Phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay
TCCS - Theo quan điểm duy vật lịch sử, quần chúng nhân dân là chủ thể sáng tạo ra lịch sử, là lực lượng quyết định tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại cũng như lịch sử các dân tộc, trong đó có Việt Nam. Đó cũng là tư tưởng của cha ông ta. Vì vậy, bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng đắn, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, việc phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, nhất là sức mạnh của nhân dân trong công tác đối ngoại, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong mọi hoàn cảnh.
Đôi điều về chính sách đối ngoại, ngoại giao
Chính sách đối ngoại là tổng thể chủ trương, chiến lược, sách lược, quyết định và những biện pháp do Nhà nước hoạch định và thực thi trong quan hệ với các chủ thể khác nhau trên trường quốc tế, trong từng thời kỳ lịch sử, trên cơ sở lợi ích quốc gia - dân tộc, phù hợp với xu thế phát triển của tình hình thế giới và luật pháp quốc tế. Chính sách đối ngoại là “cánh tay nối dài” của chính sách đối nội, xuất phát từ chế độ kinh tế, chính trị - xã hội của một quốc gia phục vụ chính sách đối nội; đồng thời, chính sách đối ngoại có tính độc lập nhất định và tác động trở lại đối với chính sách đối nội. Chính sách đối ngoại của bất kỳ quốc gia nào cũng bao hàm ba mục tiêu cơ bản là an ninh, phát triển và ảnh hưởng. Mục tiêu an ninh góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ. Mục tiêu phát triển nhằm tranh thủ nguồn lực bên ngoài và tạo dựng điều kiện quốc tế thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Mục tiêu ảnh hưởng góp phần nâng cao vị thế quốc gia, phát huy tầm ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế. Ba mục tiêu này gắn kết với nhau mật thiết, không thể tách rời và phản ánh một cách tổng thể, toàn diện lợi ích quốc gia - dân tộc. Những mục tiêu trên là bất biến, song nội dung cụ thể, nhất là phương pháp tiến hành để đạt được mục tiêu chuyển hóa theo thời gian và linh hoạt tùy thuộc vào diễn biến của lịch sử(1).
Để triển khai chính sách đối ngoại cần có các công cụ và biện pháp. Biện pháp đối ngoại là một hệ thống hoạt động trong quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực và ở nhiều mức độ, cấp độ khác nhau (song phương, đa phương) để thực hiện chính sách đối ngoại phù hợp với lợi ích quốc gia(2). Các biện pháp đối ngoại được thực hiện thông qua các công cụ ngoại giao, kinh tế, luật pháp, tuyên truyền, sức mạnh quân sự... Công cụ là hệ thống yếu tố con người và phương tiện vật chất được huy động để thực hiện chính sách đối ngoại của các chủ thể chính trị đối ngoại trong thực tiễn(3). Có nhiều công cụ chính sách đối ngoại, như ngoại giao, kinh tế, luật pháp, thông tin tuyên truyền đối ngoại và công cụ quân sự...; trong đó, công cụ ngoại giao đóng vai trò quan trọng nhất. Ngoại giao là công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của quốc gia, là tổng thể biện pháp phi quân sự, phương pháp, thủ thuật được sử dụng có tính đến điều kiện cụ thể và đặc điểm của yêu cầu, nhiệm vụ; hoạt động chính thức của người đứng đầu nhà nước, chính phủ, bộ trưởng ngoại giao, các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, các đoàn đại biểu tại các hội nghị quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ trong chính sách đối ngoại của quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích quốc gia, pháp nhân và công dân mình ở nước ngoài. Đồng thời, ngoại giao là nghệ thuật đàm phán nhằm ngăn chặn hoặc dàn xếp xung đột quốc tế, tìm cách thỏa hiệp và đưa ra giải pháp có thể được các bên chấp nhận, cũng như việc mở rộng và củng cố hợp tác quốc tế.
Những công cụ ngoại giao chủ yếu, thông dụng nhất trong thực tế là thiết lập và trao đổi đại diện ngoại giao, thư tín ngoại giao, đoàn đàm phán, ký kết điều ước quốc tế, tham dự gặp gỡ, tiếp xúc, hội nghị, hội thảo quốc tế; phát ngôn chính thức quan điểm của Nhà nước về các vấn đề quốc tế, quốc gia; thực hiện các công tác lãnh sự; cử đại diện tham gia công việc của các tổ chức, diễn đàn quốc tế, khu vực...(4). Việc lựa chọn đúng công cụ ngoại giao là nghệ thuật của người làm chính sách. Công cụ ngoại giao không thay thế chính sách ngoại giao, chính sách ngoại giao quy định sử dụng công cụ ngoại giao. Ngoại giao bao gồm cả nghĩa hẹp và nghĩa rộng. Theo nghĩa rộng, ngoại giao là công cụ chính sách đối ngoại. Theo nghĩa hẹp, ngoại giao là đàm phán. Chính phủ lãnh đạo hoạt động ngoại giao của quốc gia, trước hết và trực tiếp là Bộ Ngoại giao; ngoại giao ở bất cứ quốc gia nào đều mang tính giai cấp. Như vậy, chính sách đối ngoại và ngoại giao là hai mặt của vấn đề, liên quan chặt chẽ với nhau, không thể tách rời. Chính sách đối ngoại đề ra chủ trương, nhiệm vụ trong quan hệ với các chủ thể khác nhau trên vũ đài quốc tế, còn ngoại giao là công cụ thực thi chính sách đối ngoại. Do đó, thực chất đây là hai từ đồng nghĩa.
Về hoạch định chính sách đối ngoại: Chính sách đối ngoại là chính sách công, do Nhà nước hoạch định và triển khai. Chính sách đối ngoại bao gồm tập hợp hai vấn đề lớn, đó là chiến lược chính sách đối ngoại và chính trị chính sách đối ngoại. Để hoạch định chính sách đối ngoại phải tính đến nhiều nhân tố khác nhau, có nhân tố ít thay đổi, song có nhân tố thường biến động. Có thể kể đến các nhân tố, như địa - chính trị, sức mạnh tổng hợp quốc gia, chính trị nội bộ, văn hóa, tình hình quốc tế và khu vực, trong đó đáng chú ý là cục diện thế giới, trật tự thế giới và lợi ích quốc gia - dân tộc... Trong các nhân tố hoạch định chính sách đối ngoại, lợi ích quốc gia - dân tộc đóng vai trò quan trọng nhất, là hòn đá tảng. Lợi ích quốc gia - dân tộc là khái niệm khái quát hóa cao những nhu cầu sống còn của quốc gia. Đó là sự tự bảo vệ, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quân sự và thịnh vượng kinh tế”(5), được lãnh đạo mỗi quốc gia nhận thức dưới dạng mục tiêu chiến lược an ninh, chiến lược đối ngoại trong mỗi giai đoạn lịch sử nhất định. Tháng 3-1848, Thủ tướng Anh Hen-ry Pan-mơ-xtơn (Henry Palmerston) từng có một phát biểu kinh điển về lợi ích quốc gia tại Hạ viện Anh: “Nước Anh không có bạn bè vĩnh viễn cũng không có kẻ thù vĩnh viễn; nước Anh chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn và nhiệm vụ của chúng ta là theo đuổi những lợi ích đó”(6). Năm 1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, ngoại giao “phải luôn luôn vì lợi ích dân tộc mà phục vụ”(7). Đại hội XI (năm 2011) của Đảng lần đầu tiên nhấn mạnh, lợi ích quốc gia - dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất của chính sách đối ngoại Việt Nam(8). Tư tưởng đó được Đại hội XII (tháng 1-2016) và Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng tiếp tục khẳng định.
Lợi ích quốc gia - dân tộc được phân loại theo tiêu chí nội dung hay theo tầm quan trọng của lợi ích quốc gia - dân tộc, hoặc theo thời gian... Theo tiêu chí nội dung, lợi ích chính trị - an ninh của mỗi quốc gia bao gồm bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ, sự an toàn của thể chế hợp hiến, an toàn của nhân dân, vị trí, vai trò trong nền chính trị thế giới. Lợi ích kinh tế của mỗi quốc gia là phát triển kinh tế đem lại thịnh vượng cho quốc gia, nhân dân. Lợi ích văn hóa - xã hội của mỗi quốc gia là bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc; mức độ bình đẳng giữa các dân tộc, nhóm xã hội; chất lượng cuộc sống, trình độ dân chủ và tự do của công dân. Theo tiêu chí tầm quan trọng, có thể chia lợi ích quốc gia - dân tộc thành ba nhóm chính sau: 1- Lợi ích sống còn là những lợi ích liên quan đến sự tồn vong, an ninh và khả năng sinh tồn của quốc gia; 2- Lợi ích rất quan trọng là những lợi ích ảnh hưởng đến sự phồn vinh của đất nước, đến đặc điểm của thế giới; là sự tôn trọng cam kết quốc tế, bao gồm an ninh và thịnh vượng của các đồng minh và bạn bè; ngăn chặn sự thống trị của kẻ thù đối với những khu vực quan trọng; 3- Lợi ích thông thường là những lợi ích góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế và những vấn đề nhân đạo, là khả năng tồn tại, phát triển bền vững và sức sản xuất của nền kinh tế toàn cầu; an ninh của vùng biển, vùng trời, không gian. Theo tiêu chí thời gian, lợi ích quốc gia - dân tộc được chia thành các nhóm lợi ích, như lợi ích lâu dài, lợi ích ngắn hạn, lợi ích trước mắt...
Để hoạch định chính sách đối ngoại, các quốc gia cần xây dựng quy trình hoạch định khoa học, bao gồm phát hiện vấn đề; xác định mục tiêu, loại hình văn bản; vạch rõ phương án và lựa chọn phương án triển khai... Nếu lấy chủ thể làm tiêu chí thì hiện nay trên thế giới có ba mô hình hoạch định chính sách đối ngoại, đó là cá nhân quyết sách, tập thể quyết sách và tổ chức quyết sách. Mô hình hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam là tập thể quyết sách. Cơ quan quyết sách tối cao chính sách đối ngoại của Việt Nam là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước
Công tác đối ngoại của Nhà nước cùng với lĩnh vực quốc phòng - an ninh được gọi là “chính trị cấp cao”(9), vì liên quan đến những vấn đề quan trọng của Nhà nước, lợi ích quốc gia - dân tộc, quan hệ với quốc gia khác, đòi hỏi có tính bảo mật cao, do vậy không phải mọi người dân đều được tiếp cận. Theo đó, sự tham gia của nhân dân trong hoạt động đối ngoại của Nhà nước tương đối hạn chế, nhất là trong khâu hoạch định chính sách đối ngoại. Nhân dân tham gia hoạt động đối ngoại của đất nước trên một số mặt cụ thể sau: 1- Tham gia tích cực mọi hoạt động của đất nước, trên các lĩnh vực khác nhau, như kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh,... góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp quốc gia - nhân tố quan trọng trong hoạch định chính sách đối ngoại của quốc gia; 2- Với tư cách là cán bộ nghiên cứu, chuyên gia của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo về quốc tế trên cả nước, qua các công trình nghiên cứu khoa học về thế giới, khu vực góp phần lý giải cơ sở khoa học cho việc xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại, hoạt động ngoại giao của Đảng và Nhà nước; 3- Sự tiếp nhận, ủng hộ, đồng thuận đối với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có đường lối, chính sách đối ngoại là sức mạnh của quốc gia. Sự ủng hộ của nhân dân đối với đường lối, chính sách đối ngoại, ngoại giao của Đảng, Nhà nước là cách thức để nhân dân tham gia hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước; 4- Chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm ba trụ cột: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, trong đó hoạt động đối ngoại quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa mang tính nhà nước, vừa mang tính nhân dân sâu sắc, được triển khai đồng bộ với các trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh đối ngoại tổng hợp của quốc gia. Công chức, viên chức trong các trụ cột đối ngoại với tư cách là nghiên cứu viên, cán bộ biên, phiên dịch, lễ tân, báo chí,... trực tiếp tham gia phục vụ các hoạt động đối ngoại, góp phần làm cho các hoạt động đối ngoại thành công; 5- Nhân dân là chủ thể của đối ngoại nhân dân hay ngoại giao nhân dân - một trong các trụ cột quan trọng của đối ngoại Việt Nam. “Ngoại giao nhân dân Việt Nam là những hoạt động đối ngoại do các tổ chức chính trị - xã hội, hội nghề nghiệp, cá nhân, đại diện các tầng lớp nhân dân, tập hợp tổ chức cho các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện với vai trò điều phối của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước thực hiện mục tiêu chính sách đối ngoại, vì lợi ích quốc gia - dân tộc”(10). “Ngoại giao nhân dân thực chất là công tác dân vận, vận động các đối tượng là quần chúng nhân dân nước ta và quần chúng nhân dân các nước để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình hữu nghị và hợp tác của nước ta”(11). Ngoại giao nhân dân đóng vai trò là “cánh tay nối dài”, mặt trận đa kênh, binh chủng đặc thù, lực lượng đông đảo, giúp mở đường, tạo môi trường thuận lợi cho đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, dung hòa các nguyên tắc và hành vi ứng xử đặc thù của từng chủ thể trong thực hiện mục tiêu chính sách đối ngoại; bổ trợ, bổ sung, phối hợp linh hoạt với những trụ cột khác trên các lĩnh vực hoạt động, góp phần củng cố tình đoàn kết dân tộc, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, nâng cao dân trí, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của dân tộc; tác động đến quan hệ quốc tế, trên cơ sở đó tham mưu cho Đảng và Nhà nước trong công tác đối ngoại(12); 6- “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước”(13). Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có 5,3 triệu người sinh sống, làm việc tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 80% là ở các nước phát triển(14). Đây là lực lượng đặc biệt của binh chủng ngoại giao nhân dân, là cầu nối trong quan hệ của Việt Nam với thế giới. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một trọng tâm trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; 7- Từ tháng 6-2014, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, Việt Nam bắt đầu tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc tại các phái bộ Liên hợp quốc ở Cộng hòa Trung Phi, Nam Xu-đăng và trụ sở Liên hợp quốc. Tính đến nay, Việt Nam đã cử 533 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là hoạt động ngoại giao quân sự hiệu quả, thể hiện sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại.
Những vấn đề mới trong phát huy sức mạnh nhân dân
Một số nhân tố tác động
Thứ nhất, trong quá trình đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam nhận thức ngày càng rõ vai trò của dân chủ và hết sức quan tâm xây dựng thiết chế, hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế và chính sách để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân. Quá trình dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội đã tạo động lực to lớn cho sự nghiệp đổi mới. Quyền làm chủ của nhân dân đã từng bước được luật hóa. Các văn kiện của Đảng đều khẳng định, việc pháp lý hóa quyền công dân và xác lập thiết chế, thể chế hữu hiệu để thực thi chính là nội dung quan trọng của tiến trình dân chủ hóa. Cùng với tiến trình đổi mới, quá trình dân chủ hóa đã diễn ra trong mọi lĩnh vực của đất nước.
Việc đổi mới chính trị được tiến hành đồng bộ với đổi mới kinh tế. Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân do Đảng lãnh đạo là nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới hệ thống chính trị... Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước..., lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm(15). Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch. Với chức năng lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao, Quốc hội có nhiệm vụ đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, phát huy dân chủ pháp quyền... tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa... Thiết lập đồng bộ, gắn kết cơ chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân(16).
Đối với người dân, quy chế dân chủ ở cơ sở và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở giúp quyền làm chủ của nhân dân được thực thi trên thực tế. Dân chủ hóa chính trị nội bộ tạo điều kiện tốt hơn, nhiều hơn cho nhân dân tham gia các công việc của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách đối ngoại.
Thứ hai, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển như vũ bão, tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tiếp tục phát triển các tiến bộ hạ tầng điện tử, máy tính và số hóa, siêu máy tính, máy tính cá nhân và internet, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hay còn gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ, như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số. Thành tựu của cách mạng khoa học - công nghệ tạo nhiều điều kiện thuận lợi để người dân tham gia các hoạt động của Nhà nước.
Thứ ba, hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hội nhập quốc tế trở nên sâu rộng hơn, phong phú, đa dạng, phức tạp hơn và vai trò của nhân dân tham gia hoạt động đối ngoại cũng nhiều hơn, tích cực hơn. Đây là thời kỳ ngoại giao toàn diện, do đó có thể khẳng định một thực tế là Trung ương làm ngoại giao, địa phương làm ngoại giao, tất cả người dân làm ngoại giao...
Nhận diện vấn đề mới trong phát huy sức mạnh nhân dân
Một là, đội ngũ đông đảo nhà nghiên cứu quốc tế tham gia tích cực hơn, nhiều hơn trong nghiên cứu các vấn đề quốc tế nhằm lý giải cơ sở khoa học cho đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về quốc tế phát triển mạnh mẽ trong cả nước, cũng như trong nhiều ban, bộ, ngành của Trung ương và địa phương. Hằng năm, hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học được xuất bản, nhiều luận án tiến sĩ về quan hệ quốc tế, quốc tế học trên cả nước được bảo vệ thành công.
Hai là, nhân dân tham gia tích cực các hoạt động ngoại giao bán chính thức. Ngoại giao bán chính thức, còn gọi là “ngoại giao kênh sau” (back channel diplomacy), là các hoạt động đối ngoại có chủ đích nhằm tác động trực tiếp đến các quốc gia khác trên cơ sở các kênh bán chính thức hoặc gián tiếp thông qua các thực thể phi nhà nước, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến quá trình hoạch định chính sách của một quốc gia”(17). Đây là ngoại giao kênh 1,5 và kênh 2. Ngoại giao kênh 1,5 là các quan chức nhà nước hoạt động với tư cách cá nhân. Ngoại giao kênh 2 là hoạt động trao đổi giữa các học giả, chuyên gia có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, song không đại diện cho quốc gia. Các hoạt động ngoại giao kênh 1,5 và kênh 2 thường mang tính chất cá nhân, với bầu không khí cởi mở để xây dựng lòng tin, thảo luận những vấn đề nhạy cảm, khó trao đổi ở kênh chính thức và hướng tới tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề khó, bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố chính trị. Trong thời gian gần đây, cùng với xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, ngoại giao không chính thức phát triển mạnh mẽ. Học viện Ngoại giao, các cơ quan nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các trường đại học,... tham gia nhiều, chủ động và tích cực vào hoạt động ngoại giao không chính thức.
Ba là, nhờ tiến bộ của khoa học - công nghệ, xu thế dân chủ hóa, thông tin về các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước đến với nhân dân nhanh hơn, nhiều hơn, do đó nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ các hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Bốn là, trong thời kỳ hội nhập quốc tế, quan hệ đối ngoại mở rộng, người dân tham gia hoạt động đối ngoại đông đảo hơn, sâu rộng hơn. Đơn cử như, thông qua tham gia các hình thức du lịch cộng đồng, du lịch tham quan di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề,... tạo dựng kênh đối ngoại hiệu quả, thu hút khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, chứng kiến sự nghiệp đổi mới thành công của Việt Nam, có thêm nhiều nhận thức tốt đẹp, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Đây chính là một trong những kết quả quan trọng của ngoại giao công chúng.
Năm là, vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được phát huy mạnh mẽ. Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam đã có mặt tại 130 nước và vùng lãnh thổ trên hầu khắp các châu lục, là những “đại sứ”, cầu nối giữa Việt Nam và các nước sở tại, góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và thế giới, đưa thế giới đến với Việt Nam và Việt Nam đến với thế giới. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những lực lượng quan trọng làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại hiệu quả.
Sáu là, Đại hội XIII (tháng 1-2021) của Đảng nhấn mạnh quan điểm: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam”(18). “Sức mạnh của đối ngoại Việt Nam được xây dựng trên cơ sở của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời kết hợp hài hòa, thống nhất giữa các trụ cột, binh chủng, lực lượng tham gia công tác đối ngoại, để từ đó kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại”(19). Với sức mạnh tinh thần này, mỗi người dân Việt Nam cần quyết tâm hoàn thành tốt nhất công việc của mình, góp phần phát triển sức mạnh tổng hợp quốc gia, phấn đấu đạt được những mục tiêu to lớn mà Đảng đã đề ra, đó là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao(20). Đó chính là cách thức gián tiếp phát huy sức mạnh nhân dân trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Trong những năm tới, dự báo tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh, phức tạp, khó lường. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, song cũng đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục tiến triển, nhưng cũng bị đe dọa bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế, chiến tranh thương mại diễn ra gay gắt(21)... Để tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của nhân dân trong công tác đối ngoại, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, Việt Nam cần ưu tiên thực hiện một số vấn đề sau: Thứ nhất, thành lập hiệp hội nghiên cứu quốc tế hoặc hội đồng đối ngoại, để tập hợp chuyên gia nghiên cứu quốc tế phối hợp, tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác đối ngoại và ngoại giao; thứ hai, có cơ chế đặc biệt để nhà nghiên cứu, chuyên gia nghiên cứu quốc tế đóng góp ý kiến đối với Đảng và Nhà nước về các vấn đề quốc tế và đối ngoại, vì đối ngoại là lĩnh vực chính trị cấp cao và hẹp, liên quan tới nhiều bí mật của Nhà nước; thứ ba, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại, nhất là đổi mới nội dung, phương thức, cũng như tư duy công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại; thứ tư, “phối hợp chặt chẽ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, hoạt động đối ngoại của Đảng và hoạt động đối ngoại nhân dân”, đồng thời “hoàn thiện cơ chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác đối ngoại”(22).
Tóm lại, trong bối cảnh mới, trước một số nhân tố mới nảy sinh, như dân chủ hóa chính trị nội bộ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu thế mở cửa và hội nhập quốc tế, việc tham gia của nhân dân vào hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước có nhiều thuận lợi, cần được tăng cường và đẩy mạnh./.
-------------------------
(1) Vũ Dương Huân: Bàn về chính sách đối ngoại: Một số vấn đề quan hệ quốc tế, chính sách đối ngoại và ngoại giao Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2018, t. 4, tr. 159
(2), (3) Học viện Báo chí và Tuyên truyền: Giáo trình Quan hệ chính trị quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, tr. 283
(4) Vũ Dương Huân: Ngoại giao và công tác ngoại giao (xuất bản lần thứ 5), Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 20
(5) Chas. W. Freeman, Jr: The Diplomat’s Dictionary (Từ điển Ngoại giao), National Defence University Press, Washinton, DC, 1994, tr. 18
(6) Xem: Michel G. Roskin: National Interest: From Abstraction to Strategy (Tạm dịch: Lợi ích quốc gia: Từ trừu tượng đến chiến lược), The US Army War College Quarterly: Parameters, Volume 24, No.1, 1994, tr. 1
(7) Học viện Quan hệ quốc tế: Bác Hồ nói về ngoại giao (Lưu hành nội bộ), Hà Nội, 1994, tr. 13
(8) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 236
(9) Ngô Phương Nghị - Nguyễn Thanh Tùng - Đào Ngọc Tuấn: Đại cương về chính trị học quốc tế, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2015, tr. 129
(10) Ngô Thị Thúy Hiền: Hoạt động ngoại giao nhân dân Việt Nam từ năm 2011 đến 2018 (Luận án tiến sĩ), Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, năm 2023
(11) Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2013, tr. 12
(12) Ngô Thị Thúy Hiền: Hoạt động ngoại giao nhân dân Việt Nam từ năm 2011 đến 2018, Tlđd, tr. 68
(13) Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26-3-2004, của Bộ Chính trị, “Về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài”, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Quyen-dan-su/Nghi-quyet-36-NQ-TW-cong-tac-nguoi-Viet-Nam-o-nuoc-ngoai-66727.aspx
(14) Kết luận số 12-KLTW, ngày 12-8-2021, của Bộ Chính trị, “Về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới”, https://thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/37234/ket-luan-cua-bo-chinh-tri-ve-cong-tac-nguoi-viet-nam-o-nuoc-ngoai
(15), (16) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 174 - 175, 176
(17) Nguyễn Hùng Sơn: Ngoại giao bán chính thức và kinh nghiệm vận động các chủ thể phi nhà nước, Bộ Ngoại giao, 2021
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 110
(19) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 28
(20) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 112
(21), (22) Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, Sđd, tr. 164 - 165, 28
Phát huy vai trò trụ cột của công tác đối ngoại nhân dân trong nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại vì lợi ích quốc gia - dân tộc  (29/11/2023)
Mức độ đan xen, gắn kết lợi ích giữa Việt Nam với một số đối tác chủ chốt trên thế giới và hàm ý chính sách trong thời gian tới  (10/11/2023)
Tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế: Thực trạng và phương hướng  (10/09/2023)
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay