Hà Nội phát triển văn hóa, hội nhập quốc tế
TCCS - Là địa phương đầu tiên trên cả nước, Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, đặt mục tiêu phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, tạo động lực đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần định vị thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Phát triển văn hóa toàn diện, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, tốc độ phát triển của nhiều quốc gia nhanh hơn, thành công hơn nhờ việc phát huy lợi thế đặc sắc về văn hóa của đất nước và xác định văn hóa là yếu tố cốt lõi, là động lực mới cho sự phát triển. Đặc biệt, nhiều quốc gia phát triển đã xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra toàn cầu. Quan điểm và hành động hướng tới các ngành công nghiệp văn hóa đã và đang trở thành xu hướng phát triển chung của thế giới, là một trong những chiến lược phát triển quan trọng toàn diện và bền vững, thu hút nguồn lực hợp tác quốc tế, tạo ra lợi thế cạnh tranh thúc đẩy và có đóng góp lớn vào tăng trưởng, đồng thời góp phần định vị thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã ban hành hai nghị quyết chuyên đề, bao gồm Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045” và Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 31-5-2021, “Về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo”. Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU được Thành ủy Hà Nội nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học với hai hội thảo khoa học và bốn cuộc tọa đàm, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực văn hóa cả trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó, Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU vào tháng 2-2022 nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.
Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực, là “Thành phố sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố (1).
Trong năm 2023, các sự kiện trên địa bàn Thủ đô được tổ chức khá sôi động với mật độ và số lượng ngày càng tăng. Tổng số ước tính khoảng 3.000 sự kiện, chương trình văn hóa, nghệ thuật, thể thao được tổ chức với nội dung, hình thức và quy mô khác nhau trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc Thủ đô Hà Nội. Tính đến hết tháng 10-2023, Hà Nội đã tổ chức hơn 2.200 hoạt động sự kiện văn hóa, nghệ thuật, thể thao, trong đó có 1.594 chương trình biểu diễn nghệ thuật; gần 40 chương trình thể dục thể thao lớn (2).
Cụ thể, đối với các lễ kỷ niệm, thành phố đã tham gia phục vụ tổ chức thành công hơn 10 sự kiện chính trị gắn với các mốc lịch sử, các ngày lễ lớn của đất nước, của Thủ đô Hà Nội, trong đó có sự kiện Kỷ niệm 80 năm ra đời “Đề cương về Văn hóa Việt Nam” (1943 - 2023); Kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của Ban Đại diện chiến sĩ bị địch bắt tù đày thành phố Hà Nội (1973 - 2023); Kỷ niệm 50 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (1973 - 2023).
Bên cạnh đó, thành phố đã phối hợp, hỗ trợ các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam tổ chức thành công nhiều sự kiện giao lưu, quảng bá văn hoá trên địa bàn, như Lễ hội văn hóa Pháp (Balade en France) trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương của Việt Nam và Pháp lần thứ 12; sự kiện “Ngôi làng châu Âu” của EU; Chương trình quảng bá văn hóa Anh của Đại sứ quán Anh; Chương trình quảng bá văn hóa, du lịch UAE tại Hà Nội; Sự kiện quảng bá văn hóa “Hương vị nước Úc”.
Qua việc tổ chức các sự kiện, Hà Nội từng bước góp phần tích cực vào việc triển khai thành công Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy và Kế hoạch số 176/KH-UBND, của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2022 - 2025”.
Việc tổ chức các sự kiện ngày càng đa dạng, phong phú, sinh động, hiệu quả đóng vai trò quan trọng trong việc tạo không gian sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh cho nhân dân, công chúng Thủ đô cũng như khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần tích cực vào bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Thủ đô Hà Nội, quảng bá rộng rãi hình ảnh thương hiệu của “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố vì hoà bình”…, đóng góp vào việc tăng cường sự gắn kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố, địa phương trên cả nước.
Bên cạnh đó, thu hút được sự quan tâm, hưởng ứng của bạn bè quốc tế. Nhiều đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam đã tổ chức các sự kiện quảng bá văn hóa trên địa bàn Thủ đô, góp phần vào việc mở rộng, tăng cường hợp tác giao lưu, quảng bá văn hóa giữa Hà Nội với các nước, đồng thời thúc đẩy nhanh tiến trình Thủ đô Hà Nội hội nhập quốc tế.
