau, nhưng có may mắn là anh trai tôi hoạt động cùng thời với đồng chí Võ Chí Công nên tôi cũng có nhiều lần tiếp xúc và nhận được sự dạy bảo của anh. Tôi nhớ hồi những năm 1935-1940, anh Năm Công mở quán bán hàng tạp hóa mang tên 'Liên Hiệp Nghĩa' tại quê nhà để tập hợp những chiến sỹ cộng sản và những người yêu nước cùng chung sức đánh đuổi giặc ngoại xâm. Có lần mật thám lùng bắt anh tại quán này, bí quá anh Năm Công bèn hái ngay trái chanh trong vườn và ngậm vào miệng giả làm người có cái bướu bên cạnh hàm khiến mật thám Pháp không thể nhận ra 'đối thủ' ngay trước mắt mình."
Sau khi cách mạng phát triển, chủ tịch Võ Chí Công lại tiếp tục lên đường đến những chiến khu, chiến trường khác để tham gia và chỉ đạo cách mạng với chức trách là Bí thư Khu ủy Khu V, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam…
Sau ngày đất nước thống nhất, chủ tịch Võ Chí Công được giao giữ nhiều trọng trách của Đảng và Nhà nước như Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí Thư; Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng; Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng…
Dù ở cương vị nào, chủ tịch vẫn luôn là người lãnh đạo, cố vấn xuất chúng với những quyết sách linh hoạt, góp phần chèo lái đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bến bờ thắng lợi.
Là bậc con cháu, chỉ tiếp xúc với bác Năm Công vài lần nhưng ấn tượng về vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc vẫn còn đọng mãi trong tâm trí anh Huỳnh Quốc Dũng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành: "Nói về bác Năm Công thì tôi cũng khó có thể diễn tả hết. Trong tâm trí tôi, đó là vị lãnh tụ tài tình, người con ưu tú của đất Tam Xuân. Mặc dù ở cương vị lãnh đạo tối cao của dân tộc nhưng lần nào về thăm quê hương, bác Công vẫn luôn hỏi 'Người dân quê mình đã hết đói, hết nghèo chưa. Các cháu cần phải nỗ lực, chung tay để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Để quê mình không còn cái đói, cái nghèo đeo bám.' Mặc dù sau này tuổi cao sức yếu nhưng mỗi khi Tết đến xuân về, bác Năm Công vẫn thường xuyên viết thư về chúc mừng, động viên đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương đồng thời dặn dò lãnh đạo xã phải luôn quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần cho nhân dân tại đây."
Là người con của đất Quảng anh hùng, trải qua bao thăng trầm cùng đất nước, Chủ tịch Võ Chí công vẫn luôn là tấm gương sáng về tài năng, đức độ cũng như phẩm chất cách mạng để các thế hệ đời sau học tập và noi theo./.
Khánh thành Cụm Thông tin Đối ngoại tại Lao Bảo  (04/08/2012)
"Còn nhiều việc phải làm để vực dậy nền kinh tế Mỹ"  (04/08/2012)
Campuchia sắp tổ chức Hội nghị AEM lần thứ 44  (04/08/2012)
Giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã tăng trở lại  (04/08/2012)
Sớm bảo tồn nhà dài truyền thống của người Êđê  (04/08/2012)
Thêm bản đồ cổ Trung Quốc không có Hoàng Sa, Trường Sa  (03/08/2012)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên