TCCSĐT - Hiện nay, đại dịch HIV/AIDS là một đại dịch nguy hiểm, là mối hiểm họa đối với tính mạng, sức khỏe của con người. HIV/AIDS đang lan tràn mạnh mẽ ở khắp các vùng, miền, từ thành thị đến nông thôn, từ miền núi đến hải đảo xa xôi của đất nước. Đặc biệt, cuộc chiến phòng, chống HIV/AIDS ở các tỉnh miền núi phía Bắc còn nhiều gian nan, thách thức.

Thực tế vẫn đáng báo động

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua tại các tỉnh vùng cao, biên giới về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra. Công tác phòng, chống HIV/AIDS được triển khai rộng khắp, mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS được hình thành tại các địa phương. Các tỉnh phía Bắc, trong đó có Điện Biên, Sơn La, Lào Cai là những tỉnh được Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ triển khai, duy trì các dịch vụ cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS, bảo đảm tính bền vững của chương trình, hướng tới nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn tỉnh. USAID phối hợp với Trung tâm phát triển Y tế cộng đồng (CCRD) và Kế hoạch Cứu trợ khẩn cấp (PEPFAR) triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cộng đồng phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh phía Bắc trong 5 năm (2017 - 2022)”. Dự án này góp phần giải quyết những khó khăn, thách thức bằng cách xây dựng hệ thống phòng, chống HIV/AIDS bền vững tại địa phương nhằm giảm lây nhiễm HIV/AIDS. Các hoạt động của dự án sử dụng các hệ thống cung cấp dịch vụ tại cộng đồng nhằm cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận dịch vụ HIV trong các cộng đồng ở khu vực miền núi; tạo môi trường thuận lợi từ phía chính quyền địa phương và người dân để triển khai có hiệu quả các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS; xây dựng dịch vụ và hỗ trợ liên tục từ cộng đồng tới các cơ sở y tế. Thông qua những hoạt động này, dự án có thể tiếp cận được các nhóm có nguy cơ cao nhất; chuyển gửi họ đến các dịch vụ xét nghiệm, điều trị và hỗ trợ.

 
 Nâng cao chất lượng dịch vụ xét nghiệm. Ảnh: Minh Đức

Cụ thể, từ tháng 11-2014 đến tháng 5-2017, dự án được triển khai trên địa bàn 8 huyện, thị tỉnh Điện Biên. Thông qua các hoạt động của Dự án, đến nay, Điện Biên đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên cả 3 tiêu chí: tiếp cận, xét nghiệm và phát hiện người nhiễm HIV mới. Theo đó, trên 27.400 người được tiếp cận các dịch vụ về HIV; trên 22.000 người được xét nghiệm HIV; phát hiện gần 800 người nhiễm mới, trong số 800 người nhiễm mới đã có trên 570 người được điều trị ARV. Dự án đã đóng góp 85% số ca bệnh dương tính mới và gần 80% số đăng ký điều trị mới của cả tỉnh từ tháng 11-2014 đến nay.

Lào Cai là tỉnh phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên tại xã Cốc Lầu huyện Bắc Hà vào tháng 12-1996. Năm 2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã đề ra kế hoạch chi tiết để chống căn bệnh này, giao cho các ngành có trách nhiệm cùng với cộng đồng làm tốt hơn công tác phòng, chống HIV. Rất nhiều các hoạt động được triển khai ở tất cả các địa bàn trong tỉnh. 26 xã, phường biên giới được quan tâm đặc biệt về công tác phòng, chống HIV/AIDS bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, hội đàm, giao lưu văn nghệ hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống HIV giữa thành phố Lào Cai của Việt Nam với huyện Hà Khẩu thuộc tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Không chỉ có vậy, sau hơn 20 năm phòng, chống đại dịch HIV/AIDS, công tác chăm sóc người nhiễm HIV có sự quan tâm của cả cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho người mắc căn bệnh này xóa đi những mặc cảm bản thân để tiếp tục sống có ích cho gia đình và cho xã hội.

Các tỉnh vùng núi phía Bắc hiện đang là địa bàn trọng điểm về ma túy và dịch bệnh HIV/AIDS với tỷ lệ cao nhất nước, trong đó phải kể đến các tỉnh như Lai Châu, Lào Cai, Điện Biên, Sơn La. Tình hình lây nhiễm dịch bệnh ở đây diễn biễn phức tạp. Địa bàn rộng, tội phạm ma túy nhiều, tiêm chích tràn lan… là những tác nhân làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS ở khu vực này.

Tỉnh vùng cao, biên giới Lào Cai với 25 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm gần 65% dân số toàn tỉnh. Lợi dụng địa bàn có nhiều tuyến đường sắt, đường bộ, đường thủy trên sông kết nối với các tỉnh dưới xuôi và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), các đối tượng buôn bán ma túy đã câu kết với nhau hình thành các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới. Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Lào Cai, trong quý I/2018, toàn tỉnh đã phát hiện 10 bệnh nhân bị nhiễm HIV mới, nâng tổng số người nhiễm HIV trên địa bàn đến nay là 2.990 người, trong đó số người nhiễm HIV còn sống là 1.518; tổng số bệnh nhân AIDS là 2.364 người, trong đó số bệnh nhân AIDS còn sống là 892 người (1).

Điện Biên cũng là một trong những địa phương phát hiện số người nhiễm HIV cao cả nước. Năm 1998, Điện Biên phát hiện trường hợp đầu tiên dương tính với HIV/AIDS. Đến tháng 5-2018, các trường hợp nhiễm HIV đã tăng đến hơn 7.200 người, trong đó đang quản lý 3.457 người; số bệnh nhân tử vong do AIDS gần 5.300 người. Hiện hơn 92% xã ở 10/10 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Điện Biên có người mắc HIV/AIDS (2). Cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 50 km, nằm dọc với trục đường quốc lộ 12, huyện Mường Chà là huyện trọng điểm về ma túy và HIV/AIDS. Trong những năm qua, đại dịch HIV/AIDS trên địa bàn huyện diễn biến phức tạp, đối tượng nhiễm bệnh tập trung vào nhóm nghiện chích ma túy. Mặc dù chính quyền huyện đã tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, chữa trị và xét nghiệm nhưng đại dịch vẫn tiếp tục lan mạnh.

Tại Sơn La, số người nghiện ma túy ở mức cao, do vậy, bệnh nhân bị nhiễm HIV cũng tăng cao. Tính đến ngày 12-12-2016, theo số liệu quản lý của tỉnh Sơn La, số lượng người nhiễm HIV toàn tỉnh là 9.128 người, trong đó còn sống 5.275 người; số lượng người nhiễm HIV chuyển sang AIDS lũy tích là 6.309 người, trong đó còn sống là 3.569 người; số lượng người đã tử vong là 5.275 người (3). Hiện tại, Sơn La đang có 5.487 người nhiễm HIV, có 3.871 người đã chết do AIDS; trong 4 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh phát hiện mới được 179 ca nhiễm HIV.

Theo số liệu Báo cáo của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Lai Châu, 6 tháng đầu năm 2018 tích lũy số người nhiễm HIV là 3.258 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV được phát hiện trong 6 tháng đầu năm 2018 là 74 người (4). Theo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS của tỉnh vẫn còn diễn biến phức tạp, tập trung ở địa bàn có tỷ lệ tiêm chích ma túy cao. Số người nhiễm bệnh trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung ở nam giới chiếm 69%, đa số ca nhiễm này do tiêm chích ma túy và sử dụng chung bơm kim tiêm; còn ở nữ giới chiếm tới 31% do quan hệ tình dục không an toàn. Số nhiễm bệnh chủ yếu ở độ tuổi lao động 25 - 49 tuổi chiếm tới 80,33%. Hiện dịch bệnh HIV ở đây có dấu hiệu lan rộng ra cộng đồng trong nhóm dễ bị tổn thương như vợ hoặc chồng của người nghiện chích ma túy, vợ hoặc chồng của người nhiễm HIV và con của họ. Đặc biệt ở một số xã vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ người nghiện chích cao do đã chuyển hình thức sử dụng từ hút sang tiêm chích, làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường máu.

