Đầu tư phát triển y tế cơ sở để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân

Trần Thị Hoa Lê*, Ngô Quyền** *Học viện Báo chí và Tuyên truyền, **HĐND tỉnh Lào Cai
09:01, ngày 29-09-2018
TCCSĐT - Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII xác định: Y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng nhằm hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm y tế toàn dân... Những hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh chưa đáp ứng yêu cầu, nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo… khiến cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu.

Vì vậy, cần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để mạng lưới y tế cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe nhân dân, quản lý sức khỏe đến từng người dân; thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm tại cơ sở…

Mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp

Mạng lưới y tế cơ sở ở nước ta hiện nay bao gồm: Y tế thôn, bản, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã, là tuyến y tế ban đầu, gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản với chi phí thấp nhất và hiệu quả nhất. Mạng lưới y tế cơ sở, nhất là tuyến xã đóng vai trò quan trọng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đây là tuyến y tế làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh; triển khai các dịch vụ khám, chữa bệnh cơ bản; quản lý sức khỏe cho mỗi người dân, giúp cho việc chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh của người dân được thuận tiện và giảm bớt chi phí.

 
 Bộ trưởng Bô Y tế phát biểu tại Hội nghị nâng cao chất lượng Trạm Y tế xã, phường.

Mạng lưới y tế cơ sở ngày càng có vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, thực hiện các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, các chương trình mục tiêu về y tế, nhất là việc khám, chữa bệnh cho người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo - là những khu vực điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, tỷ lệ người nghèo cao, lại ở xa các bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương.

Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở ở Việt Nam đã được củng cố, phát triển, trở thành mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản…

Đặc biệt tại Hà Nôi, hệ thống y tế cơ sở đã được thành phố quan tâm đầu tư, đạt được nhiều kết quả. Trong 10 năm sáp nhập địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, kết quả nổi bật mà ngành Y tế Hà Nội đạt được trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân là công tác quy hoạch và phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Hệ thống y tế cơ sở Hà Nội ngày càng được củng cố, tăng cường và đổi mới, chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân ngày càng cao, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống người dân khu vực ngoại thành.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, từ năm 2008 đến hết 2017, thành phố Hà Nội có 24 bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện ở khu vực ngoại thành được xây dựng mới với tổng kinh phí 1.282 tỷ đồng; tổng kinh phí đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở của thành phố trên 2.135 tỷ đồng.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở, từ năm 2008 đến nay, thành phố đã đầu tư kinh phí để xây dựng các trạm y tế thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã; xây mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng theo đúng mẫu thiết kế của Bộ Y tế cho 202 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Riêng năm 2017, thành phố, các huyện đã đầu tư xây dựng với kinh phí trên 150 tỷ đồng cho 23 xã chưa đạt chuẩn để đảm bảo 100% các xã có cơ sở vật chất trạm y tế đảm bảo. Kết quả của sự đầu tư trên thể hiện rõ nhất qua số lượt khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến huyện ngày càng tăng, công suất sử dụng giường bệnh đều trên 100%...

Các bệnh viện đa khoa tuyến huyện của Hà Nội đã đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh thông thường của nhân dân trên địa bàn, nhiều bệnh viện thực hiện được kỹ thuật vượt tuyến, kỹ thuật cao. Hiện nay, 100% bệnh viện huyện đã thực hiện mổ nội soi, nhiều bệnh viện thực hiện được mổ sọ não… Nhờ đó, số bệnh nhân nội trú vượt tuyến, chuyển tuyến lên tuyến trên có xu hướng giảm đáng kể.

Nhờ có mạng lưới y tế cơ sở rộng khắp, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cơ bản được triển khai có hiệu quả, sâu rộng như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, khám chữa bệnh thông thường... Nhiều trạm y tế xã bước đầu đã triển khai có hiệu quả việc quản lý, điều trị một số bệnh mãn tính không lây (tăng huyết áp, tiểu đường, tim mạch), một số loại bệnh truyền nhiễm (lao, HIV/AIDS) và phục hồi chức năng.

