Xu thế già hóa dân số ở nước ta hiện nay và yêu cầu nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi
Đúng như Nghị quyết số 21 nhận định: Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Nghị quyết đề ra mục tiêu cho công tác dân số thời gian tới phấn đấu tuổi thọ bình quân người dân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám, chữa bệnh, được chăm sóc tại gia đình, cộng đồng và các cơ sở chăm sóc tập trung.
Già hóa dân số và vấn đề đặt ra
Người cao tuổi chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu dân số nước ta và là một trong những nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, cần được bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn diện. Là một nước có thu nhập trung bình thấp nhưng Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Chúng ta đang trong giai đoạn cuối của thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước đầu vào giai đoạn già hóa và cần phải có kế hoạch để ứng phó với việc già hóa dân số. Việt Nam nằm trong số 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%.
Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (đã đạt mức 73,4 tuổi) đang tăng lên. Đây là kết quả của phát triển kinh tế - xã hội, của những cải thiện về đời sống vật chất, tinh thần, cũng như công tác dân số, chăm sóc y tế. Trong điều kiện vừa thoát khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp, chuyển sang nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, thực trạng già hóa dân số đang đặt ra nhiều thách thức lớn không chỉ liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội nói chung.
Với mức sinh được dự đoán ổn định trong thời gian tới và với tốc độ già hóa dân số nhanh như hiện tại, sự chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng già hóa, tăng tỷ lệ người cao tuổi sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động, giải quyết việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng... đặt ra những thách thức mới trong phát triển kinh tế - xã hội và nếu không được quan tâm giải quyết sẽ tạo ra những hệ quả không chỉ đối với chất lượng dân số mà cả sự phát triển nói chung.
Những khó khăn trong cuộc sống của người cao tuổi nước ta
Thu nhập của người cao tuổi thấp, không ổn định
Chiếm tỷ lệ trên 11% dân số nhưng phần lớn người cao tuổi có cuộc sống khó khăn, thu nhập thấp, không ổn định hoặc không có thu nhập, sống phụ thuộc vào con, cháu, người thân. Đời sống người cao tuổi nhìn chung, còn rất khó khăn. Theo số liệu của Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 65,7% người cao tuổi sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, thu nhập thấp và bấp bênh. Hơn nữa, vì không còn sức khỏe để lao động nên đa số phải sống phụ thuộc. Khu vực có tỷ lệ người cao tuổi đông nhất là Đồng bằng sông Hồng, chiếm tỷ lệ 28% và thấp nhất là khu vực Tây Nguyên, chỉ có 4%. Trong số người cao tuổi tại Việt Nam, chỉ có khoảng 27% là có lương hưu và thu nhập ổn định, còn lại, 73% không có lương hưu, đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống và phải sống phụ thuộc vào con cái. Số người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội rất thấp nên nhiều người cao tuổi sức khỏe kém vẫn phải tự lao động và kiếm sống hàng ngày. Vì vậy, đời sống của người cao tuổi, nhất là ở vùng nông thôn còn rất khó khăn, vất vả, tỷ lệ người nghèo ở người cao tuổi là 23,5%.
Sức khỏe người cao tuổi có nhiều vấn đề
Mặc dù có tuổi thọ trung bình khá cao nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của người cao tuổi ở nước ta (giai đoạn sống tích cực) lại khá thấp (chỉ khoảng 64 tuổi); đặc biệt, có 67,2% người cao tuổi có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, nhiều người mắc bệnh nan y… Khoảng 95% người cao tuổi có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền, trung bình 1 người cao tuổi Việt Nam mắc 3 bệnh. Chỉ có khoảng 60% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế. Gánh nặng bệnh tật kép ở người cao tuổi đòi hỏi Nhà nước, cộng đồng và gia đình phải đầu tư nguồn ngân sách đáng kể cho công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc y tế cho người cao tuổi. Trong khi đó ở nước ta, hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhất là chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi chưa đáp được nhu cầu ngày càng tăng của người cao tuổi. Nguồn vốn ngân sách nhà nước vốn đã eo hẹp của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi không thể đáp ứng nhu cầu đầu tư cho công tác chăm sóc y tế cho người cao tuổi.
Hệ thống các cơ sở chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ở nước ta còn khá nghèo nàn, nhiều khó khăn, thách thức. Theo thống kê, cả nước chỉ có 49/63 tỉnh có khoa lão khoa tại các bệnh viện đa khoa tỉnh hoặc bệnh viện lão khoa. Cả nước hiện có 106 khoa lão khoa được thành lập tại bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố và bệnh viện trung ương; hơn 900 khoa khám bệnh có buồng riêng cho người cao tuổi; trên 10.000 giường điều trị nội trú ưu tiên cho người cao tuổi và có 1.791 nhân viên y tế được đào tạo về lão khoa. Có tới 72,3% số người cao tuổi sống cùng với con cháu, trong khi đó xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng người cao tuổi sống không có vợ, chồng chiếm tỷ lệ cao, trong đó số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông. Phụ nữ cao tuổi ly hôn, ly thân có tỷ lệ cao gấp 2,2 lần so với nam giới. Đã cao tuổi, già yếu, ít thu nhập lại phải sống một mình là điều rất khó khăn đối với người cao tuổi bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi người khi về già…
Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người cao tuổi; chưa có hệ thống chăm sóc dài hạn và hệ thống cung ứng việc làm cũng như chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; một bộ phận xã hội còn quan niệm sai lệch về người cao tuổi; vai trò của các tổ thức dân sự, đoàn thể, cá nhân chưa thực sự được phát huy… cũng là những khó khăn, thách thức đối với chất lượng sống của người cao tuổi.
Chăm sóc y tế để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi
Chăm sóc y tế là nội dung quan trọng nhất đối với đa số người cao tuổi. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Y tế đã xây dựng “Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017 - 2025”. Đề án được triển khai trên toàn quốc tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên các tỉnh thành phố có tỷ lệ người cao tuổi cao, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa có nhiều người cao tuổi gặp khó khăn hoặc người cao tuổi là người dân tộc thiểu số.
Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tập trung vào các hoạt động tăng cường truyền thông giáo dục thay đổi hành vi nâng cao nhận thức, tạo môi trường xã hội đồng thuận tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; xây dựng, phát triển phong trào chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; củng cố, hoàn thiện hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở bao gồm cả trạm y tế xã, phường, thị trấn trong thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi; nâng cao năng lực cho các khoa lão của bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trừ bệnh viện chuyên khoa nhi) thực hiện khám chữa bệnh cho người cao tuổi. Xây dựng và phổ biến mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi; xây dựng và duy trì hoạt động của đội ngũ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại gia đình; thực hiện thí điểm xã hội hóa chăm sóc y tế cho người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc tập trung; phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… Xây dựng hệ thống mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe ban đầu để dự phòng các bệnh không lây nhiễm; tăng cường phối hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Đề án cũng đề ra yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm đến chính sách bảo hiểm y tế, dự báo chi phí chăm sóc sức khỏe trong tương lai đối với người cao tuổi; phân bổ nhân lực để thực hiện cung ứng dịch vụ dự phòng các bệnh mãn tính ở tuyến y tế cơ sở, trong cộng đồng, nhân lực đáp ứng nhu cầu quản lý bệnh không lây nhiễm ở giai đoạn bệnh tiến triển…
Chăm sóc y tế là điều quan trọng nhất đối với người cao tuổi. Bệnh tật ở người cao tuổi chủ yếu là bệnh không lây nhiễm và mãn tính nên chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Hơn nữa, người cao tuổi còn có những yêu cầu khác biệt, đặc thù về chăm sóc sức khỏe so với các nhóm tuổi khác. Bệnh lý của người cao tuổi có những đặc điểm khác với các lứa tuổi khác như lão hóa các cơ quan, tính chất đa bệnh lý, các hội chứng đặc trưng ở người cao tuổi; sử dụng nhiều thuốc, tình trạng phụ thuộc; tăng nguy cơ tai biến. Bệnh nhân cao tuổi thường có các hội chứng lão khoa đặc trưng (như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, rối loạn vận động, suy dinh dưỡng, giảm hoạt động chức năng, lú lẫn, trầm cảm, loét, mất nước) có nguy cơ tai biến điều trị cao… Đối với nhiều loại bệnh, sau khi được điều trị, các bệnh nhân có nguy cơ cao dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoàn toàn về thể chất và tâm thần, rất khó hồi phục. Vì vậy, ngành y tế cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, đáp ứng đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp (tại các cơ sở y tế, tại nhà…); đồng thời, phối hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng. Trong đó, việc thành lập khoa lão khoa trong các bệnh viện sẽ giúp người cao tuổi được chăm sóc một cách chuyên nghiệp, toàn diện và liên tục. Nhà nước, gia đình và xã hội quan tâm, nhất là cấp phát, miễn giảm phí bảo hiểm y tế để tỷ lệ người cao tuổi có bảo hiểm y tế tiến đến mục tiêu 100%.
Thời gian qua, bên cạnh công tác khám chữa bệnh, số người cao tuổi được phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ngày càng cao, đạt trên 213.000 lượt; được khám chữa bệnh tại nhà là gần 80.000 lượt; người cao tuổi khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là gần 8 triệu lượt. Qua khám chữa bệnh phát hiện trên 1 triệu lượt người cao tuổi có bệnh mạn tính không lây nhiễm…
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác khám, chữa bệnh cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, khó khăn, thách thức. Nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí thực hiện chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi như khám sức khỏe định kỳ do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để thành lập khoa lão còn thiếu; bác sỹ, điều dưỡng học về chuyên ngành lão khoa còn thiếu nên chưa tư vấn, tuyên truyền và phổ biến kiến thức phòng và chữa bệnh cho người cao tuổi tại cộng đồng…
Với tốc độ già hóa dân số như hiện nay, ngành y tế cần có cơ chế, chính sách cũng như chương trình mở rộng mạng lưới các cơ sở y tế, tăng cường trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu cho công tác khám, chữa bệnh và điều trị cho người cao tuổi. Nhà nước cũng cần có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của doanh nghiệp, của xã hội trong đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, khuyến khích tạo việc làm phù hợp cho người cao tuổi, để người cao tuổi vừa có thu nhập cải thiện đời sống, vừa được chăm sóc y tế khi bệnh tật, ốm đau, bảo đảm chất lượng sống cho người cao tuổi./.
Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 03 đến ngày 09-9-2018  (10/09/2018)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 03 đến 09-9-2018)  (10/09/2018)
Khai mạc Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội  (10/09/2018)
Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng 4.0  (10/09/2018)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2018  (10/09/2018)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
Những vấn đề môi trường cấp bách hiện nay: Thực trạng và giải pháp