Mối quan hệ mật thiết giữa HIV/AIDS với ma túy, với đói nghèo, với trình độ dân trí thấp có liên quan trực tiếp đến bảo đảm quốc phòng, an ninh, chất lượng dân số, chất lượng giống nòi. Theo nghiên cứu của Dự án Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới và Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh (DFID), một số tỉnh tỷ lệ nhiễm HIV trong đồng bào DTTS (độ tuổi từ 15 đến 49) cao hơn tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư chung toàn quốc.

Nhiều tỉnh vùng Tây Bắc đang có tỷ lệ người nhiễm HIV đứng hàng đầu cả nước. Đối chiếu với tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện ma túy cho thấy, địa phương nào có càng đông đồng bào DTTS nghiện ma túy thì tại địa phương đó, số lượng người nhiễm HIV càng nhiều. Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai có tỷ lệ đồng bào DTTS nhiễm HIV cao, cũng chính là các tỉnh có tỷ lệ đồng bào DTTS nghiện hút ma túy xếp hàng đầu cả nước.

Những khó khăn, thách thức

Mặc dù đạt được nhiều kết quả, tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại những vùng cao, biên giới này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn: Việc xét nghiệm phát hiện HIV ngày càng khó; độ bao phủ của các hoạt động xét nghiệm HIV, can thiệp giảm tác hại và điều trị ARV vẫn còn thấp, độ bao phủ của truyền thông cũng giảm; bệnh nhân bỏ điều trị methadone có xu hướng gia tăng. Có thể thấy một số nguyên nhân như: Do đặc điểm về địa lý (khu vực vùng sâu, vùng xa, giáp biên với nhiều nước) nên tình hình buôn bán và sử dụng ma túy ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. Trình độ dân trí thấp, đa phần người dân ở khu vực miền núi là người DTTS nên việc tiếp cận với thông tin về dự phòng lây nhiễm HIV cũng như tiếp cận với chương trình can thiệp giảm tác hại còn hạn chế (như không được tiếp cận với chương trình bơm kim tiêm, bao cao su). Do người dân tại các tỉnh này vẫn trồng cây thuốc phiện tại nhiều khu vực miền núi - địa bàn khó tiếp cận, nên đây cũng là nguyên nhân làm gia tăng số người nghiện vì thiếu hiểu biết và sử dụng chính những sản phẩm thuốc phiện mà mình trồng được. Hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc là các tỉnh nghèo nên không có đủ khả năng và nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống AIDS và cung cấp dịch vụ phòng, chống AIDS tới từng hộ dân, nên nguy cơ lây nhiễm HIV cũng tăng so với các địa bàn khác trong cả nước.

 
 Cần đẩy mạnh công tác xét nghiệm HIV lưu động. Ảnh: Thu Hồng

Ngoài ra còn do các nguyên nhân:
Một là, nguồn nhân lực. Hiện tại, tuyến tỉnh chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu cán bộ có trình độ đại học, tuyến huyện hiện chỉ có 20% số huyện có cán bộ chuyên trách cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, thế nhưng tại các tỉnh miền núi, con số này còn thấp hơn rất nhiều. Sự thiếu hụt về nhân lực, kinh phí, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa... cản trở việc mở rộng các chương trình can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ điều trị người nhiễm HIV.

Hai là, việc xét nghiệm HIV lưu động chưa đáp ứng được nhu cầu và sự tiếp cận của đồng bào DTTS. Các phòng khám điều trị ngoại trú chỉ đáp ứng được 46,5% nhu cầu, thấp hơn tỷ lệ chung cả nước (xấp xỉ 70%). Hiện nay, độ bao phủ dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con chỉ đạt 25,6%.

Ba là, sự thiếu chủ động và lệ thuộc vào nguồn tài trợ của quốc tế, nhất là trong thực hiện mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS, đang khiến công tác này đứng trước không ít trở ngại. Thời gian trước đây, khoảng 80% kinh phí hoạt động phòng, chống HIV/AIDS do các tổ chức quốc tế tài trợ. Hiện nay, nguồn tài trợ liên tục bị cắt giảm. Còn kinh phí phòng, chống HIV/AIDS do Trung ương cấp cho các địa phương cũng bị cắt giảm liên tục trong các năm gần đây, năm sau chỉ bằng 1/3 năm trước. Việc kinh phí bị cắt giảm tác động không nhỏ đến hiệu quả của công tác phòng, chống HIV/AIDS vùng DTTS và miền núi, khi mà đa phần đồng bào DTTS bị nhiễm HIV đều là những hộ nghèo, nghiện hút lâu năm. Đây cũng là những đối tượng có trình độ hạn chế, ý thức về việc phòng, chống HIV/AIDS cho bản thân và cho cộng đồng chưa cao.

Bốn là, công tác tư vấn, xét nghiệm HIV đối với đồng bào DTTS còn hạn chế bởi số lượng các phòng tư vấn xét nghiệm HIVcòn quá ít, trong khi địa bàn rộng, địa hình đi lại khó khăn, điều kiện sống, nhận thức và kiến thức chăm sóc sức khỏe của người dân còn hạn chế... ảnh hưởng nhiều đến công tác phòng, chống HIV/AIDS ở các huyện, xã của các tỉnh miền núi, làm cho tình trạng lây nhiễm HIV diễn biến phức tạp, có xu hướng lan rộng.

Năm là, ở một số địa phương, người dân vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện ma túy, người nhiễm HIV, vì vậy, người nhiễm bệnh thường lẩn tránh, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Công tác phòng chống HIV/AIDS ở các tỉnh vùng cao, biên giới đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều khó khăn, thách thức. Những giải pháp thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới, đặc biệt là tập trung vào công tác cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, phát hiện và can thiệp sớm những trường hợp mới phát hiện nhiễm HIV/AIDS,… là những việc các tỉnh vùng cao, biên giới cần làm. Cụ thể:

- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phù hợp, tập trung tuyên truyền tại cộng đồng, những đối tượng có nguy cơ cao, lấy từng gia đình là đối tượng truyền thông trực tiếp, vào từng ngõ, gõ từng nhà, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành đoàn thể, tài liệu tuyên truyền nên đa dạng, nên có tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc.

- Tiếp tục và mở rộng công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng theo phương pháp Methadone. Thành lập các đội công tác xã hội tình nguyện, câu lạc bộ để tiếp cận, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng có cuộc sống ổn định, hòa nhập cộng đồng.

- Tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, xử lý vi phạm. Đề nghị các tỉnh bố trí ngân sách hợp lý bảo đảm cho công tác phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh; các bộ, ngành ở Trung ương bố trí kinh phí trong Chương trình mục tiêu cho những tỉnh trọng điểm như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

- Cần đẩy mạnh nâng cao năng lực cho các nhân viên tiếp cận cộng đồng, để đội ngũ này đóng góp trong việc thực hiện thành công các mục tiêu 90-90-90 về phòng, chống HIV/AIDS.

- Giảm kỳ thị, xét nghiệm sớm HIV được coi là biện pháp phòng, chống HIV/AIDS quan trọng.

Hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 đối với cộng đồng vùng cao, biên giới phía Bắc

Để đạt được mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, một số giải pháp mang lại hiệu quả:

Xét nghiệm HIV/AIDS đến với cộng đồng vùng cao, biên giới. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 1.000 cơ sở y tế có khả năng xét nghiệm sàng lọc HIV. Với kỹ thuật ngày càng đơn giản, người dân có nhu cầu xét nghiệm HIV có thể tự thực hiện qua lấy máu đầu ngón tay để xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm bằng dịch miệng… Trái với những lo lắng ban đầu, lo ngại người dân không muốn xét nghiệm, điều trị HIV ngay tại địa bàn mình đang sinh sống, trên thực tế kể từ khi triển khai đến nay, hầu hết người bệnh đã đưa ra những phản hồi tích cực về mô hình này. Mô hình giúp đưa chương trình xét nghiệm HIV/AIDS, các dịch vụ dự phòng, chăm sóc tới cộng đồng, đặc biệt là ở tuyến xã vùng sâu, vùng xa, nơi kinh tế khó khăn. Qua đó, các cơ sở y tế sớm phát hiện, tư vấn và điều trị kịp thời cho người bệnh.

Các tổ chức cộng đồng cần tham gia vào việc xét nghiệm HIV không chuyên tại cộng đồng. Cách thức xét nghiệm này có chế độ bảo mật thông tin, dễ tư vấn, tiếp cận, do các nhóm đồng đẳng tiếp cận đã có mạng lưới sẵn và không kỳ thị, phân biệt đối xử nên công tác tư vấn thuận lợi hơn, giúp giảm chi phí đầu tư trang thiết bị.

Mặc dù các nhà tài trợ quốc tế cho lĩnh vực phòng, chống HIV tại Việt Nam đang rút dần và giảm dần tài trợ, nhưng Ủy ban về các vấn đề xã hội đã có những giải pháp bảo đảm duy trì tính bền vững của chương trình phòng, chống AIDS: Tiếp tục vận động hỗ trợ tại các địa bàn khó khăn như các tỉnh vùng núi phía Bắc (Điện Biên, Lào Cai, Sơn La, Lai Châu,…) vì đây là những địa phương có tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS rất cao, cũng là những nơi kinh tế khó khăn; hỗ trợ trong công tác điều trị lây truyền từ mẹ sang con hay những đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương; xã hội hóa trong việc phòng, chống HIV/AIDS, Quỹ Bảo hiểm y tế lo vấn đề chi trả thuốc; tiếp tục giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ miễn phí cho các dự án phòng, chống HIV/AIDS.

Các bệnh viện tuyến huyện, trạm y tế xã, các phòng khám đa khoa khu vực có thể dùng là nơi cung cấp điều trị bằng methadone. Điển hình là tỉnh Điện Biên, tổ chức việc cai nghiện bằng cách dùng hệ thống cán bộ y tế của tỉnh, hỗ trợ lương cho cán bộ, hỗ trợ cho việc sửa sang các cơ sở y tế làm phòng cấp phát thuốc, từ việc giám sát, hướng dẫn đến việc triển khai thực hiện.

Kiểm soát tốt người nhiễm HIV/AIDS thực sự là xây dựng một xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc. Ngoài việc ngăn chặn có hiệu quả việc lây lan do HIV, toàn xã hội kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tận gốc tệ nạn mại dâm, ma túy. Bởi vì tệ nạn mại dâm, ma túy là con đường nhanh nhất dẫn đến mắc phải căn bệnh HIV. Khi một xã hội lành mạnh không có tệ nạn xã hội thì tất nhiên sẽ không còn tồn tại HIV/AIDS. Như vậy, quyền con người sẽ được bảo đảm tốt hơn khi nhận thức có sự thay đổi, thái độ và hành vi từ lãnh đạo các cấp đến các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và mọi tầng lớp nhân dân không có sự kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV mà tập trung chăm sóc, hỗ trợ, điều trị dự phòng lây nhiễm HIVcho mọi người. Đó thực sự là những hành động cụ thể, thiết thực nhằm bảo vệ quyền con người đối phó với đại dịch HIV/AIDS./.

--------------------

(1) Lào Cai đẩy mạnh phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, http://laocaitv.vn, ngày 30-3-2018

(2) HIV/AIDS bủa vây vùng cao: Những con số báo động, http://nld.com.vn, ngày 03-9-2018

(3) Tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La năm 2016, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2017, http://sonla.gov.vn, ngày 29-12-2016

(4) Lai Châu: Tích cực phòng, chống HIV/AIDS ở nhóm nguy cơ cao, http://www.laichau.gov.vn, ngày 04-9-2018