 
 Đa số các Trạm Y tế xã có vườn cây thuốc nam, chữa các bệnh thông thường.

Trước năm 2008, các trạm y tế xã chưa thực hiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, chỉ thực hiện khám chữa bệnh ban đầu và khám cấp thuốc cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đến nay, 100% trạm y tế xã đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Các trạm y tế xã đã thu hút được người bệnh đến khám tại trạm, có trạm trung bình có đến 30 - 50 bệnh nhân/ngày.

Ngoài ra, tất cả các chương trình y tế theo định hướng của Bộ Y tế đều được triển khai đảm bảo đúng tiến độ. Các chỉ tiêu chuyên môn từng chương trình đạt và vượt mức thành phố giao. Trong công tác phòng chống dịch, các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã luôn chủ động giám sát phát hiện sớm ca bệnh tại cộng đồng, không để xảy ra ổ dịch lớn. Tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng đầy đủ đạt trên 95%.

Còn nhiều hạn chế, bất cập

Trước những yêu cầu trong giai đoạn mới, y tế cơ sở đang đứng trước đòi hỏi phải đổi mới toàn diện để phát huy vai trò quan trọng của mình trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Mặc dù được quan tâm dành nhiều nguồn lực đầu tư trong suốt thời gian qua, song y tế cơ sở vẫn tồn tại nhiều bất cập chưa được giải quyết, trong đó khó khăn lớn nhất là về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, cơ chế chính sách và phát triển nguồn nhân lực đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Trên thực tế, người dân đến với y tế cơ sở để được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được tư vấn về sức khỏe chiếm tỷ lệ thấp. Có nhiều nguyên nhân, mà nguyên nhân trực tiếp là "chất lượng dịch vụ", "lòng tin của người dân" và nguyên nhân gián tiếp phải nói tới cơ chế, chính sách và đầu tư. Cơ chế, chính sách chưa thật sự tạo điều kiện cho y tế cơ sở phát huy khả năng và tiềm năng, điều đó dẫn tới người dân sẽ lại tiếp tục vượt tuyến, chịu chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe, các bệnh viện tuyến trên tiếp tục quá tải và sự hài lòng sẽ khó được cải thiện.

Nhiều trạm y tế luôn trong cảnh vắng vẻ, đìu hiu, người dân đến khám bệnh rất thưa thớt. Vẫn còn tình trạng người dân thiếu tin tưởng đối với tuyến y tế cơ sở, nhiều người cho rằng, trạm y tế xã, phường “không có thì thiếu, có thì thừa”. Bên cạnh những trạm y tế khang trang vẫn còn nhiều trạm y tế phường, xã chật hẹp, xập xệ, ẩn sâu trong các ngõ ngách… Trạm y tế thiếu trang thiết bị, không có phòng chuyên khoa. Dó đó bệnh nhân chủ yếu sau khi đã có bệnh án, đơn thuốc thì mang về trạm điều trị hoặc chỉ đến trạm để xin giấy khám sức khỏe hoàn thiện hồ sơ xin việc…

Tiếp tục đầu tư phát triển y tế cơ sở

Tiếp tục đầu tư, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở là để bảo đảm cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện, giúp mọi người dân dễ dàng tiếp cận được các dịch vụ y tế ít tốn kém. Đây là yếu tố cơ bản, có tính quyết định tiến tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Ðể triển khai thực hiện Nghị quyết 20-NQ/TW và Quyết định 2348/QÐ-TTg ngày 05-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Ðề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành Chương trình hành động; hướng dẫn triển khai mô hình điểm tại 26 trạm y tế xã thuộc tám tỉnh, thành phố để các trạm y tế đến học tập kinh nghiệm; ban hành Quyết định về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, xây dựng kế hoạch theo dõi sức khỏe cá nhân đến từng người dân; triển khai phần mềm quản lý công tác tiêm chủng... Ðồng thời, đề nghị các địa phương đẩy nhanh việc hoàn thiện mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho tuyến huyện. Tháng 10-2017, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 39/2017/TT-BYT về gói dịch vụ y tế cơ bản để khuyến khích người dân đến khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe tại trạm y tế xã. Ðồng thời, thực hiện đẩy mạnh việc quản lý sức khỏe, theo dõi các bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã, phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ở khu vực đô thị để nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở.

Tại Hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở” do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, y tế cơ sở hiện nay vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức về chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nói chung và cho người có thẻ bảo hiểm y tế nói riêng. Nguyên nhân là do những hạn chế về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, các dịch vụ chuyên môn trong khám chữa bệnh còn hạn chế, nguồn kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế cho trạm y tế tuyến xã chưa đảm bảo… Những hạn chế trên khiến cho chất lượng khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu và làm cho người dân chưa tin tưởng dẫn đến chuyển lên các tuyến trên để khám chữa bệnh, gây tốn kém về thời gian, tiền bạc, công sức và các chi phí xã hội khác.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo đó, ngành y tế cần tiếp tục thực hiện đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, đồng bộ, hướng tới "bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân", bảo đảm để tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng khi cần. Trước hết, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và chức năng, nhiệm vụ của y tế cơ sở, tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để nâng cao chất lượng của y tế cơ sở. Cụ thể: Ðưa trạm y tế thuộc trung tâm y tế huyện để luân phiên cán bộ từ huyện xuống và từ xã lên, bồi dưỡng cán bộ tuyến dưới để nâng cao kỹ thuật chuyên môn, được tiếp cận với mô hình bệnh tật, nhu cầu của người dân. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối, bắt đầu từ chương trình tiêm chủng mở rộng, bà mẹ và trẻ em, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho đến quản lý sức khỏe người dân. Tiến tới thực hiện mục tiêu quản lý sức khỏe toàn diện cho từng người dân. Người dân cần được khám sức khỏe định kỳ chứ không chỉ khám bệnh khi ốm đau; phải được khám sàng lọc để phát hiện sớm nguy cơ, mầm mống bệnh tật, điều trị kịp thời nhằm giảm thấp nhất chi phí điều trị; phải được tư vấn về sức khỏe, dinh dưỡng, phòng bệnh, nâng cao sức khỏe…

Về tổ chức, hoạt động, tiếp tục sắp xếp các trung tâm y tế và bệnh viện tuyến huyện thành trung tâm y tế đa chức năng, thực hiện cả nhiệm vụ phòng bệnh, chữa bệnh, dân số, an toàn thực phẩm, trực tiếp quản lý trạm y tế xã nhằm giảm đầu mối, nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế tuyến huyện. Ðổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của trạm y tế xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe. Giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ trạm y tế xã làm những việc theo Danh mục các dịch vụ kỹ thuật tuyến cơ sở bắt buộc phải thực hiện. Quản lý các bệnh mạn tính, bệnh không lây nhiễm tại trạm y tế xã; nâng cao năng lực phát hiện, sàng lọc, kịp thời chuyển người bệnh lên tuyến trên và tiếp nhận, theo dõi, điều trị người bệnh từ tuyến trên chuyển về. Phát triển các phòng khám bác sĩ gia đình tại nơi có điều kiện để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Đổi mới cơ chế tài chính, phương thức chi trả cho y tế cơ sở, bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng, tăng tỷ trọng chi bảo hiểm y tế, huy động các nguồn vốn ODA, tư nhân, xã hội hóa cho y tế cơ sở. Ban hành và cập nhật gói dịch vụ y tế cơ bản phù hợp với khả năng chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại; xây dựng các quy trình chuyên môn, hướng dẫn điều trị; tiếp tục đào tạo theo địa chỉ để đào tạo nhân lực cho y tế cơ sở các vùng khó khăn; xây dựng và trình ban hành các chính sách ưu đãi cho nhân viên y tế cơ sở, nhất là tại vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Rà soát, phân loại các trạm y tế xã để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ở từng vùng miền, khu vực; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo.

Ngành y tế cần phát huy được những thành tựu đã đạt được, tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng mạng lưới y tế cơ sở vững mạnh toàn diện để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân./.