Kỳ 2: Ý Đảng, lòng dân và cam kết của Chính phủ về quyền và lợi ích hợp pháp người gửi tiền trong tái cấu trúc hệ thống ngân hàng

TCCS – Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung, hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng, quyền lợi người gửi tiền sẽ luôn được bảo đảm. Đây là nội dung, là thông điệp cốt lõi được Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam gửi tới người dân. Nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong quá trình tái cấu trúc, từ Luật Các tổ chức tín dụng cho đến Luật Bảo hiểm tiền gửi và các luật khác đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt với chủ tịch, tổng giám đốc các ngân hàng thương mại_Ảnh: TTXVN

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế từ nay đến hết nhiệm kỳ Đại hội được Tổng Bí thư nêu bật, đó là: Cần tiếp tục quán triệt thật sâu sắc, tổ chức thực hiện thật nghiêm, thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và luật pháp, chính sách của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Chú trọng củng cố, tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế trên cơ sở lành mạnh hoá, giữ vững sự phát triển ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém, cả trước mắt lẫn lâu dài, của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn; tạo chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn,... gắn với tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các khóa XI, XII và XIII trong thực tiễn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xây dựng Đề án tái cấu trúc ngân hàng với lộ trình cụ thể trình Bộ Chính trị trong tháng 12-2011. Đồng thời ban hành văn bản khuyến khích sáp nhập, hợp nhất và mua bán các tổ chức tín dụng được quy định cụ thể tại Thông tư 04/2010/TT-NHNN. Cùng với đó là một loạt giải pháp hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngân hàng về thanh tra, giám sát, minh bạch hóa hoạt động ngân hàng.

Một trong 3 nội dung cốt lõi của ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết cơ cấu nền kinh tế được đề ra trong Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 là nội dung: Cơ cấu lại các hệ thống tổ chức tín dụng. Theo đó, kế hoạch chỉ rõ cần nghiên cứu hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, ngân hàng phù hợp với nguyên tắc thị trường, bảo đảm an toàn, lành mạnh và ổn định của hệ thống; tăng cường tính minh bạch, cạnh tranh, phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển mới; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025.

Tái cấu trúc ngành ngân hàng - Nhu cầu mang tính cấp bách

Khi nền kinh tế bộc lộ các vấn đề yếu kém cần thay đổi thì việc tái cơ cấu nền kinh tế là điều cần thiết ở các quốc gia. Chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế được Chính phủ triển khai từ 2011 đến nay. Tái cơ cấu hệ thống tài chính - ngân hàng được xem là một trong những nội dung đóng vai trò quan trọng để đạt mục tiêu nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đây cũng là chủ trương lớn thể hiện quyết tâm của Đảng nhằm cải tổ nền kinh tế từ những nguyên nhân chủ quan nội tại của nền kinh tế, cùng với tác động, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.

Nhằm tái cấu trúc hệ thống tài chính, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời ban hành các chính sách nhằm lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, giải quyết tình trạng thiếu hụt thanh khoản tạm thời tại các ngân hàng, bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động ngân hàng ngoài tầm kiểm soát. Hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu của Việt Nam đã có bước tiến lớn và dần hoàn thiện, tiến gần hơn với các thông lệ quốc tế.

Tại Hội nghị thường kỳ tháng 11-2011, Chính phủ đã chỉ đạo việc triển khai Đề án tái cấu trúc ngân hàng phải thực hiện đồng bộ cùng với các đề án tái cấu trúc đầu tư, tái cấu trúc doanh nghiệp và với các chính sách tài khóa, tiền tệ đúng đắn. Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội tháng 12-2011, Giám đốc Ngân hàng Thế giới cũng nhận định, Việt Nam cần coi tái cơ cấu ngân hàng như lĩnh vực ưu tiên nhất nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.  

Ngày 14-3-2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có Quyết định số 319/QĐ-NHNN về việc Ban hành Kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2-2-2023, của Chính phủ, “Về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, "Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”. Theo đó, việc ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng nhằm cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 20-NQ/TW, xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và các nội dung công việc cụ thể, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 2-2-2023, của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới”.

Trên cơ sở những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-CP, ngày 2-2-2023, của Chính phủ, “Về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16-6-2022, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế thị trường trong giai đoạn mới”; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Hệ thống ngân hàng đã chứng kiến sự thành công của việc tái cấu trúc thông qua nhiều kết qủa đáng ghi nhận trong đó không thể không kể tới việc niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và đồng VND được củng cố và bảo đảm, không có hiện tượng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng yếu kém. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần và ổn định đến nay góp phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí khi vay vốn ngân hàng để mở rộng sản xuất kinh doanh.

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg, ngày 12-3-2019, của Thủ tướng Chính phủ, “Về tăng cường giải pháp nhằm bảo đảm an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân (gọi tắt là Chỉ thị số 06), Đề án củng cố và phát triển hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, hoạt động Quỹ Tín dụng nhân dân tiếp tục được củng cố, chấn chỉnh; tỷ lệ nợ xấu có xu hướng giảm. 

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được tăng cường, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vi phạm, tồn tại của các quỹ tín dụng nhân dân. Công tác xử lý các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém đạt được nhiều kết quả tích cực. Đồng thời, sự phối hợp trao đổi thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố và các sở, ban, ngành với Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã được tăng cường.

Bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

Trong quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói chung, hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng, quyền lợi người gửi tiền sẽ luôn được bảo đảm. Đây là nội dung, là thông điệp cốt lõi được Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam gửi tới người dân. Để bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền trong quá trình tái cấu trúc. Từ Luật Các tổ chức tín dụng cho đến Luật Bảo hiểm tiền gửi và các Luật khác đều quy định mức độ ưu tiên, bảo đảm an toàn, khả năng chi trả và quyền lợi của người dân ở mức độ cao nhất.

Cán bộ chi nhánh Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khu vực Tây Bắc Bộ tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi đến người dân_Nguồn: baolaichau.vn

Cụ thể, Điều 146, Luật Các tổ chức tín dụng quy định: Khi ngân hàng đang thực hiện phương án cơ cấu lại mà có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống thì sẽ được Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi và các ngân hàng thương mại cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản. Khoản vay đặc biệt này được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của các ngân hàng (trong bối cảnh bình thường thì khoản nợ có tài sản bảo đảm được ưu tiên cao nhất). Như vậy, các ngân hàng thương mại có cơ sở yên tâm cho vay để hỗ trợ.

Ngoài ra, Điều 99, Luật Phá sản quy định, chỉ khi nào Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì mới được phép yêu cầu tuyên bố phá sản ngân hàng. Và cuối cùng, nếu ngân hàng có bị phá sản, thì theo quy định tại Điều 101, Luật Phá sản, khoản tiền gửi cũng được ưu tiên trả nợ trước các khoản nợ nhà nước và nợ của các chủ nợ thông thường khác. Đối với cơ chế bảo hiểm tiền gửi, Luật Các tổ chức tín dụng cũng như Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đều quy định: Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn, bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 có quy định rõ ràng để bảo vệ người gửi tiền. Theo đó, các tổ chức tín dụng đều phải tham gia bảo hiểm tiền gửi. Trong trường hợp ngân hàng thương mại không chi trả được cho người gửi tiền thì Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.

Có thể nói, mặc dù quá trình tái cấu trúc ngân hàng đang diễn ra và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng người dân vẫn luôn yên tâm bởi pháp luật về bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền ra đời và phát huy tác dụng trong những năm qua. Với quy định đó, quyền lợi của người gửi tiền được bảo vệ trong mọi tình huống khi tổ chức tín dụng gặp khó khăn. Đặc biệt là khi tổ chức tín dụng bị giải thể, phá sản, thì các khoản tiền của người dân gửi tại đây đều được trả đầy đủ cả gốc và lãi trong thời gian ngắn.

Từ khi thành lập cho đến nay, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời cho 1.793 người gửi tiền tại 39 Quý Tín dụng nhân dân cơ sở trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố với tổng số tiền khoảng 26,78 tỷ đồng, đã củng cố niềm tin, giúp người dân yên tâm vào hoạt động ngân hàng. Thông điệp cam kết của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam - cơ quan bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và những khẳng định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tạo sự yên tâm cho người dân, sự xáo trộn nhanh chóng qua đi, người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng đã yên tâm trở lại.   

Mới đây, Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt cũng chính là dấu mốc quan trọng đối với hoạt động bảo hiểm tiền gửi. Trong Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp lớn nhằm triển khai tốt nhất nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; nâng cao vị thế của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng phát triển chung của ngành Ngân hàng, của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập quốc tế, cũng như xu hướng chung của các tổ chức bảo hiểm tiền gửi trên thế giới và các quy định của pháp luật Việt Nam. Quá trình triển khai Chiến lược cũng sẽ bảo đảm đạt mục tiêu chung của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, theo sát Chương trình hành động của ngành ngân hàng, thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhấn mạnh: Trong thời gian qua, Đảng ủy Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn hệ thống tập trung mọi nguồn lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, thực hiện nhiệm vụ chính trị tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đạt kết quả cao, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra và được Ngân hàng Nhà nước xếp loại A nhiều năm liền; chính sách bảo hiểm tiền gửi ngày càng khẳng định được vai trò trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định và an toàn hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia, đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Đồng chí Phạm Bảo Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam khẳng định: Đảng ủy Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lần thứ II, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong đó tiếp tục nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để lãnh đạo hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó”./.