Triển khai nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa
Để đạt được các mục tiêu trên, thành phố Hà Nội cần xác định đổi mới tư duy, nhận thức rằng phát triển công nghiệp văn hóa là một quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách về phát triển công nghiệp văn hóa. Cụ thể, xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô để phát huy sự sáng tạo dựa trên các nguồn lực công nghiệp văn hóa cho phát triển bền vững, như chuyển đổi di sản công nghiệp, nhà biệt thự cũ, di sản đô thị, di sản ký ức thành di sản văn hóa mới. Phát triển cơ chế chính sách khuyến khích quảng bá các loại hình công nghiệp văn hóa. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách bảo đảm nguồn lực tài chính ổn định bố trí nguồn vốn ngân sách thỏa đáng cho công nghiệp văn hóa, nhất là các hạng mục có tính chất nền tảng chiến lược. Nghiên cứu cơ chế hợp tác công tư trong quản lý khai thác di sản bảo tồn phát triển văn hóa. Bên cạnh đó, phát triển nghề và sản phẩm nghề thủ công truyền thống. Khuyến khích xây dựng hình thành các loại quỹ đầu tư, quỹ hỗ trợ, quỹ giải thưởng theo hình thức công từ để phát triển văn hóa nói chung theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, thích ứng với xu thế chung của thế giới.
Ngoài ra, thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, như du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, quảng cáo, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, điện ảnh, thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí... phù hợp với thực tiễn Thủ đô trong từng giai đoạn cụ thể.
Đặc biệt, Hà Nội cần chú trọng phát triển thị trường công nghiệp văn hóa ở khu vực có tiềm năng, lợi thế, như ở khu vực đô thị, làng nghề truyền thống, thông qua các chương trình đào tạo, hoặc liên kết với chuyên gia quốc tế để nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế. Lựa chọn xây dựng các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao để quảng bá cho ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội với cả nước và thế giới kết hợp với du lịch, các hoạt động thu hút đầu tư trong và ngoài nước.
Để thu hút và hỗ trợ đầu tư, thành phố cần đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của Nhà nước và ngoài Nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa dành cho cộng đồng. Đồng thời, rà soát, cập nhật thường xuyên “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố; đề xuất các giải pháp đầu tư mới nhằm cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu hai bên bờ sông Hồng và các khu vực phát triển đô thị, các đô thị vệ tinh để xây dựng các công trình văn hóa, du lịch...; bổ sung quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội vào từng địa phương bảo đảm thống nhất trong quan điểm, mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô và của cả nước với tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài ra, triển khai quyết liệt một số dự án, đồ án quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, đồng thời xây dựng một số công trình văn hóa mới, tạo thành các biểu tượng văn hóa mới cho Thủ đô và có tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch. Thực hiện các chính sách ưu đãi, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các ngành công nghiệp văn hóa sẵn có lợi thế, tiềm năng như nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, phần mềm và các trò chơi giải trí, du lịch văn hóa, ẩm thực… Phát triển mạng lưới doanh nghiệp văn hóa, từ đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa./.
--------------------------
(1) Xuân Trường, “Thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”, ngày 18-08-2022, https://bvhttdl.gov.vn/thuc-day-phat-trien-van-hoa-con-nguoi-ha-noi-theo-huong-ben-vung-dap-ung-yeu-cau-hoi-nhap-quoc-te-20220817160413035.htm
(2) Hạnh Phúc, “Hà Nội: Năm 2023, tổ chức khoảng 3.000 sự kiện, chương trình văn hoá, nghệ thuật, thể thao”, Báo Đầu tư online, ngày 01-11-2023, https://baodautu.vn/ha-noi-nam-2023-to-chuc-khoang-3000-su-kien-chuong-trinh-van-hoa-nghe-thuat-the-thao-d202108.html
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn trong xây dựng và thực hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050  (21/11/2023)
Hà Nội trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng  (17/11/2023)
Nhận diện các ngành công nghiệp văn hóa Hà Nội trong bối cảnh mới  (16/11/2023)
Mức độ đan xen, gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với một số đối tác chủ chốt trên thế giới và hàm ý chính sách trong thời gian tới  (10/11/2023)
Hà Nội: Thành phố sáng tạo, kết nối toàn cầu  (08/11/2023)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm